KỶ NIỆM 20 NĂM TP ĐÀ NẴNG TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG:Những chuyến xe cuối tuần ngày ấy!

Trong những ngày Đà Nẵng chuẩn bị kỷ niệm 20 năm ngày Quảng Nam- Đà Nẵng “ra riêng”, tôi lại chợt nhớ đến những chuyến xe đưa đón cán bộ công chức vào công tác, kiến thiết tỉnh Quảng Nam những năm đầu sau khi chia tách tỉnh. Thấm thoắt đã 20 năm với biết bao chuyện buồn vui giữa người đi, kẻ ở!

Lãnh đạo TP Đà Nẵng và ngành GTVT 2 địa phương Đà Nẵng- Quảng Nam cắt băng khánh thành, đưa vào hoạt động tuyến xe buýt Thọ Quang (Đà Nẵng)- Đại Chánh (Quảng Nam)
đầu tháng 11-2013. (ảnh minh họa). Ảnh: Công Hạnh

1. Tôi về công tác tại Báo Công an tỉnh Quảng Nam- Đà Nẵng (nay là Báo CATP Đà Nẵng) hơn 6 tháng thì diễn ra cuộc chia tay lịch sử. Còn nhớ, những tháng cuối năm 1996, không khí các sở ban ngành ở Đà Thành chộn rộn trước chủ trương chia tách tỉnh QN-ĐN thành hai đơn vị hành chính. Ai đi, ai ở là câu chuyện được bàn tụ rôm rả trong quán cà-phê trước mỗi giờ làm việc, nhất là tâm trạng của những người đã lập gia đình, có nhà cửa ổn định tại Đà Nẵng. Có lẽ, chỉ có lớp trẻ mới ra trường như chúng tôi là vô tư nhất. Đi hay ở cũng chẳng sao, đều là quê hương cả. Dạo ấy, tôi vẫn còn là phóng viên tập sự ở báo nên nhân sự kiện chia tách này, nhiều bạn học cùng lớp đang làm tại Đài Phát thanh truyền hình QN-ĐN khuyên tôi nên xin vào Đài Phát thanh truyền hình Quảng Nam vì cơ hội được là nhân viên chính thức sẽ nhiều hơn...Nhưng tôi đã từ chối cơ hội ấy...

2. Những năm đầu sau khi chia tách, tôi thường vào Tam Kỳ công tác, ở chung phòng với hai cô em học sau một khóa Trường ĐH Tổng hợp Huế (nay là ĐH Khoa học Huế). Một người làm ở UBMTTQVN tỉnh, quê Vĩnh Điện (Điện Bàn); một người làm ở Sở VHTT, quê Duy Xuyên. Tối đến, ba chị em thường rủ nhau đi cà-phê. Dạo ấy, Tam Kỳ còn là thị xã, quanh đi quẩn lại chỉ có vài quán cà-phê gọi là tạm được. Chúng tôi mỗi lần gặp nhau là vui như hội, không khác gì thời sinh viên. Mới chia tách, trụ sở các ban ngành còn tạm bợ. Hàng quán ăn uống phục vụ cũng chưa được nhiều như bây giờ, vì thế có một số cơ quan tổ chức bếp ăn tập thể; cơ quan nào không tổ chức nấu ăn tập thể, anh chị em rủ nhau ra ngoài ăn cơm nên thường “chộ” mặt nhau. Có người còn đặt cơm quán hàng tháng cho tiện. Là thủ phủ của tỉnh Quảng Nam, những năm đầu sau khi chia tách, việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các cơ quan hành chính của các sở ban ngành khiến cho không khí “thị xã trong tầm tay” này nhộn nhịp, sôi động hẳn lên. Nhiều công chức có nhà ở Đà Nẵng mỗi dịp “trà dư tửu hậu” thường bông đùa, tếu táo rằng: “Nhờ có bọn mình vào mà Tam Kỳ sôi động hẳn lên...”.

Tuyến xe buýt Thọ Quang (Đà Nẵng)- Đại Chánh (Quảng Nam) được đưa vào hoạt động
vào cuối năm 2013 phục vụ nhu cầu đi lại của người dân Quảng Nam-Đà Nẵng. (ảnh minh họa)

3. Sau khi hoàn thành việc thu thập tư liệu, gặp đúng dịp về cuối tuần, tôi thường được các bạn gửi đi nhờ xe của các cơ quan có tổ chức đưa đón cán bộ công chức nhà ở Đà Nẵng về. Thời kỳ đó, ĐTDĐ chưa có nên cách liên hệ đi nhờ xe thường là gặp trực tiếp tại... quán ăn trưa hoặc liên hệ qua điện thoại bàn ở công sở: “Anh (chị) ơi! Chiều xe cơ quan mình về mấy giờ, cho em gửi bạn đi nhờ xe về với nghe!”. Tầm 16 giờ chiều cuối tuần, trụ sở của nhiều ban ngành vắng hoe. Tiếng gọi rủ nhau cùng về thật rộn ràng, khiến những người vì có việc mà ở lại cảm thấy nao nao! Tôi nhớ lần đầu tiên được bạn gửi đi nhờ xe, vừa mới bước lên xe đã bị phát hiện ra ngay là dân đi nhờ. Bởi ngày ấy, cánh cán bộ công chức làm việc ở Tam Kỳ đa phần đều biết mặt nhau. “Em vào Quảng Nam công tác phải không? Ở Đà Nẵng làm ở cơ quan nào?”, đấy là câu hỏi tôi thường gặp khi đi nhờ xe về lại Đà Nẵng. Sự quan tâm, tình người thời kỳ chia tách còn nhiều thiếu thốn ấy thật đậm đà, chân chất đúng như bản tính của người xứ Quảng. Vốn say xe, vậy nhưng hễ đi trúng chuyến xe nào gặp người có tính trào lộng, hài hước đặc sệt tiếng Quảng kể chuyện phiếm, chuyện cải biên là tôi quên hết cả say xe vì cười.

4. Tôi có người bạn lập gia đình hơn 11 năm thì có hơn 9 năm sống cảnh “đầu tuần tiễn chồng, cuối tuần đoàn tụ”. Tuần nào, nếu lười hoặc hơi mệt, chồng bạn tôi thường đi xe buýt vào Tam Kỳ, cuối tuần theo xe buýt hoặc đi nhờ xe ô-tô của người quen về Đà Nẵng. Sáng sớm thứ hai, sau khi chở chồng ra trạm xe buýt để đón xe vào Tam Kỳ làm việc, bạn tôi quầy quả trở về nhà để lo cho con nhỏ ăn sáng, đến trường học. Những lúc nhớ vợ con, giữa tuần, chồng tranh thủ chạy về thăm buổi tối, sáng sớm hôm sau lại quay vào. Riết rồi bạn tôi cũng quen với cuộc sống “đầu tuần ngưu lang chức nữ, cuối tuần đoàn tụ”. Thi thoảng cùng ngồi nhâm nhi với họ ly cà-phê, nhìn tình cảm hai vợ chồng mà thấy thương quý vô cùng! Thế nên, khi hay tin chồng của bạn đã chuyển được công tác về Đà Nẵng, tôi thấy mừng cho bạn! Chợt nghĩ, còn bao nhiêu người hiện vẫn còn sống cảnh đưa đón như một thời của bạn tôi. 20 năm mà cứ ngỡ như mới hôm qua! 20 năm, nhưng với người dân 2 tỉnh, Quảng Nam- Đà Nẵng mãi mãi là anh em song sinh, “chia” mà không “tách”!

Khánh Yên

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/65_158843_nhu-ng-chuye-n-xe-cuo-i-tua-n-nga-y-a-y-.aspx