Kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa (29-7-1930 - 29-7-2023): Viết tiếp trang sử vẻ vang!

Hơn 9 thập kỷ ra đời và lãnh đạo, quân, dân Thanh Hóa đạt được vô số kỳ tích trong thời đại Hồ Chí Minh. Đó cũng là minh chứng thuyết phục về sứ mệnh và năng lực lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh từ buổi đầu thành lập đến nay. Từ đó, tạo dựng niềm tin để thế hệ hôm nay viết tiếp trang sử hào hùng trên quê hương Thanh Hóa.

TP Thanh Hóa hôm nay.

Từ bước ngoặt lớn...

Từ khi đặt ách đô hộ lên đất nước ta cho đến năm 1930, ở Thanh Hóa nói riêng và Việt Nam nói chung, thực dân Pháp đã tổ chức một hệ thống cai trị hết sức chặt chẽ. Hệ thống chính quyền tay sai nhanh chóng được thiết lập từ tỉnh xuống làng, xã với các chức tổng đốc, tri phủ, tri huyện, tri châu, lý trưởng. Đồng thời, chúng tiến hành chính sách khai thác, bóc lột hà khắc, đẩy Nhân dân ta vào con đường bần cùng hóa và nền kinh tế ngày càng trở nên kiệt quệ, tiêu điều. Chưa dừng lại ở đó, thực dân Pháp cùng bộ máy tay sai còn ra sức đàn áp các phong trào yêu nước; thực thi chính sách ngu dân trong giáo dục; làm suy kiệt giống nòi, tha hóa đạo đức, băng hoại tinh thần bằng cách khuyến khích dân ta dùng rượu và thuốc phiện...

Tất cả các chính sách bòn rút về kinh tế, phản động về chính trị và văn hóa - xã hội của thực dân Pháp đã khiến cho bức tranh kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa trước năm 1930, đã có những thay đổi cơ bản. Từ một xã hội phong kiến trở thành một xã hội thuộc địa nửa phong kiến. Đồng thời, trải qua một quá trình phân hóa giai cấp sâu sắc với sự ra đời của một số giai cấp mới. Mâu thuẫn giữa dân tộc ta với thực dân xâm lược, giữa Nhân dân ta (mà chủ yếu là nông dân) với bọn phong kiến tay sai ngày càng trở nên gay gắt. Đây cũng là lúc những trào lưu tư tưởng tiến bộ, thông qua những nhà yêu nước cách mạng, đã từng bước ảnh hưởng đến đời sống Nhân dân, làm cho phong trào đấu tranh của Nhân dân trong tỉnh chuyển sang hướng mới. Nói cách khác, sự thay đổi của đời sống xã hội và tư tưởng, đã tạo nên “mảnh đất màu mỡ” cho những hạt giống cách mạng sau này nhanh chóng được ươm mầm và phát triển.

Bước sang năm 1929, phong trào cách mạng trong cả nước ngày càng bùng phát mạnh mẽ, đòi hỏi phải có một chính đảng tiên phong đủ tâm và bản lĩnh để lãnh đạo, hoàn thành sứ mệnh lịch sử mà dân tộc giao phó. Trước yêu cầu bức thiết đó, ngày 3-2-1930, dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, Hội nghị đại biểu các tổ chức cộng sản đã được tổ chức tại Hương Cảng (Trung Quốc). Hội nghị thống nhất thành lập một chính đảng duy nhất, lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam. Đây là một bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử cách mạng nước ta, là minh chứng về sự trưởng thành của giai cấp vô sản Việt Nam. Từ đây, phong trào cách mạng Việt Nam đã có một chính đảng cộng sản duy nhất lãnh đạo.

Là một tỉnh lớn, có vị trí địa đầu tiếp nối giữa Trung Kỳ với Bắc Kỳ, lại là nơi ra đời và hoạt động từ rất sớm của các tổ chức tiền thân; do đó, cả Xứ ủy Bắc Kỳ và Trung Kỳ đều quan tâm đến việc xây dựng, phát triển tổ chức cơ sở đảng tại Thanh Hóa. Vì vậy, trong năm 1930, dưới sự chỉ đạo của Xứ ủy Bắc Kỳ, Trung Kỳ thông qua những đường dây liên lạc khác nhau, các tổ chức chi bộ và Đảng bộ Cộng sản đầu tiên của tỉnh đã lần lượt ra đời. Cụ thể: Chi bộ Hàm Hạ (Đông Sơn) được thành lập ngày 25-6-1930, gồm 3 đảng viên, do đồng chí Lê Thế Long làm Bí thư; Chi bộ Thiệu Hóa được thành lập ngày 10-7-1930, gồm 4 đảng viên, do đồng chí Vương Xuân Cát làm Bí thư; Chi bộ Thọ Xuân, được thành lập ngày 22-7-1930, gồm 7 đảng viên, do đồng chí Lê Văn Sĩ làm Bí thư.

Trên cơ sở 3 chi bộ này, ngày 29-7-1930, dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Doãn Chấp, Hội nghị đại biểu các chi bộ đã được tổ chức tại nhà đồng chí Lê Văn Sĩ (làng Yên Trường, xã Thọ Lập, huyện Thọ Xuân). Hội nghị gồm 11 đồng chí, đã thống nhất thành lập Đảng bộ Cộng sản Thanh Hóa; bầu ra Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh gồm 3 đồng chí, do đồng chí Lê Thế Long làm Bí thư. Hội nghị thành lập Đảng bộ tỉnh được đánh giá là “một sự kiện trọng đại đánh dấu bước ngoặt lớn của phong trào cộng sản ở tỉnh nhà”. Bởi lẽ, “Từ đây, giai cấp công nhân, giai cấp nông dân và các tầng lớp Nhân dân lao động Thanh Hóa đã có một chính Đảng vô sản lãnh đạo vững bước tiến lên viết tiếp những trang sử vẻ vang của mình”!

...đến những dấu ấn thành tựu

Ngay trong quá trình thành lập và củng cố tổ chức, Đảng bộ tỉnh đã phải đương đầu với vô vàn thách thức, đặc biệt là những cuộc khủng bố ác liệt của chính quyền thực dân Pháp trong những năm 1930-1945. Trong những năm 1936-1939, Đảng bộ đã lãnh đạo phong trào quần chúng đấu tranh đòi quyền tự do dân chủ cho Nhân dân. Mặt trận dân chủ được hình thành và phát triển sâu rộng. Hội Phản đế cứu quốc thành lập, tạo cơ sở vững chắc trong quần chúng, là sức mạnh cơ bản để hình thành vùng căn cứ địa trải rộng khắp vùng đồng bằng Thanh Hóa. Đặc biệt, tính chất vũ trang ngày càng rõ nét, với sự ra đời của chiến khu Ngọc Trạo - trung tâm của phong trào, thu hút nhiều lực lượng yêu nước trong và ngoài tỉnh tham gia.

Cảng biển Nghi Sơn.

Khi thời cơ giành chính quyền đã chín muồi, làn sóng đấu tranh của quần chúng cách mạng dâng cao, áp đảo chính quyền thực dân ở nhiều phủ, huyện. Theo đó, cuộc khởi nghĩa ở Hoằng Hóa bùng nổ ngày 24-7-1945 đã mở đầu cho cuộc tổng khởi nghĩa trên địa bàn toàn tỉnh. Thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 đã khẳng định năng lực lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, nhất là trong việc kết hợp chặt chẽ giữa đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang. Thắng lợi ấy đã góp phần cùng với cả nước làm nên cuộc chiến thắng “long trời lở đất”, lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa - Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á và mở ra kỷ nguyên mới: kỷ nguyên độc lập, tự do cho dân tộc.

Bước vào 9 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954), Thanh Hóa trở thành “hậu phương”, căn cứ địa cực kỳ quan trọng. Toàn tỉnh đã huy động cao nhất sức người, sức của cho kháng chiến, góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, được Bác Hồ khen ngợi: “Bây giờ tiếng Việt Nam đến đâu, tiếng Điện Biên Phủ đến đó. Tiếng Điện Biên Phủ đến đâu, đồng bào Thanh Hóa cũng có một phần vinh dự đến đó”. Rồi suốt 21 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước vô cùng gian khổ (1954-1975), Thanh Hóa tiếp tục khẳng định vai trò là một “hậu phương lớn” của cả nước. Nhận rõ vai trò quan trọng ấy, Đảng bộ và Nhân dân Thanh Hóa đã làm tròn nghĩa vụ cao cả với “tiền tuyến lớn” và nước bạn Lào: 250 nghìn người con ưu tú đã lên đường nhập ngũ; hàng chục vạn thanh niên xung phong đã ra trận; khẩu hiệu “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người” được người dân Thanh Hóa nằm lòng. Đặc biệt, từ đầu năm 1965, Thanh Hóa còn trở thành chiến trường ác liệt khi phải vừa sản xuất, vừa chiến đấu và góp phần đánh bại 2 lần chiến tranh phá hoại miền Bắc của giặc Mỹ...

Đất nước bước vào công cuộc hàn gắn và kiến thiết, trên mảnh đất Thanh Hóa, dấu vết của đạn bom, của chiến tranh đã “nhạt” đi rất nhiều. Đặc biệt, từ khi thực hiện công cuộc đổi mới (từ năm 1986 đến nay) với sự đoàn kết, nỗ lực, quyết tâm, năng động, sáng tạo và trách nhiệm, Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa đã lãnh đạo Nhân dân tiến hành sự nghiệp CNH, HĐH quê hương. Qua đó, từng bước hiện thực hóa khát vọng đưa Thanh Hóa trở nên một tỉnh kiểu mẫu như tâm nguyện của Bác Hồ lúc sinh thời.

Một dấu ấn thành tựu nổi bật đó là sự bứt tốc ngoạn mục của Thanh Hóa trên bức tranh tăng trưởng kinh tế - xã hội. Điển hình là quy mô GRDP (theo giá hiện hành) năm 2020 đạt 131.199 tỷ đồng, đứng thứ 8 cả nước và cao nhất các tỉnh Bắc Trung bộ; GRDP bình quân đầu người đạt 2.616 USD. Trong khi, quy mô GRDP (theo giá hiện hành) năm 2022 đạt 252.672 tỷ đồng, gấp 1,34 lần năm 2020; GRDP bình quân đầu người đạt 2.924 USD, gấp 1,32 lần năm 2020. Đặc biệt, thu ngân sách Nhà nước năm 2022 đạt 51.138 tỷ đồng, đứng thứ 9 cả nước và là năm đầu tiên thu ngân sách của tỉnh vượt mốc 51 nghìn tỷ đồng và gấp 1,62 lần năm 2020.

Cùng với sự khởi sắc về kinh tế, tình hình chính trị - xã hội ổn định, quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Quan hệ đối ngoại, hội nhập kinh tế quốc tế được tăng cường. Nhờ đó, vai trò, vị thế, uy tín của tỉnh Thanh Hóa ngày càng được nâng cao. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được thực hiện đồng bộ và đạt kết quả quan trọng; năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp được nâng lên; hoạt động của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội có sự đổi mới, thiết thực và hiệu quả... Đặc biệt, việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 58-NQ/TW về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, được xem là vận hội mới cho Thanh Hóa phát triển và tạo bước đột phá để sớm trở thành cực tăng trưởng mới, cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh trở thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc.

Có thể khẳng định, với lịch sử 93 năm ra đời và lãnh đạo sự nghiệp cách mạng, qua nhiều chặng đường gian khổ và vẻ vang, với nhiều dấu ấn và thành tựu nổi bật, Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa đã làm tròn sứ mệnh lịch sử và xứng đáng với truyền thống lịch sử - văn hóa, truyền thống yêu nước - cách mạng hào hùng của vùng đất xứ Thanh “nghìn xưa lưu dấu”. Đồng thời, mỗi chặng đường cách mạng đã qua sẽ thêm nhiều bài học lịch sử vô giá được đúc rút, để làm điểm tựa, làm nền tảng cho những trang sử vàng truyền thống sẽ được viết tiếp mà làm rạng rỡ xứ Thanh “địa linh nhân kiệt”!

Hoàng Xuân

(Bài viết có sử dụng các thông tin trong cuốn “90 năm Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa (1930-2020): Những dấu ấn và những thành tựu nổi bật” - NXB Thanh Hóa - 2020).

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/thoi-su/ky-niem-93-nam-ngay-thanh-lap-dang-bo-tinh-thanh-hoa-29-7-1930-29-7-2023-viet-tiep-trang-su-ve-vang/191684.htm