Kỹ năng thoát hiểm khi xảy ra hỏa hoạn

Khi xảy ra hỏa hoạn, chúng ta thường có rất ít thời gian để phản ứng, chính vì vậy nắm được các kỹ năng thoát hiểm là yếu tố quyết định đến sự sinh tồn của bạn và người thân.

Hỏa hoạn có thể xảy ra bất kỳ nơi đâu, bất kỳ lúc nào và hậu quả để lại thường rất thảm khốc, đặc biệt khi hỏa hoạn xảy ra ở các tòa nhà cao tầng, khu vực đông dân cư.

Vụ hỏa hoạn tại cơ sở kinh doanh karaoke số 68 Trần Thái Tông (Cầu Giấy, Hà Nội) xảy ra vào khoảng 13h15 ngày 1-11-2016 khiến 13 người thiệt mạng; vụ hỏa hoạn ở căn nhà số 91 Phan Bội Châu, phường 7, TP Cà Mau vào lúc 0h15 ngày 31-7-2016 làm 6 người thiệt mạng; xa hơn là vụ cháy Trung tâm thương mại quốc tế ITC tại TP HCM vào lúc 13h30 ngày 29-10-2002 làm cho 60 người tử vong, 70 người bị thương…

Vụ hỏa hoạn tại cơ sở kinh doanh karaoke số 68 Trần Thái Tông (Cầu Giấy, Hà Nội).

Khi xảy ra hỏa hoạn, chúng ta thường có rất ít thời gian để phản ứng, chính vì vậy, nắm được các kỹ năng thoát hiểm là yếu tố quyết định đến sự sinh tồn của bạn và người thân. Vậy, khi gặp hỏa hoạn, chúng ta cần làm gì để thoát hiểm, bảo đảm an toàn tính mạng của mình và người thân. Dưới đây là một số kỹ năng cơ bản để thoát hiểm trong những tình huống hỏa hoạn:

1. Kỹ năng thoát hiểm khi hỏa hoạn xảy ra ở tòa nhà cao tầng, chung cư

Để có thể thoát hiểm khi xảy ra hỏa hoạn ở tòa nhà cao tầng như chung cư, trung tâm thương mại… trước hết chúng ta cần phải nhận biết được đặc điểm cấu trúc thoát hiểm của tòa nhà, phân loại được đám cháy, các phương tiện chữa cháy được trang bị và một số qui tắc chữa cháy, thoát hiểm cơ bản.

Nếu là cư dân ở chung cư hoặc nhân viên thường xuyên làm việc ở các tòa nhà cao tầng, bạn hãy dành một ít thời gian tìm hiểu cấu trúc thoát hiểm của tòa nhà. Lối thoát hiểm trong các tòa nhà thường được bố trí hợp lý, có bản chỉ dẫn, có hệ thống chiếu sáng kể cả khi bị cúp điện… nhưng nếu chúng ta không khảo sát ít nhất một lần khi gặp sự cố, trong trạng thái mất bình tĩnh thường rất khó khăn để thoát theo lối thoát hiểm.

Lần đầu tiên đến các tòa nhà cao tầng, nếu không có thời gian, ít nhất bạn cần phải quan sát, định hướng được lối thoát hiểm của tòa nhà để có thể dễ dàng tìm ra lối thoát hiểm khi gặp hỏa hoạn.

Vụ cháy Trung tâm thương mại quốc tế ITC tại Tp HCM năm 2002.

Trong các tòa nhà cao tầng thường trang bị một số phương tiện báo cháy, chữa cháy tại chỗ như chuông báo cháy, bình chữa cháy. Chuông báo cháy thường dễ dàng nhận biết. Tuy nhiên, các loại bình chữa cháy chỉ phù hợp với từng loại nguyên liệu phát sinh lửa mà nếu không nhận biết được có thể dẫn đến việc không dập tắt được lửa mới phát sinh mà còn làm cho ngọn lửa bùng to hơn.

Ở chung cư hoặc các tòa nhà cao tầng thường được dự phòng 02 loại bình chữa cháy cơ bản:

Bình bột có nhiều loại khác nhau để chữa các vật liệu cháy có tính năng khác nhau được ký hiệu lần lượt là A (chữa cháy chất rắn), B (chữa cháy chất lỏng), C (chữa cháy chất khí), D hoặc E (chữa cháy do chập điện).

Bình CO2 chuyên chữa cháy chất lỏng (xăng, dầu, cồn), chữa cháy khí (methan, gas) và thiết bị điện. Trên thân bình thường ghi rõ ký hiệu CO2 hoặc MT2, MT3, MT5.

Hướng dẫn cấu tạo bình chữa cháy thông dụng.

Trên các bình chữa cháy thường không có chú thích tiếng Việt, tuy nhiên bạn có thể nhận biết qua các ký hiệu ghi rất rõ trên bình với điều kiện ít nhất 1 lần quan sát hoặc được tập huấn.

Bên cạnh đó, bạn cần nắm được các bước cơ bản khi phát hiện có ngọn lửa phát sinh trong tòa nhà cao tầng theo tiêu lệnh chữa cháy theo các cấp độ gồm 04 bước: 1. Báo động; 2. Cúp cầu giao điện; 3. Sử dùng phương tiện chữa cháy phù hợp để dập lửa; 4. Gọi 114

Những kỹ năng này cần phải được huấn luyện hoặc tự trang bị, thậm chí cần phải phổ biến cho các thành viên trong gia đình kể cả trẻ em để chủ động xử lý khi hỏa hoạn xảy ra ở chung cư hoặc tòa nhà cao tầng.

Đối với những vụ cháy nhỏ phát sinh trong căn hộ, nơi làm việc ở chung cư hoặc tòa nhà cao tầng. Trước tiên, cần phải bình tĩnh, nhận diện sơ bộ nguyên liệu phát sinh lửa, phải nhấn chuông báo cháy, cúp cầu giao điện.

Nếu xét thấy có khả năng dùng phương tiện tại chỗ để dập tắt được đám cháy cần phải nhanh chóng sử dụng phương tiện phù hợp dập tắt đám cháy. Tránh trường hợp xử lý máy móc gọi ngay cho 114 hoặc vội vàng báo động mà không tích cực dập tắt đám cháy mới phát sinh dẫn đến hình thành đám cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng.

Đối với những đám cháy lớn, khó có khả năng dập tắt, cần phải nhấn chuông báo cháy để báo động, nhanh chóng báo hiệu cho người xung quanh khi họ chưa phát hiện đám cháy và tổ chức di tản theo lối thoát hiểm hoặc xử lý an toàn nhất theo từng tình huống.

Nếu bạn đang ở trong phòng kín, nghe chuông báo cháy, hãy bình tĩnh phán đoán. Khi chưa có khói trong phòng hãy nhanh chóng đóng kín cửa chính để hạn chế khói bay vào phòng.

Hãy chuẩn bị sẵn một chiếc khăn thấm đẫm nước, nếu không có khăn có thể sử dụng áo của mình thấm nước để che mũi, miệng đề phòng khi di chuyển gặp phải khói lửa. Nếu kịp hãy chuẩn bị một chiếc chăn thấm nước để sẵn sàng vượt qua lửa khi cần thiết.

Khi đã chuẩn bị sẵn sàng thoát ra ngoài, cần dùng mu bàn tay (nếu dùng lòng bàn tay có khả năng bị bỏng sẽ gây khó khăn cho việc thoát hiểm) áp vào cửa để kiểm tra nhiệt độ bên ngoài xem có lửa cháy hay không.

Khi thấy nhiệt độ bình thường, không vội vàng mửa cửa tháo chạy mà cần phải hé mở cửa, đứng nép vào cánh cửa tránh bị lửa (nếu có) táp vào người và khói xông vào phòng.

Nếu nhận thấy an toàn hoặc có khả năng thoát khỏi phòng, căn hộ mới thoát ra ngoài qua lối thoát hiểm, khi ra khỏi phòng không nên bấm khóa cửa dự phòng có thể phải quay lại.

Tuyệt đối không sử dụng thang máy trong tình huống hỏa hoạn vì khi có báo cháy thông thường ban quản lý tòa nhà sẽ cúp điện hoàn toàn tòa nhà do đó hệ thống thang máy không thể vận hạnh hoặc bị dừng vận hành bất ngờ khi đang di chuyển.

Khi di chuyển đến lối thoát hiểm, nếu còn thời gian và điều kiện hãy báo động bằng cách gõ cửa các căn hộ, phòng mà bạn đi qua để báo động cho họ. Phải di chuyển nhanh nhất có thể nhưng cần chú ý nếu có khói phải cúi người hoặc bò, trườn để tránh làn khói hắt thẳng vào mặt gây ngạt thở.

Khi di chuyển nên bám sát vách tường tránh đi giữa hành lang, nếu đông người nên di chuyển theo hàng dọc theo vách tường theo hướng dẫn của người đi đầu tránh trường hợp bi xô đẩy dẫn đến hoảng loạn.

Tuyệt đối không sử dụng thang máy khi xảy ra hỏa hoạn, nên sử dụng lối thoát hiểm.

Khi mở cửa lối thoát hiểm, cần phải quan sát bên dưới xem có an toàn không rồi mới di chuyển xuống dưới, cần bám vào lan can cầu thang bộ, không nên chen lấn, xô đẩy có thể dẫn đến ngã cầu thang, bị chấn thương, tạo nên trạng thái hoảng loạn của đám đông.

Khi thoát ra ngoài, đến vị trí an toàn, cần phải kiểm danh các thành viên trong gia đình, xem xét có người bị thương, bị bỏng để sơ cứu hoặc gọi cứu thương.

Khi di chuyển theo lối thoát hiểm, có khả năng quần áo, đầu tóc của bạn bị bén lửa, đừng hoảng hốt bỏ chạy vì càng chạy ngọn lửa sẽ càng bùng to gây tổn thương nghiêm trọng cho bạn. Nếu lửa cháy trên tóc phải nhanh chóng cởi áo trùm kín đầu để dập lửa.

Nếu lửa bén trên quần áo phải nằm ngay xuống đất, lăn qua lăn lại đến khi lửa tắt hẳn mới đứng dậy. Nếu người khác bị bén lửa hãy giúp họ bằng cách dùng mền, quần áo trùm lên người họ hoặc yêu cầu họ nằm xuống đất, lăn qua lăn lại để dập lửa.

Khi bị cháy vào người không nên chạy, phải dừng lại để dập lửa.

Nếu di chuyển đến lối thoát hiểm, nhận thấy phía dưới lối thoát hiểm đã bị khói lửa phong tỏa phải tính toán tìm lối thoát hiểm khác hoặc chạy lên phía trên để tránh xa lửa, khói.

Trường hợp tất cả cầu thang, lối thoát hiểm đã bị lửa khói xông vào cần phải quay lại nơi an toàn nhất. Có thể quay lại chính căn hộ, phòng làm việc của mình hoặc chọn một căn hộ, phòng làm việc có cửa sổ nơi có thể được lực lượng cứu hỏa ứng cứu.

Khi vào phòng, căn hộ, cần đóng cửa ra vào dùng quần áo, chăn mền, rèm cửa bằng vải… nhúng nước chèn bên dưới khe cửa để khói và hơi nóng không lọt vào bên trong.

Nếu ở tầng quá cao, tốt nhất nên chờ lực lượng cứu hỏa ứng cứu không nên liều lĩnh leo ra bên ngoài hoặc nhảy xuống dưới. Trong thời gian đó cần phải chuẩn bị sẵn vật dụng để để có thể báo hiệu cho lực lượng ứng cứu.

Nếu đang ở tầng thấp, trong tình thể bị lửa khói bao vây bên ngoài, khi chưa có lực lượng ứng cứu, có thể tính toán phương án tận dụng vật liệu có sẵn trong căn hộ tết lại thành dây để leo xuống bên dưới, trước tiên cần cho một người khỏe mạnh đi trước, sau đó lần lượt buộc dây neo từng người xuống, ưu tiên cho trẻ em, người già và phụ nữ di chuyển trước.

Trong trường hợp đang ở trong căn hộ, phòng làm việc ở chung cư, tòa nhà cao tầng, khi nghe chuông báo cháy, khói đã tràn vào phòng cần phải nhanh chóng nằm xuống sàn để tránh làn khói, dùng khăn nhúng đẫm nước hoặc áo của mình nhúng nước bịt mũi, miệng.

Kiểm tra cửa ra vào, dùng tay mu bàn tay kiểm tra cánh cửa cảm nhận độ nóng bên ngoài, có thể hé cửa để quan sát nếu thấy khói, mùi hóa chất, hơi nóng dày đặc phải đóng cửa lại ngay. Dùng vật liệu mềm nhúng nước chèn ở khe cửa bên dưới để hạn chế khói vào phòng.

Cần phải bình tĩnh chờ lực lượng ứng cứu, tránh hoảng loạn dẫn đến liều lĩnh trèo ra bên ngoài dẫn đến tai nạn hoặc mở cửa chính chạy ra ngoài gây nguy hiểm cho bản thân và những người trong căn hộ, trong phòng. Cần phải sử dụng đồ vật có sẵn trong nhà để báo hiệu cho lực lượng ứng cứu, dùng điện thoại di động gọi cho lực lượng cứu hộ để xác định rõ vị trí, tình trạng sức khỏe, mức độ nguy hiểm của bạn để lực lượng cứu hộ kịp thời ứng cứu.

2. Kỹ năng thoát hiểm khi hỏa hoạn xảy ra ở các tụ điểm giải trí như bar, karaoke…

Đặc điểm chung của các tụ điểm karaoke, bar.. ở các thành phố lớn thường được thiết kế khép kín, cách âm với bên ngoài bằng nhiều vật liệu dễ dẫn lửa, thường không có cửa sổ, mặt tiền thường tận dụng làm biển quảng cáo nên khả năng tiếp cận cứu hộ rất khó khăn.

Mặc dù có cửa thoát hiểm nhưng khi xảy ra hỏa hoạn, tốc độ lây lan của ngọn lửa nhanh, khói không thoát ra bên ngoài, đông người chen lấn, xô đẩy, hoảng loạn, tình trạng tinh thần không tỉnh táo do sử dụng chất kích thích… càng lằm tăng nguy cơ tử vong, thương tích cho những người bên trong đám cháy.

Vì vậy, trước khi đến các tụ điểm này, khi trạng thái tinh thần còn tỉnh táo, bạn cần phải xác đinh được phương hướng, định hướng được lối thoát hiểm khi xảy ra tình huống khẩn cấp để có thể thoát thân.

Khi xảy ra cháy, dù là nhỏ hay lớn, không cần quan tâm đến việc báo cháy, chữa cháy vì đã có lực lượng tại chỗ xử lý, bạn chỉ cần quan tâm đến việc thoát thân.

Nếu đang ở trong phòng karaoke, khi có báo động cháy, cần phải bình tĩnh, trấn an mọi người bình tĩnh. Trước hết, cần đóng cửa phòng để hạn chế khói xông vào phòng. Hầu hết các phòng karaoke đều được thiết kế kính trong suốt có thể nhìn ra bên ngoài để xác định hướng cháy, hướng thoát hiểm.

Mỗi người trong phòng nhanh chóng sử dụng áo của mình hoặc bất kỳ vật dụng bằng vải nhúng đẫm nước, nếu phòng không có nhà vệ sinh có thể tận dụng bất kỳ loại nước giải khát nào trên bàn để nhúng ướt áo dùng để che mũi miệng khi thoát ra bên ngoài.

Cần bỏ lại các vật dụng tài sản gây khó khăn cho việc di chuyển, chuẩn bị tâm thế sẵn sàng thoát ra ngoài. Khi mở cửa ra ngoài, cần phải đi theo hàng dọc, men theo tường, cầu thang thoát hiểm, khom người hoặc bò để tránh làn khói.

Xử lý an toàn của nạn nhân trong vụ cháy tại cơ sở karaoke ở Nguyễn Khang (Cầu Giấy, Hà Nội) ngày 17-9-2016

Nếu đám cháy mới bùng phát, áp lực khói, lửa chưa lớn, bằng mọi cách phải nhanh chóng vượt qua đám cháy thoát ra ngoài theo lối thoát hiểm, theo hướng dẫn của nhân viên. Khi chạy cần khom người tránh làn khói, dùng vải ướt bịt mũi miệng để không bị ngạt khói. Nếu bị lửa cháy xém vào người cần đứng lại lấy áo trùm lên chỗ cháy hoặc nằm xuống sàn lăn qua lăn lại để dập lửa.

Nếu đám cháy bùng phát lớn, phong tỏa lối thoát hiểm phía dưới, cần phải nhanh chóng di chuyển theo lối thoát hiểm lên trên càng cao càng tốt, cố gắng thoát lên sân thượng, ban công để thoát ra nhà bên cạnh hoặc tránh xa khói, lửa.

Tuyệt đối không nên cố thủ bên trong phòng karaoke, nhà vệ sinh hoặc chạy lòng vòng sân khấu của bar vì tốc độ cháy ở những tụ điểm này rất nhanh, nhiệt độ lớn, khói không thoát ra ngoài nên khả năng bị ngạt do khói rất cao.

Sau khi thoát ra bên ngoài tuyệt đối không quay lại cứu người mà hãy để họ tự cứu mình vì nếu bạn quay lại nguy cơ tử vong sẽ tăng cao, chậm tiến độ cứu hộ, thậm chí còn trở thành gánh nặng cho người khác trong tình huống nguy hiểm. Nhanh chóng kiểm danh, kiểm diện nhóm bạn đi cùng để kịp thời báo cho lực lượng cứu hộ có phương án ứng cứu, sơ cứu cho người bị thương.

3. Kỹ năng thoát hiểm khi hỏa hoạn xảy ra ở nhà riêng

Hỏa hoạn xảy ra ở nhà riêng nếu vào thời điểm ban ngày, gia chủ phát hiện sớm đám cháy, nhà thông thoáng… việc thoát hiểm thường không khó khăn.

Tuy nhiên, ở khu vực đông dân cư thuộc các thành phố lớn nhà thường được xây theo hình ống, không có cửa hậu, cửa thoát hiểm, các hướng có thể thoát hiểm thường được gia cố để trống trộm…

Vì vậy, khi hỏa hoạn xảy ra vào ban đêm, chủ nhà không phát hiện sớm đám cháy việc thoát hiểm rất khó khăn và thường để lại hậu quả rất thảm khốc.

Theo đó, mỗi gia đình, đặc biệt là những gia đình sống ở những ngôi nhà ống khép kín, có nguy cơ cháy cao cần phải nêu cao ý thức cảnh giác đối với hỏa hoạn đồng thời phải dự kiến trước tình huống hỏa hoạn xảy ra để kịp thời ứng phó, thoát hiểm, dự kiến lối thoát hiểm khi cần thiết.

Chủ nhân của những ngôi nhà này cần phải mua sắm các thiết bị chữa cháy tại chỗ như bình chữa cháy các loại để có thể dập tắt đám cháy mới phát sinh. Cần phải tạo thói quen để chìa khóa cửa chính ngăn nắp theo qui ước để có thể nhanh chóng mở cửa chính thoát ra ngoài.

Thông thường, chủ nhân thường khóa cửa nhà bằng nhiều ổ khóa, các loại khóa để chống đột nhập nên khi xảy ra hỏa hoạn việc mở cửa không phải dễ dàng nên việc để chùm chìa khóa đúng nơi, đúng chỗ rất quan trọng.

Hiện trường vụ cháy làm chết 6 người căn nhà số 91 Phan Bội Châu, phường 7, Tp Cà Mau vào lúc 0h15 ngày 31/7/2016.

Khi phát hiện đám cháy trong nhà, người phát hiện đầu tiên phải hô to để mọi người trong nhà biết, nhanh chóng phán đoán đám cháy để sử dụng phương tiện chữa cháy, nước có sẵn trong nhà để dập lửa.

Không nên gọi điện cho 114 báo cháy vì sẽ ứng cứu không kịp và làm chậm tiến độ thoát thân của bạn và người thân. Việc này tất yếu sẽ có hàng xóm, người đi đường làm giúp bạn. Trong tình huống này bạn có thoát hiểm hay không đều do cách xử lý tình huống của bạn và người thân, không thể trông chờ vào sự giúp đỡ từ bên ngoài.

Nếu nhận thấy khó có khả năng dập được lửa, không nên cố gắng tìm đủ mọi cách để dập lửa mà phải tính đến cách thoát thân. Nhanh chóng lấy chìa khóa mở cửa chính, yêu cầu mọi người nhanh chóng di chuyển ra bên ngoài qua cửa chính.

Trường hợp cửa chính đã bị khóa bên ngoài do kẻ thủ ác thực hiện, không nên cố phá cửa mà phải quay vào bên trong để tìm đường thoát khác hoặc cố gắng dập lửa.

Nếu đám cháy bùng phát lớn, không thể thoát ra ngoài bằng cửa trước, cần nhanh chóng lấy chăn nhúng nước khoác lên người, dùng khăn hoặc áo nhúng nước che mũi, miệng di chuyển đến nơi ít khói, tránh xa nguồn cháy càng xa càng tốt.

Cần phải nhanh chóng tìm lối thoát hiểm phía sau, nếu tường phía sau nhà có khoảng cách với tường nhà phía sau dù ít hay nhiều cần phải sử dụng dụng cụ nặng đập vỡ tường để thoát ra bên ngoài.

Trường hợp tường xây liền kế với tường nhà phía sau, kiên cố không thể phá vỡ, cần phải nhanh chóng phá trần nhà, cạy tôn hoặc ngói để thoát lên trên. Trong tình huống này, khói bốc lên rất nhiều có thể gây ngạt nên cần phải thực hiện nhanh chóng.

Sau khi phá được trần nhà, mái nhà có thể dùng chăn cuốn một vòng quanh nách để kéo từng người lên trên thoát ra ngoài. Những người chưa được đưa ra cần nằm sát xuống sàn nhà để tránh bị ngạt khói.

Trên đây là một số kỹ năng thoát hiểm cơ bản khi xảy ra hỏa hoạn. Như vậy, để có thể thoát hiểm khi xảy ra hỏa hoạn, bạn cần phải được trang bị những kỹ năng ứng phó cần thiết, cần phải bình tĩnh khi xảy ra hỏa hoạn, ứng biến linh hoạt, vận dụng các kỹ năng an toàn trong từng tình huống hỏa hoạn để có thể bảo đảm an toàn cho mình và người thân.

TS. Đoàn Văn Báu

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/doi-song/ky-nan-thoat-hiem-khi-xay-ra-hoa-hoan-415338/