Ký ức chiến tranh: Vào trận - P53

Ngày 24 tháng Tư. Chúng tôi được lệnh phục kích chặn đánh tàn quân của sư đoàn 22 ngụy tháo chạy từ Tây Nguyên về đây; bị bọn chỉ huy thúc ép hành quân nhằm giải tỏa căn cứ Lương Hòa đang bị ta bao vây. Căn cứ này án ngữ nhằm mục đích ngăn chặn hướng tiến công của một đơn vị thuộc Đoàn 232 đang tiến về Sài Gòn.(hết 52)

Nơi chúng phục kích gần những khu ruộng mía của dân thuộc địa bàn xã An Thạnh, huyện Bến Lức. Cả ngày hôm ấy và mấy ngày sau, địch vẫn không dám càn ra giải tỏa. Chúng tôi vẫn kiên trì và quyết tâm mai phục để hốt gọn chúng.

Tác giả Vương Khả Sơn thời điểm trước 1975.

Đêm.

Khoảng 12 giờ. Khi chúng tôi đang chập chờn trong giấc ngủ, bỗng tiếng rít xé không khí của đại bác 105 ly bắn đến từ Bến Lức. Liền đó là những tiếng nổ chói tai vang lên. Khói trùm lên khu rừng tràm lúp xúp. Mảnh pháo bay vèo vèo, cắt đứt những cây tràm quanh chúng tôi. Tôi và Nguyễn Văn An (Quỳnh Thạch, Quỳnh Lưu, Nghệ An) nằm dưới công sự. Dứt tiếng nổ, tôi đứng dậy thò đầu ra ngoài chợt nghe tiếng rên nho nhỏ, liền bảo với An: "An ơi, lên xem thử có ai bị thương không? Sao tớ nghe có tiếng rên?". An chần chừ chưa dám ra khỏi công sự. Tôi liền lao lên trong khói đạn mù mịt, rồi chạy ngay đến nơi có tiếng rên. Đó là chỗ ngủ của Đồng (Diễn Kỷ, Diễn Châu, Nghệ An) và Thuất (Bắc Thái). Hai người là nuôi quân của đại đội. Một trái pháo 105 li nổ cách chỗ nằm chừng 1,5 mét. Xoong nồi văng tứ tung. Tăng, màn đổ sụp xuống che lấp họ (nếu nằm dưới công sự như chúng tôi thì chắc chắn họ đã không chết). Nghe tiếng rên, tôi vội kéo đám tăng màn đẫm máu ra, rồi bước vào. Bàn chân tôi ngập trong máu nóng hổi của hai người (họ lót tăng nilon xuống dưới chỗ nằm nên máu đọng thành vũng). Trời tối, không nhìn thấy gì. Chỉ có mùi tanh của máu quyện với mùi thuốc đạn khét lẹt. Tôi cúi xuống lay gọi thì một người đã tắt thở. Người kia vẫn còn rên, nhưng tiếng rên nhỏ dần. Tôi sờ nắn khắp thân thể rồi sờ lên đầu, chợt tay chạm phải một vật gì rất sắc, ngỡ đó là mảnh pháo găm vào nên cố sức rút ra nhưng không thể được. Tôi đành để hai người nằm đó, rồi chạy ngay đến công sự của Ban chỉ huy đại đội, ở phía sau chừng 50 mét, gọi anh Tống Minh Sướng (Hà Bắc), chính trị viên, Nguyễn Văn Lợi (Quảng Ninh) đại đội trưởng, cùng cậu Hệ, y tá quê Tuyên Hóa, Quảng Bình dậy. Tất cả vội chạy đến nơi hai đồng chí bị trúng pháo. Họ soi đèn pin vào chỗ hai người. Đồng đã chết từ lúc nào, còn Thuất đang rên nho nhỏ. Tôi bảo Hệ rọi đèn vào đầu Thuất. Đầu anh vỡ toác, một mảnh xương sọ lòi ra mà ban nãy tôi nghĩ là mảnh pháo nên đã cố sức rút ra mà không được. Máu và óc lẫn bết vào tóc. Tất cả im lặng! Không còn cách gì có thể cứu Thuất được nữa! Tiếng rên nhỏ dần, nhỏ dần rồi tắt hẳn. Thuất đã trút hơi thở cuối cùng. Tôi vuốt mắt cho Thuất rồi cùng mọi người bế họ ra khỏi vũng máu. Từ đó đến gần sáng, chúng tôi lo tắm rửa, thay quần áo, đào huyệt mai táng để kịp sáng hôm sau chuẩn bị chiến đấu. Cũng như tất cả các trường hợp hy sinh khác, chúng tôi đã cẩn thận viết tên tuổi, địa chỉ vào giấy rồi cuộn lại, cho vào lọ thủy tinh, bỏ vào túi ngực của từng người rồi mới chôn cất. Đồng và Thuất được mai táng cẩn thận trên một bờ kinh, gần bốt Rạch Mương thuộc địa bàn xã An Thạnh, Bến Lức, Long An. Và cũng chính tay tôi đã chặt một cây bình bát lớn, đẽo vạt hai phía, viết tên và địa chỉ của họ (bằng mực bi) vào từng miếng gỗ rồi cắm dưới chân mộ. Vậy mà sau giải phóng, khi quy tập vào nghĩa trang An Thạnh, những người cất bốc thiếu cẩn trọng, đã làm mất danh tính của hai người (thành liệt sỹ vô danh). Không biết đâu là mộ Đồng, đâu là mộ Thuất. Gần đây, chú em trai của Đồng gọi điện vào cho tôi để hỏi cụ thể về trường hợp hy sinh của Đồng (trước đó, chú ấy đã vào tận nghĩa trang An Thạnh để tìm phần mộ anh mình nhưng không thể phân biệt được đâu là mộ của anh trai). Qua điện thoại, tôi đã kể khá tỷ mỉ tình tiết về sự hy sinh của hai người hôm đó, nhưng cậu ta bảo không có cách gì để nhận biết. Tôi bảo, chỉ còn hai cách, thử ADN hoặc xin đào mộ của một trong hai người lên rồi xem hộp sọ. Nếu sọ bị vỡ là của Thuất; còn nguyên là của Đồng.

Quả thật, trong những năm tháng chiến đấu ác liệt ấy, không biết bao nhiêu lần làm công tác tử sỹ, tôi đã trực tiếp mang vác, chôn cất hàng chục đồng đội hy sinh. Cái chết nào cũng làm tôi xót đau, ngập tràn nước mắt. Nhưng sự hy sinh của Đồng và Thuất đêm ấy gây một chấn động mạnh, luôn ám ảnh trong tâm thức tôi. Đau đớn hơn, họ hy sinh ngay trước ngưỡng cửa của ngày toàn thắng, khi đời còn quá trẻ, vừa bước qua tuổi 20...

(Còn tiếp)

Trái tim người lính

CCB Vương Khả Sơn/Thành Đô (biên tập -giới thiệu)

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/ky-uc-chien-tranh-vao-tran-p53-a19672.html