Ký ức không quên

Hơn 40 năm đã trôi qua, nhưng ký ức về những năm tháng tham gia cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây - Nam (chiến trường K) giúp Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng Pol Pot vẫn in sâu trong tâm trí cựu chiến binh Nguyễn Viết Quê ở xã Cao Đại, huyện Vĩnh Tường.

Xưởng mộc của gia đình ông Nguyễn Viết Quê tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động với thu nhập 6-7 triệu đồng/người/tháng. Ảnh: Dương Chung

Năm 1971, ông Nguyễn Viết Quê lên đường tham gia kháng chiến chống Mỹ tại Trung đoàn 95, mặt trận Tây Nguyên. Năm 1975, sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông Quê tiếp tục tham gia cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây - Nam.

Suốt quãng thời gian sau đó, ông cùng quân tình nguyện Việt Nam thực hiện nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia để truy quét tàn quân của chế độ diệt chủng Pol Pot. Ông Quê kể: "Năm 1976-1977, quân Pol Pot liên tục xâm lấn biên giới nước ta, nhiều lần chúng lấn sâu vào nội địa Việt Nam để cướp bóc, tàn sát nhân dân làng Tung, làng Bò, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai. Chúng bao vây Đồn biên phòng 23 khiến bộ đội đi lấy nước cũng phải có hỏa lực chi viện.

Trước tình hình đó, đơn vị của chúng tôi là Trung đoàn 95 do đồng chí Ma Thanh Toàn làm Trung đoàn trưởng được lệnh lên vùng Hồ Le-Cầu Lầy dưới chân dãy núi Phun-hốc để bảo vệ nhân dân vùng biên giới và giải vây cho đồn biên phòng Đức Cơ.

Ngày 24/6/1978, đơn vị đã đánh 2 căn cứ XA và XB, giải phóng khoảng 400 km vùng biên giới. Tháng 12/1978, Mặt trận dân tộc cứu nước Campuchia ra lời kêu gọi Việt Nam đánh đổ tập đoàn phản động Pol Pot Iêng-xa-ri, cứu nhân dân Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng.

Đầu tháng 12 năm 1978, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương thông qua quyết tâm mở cuộc tổng phản công-tiến công chiến lược trên tuyến biên giới Tây Nam; đồng thời sẵn sàng phương án hỗ trợ các lực lượng vũ trang yêu nước Campuchia đánh đổ tập đoàn Pol Pot-Ieng Sary, giành chính quyền về tay nhân dân.

Ngày 28/12/1978, đơn vị tôi tiến sâu theo đường 19, tiêu diệt địch ở Pokeo, tấn công các căn cứ địch ở Bumlung, Lâm phát, giải phóng thị xã Stung-Treng, sau đó vượt sông Mê Kong, giải phóng thị xã Tàbeng, đánh chiếm đỉnh cao 606, làm chủ ngôi đền huyền thoại Prechvihia, buộc quân địch phải chạy sang Thái Lan.

Vài năm sau, khi quân Pol Pot được các thế lực phản động quốc tế hỗ trợ, chúng nhiều lần tái chiếm những vùng đất chúng ta đã giải phóng, những trận chiến vô cùng ác liệt đã diễn ra ở khu vực đền Prechvihia và các điểm cao 547, 612… khiến chúng tôi gặp khó khăn về nguồn nước sinh hoạt.

Có lần, chúng tôi phải mất cả buổi mới gùi được một can nước lên đền dưới làn đạn của bọn chúng. Nhiều đồng chí đã hy sinh khi đi lấy nước sinh hoạt. Có những can nước đã hòa cả máu của quân tình nguyện Việt Nam.

Chúng tôi đã chiến đấu trong điều kiện khó khăn và khắc nghiệt, ngoài nhường lương thực, thực phẩm cho đồng bào ở vùng Đông Bắc Campuchia, thì từ tháng 3 hằng năm là thiếu nước uống, có những trận đánh kéo dài khiến nhiều đồng chí chết vì khát nước; chính tôi khi bị thương cũng suýt chết vì khát nước".

Kỷ niệm sâu sắc nhất trong cuộc đời của ông Quê có lẽ là những lần đánh điểm cao 547; đây là điểm cao nằm sát biên giới Campuchia và Thái Lan; bọn chúng lấy điểm cao này để khống chế chúng ta và phải 4 lần tiến công chúng ta mới chiếm được điểm cao này. Vào lần tiến công thứ 4 (ngày 16/3/1984), ông Quê bị thương và được đưa về nước.

Hơn 10 năm chiến đấu, trong đó có 3 năm ở chiến trường Tây Nguyên và 6 năm làm nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia đã để lại trong ông Quê nhiều ký ức sâu sắc. Nhân dân Campuchia đã ví quân tình nguyện Việt Nam là “đội quân nhà Phật” vì họ đã xác định nhắm mắt chờ chết, nhưng lại được quân tình nguyện Việt Nam cứu sống, được bộ đội Việt Nam nhường lương thực, thực phẩm cho ăn.

Máu xương của các chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam đổ xuống đã cứu dân tộc Campuchia thoát nạn diệt chủng. Sự hy sinh của bộ đội Việt Nam đã tô thắm tình hữu nghị giữa 2 dân tộc Việt Nam-Campuchia bền vững cho đến ngày nay.

Dù đã trải qua nhiều năm, nhưng trong tâm trí ông Quê vẫn không quên những ngày tháng cùng đồng đội chiến đấu vì nền độc lập, tự do của nước bạn Campuchia và Việt Nam hôm nay. Ông luôn nhớ về những đồng đội đã hy sinh trên đất nước bạn, đến nay có người vẫn chưa được đưa hài cốt trở về quê hương.

Khắc cốt ghi tâm điều đó, nên dù đã ngoài 70 tuổi, nhưng ông vẫn luôn phát huy truyền thống yêu nước của gia đình và bản thân bằng việc chia sẻ những câu chuyện về đời lính, về tinh thần yêu nước để các con, cháu ông lấy đó làm động lực vươn lên trong học tập và trở thành công dân tốt, sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình và cộng đồng, có nhiều đóng góp để xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh.

Hiện ông Quê đang là chủ doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng chuyên thực hiện các hạng mục tu bổ, tôn tạo các di tích đình, chùa, đền với vài trăm công nhân. Gia đình ông còn có 1 xưởng gỗ tạo việc làm thường xuyên cho 20-40 lao động của địa phương với mức thu nhập ổn định 6-7 triệu đồng/người/tháng.

Hoàng Hà

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/xa-hoi/82636/ky-uc-khong-quen.html