Kỹ sư Việt, 'bánh mì chuyển ngữ' Galaxy AI và lời hứa của Samsung

Bằng việc chuyển giao công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) cho các kỹ sư người Việt thông qua dự án Galaxy AI, Samsung đã và đang hiện thực hóa lời hứa đưa Việt Nam trở thành 'cứ điểm chiến lược' về nghiên cứu và phát triển (R&D) của mình trên toàn cầu.

Các kỹ sư làm việc và nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Samsung Việt Nam

4 tháng chạy đua làm chủ công nghệ AI

“Bánh mì chuyển ngữ” là bảo bối thần kỳ của mèo máy Doraemon, có thể giúp nhân vật này cùng các bạn hiểu và nói được các thứ tiếng khác trong nháy mắt. Không còn nằm trong trí tưởng tượng của nhà văn Nhật Bản Fujiko F. Fujio và người đọc nữa, tính năng “bánh mì chuyển ngữ” giờ đây đã hiện diện trên thế hệ điện thoại di động mới nhất của Samsung thông qua dự án trải nghiệm trí tuệ nhân tạo Galaxy AI.

Nhờ tích hợp AI, điểm thú vị và đáng mong chờ nhất của dòng điện thoại Galaxy S24 là xóa bỏ rào cản ngôn ngữ trong giao tiếp thông qua tính năng hỗ trợ phiên dịch 13 ngôn ngữ, trong đó có tiếng Việt. Nhờ đó, một người Việt không biết tiếng Anh hoàn toàn có thể nói chuyện với một người Anh không biết nói tiếng Việt; một người Việt không biết tiếng Hàn hoàn toàn có thể nói chuyện với một người Hàn không biết nói tiếng Việt…

Và một điều rất đặc biệt - chính đội ngũ kỹ sư người Việt đang làm việc trong Trung tâm R&D của Samsung Việt Nam tại Hà Nội (SRV) đã được Tập đoàn Samsung giao trọng trách phát triển ngôn ngữ tiếng Việt trên Galaxy AI. “Tháng 10.2023, khi bộ tính năng Galaxy AI đang được phát triển cho dòng điện thoại Galaxy S24 với những ngôn ngữ phổ biến trên thế giới như tiếng Anh, tiếng Trung Quốc, tiếng Pháp… Ban lãnh đạo Tập đoàn Samsung quyết định bổ sung tiếng Việt vào Galaxy AI”, kỹ sư Trần Tuấn Minh, Trưởng nhóm nghiên cứu Language AI của SRV, nhớ lại. "Điều này cho thấy Việt Nam là thị trường quan trọng và có vị trí chiến lược trong kế hoạch phát triển của Samsung, bởi so với các ngôn ngữ được lựa chọn trước đó, tiếng Việt có lượng người dùng ít hơn”.

Đội ngũ kỹ sư của SRV vui mừng và tự hào khi tham gia một dự án chiến lược liên quan đến AI - lĩnh vực trọng tâm nghiên cứu và phát triển của Samsung thời gian qua. “Càng tự hào hơn khi được phát triển tiếng Việt - tiếng nước mình, trên những chiếc điện thoại hiện đại nhất ngày nay”, kỹ sư Trần Tuấn Minh chia sẻ.

Ngay sau khi nhận nhiệm vụ, SRV gấp rút tập hợp những nhân sự có kinh nghiệm về học máy (machine learning), học sâu (deep learning) và xử lý ngôn ngữ tự nhiên (natural language processing) để thiết lập nhóm nghiên cứu language AI. Các kỹ sư trong nhóm được Samsung cử sang Hàn Quốc và Ấn Độ để nhận chuyển giao về kiến trúc mô hình AI, thuật toán cho AI, đào tạo AI, dữ liệu cho AI… Bộ phận kiểm thử về AI cũng sang Hàn Quốc tiếp nhận kiến thức về AI, phương pháp kiểm thử, công cụ hỗ trợ kiểm thử, kinh nghiệm kiểm thử AI.

Để phát triển AI có chất lượng cao thì nguồn dữ liệu lớn, đa dạng và được kiểm soát là những yếu tố tiên quyết. Trong khi đó, nguồn dữ liệu tiếng Việt lại ít hơn rất nhiều so với tiếng Anh, tiếng Trung Quốc… Hơn thế nữa, ngữ pháp tiếng Việt rất khó; phương ngữ, từ lóng, từ đồng nghĩa, từ mượn… vô cùng phức tạp; ngôn ngữ của thế hệ GenZ cũng phát triển và thay đổi với tốc độ đáng kinh ngạc.

“Đây là những khó khăn lớn nhóm nghiên cứu phải đối mặt”, kỹ sư Trần Tuấn Minh cho biết. SRV đã phải huy động hàng trăm người để xử lý dữ liệu cho AI. “Chúng tôi vừa hiệu chỉnh dữ liệu sẵn có, vừa liên tục tạo ra dữ liệu để đào tạo AI, giúp AI hiểu và cho kết quả đầu ra chính xác. Đặc biệt, những nguồn dữ liệu này phải bảo đảm tính hợp pháp chứ không đơn thuần là dữ liệu thu thập tự do”.

Ví dụ, nhóm nghiên cứu đã thu âm hàng triệu tệp giọng nói của cả nam lẫn nữ để giúp Galaxy S24 Series thông minh hơn với người Việt Nam. Để bảo đảm tính năng dịch chính xác, nhóm kiểm thử không chỉ kiểm tra khả năng nhận diện giọng nói trong môi trường lab mà cả trong những môi trường tiếng ồn khác nhau như Hồ Gươm, trung tâm thương mại, quán café để chắc chắn rằng tính năng AI hoạt động tốt trong môi trường người dùng thực.

Tập trung cao độ, chỉ trong vòng 4 tháng, từ con số 0, các kỹ sư của SRV đã hoàn toàn làm chủ công nghệ và hoàn thiện AI tiếng Việt cho dòng sản phẩm S24. Bộ phận kiểm thử cũng đã đảm nhận được toàn bộ quá trình kiểm thử cho tất cả tính năng AI và từ vị trí người nhận chuyển giao công nghệ, họ đã trở thành người đi chuyển giao công nghệ cho các trung tâm R&D của Samsung ở khu vực Đông Nam Á.

Việt Nam - “Cứ điểm chiến lược” R&D của Samsung

Với tổng vốn đầu tư hơn 220 triệu USD, SRV được khánh thành tháng 12.2022. “Tại lễ khánh thành, Samsung đã cam kết với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính rằng sẽ biến Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Samsung tại Hà Nội trở thành Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển số một toàn cầu và cũng cam kết về việc đào tạo nhân tài công nghệ Việt Nam”, ông Choi Joo Ho, Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam, cho biết.

Sau 1 năm 4 tháng vận hành, Samsung đã và đang từng bước hiện thực hóa lời hứa của mình. “Số lượng kỹ sư của Trung tâm ban đầu có 2.000 người giờ đã tăng lên 2.400 người. Ở SRV, chỉ có 10 kỹ sư người Hàn Quốc đóng vai trò cầu nối, còn lại tất cả là người Việt đảm nhiệm mọi khâu trong hoạt động R&D của Samsung tại Việt Nam”, ông Đỗ Đức Dũng, Giám đốc Bộ phận Phát triển phần mềm của SRV cho biết.

Toàn cảnh Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển của Samsung Việt Nam tại Hà Nội.

Đáng chú ý, Samsung đã và đang tăng cường hợp tác với các trường đại học tại Việt Nam nhằm phát triển nguồn nhân lực công nghệ. Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam Choi Joo Ho cho biết, từ năm 2012, Tập đoàn triển khai chương trình Samsung Talent Program - Học bổng tài năng Samsung, cho học sinh ưu tú của các trường đại học. Đến nay đã có hơn 800 sinh viên nhận học bổng này và hơn 90% trong số đó đã vào làm việc tại Samsung.

Galaxy AI không phải dự án toàn cầu đầu tiên mà các kỹ sư Việt Nam tham gia. Trước đó, các kỹ sư người Việt đã tham gia các dự án toàn cầu tại Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Điện thoại di động Samsung Việt Nam (SVMC), là tiền thân của SRV ngày nay. “Từ chỗ chỉ tập trung phát triển các giải pháp phần mềm công nghệ cho điện thoại di động, giờ đây lĩnh vực hoạt động của SRV đã mở rộng sang cả phần cứng (Note PC) và thiết bị viễn thông. Hàng năm, SRV đều nhận chuyển giao công nghệ từ các trung tâm R&D khác của Samsung trên toàn cầu cũng như từ Hàn Quốc cho từng lĩnh vực phụ trách”, ông Đỗ Đức Dũng cho biết.

Việt Nam là cứ điểm sản xuất của Samsung - điều này đã được chứng minh. Năm ngoái, Samsung xuất khẩu 55,7 tỷ USD, đóng góp 15,6% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Hơn 50% điện thoại của Samsung bán trên toàn thế giới là sản phẩm Made in Vietnam. Hiện tại, tổng vốn đầu tư của Tập đoàn này tại Việt Nam là 22,4 tỷ USD và trong năm nay Samsung tiếp tục có kế hoạch đầu tư bổ sung 500 triệu đến 1 tỷ USD.

Không dừng lại ở đó! Bằng việc chuyển giao công nghệ, trong đó có công nghệ quan trọng nhất là AI, cho các kỹ sư người Việt, Samsung đã và đang thực hiện lời hứa đưa Việt Nam vượt qua vai trò là cứ điểm sản xuất để trở thành cứ điểm chiến lược về R&D của mình trên toàn cầu. Việc Tập đoàn hợp tác chặt chẽ với các trường đại học trong hoạt động đào tạo và nghiên cứu, về mặt dài hạn, cũng đóng góp tích cực cho việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của Việt Nam.

Khởi đầu là những cụm nhà máy lắp ráp, vươn mình trở thành cứ điểm xuất toàn cầu, và giờ đây đang từng bước vươn lên bậc thang cao nhất, trở thành Trung tâm R&D số một của Samsung - hành trình của SRV hẳn là một chặng đường dài kỳ thú. Samsung, không chỉ là câu chuyện kinh doanh thành công của một tập đoàn công nghệ hàng đầu, mà còn là hình mẫu gợi ý cho chiến lược nâng cao vị thế Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu; bảo đảm phát triển kinh tế và an ninh cho quốc gia trong một kỷ nguyên đầy biến động và thách thức.

Hà Lan

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/cong-nghe/ky-su-viet-banh-mi-chuyen-ngu-galaxy-ai-va-loi-hua-cua-samsung-i366911/