Kỳ Sơn - Còn lắm nỗi lo sau lũ quét

Lũ quét đi qua, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An đang huy động cả hệ thống chính trị, lực lượng vũ trang khẩn trương khắc phục hậu quả, giúp nhân dân xã Tà Cạ và thị trấn Mường Xén từng bước ổn định cuộc sống. Thế nhưng do thiệt hại vô cùng lớn, nguy cơ về mất an toàn còn hiện diện, nhân dân huyện biên giới đang phải đối mặt với nhiều nỗi lo lớn.

Nhiều người dân xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn trắng tay sau lũ quét. Ảnh: Viết Lam

Nhiều người dân xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn trắng tay sau lũ quét. Ảnh: Viết Lam

Chồng chất khó khăn

Đã 3 ngày sau khi lũ quét qua, dù đã huy động số lượng lớn nhân lực, máy móc để dọn dẹp nhưng nhiều khu vực lũ quét qua vẫn đang trong tình trạng bị bùn đất, cây cối, rác rưởi bao phủ. Bởi giao thông vào các bản Hòa Sơn, Sơn Hà (xã Tà Cạ) còn bị chia cắt, nhà cửa bố trí dày đặc nên phương tiện cơ giới chưa thể vào và cũng khó phát huy được hết công suất hoạt động khi tiếp cận.

Sau lũ, nắng đã lên gay gắt, mùi xú uế từ xác động vật, bùn đất bắt đầu bốc lên khắp nơi, nguy cơ bùng phát dịch bệnh là rất cao. Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Sầm Văn Hải, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Kỳ Sơn cho biết: “Nguy cơ bùng phát dịch bệnh, người dân ốm đau sau lũ là rất cao, chúng tôi đã chuẩn bị lực lượng, thuốc men để thực hiện nhiệm vụ. Các lực lượng dọn dẹp, vệ sinh đến đâu, y tế sẽ phun độc, khử trùng đến đó để làm sạch môi trường. Đơn vị cũng đã cử bác sĩ, nhân viên y tế về thường trực tại các bản lũ quét đi qua để thăm khám, cấp thuốc miễn phí cho nhân dân và xử lý các tình huống cấp bách khi cần thiết.”

Ngồi thất thần trước ngôi nhà bị đất đá đổ xuống gây sập hoàn toàn, chị Vi Thị Tha (bản Hòa Sơn) nói rằng đã hoàn toàn trắng tay sau mưa lũ.

Cách nhà chị Tha không xa, ngôi nhà đang quá trình hoàn thiện của ông Lương May Danh cũng đã bị đất đá đổ xuống xô đổ những bức tường và gần như không thể vào ở được nữa. “Cả đời vợ chồng tôi giành dụm mong xây được ngôi nhà kiên cố để yên tâm khi về già. Nhưng giấc mơ có lẽ không bao giờ thực hiện được nữa rồi.”- Ông Danh chua chát chia sẻ.

Người dân bản Hòa Sơn phản ánh, dãy núi cao phía sau nơi có hàng chục hộ gia đình khác đang định cư xuất hiện vết nứt lớn, kéo dài cả trăm mét khiến họ lo sợ. Được sự chỉ dẫn của ông Vi Văn Tuấn, chúng tôi lên ngọn đồi phía sau khu dân cư bản Hòa Sơn, bằng mắt thường cũng có thể ghi nhận những vết nứt lớn rộng có nơi lên đến 20-30 cm khiến hàng trăm khối đất đá có thể đổ sập xuống bất cứ lúc nào.

Nỗi lo sạt lở đất đá vẫn còn hiện diện ở các bản làng của xã Tà Cạ. Ảnh: Viết Lam

Nỗi lo sạt lở đất đá vẫn còn hiện diện ở các bản làng của xã Tà Cạ. Ảnh: Viết Lam

Không chỉ trắng tay, đối diện với nguy cơ dịch bệnh, tiềm ẩn bị sạt lở đất đe dọa, nhân dân vùng lũ đi qua ở xã Tà Cạ còn mất nguồn sinh kế lâu dài. Rất nhiều diện tích trồng lúa, nuôi cá của nhân dân các bản như Hòa Sơn, Sơn Hà, Bình Sơn 1 bị lũ quét mang theo đất đá, san phẳng hoàn toàn. Theo ông Vi Văn Khuyên, bản Hòa Sơn cho biết, không chỉ bị sập nhà, toàn bộ 8 sào ruộng lúa của gia đình cũng bị đất đá san phẳng.

Bám sát địa bàn giúp dân

Những ngày qua, huyện Kỳ Sơn đã huy động cả hệ thống chính trị, trong đó 500 cán bộ, chiến sĩ các đơn vị vũ trang làm nòng cốt khẩn trương khắc phục hậu quả thiên tai. Trong đó, 100 cán bộ, chiến sĩ của BĐBP Nghệ An được chia làm 2 mũi vào những bản xa xôi nhất như Sơn Hà, Bình Sơn 1, Bình Sơn 2 (xã Tà Cạ) để triển khai giúp dân.

Hàng ngày, tổ công tác gồm 60 cán bộ, chiến sĩ BĐBP Nghệ An giúp dân ở bản Sơn Hà đều phải đi bộ 3 km đường đồi núi dốc để về giúp dân, bữa cơm trưa được lực lượng hậu cần vận chuyển vào tận nơi. Vì phải hành quân bộ quãng đường xa, hàng ngày tổ công tác này thường xuất phát sớm hơn các đơn vị khác đang thực hiện nhiệm vụ tại đây.

Cán bộ, chiến sĩ BĐBP Nghệ An giúp dân sửa lại nhà cửa. Ảnh: Viết Lam

Cán bộ, chiến sĩ BĐBP Nghệ An giúp dân sửa lại nhà cửa. Ảnh: Viết Lam

Trao đổi với chúng tôi, Đại tá Hồ Quyết Thắng, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng BĐBP Nghệ An trực tiếp chỉ huy nhiệm vụ giúp dân tại Kỳ Sơn cho biết: “Địa bàn bản Sơn Hà bị lũ tàn phá tan hoang, vẫn còn nguy cơ mất an toàn, lại không điện, không nước, phương án đóng quân tại chỗ không khả thi. Chúng tôi chọn phương án, cuối ngày thực hiện nhiệm vụ cho bộ đội hành quân trở về doanh trại của Đại đội cơ động, Tiểu đoàn huấn luyện để nghỉ ngơi. Xác định thời gian bám địa bàn giúp dân sẽ còn dài nên đảm bảo sự an toàn, sức khỏe cho bộ đội cũng được tính toán chu đáo”.

Các bản Bình Sơn 1 và Bình Sơn 2 nằm bên dòng sông Nậm Mộ cách xa trung tâm thị trấn Mường Xén, huyện Kỳ Sơn hiện vẫn bị chia cắt do sạt lở đất đá. Mấy ngày trước, 40 cán bộ, chiến sĩ BĐBP Nghệ An đã cắt rừng về đóng quân, động viên, giúp dân ổn định tinh thần khắc phục hậu quả thiên tai, sớm ổn định cuộc sống.

Những ngày qua, khắc phục mọi khó khăn về sinh hoạt, cán bộ, chiến sĩ BĐBP Nghệ An đã sát cánh cùng chính quyền địa phương, các lực lượng nỗ lực giúp dân. Tất cả đang chạy đua với thời gian để giúp dân dựng, sửa lại nhà, dọn dẹp vệ sinh làng bản. Trong tổn thất, thiệt hại, tình cảm quân dân biên giới càng thêm gắn bó.

Ông Vi Hòe, Bí thư Huyện ủy Kỳ Sơn cho biết: “Cán bộ, chiến sĩ các đơn vị vũ trang, trong đó có BĐBP luôn là điểm tựa vững chắc của chính quyền và nhân dân địa phương. Sau trận lũ quét, chúng tôi phải gánh chịu thiệt hại lớn về tài sản, công tác khắc phục sẽ mất nhiều thời gian, đòi hỏi nguồn nhân lực, vật lực lớn, chính vì vậy sự hỗ trợ về quân số của các đơn vị vũ trang là rất quan trọng”.

Viết Lam

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/ky-son-con-lam-noi-lo-sau-lu-quet-post455101.html