Kỹ năng ứng phó khi bị lạc nên dạy trẻ

'Lạc' không chỉ là trẻ bị lạc đường, mà còn là khi chúng rời khỏi tầm mắt, sự kiểm soát của cha mẹ.

Trẻ cần đứng chờ ở một điểm nếu bị lạc. Ảnh minh họa: INT.

Ngay ở nhà, trẻ cũng có thể bị “lạc” nếu cha mẹ không dõi theo kỹ lưỡng. Dạy trẻ kỹ năng khi bị lạc cần được thực hiện càng sớm càng tốt.

Để phát triển kỹ năng sống cho trẻ, cha mẹ cần dạy con không được đi bất cứ đâu với bất cứ ai mà không xin phép phụ huynh.

Nhận thức về sự an toàn

Trong quá trình phát triển, trẻ cần được cha mẹ chỉ dạy rất nhiều về cả kiến thức và kỹ năng. Đặc biệt, khi trẻ bước chân ra môi trường bên ngoài để vui chơi, tham gia các hoạt động hay đi học. Nhiều nguy cơ xung quanh luôn rình rập bé. Một trong những kỹ năng cần thiết mà cha mẹ phải trang bị cho trẻ đó là cách ứng phó khi đi lạc.

Theo giáo viên Nguyễn Hân – Hệ thống giáo dục kỹ năng sống Cara, để phát triển kỹ năng sống cho trẻ, cha mẹ nên nói chuyện với con về sự an toàn của bé. Từ đó, hướng đến phát triển kỹ năng sống cho trẻ ngay từ nhỏ.

Nhiều cha mẹ dạy con không bao giờ được đi với “người lạ”. Song, sự hiểu biết về khái niệm này thường rất mù mờ. Mặt khác, từ “người lạ” sẽ khiến trẻ nghĩ về một kẻ “đáng sợ” hoặc “xấu”. Vì vậy, một người thân thiện hoặc tốt bụng có thể không bị trẻ coi là mối nguy hiểm, nhưng trên thực tế lại khác.

Việc dạy con “đừng bao giờ nói chuyện với người lạ” là một sai lầm lớn của cha mẹ. Thay vào đó, để phát triển kỹ năng sống cho trẻ, cha mẹ cần dạy con không bao giờ được đi bất cứ đâu với bất cứ ai mà không xin phép phụ huynh trước. Đây là bài học mà cha mẹ nên thực hiện ngay khi bắt đầu nói chuyện với trẻ về sự an toàn.

Nếu một đứa trẻ bị lạc đang hét lên “Mẹ ơi!” thì rất khó phân biệt giọng nói của bé với những trẻ khác. Vì vậy, trẻ mẫu giáo nên gọi tên, đặc biệt là họ tên của cha mẹ hoặc bất kỳ người chăm sóc nào khác.

Phụ huynh cần lặp đi lặp lại thông tin này nhiều lần để trẻ có thể nhớ được. Nếu bị lạc, trẻ có thể nói cho ai đó biết cha mẹ mình là ai. Cha mẹ hãy giúp trẻ thích học tên của phụ huynh bằng cách trình bày nó như một điều gì đó đặc biệt.

Việc trang bị đồng hồ hoặc thiết bị định vị cho trẻ khi đi lạc là một giải pháp hiệu quả. Ảnh minh họa: INT.

Một trong những rào cản lớn nhất đối với sự an toàn của trẻ là sự không chắc chắn của cha mẹ về cách tiếp cận đối tượng. Dạy về sự an toàn cho trẻ cũng giống như việc hướng dẫn trẻ đi qua đường. Phụ huynh cần cung cấp cho trẻ những quy tắc tích cực, trao quyền cho hành vi an toàn, thay vì chỉ ra tất cả những điều nguy hiểm có thể làm tổn thương con.

Bên cạnh đó, phụ huynh cũng cần dạy trẻ cách giao tiếp với người lạ. Nếu trẻ bị lạc, con có thể yêu cầu được giúp đỡ. Trong khi đó, trẻ mẫu giáo nên nhờ một người mẹ khác có con giúp đỡ. Trẻ lớn hơn có thể học cách hỏi nhân viên cảnh sát hoặc người bán hàng, những người mặc đồng phục.

Một cách tiếp cận tốt hơn với trẻ là thực hành thông qua nhập vai. Tuy nhiên, những đứa trẻ ở độ tuổi này rất dễ bị chấn thương. Vì vậy, các tình huống cần được sắp xếp tích cực, theo xu hướng trao quyền hơn là đáng sợ. Tập trung vào những điều tích cực mà trẻ có thể làm để tìm cha mẹ thay vì làm thế nào chúng có thể ngăn chặn một người xấu.

Phụ huynh cần thực tập điều này ở nhà hoặc trong không gian công cộng an toàn. Sau đó, để trẻ giả vờ tách khỏi cha mẹ. Ngoài ra, những ý tưởng an toàn hơn có thể là cung cấp các thiết bị nhận dạng trẻ em cho trẻ như vòng tay, thẻ…; viết số điện thoại di động vào balo, giày, tất… của trẻ. Đồng thời, đọc những cuốn sách an toàn, giải thích và cùng trẻ xác định “người lạ an toàn” và nhận ra tình huống nguy hiểm.

Cháu bé bị lạc được các chiến sĩ đồn Công an Kim Chung (Đông Anh, Hà Nội) chăm sóc trong khi chờ gia đình đến đón. Ảnh: INT.

Kỹ năng nhờ sự trợ giúp

Ông Lê Đặng Minh Nhật - nhà nghiên cứu tâm lý giáo dục, CEO Công ty CP Tiềm Năng Vô Hạn UPO cho biết, việc dạy trẻ kỹ năng ứng phó khi đi lạc là vô cùng cần thiết. Thông thường, khi bị lạc, trẻ sẽ không thể giữ bình tĩnh. Khi đó, việc quyết định một cách bồng bột sẽ khiến tình huống khó giải quyết hơn.

Cha mẹ cần giải thích rằng, bố mẹ sẽ sớm tìm được con nếu như bé làm theo những gì đã học. Ngoài ra, khi đến nơi đông người, cha mẹ nên mặc quần áo màu sắc sặc sỡ cho con và chọn một địa điểm quen thuộc. Sau đó, dạy bé đứng chờ ở địa điểm này nếu bé đi lạc.

Theo chuyên gia Lê Đặng Minh Nhật, khi đi lạc, kỹ năng nhờ sự trợ giúp của người khác là rất quan trọng để giúp trẻ có thể tìm đường về nhà một cách an toàn. Phụ huynh nên dạy con nhờ người khác giúp đỡ một cách lịch sự và văn minh. Tránh đưa ra những yêu cầu quá mức hoặc không thích hợp.

Bên cạnh đó, cần trang bị cho trẻ kỹ năng đánh giá và ra quyết định khi đi lạc. Đầu tiên là cần xác định nơi mình đang ở và địa điểm mà mình muốn đến. Sau đó đánh giá tình hình xung quanh để tìm ra những người có thể giúp đỡ mình cũng như dạy trẻ tránh xa những nơi nguy hiểm.

Con cần quan sát xem có những người nào ở gần đó và họ có thể giúp đỡ mình không. Ba mẹ dạy con kỹ năng đánh giá tình huống và lựa chọn các hành động phù hợp để phân biệt được những tình huống nguy hiểm và những tình huống an toàn. Sau khi đánh giá tình huống, con cần đưa ra quyết định, sau đó thực hiện cẩn thận kế hoạch để tìm đường về nhà.

“Khi đi lạc, trẻ rất dễ bị xâm hại hoặc rơi vào tình huống nguy hiểm. Việc dạy trẻ kỹ năng phòng chống xâm hại là rất quan trọng để bé biết cách tự bảo vệ mình. Phụ huynh dạy trẻ không nên tin bất kỳ ai ngoại trừ những người mà con biết và tin tưởng, cũng như những người có trách nhiệm như công an, bảo vệ…

Trẻ nên tránh giao tiếp với người lạ, đặc biệt là những người đeo đuổi hoặc cố tình tiếp cận”, chuyên gia nhấn mạnh. Bởi, phòng chống xâm hại là kỹ năng sống khi bị lạc, đòi hỏi khả năng đánh giá và xử lý tình hình của trẻ phải tốt.

Khi đi lạc, trẻ cũng có nguy cơ bị kẻ xấu lừa dối bằng cách đưa cho những đồ vật hoặc mời đi theo. Việc cha mẹ dạy con kỹ năng không đi theo và nhận đồ của người lạ là rất quan trọng để bé biết cách bảo vệ mình. Phụ huynh cần giáo dục cho con biết rằng, không nên nhận bất kỳ đồ vật nào từ người lạ, dù đó là đồ chơi hay thức ăn. Đây có thể là một cách lừa dối của kẻ xấu để tiếp cận và xâm hại trẻ.

Ngoài ra, việc trang bị đồng hồ hoặc thiết bị định vị cho trẻ là một giải pháp hiệu quả giúp cha mẹ theo dõi và tìm kiếm được vị trí của trẻ nhanh chóng trong trường hợp trẻ bị lạc. Nhờ đó, tạo cho cha mẹ và trẻ một cảm giác an toàn, yên tâm hơn khi ra ngoài chơi hoặc đi du lịch. Tuy nhiên, điều cần lưu ý là thiết bị định vị không phải giải pháp tuyệt đối để bảo vệ trẻ khỏi bị lạc. Vì vậy, cha mẹ cần chú ý và chăm sóc trẻ một cách cẩn thận.

“Việc cha mẹ xây dựng và giáo dục kỹ năng sống xử lý tình huống là phương pháp hiệu quả giúp trẻ có thể tự tin và sẵn sàng đối phó trong trường hợp bị lạc. Cha mẹ có thể xây dựng tình huống: Trẻ bị lạc ở một khu vực rộng và xa nhà. Cha mẹ hướng dẫn trẻ nên giữ bình tĩnh và cố gắng nhớ lại các địa điểm gần đó, ví dụ như một cửa hàng hoặc một khu vực đông người. Sau đó, con có thể tìm cách đến những địa điểm này để nhờ giúp đỡ”, chuyên gia Lê Đặng Minh Nhật chia sẻ.

“Để phát triển kỹ năng sống cho trẻ, cha mẹ hãy cố gắng nói chuyện với con bằng những mẩu chuyện nhỏ, thường xuyên và đặc biệt trong những trường hợp thực tế có thể dạy được. Ví dụ, khi ở trung tâm thương mại và rất đông đúc, hãy thử hỏi đứa con 4 tuổi xem bé sẽ làm gì nếu 2 người bị tách ra.

Sau đó, cha mẹ có thể đề xuất các bước đơn giản để đảm bảo sự an toàn cho trẻ. Đừng quên nói với con rằng, nếu chúng ta xa cách, bố/mẹ sẽ tìm thấy con. Vì vậy, hãy bình tĩnh và tuân theo các quy tắc an toàn”, chuyên gia Nguyễn Hân gợi ý.

Vân Huyền

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/ky-nang-ung-pho-khi-bi-lac-nen-day-tre-post661779.html