Kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam: Truyền thống tôn sư, trọng đạo là kim chỉ nam

Sáng 18-11-2010, tại Hà Nội, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã phối hợp cùng Bộ GD&ĐT tổ chức Lễ kỷ niệm “Ngày Nhà giáo Việt Nam” nhằm ôn lại truyền thống tốt đẹp tôn sư trọng đạo của dân tộc; đẩy mạnh mục tiêu xây dựng xã hội học tập, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, hướng tới nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục đào tạo, hoàn thành sứ mạng cao cả trong sự nghiệp trồng người.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận trao các phần thưởng cao quý cho các Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú Ảnh: CT Đội ngũ nhà giáo đạt nhiều bước tiến vượt bậc Buổi lễ còn là dịp vinh danh, gặp mặt 250 nhà giáo nhân dân (NGND), nhà giáo ưu tú (NGƯT), những cá nhân suất sắc đã có nhiều đóng góp quan trọng cho sự nghiệp giáo dục, được Nhà nước phong tặng lần thứ 11 năm 2010. Điểm lại những thành tựu nổi bật của ngành giáo dục trong suốt những năm qua, NGƯT, PGS, TS, Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam Trần Công Phong khẳng định, hệ thống đội ngũ giáo viên đã được kiện toàn, có bước tiến vượt bậc về chất và lượng. Đặc biệt, sự phát triển của những thành công ngành giáo dục còn phải kể đến sự cống hiến, hy sinh của những tấm gương sáng thầy cô đã có nhiều tâm huyết trong sự nghiệp trồng người. Nhìn lại chặng đường phát triển đầy thăng trầm của nền giáo dục nước ta, nhiều thế hệ nhà giáo đã tiếp nối phát huy truyền thống vẻ vang của dân tộc, đóng góp và công hiến không tiếc máu xương trong thời chiến, nêu cao gương sáng người thầy mẫu mực trong thời bình. Nhiều cuộc vận động, phong trào thiết thực của mỗi thời kỳ luôn gắn với những tấm gương sáng mẫu mực, tận tâm, yêu nghề, hết mình vì sự phát triển của đất nước. Tiêu biểu, sau Cách mạng tháng Tám có phong trào Bình dân học vụ để diệt giặc đói, giặc dốt; phong trào Dạy tốt-học tốt, Tự học - tự rèn, Giỏi việc trường-đảm việc nhà, Xây dựng trường học thân thiện-học sinh tích cực. Hoặc các cuộc vận động Kỷ cương-tình thương-trách nhiệm, Xã hội hóa giáo dục, Dân chủ hóa nhà trường, Mỗi thầy cô là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo... Tất cả đều tạo nên những luồng gió mới, không khí thi đua rộng khắp toàn ngành giáo dục, khích lệ những tấm gương cống hiến cho giáo dục, phát hiện và bồi dưỡng nhân tài cho đất nước, góp phần quan trọng vào thắng lợi của hai cuộc kháng chiến và sự nghiệp đổi mới. Sau Cách mạng tháng Tám, đội ngũ giáo viên từ chỗ chỉ có vài ngàn giáo viên tiểu học và trung học đã phát triển lên 40 vạn giáo viên phổ thông, 11.900 giáo viên THCN, 17.300 giảng viên ĐH (trong đó chỉ có 22 giáo sư, 105 phó giáo sư và 8,6% tiến sĩ ) vào năm 1982. Đến nay, lực lượng giáo viên trên cả nước đã phát triển lớn mạnh, hùng hậu, hướng tới chuẩn hóa bằng cấp, đạt trình độ kỹ năng chuyên môn, sư phạm cao. Năm 2010, hệ thống giáo dục quốc dân đã có 1.088.081 nhà giáo trực tiếp đứng lớp. Trong đó, bậc mầm non có 195.852 giáo viên, bậc phổ thông có 804.183 giáo viên, bậc TCCN có 17.488 giáo viên. Hệ thống giảng viên các trường ĐH-CĐ tăng nhanh tới 70.558 người, trong đó có 227 giáo sư, 1925 phó giáo sư, 7.104 tiến sĩ và 26.715 thạc sĩ. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận trao bằng khen cho các NGND, NGƯT đã có nhiều đóng góp quan trọng cho sự nghiệp giáo dục Ảnh: CT Ngành GD quan tâm hơn nữa đời sống giáo viên Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận gửi lời chúc đến hơn 1 triệu thầy cô trên cả nước nhân ngày Nhà giáo Việt Nam, biểu dương những NGND, NGƯT đã được Nhà nước phong tặng năm 2010. Bộ trưởng nhấn mạnh, ngành giáo dục nước nhà luôn ghi nhận, biểu dương những tấm gương sáng các thầy cô trên tất cả mọi miền Tổ quốc đã có nhiều tâm huyết, đóng góp cho sự nghiệp trồng người suốt những năm qua. Đội ngũ giáo viên, giảng viên đã luôn phát huy tốt vai trò, sứ mạng của Đảng, Nhà nước đã giao phó; xứng đáng là những người thầy tận tâm, mẫu mực, đam mê nghề trong công việc, tận tình dìu dắt và ươm những mầm xanh tương lai cho đất nước. Trong những năm gần đây, phong trào thi đua yêu nước và các cuộc vận động đã phát triển sâu rộng trong toàn ngành với tinh thần khí thế mới. Cơ sở vật chất trường lớp học, nhà công vụ cho giáo viên, thiết bị phục vụ giảng dạy, phòng thí nghiệm, thư viện, khuôn viên trường lớp đã liên tục được đầu tư theo hướng kiên cố hiện đại. Chất lượng giáo dục vì thế ngày càng được nâng cao, phần nào đáp ứng và theo kịp nhu cầu phát triển của xã hội. Theo ông Luận, để chất lượng giáo dục ngày một nâng cao, đội ngũ giáo viên ngày càng kiện toàn, chuẩn hóa, xuất hiện nhiều gương sáng thầy cô mẫu mực trong giảng dạy, đội ngũ nhà giáo cần thực hiện tốt 4 nội dung mà Ban Thường vụ Công đoàn ngành GDVN đã đề ra. Mỗi thầy cô hãy là một tấm gương đạo đức trong học tập và giảng dạy, góp phần giữ vững truyền thống tôn sư, trọng đạo luôn là kim chỉ nam cho mục tiêu phát triển, đổi mới của hệ thống giáo dục quốc dân. Trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ có nhiều giải pháp chăm lo hơn nữa đời sống giáo viên, đặc biệt là hoàn thành hệ thống nhà công vụ, kiên cố hóa trường lớp học, triển khai nhiều chế độ ưu đãi đối với giáo viên vùng khó khăn. Hoàng Anh Thắng

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=20096&menu=1423&style=1