KỶ NIỆM 76 NĂM NGÀY THƯƠNG BINH - LIỆT SĨ (27.7.1947-27.7.2023): Về xóm Mù U anh hùng

Kết thúc kháng chiến chống Mỹ, cả xóm Mù U có 52 gia đình thì đã có 50 gia đình liệt sĩ, 2 gia đình có công với cách mạng, 18 Mẹ Việt Nam anh hùng, 60 liệt sĩ cùng nhiều thương binh

Chúng tôi về xóm Mù U (thuộc thôn Lâm Hạ, xã Đức Phong, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi) giữa những ngày tháng 7, khi nắng hè như đổ lửa. Từ đầu xóm, những con đường bê-tông trải dài đến tận biển. So với nhiều khu dân cư ở thôn Lâm Hạ, xóm Mù U được xem là khá nhất, tuy vẫn còn nhiều hộ cận nghèo và nghèo.

Làng "đỏ" Mù U

Dẫn chúng tôi đến nhà tưởng niệm, nơi có tấm bia cao hơn đầu người ghi tên những người đã hy sinh ở Mù U, thương binh Nguyễn Ngọc Độ (67 tuổi) kể ngày trước, ngay chỗ nhà tưởng niệm này có mấy cây mù u rất to, phủ bóng mát nhưng sau khi cả xóm theo cách mạng, lính Mỹ càn quét, làng mạc bị đốt cháy, nhà cửa bị thiêu rụi... Cái tên xóm Mù U cũng từ đấy mà ra. "Xóm này còn có tên khác là "Cây số 52" - là mật danh của căn cứ địa cách mạng Tân An trong kháng chiến chống Mỹ. Con số 52 chính là biểu tượng cho 52 hộ gia đình sống tại nơi này. Hai tên gọi này được mọi người gọi và nhắc mãi đến ngày nay" - ông Độ cho biết.

Thương binh Nguyễn Ngọc Độ bên tấm bia ghi tên các liệt sĩ ở xóm Mù U

Thương binh Nguyễn Ngọc Độ bên tấm bia ghi tên các liệt sĩ ở xóm Mù U

Gia đình ông Độ có 6 anh chị em đều tham gia cách mạng, 1 người hy sinh, 5 anh em còn lại là thương binh. Ông Độ là em út trong nhà, tham gia du kích từ năm 16 tuổi. Sau đó, ông Độ bị thương, mắt giảm dần thị lực, thời gian sau thì mù hẳn. "Bây giờ chiến tranh qua đi nhưng nỗi đau từ cuộc chiến vẫn chưa thể chữa lành với nhiều gia đình. Có người phải lặn lội ngày đêm đi tìm cha, tìm chồng, tìm con" - ông Độ nói.

Theo thống kê khi kháng chiến chống Mỹ kết thúc, cả xóm Mù U có 52 gia đình thì đã có 50 gia đình liệt sĩ, 2 gia đình có công với cách mạng, 18 Mẹ Việt Nam anh hùng, 60 liệt sĩ cùng nhiều thương binh.

Cũng chính vì những đóng góp to lớn của người dân Mù U, nơi đây đã vinh dự nhiều lần được cố Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu gửi thư thăm hỏi, tháo gỡ khó khăn trong cuộc sống. Lúc ấy, Tổng Bí thư gọi tên làng bằng cái tên Mù U thân thương, thay vì gọi bằng tên hành chính là Tân An. Trong thư có đoạn viết: "Trước đây, tôi chưa có điều kiện tham gia hoạt động ở chiến trường Quảng Ngãi, nhưng tấm lòng trung thành với Tổ quốc, với Đảng, tinh thần kiên cường, bất khuất, nghĩa đồng bào, tình đồng chí, sự đùm bọc nuôi dưỡng của nhân dân Quảng Ngãi đối với lực lượng vũ trang là một tấm gương sáng cả nước đều biết".

"Bây giờ đã hàng chục năm trôi qua, nhưng khi đọc lại những lá thư, nhắc lại lần cố Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu trực tiếp về Tân An thăm hỏi bà con, người dân chúng tôi ai nấy vẫn vẹn nguyên niềm vui, tự hào" - cụ Nguyễn Vụ (86 tuổi), nguyên Phó Bí thư Huyện ủy Mộ Đức, chia sẻ.

Mong có ngày tìm được người đã mất

Chúng tôi gặp ông Nguyễn Đến (63 tuổi) khi ông đang nằm nghỉ mát sau buổi làm đồng trở về. Ở tuổi xế chiều, ông Đến sống một mình lo hương hỏa bàn thờ gia tiên, bởi con cái của ông đều đã ra riêng, vợ đi làm xa chưa về.

Ông Đến kể gia đình ông có tất cả 3 liệt sĩ, cả ông bà nội, bà ngoại của ông đều là Mẹ Việt Nam anh hùng. "Cha tôi là Nguyễn Nhất. Trong thời kháng chiến chống Mỹ, cha đi bộ đội và hy sinh năm 1973 ở khu vực sông Re, chiến trường miền Tây Quảng Ngãi. Khi cha tôi mất, mẹ tôi nhận tin nhưng bà vẫn hy vọng cha còn sống. Mấy năm đầu sau khi hòa bình lập lại, mẹ tôi thường dẫn 3 anh em tôi đi tìm cha. Bà nói nếu cha tôi chết phải tìm cho được. Hết lần này đến lần khác, cả 3 mẹ con đều thất vọng đi về" - ông Đến kể.

Ông Nguyễn Đến vẫn đau đáu nỗi niềm chưa tìm được hài cốt của người thân

Ông Nguyễn Đến vẫn đau đáu nỗi niềm chưa tìm được hài cốt của người thân

Cách đây 3 năm, mẹ ông Đến mất ở tuổi 89. Trước khi mất, bà vẫn day dứt và dặn 3 anh em ông Đến phải cố gắng tìm mộ của cha. "Bây giờ mong ước lớn nhất của gia đình tôi là tìm được hài cốt của cha đưa về với gia đình. Mấy anh em chúng tôi cũng đã nhiều lần liên hệ cơ quan chức năng giúp đỡ, nhờ tìm kiếm những đồng đội của cha tôi, biết đâu họ còn sống biết mộ cha tôi ở chỗ nào" - ông Đến nói.

Ở xóm Mù U có rất nhiều gia đình có người thân là liệt sĩ, đến nay sau hàng chục năm tìm kiếm nhưng vẫn chưa tìm được hài cốt. Như gia đình ông Đỗ Văn Dây, con của liệt sĩ Đỗ Văn Đây - hy sinh năm 1968 ở khu vực giáp ranh giữa huyện Nghĩa Hành và huyện Mộ Đức, sau bao năm vẫn chưa tìm được hài cốt. "Cha tôi hy sinh mấy năm thì đến năm 1971, mẹ tôi cũng bị lính Mỹ bắn chết ngay trong vườn nhà. Khi ấy tôi mới 9 tuổi, đang ngồi học bài trong nhà, còn em trai tôi mới 7 tuổi. Đất nước hòa bình, anh em tôi lớn khôn cũng rất nhiều lần đi tìm kiếm hài cốt của cha nhưng vì thông tin mơ hồ, ít ỏi nên việc tìm kiếm không khả quan. Đến giờ chúng tôi chỉ tự an ủi biết đâu cha tôi đã được đưa vào nghĩa trang liệt sĩ, là một trong số những ngôi mộ vô danh" - ông Dây ngậm ngùi.

Một lòng theo cách mạng

Cụ Nguyễn Vụ cho biết nhờ địa thế hiểm yếu và người dân một lòng theo Bác Hồ nên ngay từ thời kháng chiến chống Pháp, người dân Tân An đã đắp lũy, dùng vũ khí thô sơ chống Pháp. Đến thời chống Mỹ, nơi đây tiếp tục trở thành căn cứ cách mạng của khu Đông huyện Mộ Đức. Người dân nơi đây không thể nào quên ngày 22-6-1966, lính Mỹ từ ngoài khơi dùng pháo hạm bắn vào bãi biển Tân An, làm chết và bị thương hơn 100 ngư dân. Riêng xã Đức Phong có 49 người chết, 39 người bị thương...

Bài và ảnh: TỬ TRỰC

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su/ky-niem-76-nam-ngay-thuong-binh-liet-si-2771947-2772023-ve-xom-mu-u-anh-hung-20230726215256277.htm