Ký ức ngày giải phóng

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đồng Xoài được biết đến là vùng đất oai hùng với trận 'Đồng Xoài rực lửa chiến công' ngày 9-6-1965. Đặc biệt, Đồng Xoài cũng là vùng giải phóng sớm (26-12-1974) chuẩn bị cho Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975). Chiến tranh đã lùi xa, nhưng trong những ngày này nhắc nhớ chúng ta về trận đánh giải phóng Đồng Xoài và thắng lợi vẻ vang của quân, dân ta trong ngày 26-12-1974, cách đây tròn 45 năm để nhân lên niềm tự hào.

Trận đánh giải phóng Đồng Xoài thuộc giai đoạn 2 của Chiến dịch giải phóng đường 14 - Phước Long. Đúng 5 giờ 35 phút ngày 26-12-1974, Trung đoàn 141 cùng một số đơn vị bộ binh, pháo binh bắt đầu nổ súng tấn công, bộ đội ta nhanh chóng đánh chiếm đồn Tà Bế và các bót dân vệ phía Bắc. Bộ đội ta liên tục tổ chức đột phá chiếm từng khu vực trong Chi khu Đồng Xoài. Sau hơn 2 giờ chiến đấu, ta hoàn toàn làm chủ chi khu. Sau đó, ta diệt đồn bảo an Cầu Hai. Đến 8 giờ 30 phút, quận lỵ Đôn Luân hoàn toàn được giải phóng.

Ông Nguyễn Phương Mỹ (Ba Mỹ), nguyên Trung đội trưởng Trung đội 3 thuộc K17 kể với tác giả về trận đánh giải phóng Đồng Xoài ngày 26-12-1974

45 năm đã trôi qua nhưng đối với những cán bộ, chiến sĩ, những người trực tiếp tham gia trận đánh giải phóng Đồng Xoài thì ký ức đó chưa bao giờ phai trong tâm trí họ. Ông Nguyễn Phương Mỹ (thường gọi là Ba Mỹ), nguyên Trung đội trưởng Trung đội 3 thuộc K17 (tức Huyện đội Đồng Xoài), người đã chỉ huy trung đội phối hợp bộ đội chủ lực trực tiếp tham gia trận đánh giải phóng Đồng Xoài. Ông Mỹ nhớ lại: “Điểm quan trọng nhất là công tác bí mật trong mọi tình huống, mọi công tác chuẩn bị trong lực lượng bộ đội địa phương. Chúng tôi phải tuyệt đối giữ bí mật khi làm nhiệm vụ nắm tin tức về hoạt động của địch, dẫn đường cho trinh sát của Trung đoàn 141, cho đoàn pháo 75 ly và các đơn vị khác tham gia trận đánh. Trong quá trình chiến đấu, sau khi pháo binh của ta mở màn bắn vào trận địa Chi khu Đồng Xoài, chúng tôi có nhiệm vụ phát triển về phía Tây và Nam, cùng với lực lượng của Trung đoàn 141 để án ngữ đón đánh địch. Đúng 5 giờ 35 phút ngày 26-12-1974, các mũi tấn công của ta đồng loạt nổ súng đánh vào chi khu. đến 8 giờ 30 phút, chúng ta đã giải quyết trận địa xong, Chi khu Đồng Xoài được hoàn toàn giải phóng. Chúng tôi cùng bộ đội Trung đoàn 141 tiếp quản trận địa, đồng thời phân công một số đồng chí trong đơn vị tiếp tục cùng đội ngũ công tác sơ tán số dân là công nhân cao su đồn điền về hậu cứ của ta, bảo đảm an toàn tuyệt đối. Bên cạnh đó, bộ đội địa phương cùng bộ đội chủ lực tiếp tục truy quét địch còn lẩn trốn trong dân, trong khu vực Chi khu Đồng Xoài đề phòng địch gây thương vong cho dân”.

Nói về chi tiết đáng nhớ trong trận đánh này, ông Ba Mỹ cho rằng: “Điểm đáng nhớ nhất là sự háo hức, nóng lòng chờ đợi thời điểm giờ R đến. Vì tất cả đều đã chuẩn bị chu đáo, kỹ càng, anh em sẵn sàng với quyết tâm rất cao. Chính vì vậy khi giải phóng hoàn toàn chi khu, niềm vui hân hoan vỡ òa, anh em các mũi tấn công gặp nhau mừng rơi nước mắt. Bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương rồi cả những người dân bí mật giúp đỡ bộ đội, người dân tại các ấp chiến lược chịu sự kiềm kẹp của chi khu đều mừng vui khôn xiết”.

Do thời điểm đó, các khu vực xung quanh Đồng Xoài chưa giải phóng nên mặc dù rất hân hoan, phấn khởi nhưng nhiều người dân vẫn còn e dè, nghi ngại và sợ địch, tàn quân quay trở lại. Vì vậy, công tác dân vận, địch vận, tiếp quản, ổn định tâm lý và tuyên truyền vận động nhân dân là rất quan trọng. Bà Nguyễn Thị Lan (thường gọi là Năm Lan), nguyên cán bộ Ban tiếp quản Đồng Xoài tại thời điểm giải phóng Đồng Xoài, nhớ lại: “Nhiệm vụ chính của tôi lúc đó là vận động nhân dân sơ tán để bảo toàn tính mạng. Vì lúc đó mới giải phóng Đồng Xoài, các khu vực khác còn chưa giải phóng nên chúng tôi phải đưa bà con sơ tán theo 2 hướng là vào trong khu lô 1 và khu vực dốc Tà Bế, nhằm tránh bom địch. Lúc đó, người dân vui mừng và phấn khởi lắm, vì khi Đồng Xoài giải phóng, đài, báo cũng thông tin rất nhiều. Tuy vậy nhưng nhiều người dân vẫn băn khoăn, do mới chỉ có Đồng Xoài được giải phóng, trong khi trước đó năm 1965, quân ta cũng đã có trận chiến thắng Đồng Xoài lịch sử vào ngày 9-6, nhưng sau đó quân ta lại rút đi. Vì vậy, chúng tôi phải tuyên truyền, giải thích để người dân hiểu, yên tâm ổn định cuộc sống, tham gia cùng chính quyền khôi phục sản xuất, xây dựng quê hương”.

Bà Nguyễn Thị Lan (Năm Lan), nguyên cán bộ Ban tiếp quản Đồng Xoài sau ngày giải phóng Đồng Xoài năm 1974

45 năm trôi qua, mọi thứ đều đã thay đổi nhưng ký ức về cuộc chiến tranh và ngày vui giải phóng trong mỗi cán bộ, chiến sĩ trực tiếp tham gia trận giải phóng Đồng Xoài như còn nguyên vẹn. Nhắc đến đây, giọng ông Ba Mỹ chùng xuống, mắt nhìn về xa xăm. Ông kể: Trong trận giải phóng Đồng Xoài ngày 26-12-1974, lực lượng bộ đội địa phương của K17 có 8 đồng chí hy sinh. Đến nay, các đồng đội đã tìm và quy tập được hài cốt của 4 liệt sĩ về Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh, còn 4 liệt sĩ vẫn chưa tìm được phần mộ. Có anh em hy sinh do chính tôi và đồng đội khâm liệm an táng, ghi dấu, khi đó tôi còn ghi tên tuổi, quê quán cho vào lọ bixilin chôn cùng. Nhưng thời gian trôi qua, đến khi tìm lại thì không còn dấu. Tôi nghĩ giờ này mình có gia đình, con cái, cuộc sống hạnh phúc; còn các đồng chí hy sinh khi tuổi còn rất trẻ và chưa ai lập gia đình. Có anh em, chúng tôi tìm hiểu thì gia đình không còn ai, vì vậy có liệt sĩ đã được quy tập về Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh.

Ngày 26-12-1974 có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với đồng bào các dân tộc ở Đồng Xoài: 4.370 người dân được giải phóng khỏi 8 ấp chiến lược. Đó cũng là kết quả của sự kết hợp 3 thứ quân, 3 mũi tiến công và tinh thần cách mạng triệt để của quần chúng dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Phát huy thành quả của chiến công giải phóng Đồng Xoài, Đảng bộ và nhân dân Đồng Xoài tiếp tục cùng đồng bào cả nước góp công, góp sức vào Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Hoàng Long

Nguồn Bình Phước: http://baobinhphuoc.com.vn/content/ky-uc-ngay-giai-phong-95821