Kỷ niệm 69 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27-2-1955 - 27-2-2024) Tập trung đầu tư phát triển mạnh ngành Y tế

Năm qua, ngành Y tế tỉnh đã thực hiện có hiệu quả nhiều hoạt động trong công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Nhân kỷ niệm 69 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27-2-1955 - 27-2-2024), bác sĩ Bùi Xuân Minh - Giám đốc Sở Y tế cho biết:

- Năm 2023, được sự ủng hộ, chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ, y, bác sĩ đã giúp ngành Y tế tỉnh hoàn thành và vượt nhiều chỉ tiêu quan trọng. Số giường bệnh trên một vạn dân đạt 36,4 giường; số bác sĩ trên một vạn dân đạt 12,4 người; tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi của trẻ em dưới 5 tuổi đạt 8%; tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 94,9%; dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát…

Bác sĩ Bùi Xuân Minh - Giám đốc Sở Y tế Khánh Hòa

- Ông đánh giá như thế nào về trình độ chuyên môn của đội ngũ y, bác sĩ hiện có của tỉnh? Theo ông, đội ngũ y, bác sĩ hiện nay có đáp ứng đủ cho công tác chăm sóc sức khỏe của người dân trong tỉnh?

- Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của toàn ngành hơn 7.000 người, trong đó bác sĩ ở các cơ sở công lập và ngoài công lập hơn 1.560 người. Hiện nay, có hơn 50% bác sĩ có trình độ chuyên khoa cấp I và tương đương trở lên; riêng Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh có hơn 68% bác sĩ có trình độ chuyên khoa cấp II và tiến sĩ trở lên. Về cơ bản, đội ngũ bác sĩ ở tỉnh đáp ứng đủ cho nhu cầu khám và điều trị bệnh các tuyến. Những năm qua, đội ngũ bác sĩ đã tiếp nhận và triển khai tốt nhiều kỹ thuật mới, chuyên sâu trong chăm sóc và điều trị bệnh. Đặc biệt, thời gian gần đây, các cơ sở y tế không ngừng được đầu tư cơ sở vật chất, trang bị các thiết bị hiện đại, triển khai nhiều kỹ thuật phẫu thuật ít xâm lấn. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, giảm tải cho các BV tuyến trên. Đa số cán bộ, nhân viên của ngành đều thực hiện tốt các quy định về y đức, nhiệt tình chăm sóc người bệnh.

- Sau đại dịch Covid-19, trên cả nước xảy ra tình trạng nhân viên y tế bỏ việc hàng loạt, ngành Y tế tỉnh có giải pháp gì để giữ chân nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, thưa ông?

- So với cả nước, tại tỉnh Khánh Hòa, sau dịch Covid-19, số lượng cán bộ, nhân viên y tế bỏ việc rất ít. Cụ thể, có 18 bác sĩ và 58 người làm ở các lĩnh vực khác nghỉ việc, nhưng có tới 66 người nghỉ việc do hoàn cảnh gia đình và sức khỏe không đảm bảo (chiếm hơn 86%). Có được kết quả trên là nhờ các cơ sở y tế thực hiện tốt chỉ đạo của sở trong việc tạo môi trường làm việc thuận lợi cho cán bộ, nhân viên. Cùng với đó, Sở Y tế phối hợp với Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 11 (năm 2022) quy định về chế hộ hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức và thu hút nhân tài trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, trong đó có chế độ hỗ trợ một lần cho bác sĩ có trình độ đại học trở lên, có nguyện vọng về công tác tại các cơ sở y tế công lập.

Song song đó, thực hiện Chương trình phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực y tế giai đoạn 2021 - 2025, từ năm 2021 đến nay, có 29 bác sĩ được đưa đi đào tạo chuyên khoa cấp II, 87 bác sĩ chuyên khoa cấp I, 17 thạc sĩ; 15 dược sĩ chuyên khoa cấp I, 1 thạc sĩ dược; 54 bác sĩ liên thông; 22 dược sĩ liên thông. Đối với tuyến cơ sở, Sở Y tế đã xây dựng chính sách bổ sung nguồn nhân lực thông qua việc tăng định biên biên chế cho y tế tuyến xã, có cơ chế cho phép hợp đồng cán bộ y tế làm công tác chuyên môn. Đồng thời, tiếp tục tăng cường công tác đào tạo, luân phiên cán bộ từ tuyến tỉnh xuống tuyến huyện, xã.

- Theo Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong tương lai BVĐK tỉnh sẽ trở thành BV tuyến cuối khu vực duyên hải Nam Trung Bộ. Ngành Y tế đã có những bước chuẩn bị gì cho công tác này, thưa ông?

- Đến nay, Đề án xây dựng BVĐK tỉnh trở thành BV tuyến cuối của khu vực duyên hải Nam Trung Bộ với quy mô 1.500 giường bệnh đã được Sở Y tế xây dựng xong và trình UBND tỉnh. Theo đó, khi đi vào hoạt động, BV sẽ được trang bị các thiết bị hiện đại, đội ngũ nhân lực được đào tạo chuyên sâu về kỹ thuật chuyên môn, đảm bảo khả năng khám, điều trị và thực hiện 80% danh mục kỹ thuật tuyến trung ương. Trong đó, tập trung phát triển Trung tâm Chấn thương chỉnh hình - Bỏng, Khoa Phụ sản, Ngoại Lồng ngực, Ngoại Thần kinh, Ngoại Tổng quát, Ngoại Cột sống, Hồi sức tích cực chống độc, Tim mạch can thiệp…

Cuối năm 2023, xét theo tờ trình của UBND tỉnh về đề án nêu trên, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chỉ đạo UBND tỉnh đảm bảo hoàn thành Dự án Xây dựng BVĐK tỉnh Khánh Hòa theo đúng mục tiêu, quy mô là BV tuyến cuối của khu vực duyên hải Nam Trung Bộ và giao Bộ Y tế chịu trách nhiệm hướng dẫn về chuyên môn kỹ thuật, bảo đảm thực hiện đúng mục tiêu theo Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị. Hy vọng, với sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Trung ương và tỉnh, đề án sớm được triển khai trong thời gian tới.

- Ông có thể cho biết, định hướng phát triển của ngành Y tế trong thời gian tới?

- Mục tiêu phát triển của ngành trong thời gian tới là tập trung đầu tư nhân lực, vật lực cho hệ y tế dự phòng, tuyến cơ sở, đưa BVĐK tỉnh trở thành BV tuyến cuối khu vực duyên hải Nam Trung Bộ và phát triển các BV chuyên khoa. Để đạt mục tiêu trên, tôi mong Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh tiếp tục có sự quan tâm, đầu tư hơn cho ngành Y tế, đặc biệt là sớm có sự đột phá về chính sách thu hút nguồn nhân lực riêng cho ngành, để ngành tuyển dụng và giữ chân được nguồn nhân lực chất lượng cao về cho các tuyến, đặc biệt là khi BVĐK tỉnh trở thành BV vùng.

- Xin cảm ơn ông!

THẢO LY (Thực hiện)

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/chinh-tri/202402/ky-niem-69-nam-ngay-thay-thuoc-viet-nam-27-2-1955-27-2-2024-tap-trung-dau-tu-phat-trien-manh-nganh-y-te-56513e3/