Kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên - tiền thân của Đảng bộ huyện Vĩnh Lộc

Sáng 16/4, Huyện ủy Vĩnh Lộc trọng thể tổ chức lễ kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên - tiền thân của Đảng bộ huyện Vĩnh Lộc (16/4/1934 - 16/4/2024).

Đồng chí Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh trao bức trướng của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa cho Đảng bộ và Nhân dân huyện Vĩnh Lộc.

Dự buổi lễ có các đồng chí: Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Trần Văn Hải, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh; Nguyễn Quang Hải, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; đại diện lãnh đạo các ban, sở ngành, đoàn thể cấp tỉnh; cán bộ lão thành cách mạng, Mẹ Việt Nam Anh hùng và các đồng chí nguyên lãnh đạo huyện Vĩnh Lộc qua các thời kỳ.

Các đại biểu dự lễ kỷ niệm.

Đồng chí Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh cùng các đại biểu dự lễ kỷ niệm.

Cách đây 90 năm, ngày 16/4/1934, Tỉnh ủy Thanh Hóa quyết định thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản ghép Vĩnh Lộc - Thạch Thành, tiền thân của Đảng bộ huyện Vĩnh Lộc ngày nay. Chi bộ Đảng ra đời là một sự kiện lịch sử quan trọng, đánh dấu bước phát triển mới của phong trào cách mạng ở Vĩnh Lộc. Sau khi thành lập, Chi bộ Đảng đã nhanh chóng ổn định tổ chức, kết nạp đảng viên mới, kiện toàn và mở rộng các cơ sở cách mạng, đưa phong trào trong huyện từng bước phát triển cả bề rộng và chiều sâu, hòa nhập với phong trào cách mạng chung của tỉnh và cả nước.

Tiết mục văn nghệ tại lễ kỷ niệm.

90 năm qua, Đảng bộ huyện Vĩnh Lộc không ngừng lớn mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức; lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh trên địa bàn, đóng góp tích cực vào sự nghiệp cách mạng của quê hương, đất nước.

Toàn cảnh lễ kỷ niệm.

Các đại biểu dự lễ kỷ niệm.

Trải qua cuộc cách mạng Tháng Tám năm 1945 và các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, Đảng bộ huyện Vĩnh Lộc luôn đoàn kết, lãnh đạo quân và dân ra sức thi đua, đóng góp sức người, sức của cho sự nghiệp cách mạng của tỉnh và của dân tộc. Nhiều phong trào, nhiều tập thể, cá nhân tiêu biểu của huyện đã trở thành những tấm gương sáng, được cả nước biết đến. Tiêu biểu như xã Vĩnh Khang là xã đầu tiên ở Thanh Hóa hoàn thành việc thanh toán nạn mù chữ, năm 1957 được Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư khen ngợi và Chính phủ tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba.

Đại diện lãnh đạo huyện Vĩnh Lộc phát biểu tại lễ kỷ niệm.

Bước vào thời kỳ đổi mới, Đảng bộ và Nhân dân huyện Vĩnh Lộc đã phát huy truyền thống anh hùng, bằng ý chí, nghị lực, vươn lên giành những thành tựu to lớn trên các lĩnh vực. Tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân giai đoạn 2021-2023 đạt 6,24%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực. Công nghiệp - xây dựng được duy trì và phát triển; giá trị sản xuất năm 2023 đạt 4.873 tỷ đồng, gấp 1,47 lần năm 2020. Hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư, nâng cấp; tỷ lệ đường giao thông được cứng hóa đạt 96%. Thu ngân sách Nhà nước luôn vượt dự toán; năm 2023 đạt 642 tỷ đồng, vượt 15,21% dự toán...

Đại diện lãnh đạo huyện Vĩnh Lộc phát biểu tại lễ kỷ niệm.

Các lĩnh vực văn hóa - xã hội cũng có nhiều chuyển biến tiến bộ, đời sống của Nhân dân ngày một nâng cao. Tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh từ 2,59% năm 2021 xuống còn 1,33% năm 2023, đồng thời hoàn thành hỗ trợ xây dựng nhà ở cho 100% hộ đồng bào sinh sống trên sông. Năm 2019, Vĩnh Lộc được công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới và đến nay đã có 1 xã và 29 thôn đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Các đại biểu tham dự tại lễ kỷ niệm.

Cùng với việc tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội, Đảng bộ huyện Vĩnh Lộc luôn coi trọng công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Từ một chi bộ với 5 đảng viên, đến nay, Đảng bộ huyện đã có 233 chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở; 32 chi bộ, đảng bộ trực thuộc Huyện ủy, 3 chi bộ doanh nghiệp (có 1 doanh nghiệp FDI) với gần 5.800 đảng viên.

Toàn cảnh lễ kỷ niệm.

Với những thành tích đã đạt được trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước cũng như trong công cuộc đổi mới hiện nay, Đảng bộ và Nhân dân huyện Vĩnh Lộc luôn được Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các ngành, đoàn thể đánh giá cao; được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý.

Phát biểu tại buổi lễ, thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đồng chí Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh nhiệt liệt biểu dương và chúc mừng những thành tích mà Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Vĩnh Lộc đã giành được trong suốt chặng đường cách mạng vẻ vang của mình.

Các đại biểu tham dự tại lễ kỷ niệm.

Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy nêu rõ: Đảng bộ, Nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã và đang ra sức thi đua thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX nhiệm kỳ 2020 - 2025, phấn đấu đến năm 2025 trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước, đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại. Mục tiêu đó vừa là nhiệm vụ đối với Đảng bộ, Nhân dân các dân tộc trong tỉnh, đồng thời cũng là trách nhiệm của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Vĩnh Lộc.

Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đề nghị Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Vĩnh Lộc tiếp tục nêu cao truyền thống cách mạng, tinh thần đoàn kết, thống nhất trong Đảng bộ và trong Nhân dân, trên dưới một lòng phấn đấu thực hiện thắng lợi toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.

Đồng chí Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu tại lễ kỷ niệm.

Cấp ủy, chính quyền huyện Vĩnh Lộc cần bám sát định hướng phát triển của tỉnh, nhiệm vụ chính trị của huyện, phương hướng Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025 và thực tiễn của địa phương. Từ đó nghiên cứu, đánh giá đầy đủ, toàn diện tiềm năng, lợi thế, thời cơ, vận hội mới và những khó khăn, thách thức đặt ra đối với sự phát triển của huyện hiện nay; nêu cao hơn nữa tinh thần chủ động, sáng tạo, đổi mới tư duy, cách làm, xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát huy mạnh mẽ nội lực, nhất là nguồn lực con người, đất đai, truyền thống văn hóa, cách mạng; tranh thủ ngoại lực để bứt phá, tăng tốc phát triển.

Các đại biểu tham dự tại lễ kỷ niệm.

Đồng thời, làm tốt công tác giáo dục truyền thống cách mạng, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên, chung sức đồng lòng, nỗ lực phấn đấu, tạo đột phá rõ nét để thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXVI đã đề ra.

Tập trung lãnh đạo phát triển kinh tế; chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động gắn với triển khai thực hiện có hiệu quả quy hoạch vùng huyện, quy hoạch xây dựng các khu chức năng, quy hoạch cụm công nghiệp, quy hoạch hệ thống hạ tầng để khai thác và phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế về đất đai, làng nghề, ngành nghề truyền thống và nguồn lực lao động của địa phương.

Các đại biểu tham dự tại lễ kỷ niệm.

Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh; đa dạng hóa các hình thức vận động, kêu gọi, xúc tiến đầu tư, huy động tối đa các nguồn lực để đầu tư, xây dựng, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, theo hướng hiện đại và mở ra không gian phát triển mới cho huyện.

Trong nông nghiệp, cùng với tập trung đưa các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao vào sản xuất; cần tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật để phát triển nông nghiệp sạch, an toàn, công nghệ cao, theo chuỗi giá trị. Tiếp tục mở rộng vùng sản xuất rau an toàn, quan tâm phát triển cây Sâm Báo; phát triển kinh tế trang trại trồng trọt, chăn nuôi gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường.

Các đại biểu tham dự tại lễ kỷ niệm.

Ưu tiên phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề có khả năng thu hút nhiều lao động để giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân; khuyến khích và tạo mọi điều kiện nhất là về đất đai, thủ tục pháp lý để đưa vào hoạt động các cụm công nghiệp, cụm làng nghề, thu hút nhiều doanh nghiệp chế biến thực phẩm, rau quả, thức ăn gia súc, sản phẩm từ Sâm Báo... để tiêu thụ nguồn nguyên liệu tại chỗ; chú trọng phát triển một số sản phẩm đặc trưng, có chất lượng tốt, đáp ứng nhu cầu thị trường, gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP.

Phát triển đa dạng các loại hình dịch vụ đi đôi với nâng cao chất lượng phục vụ; huy động đa dạng các nguồn lực đầu tư phát triển du lịch, thu hút doanh nghiệp có tiềm lực, có kinh nghiệm để khai thác, phát huy hiệu quả Khu danh thắng Kim Sơn, Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ và hệ thống các di tích để phát triển du lịch, gắn với bảo tồn các giá trị văn hóa, lịch sử của địa phương.

Các đại biểu tham dự tại lễ kỷ niệm.

Nâng cao chất lượng lĩnh vực văn hóa - xã hội đi đôi với đẩy mạnh xã hội hóa các mặt hoạt động. Tập trung nâng cao chất lượng toàn diện giáo dục - đào tạo, đáp ứng yêu cầu nâng cao dân trí và chất lượng nguồn nhân lực. Củng cố hệ thống y tế từ huyện đến cơ sở, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe Nhân dân. Nâng cao hơn nữa chất lượng phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa. Thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân.

Trước mắt hưởng ứng tích cực xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ khó khăn về nhà ở theo tinh thần Chỉ thị số 22/CT-TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, để huyện Vĩnh Lộc không còn hộ phải ở nhà tạm bợ, dột nát, không an toàn. Quan tâm lãnh đạo nhiệm vụ quốc phòng - an ninh, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội; đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tội phạm và tệ nạn xã hội, tạo môi trường ổn định, lành mạnh cho phát triển.

Các đại biểu tham dự tại lễ kỷ niệm.

Vấn đề có ý nghĩa then chốt và quyết định là phải xây dựng Đảng bộ, các tổ chức cơ sở đảng thật sự trong sạch, vững mạnh; tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, kiểm tra, giám sát; chủ động ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên; chăm lo công tác cán bộ, nhất là việc đào tạo, bồi dưỡng, bố trí cán bộ trẻ, cán bộ nữ. Thực hiện tốt công tác phát triển đảng viên mới, nhất là ở khu vực nông thôn, trong các trường học, doanh nghiệp; tập trung củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo của các tổ chức cơ sở đảng; đẩy mạnh “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Chuẩn bị tốt các điều kiện để tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025-2030; trong đó, nghiên cứu xây dựng các định hướng lớn, giải pháp trọng tâm, đột phá cả về kinh tế - xã hội, xây dựng hệ thống chính trị để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cho nhiệm kỳ sau.

Phát huy truyền thống cách mạng và những thành tích đã đạt được trong 90 năm qua, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy tin tưởng rằng, Đảng bộ huyện Vĩnh Lộc sẽ lãnh đạo cán bộ, đảng viên và Nhân dân huyện nhà khắc phục mọi khó khăn, thách thức, chung sức, đồng lòng, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020-2025, hoàn thành mục tiêu xây dựng huyện Vĩnh Lộc sớm trở thành huyện nông thôn mới nâng cao.

Nhân dịp này, đồng chí Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh đã trao bức trướng của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa mang dòng chữ: “Đoàn kết, đổi mới, năng động, sáng tạo phát huy mạnh mẽ tiềm năng, thế mạnh, xây dựng Vĩnh Lộc sớm trở thành huyện nông thôn mới nâng cao” cho Đảng bộ và Nhân dân huyện Vĩnh Lộc.

Quốc Hương

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/ky-niem-90-nam-ngay-thanh-lap-chi-bo-dang-cong-san-dau-tien-tien-than-cua-dang-bo-huyen-vinh-loc-211834.htm