Kỹ năng lái xe trên cao tốc: Cần đào tạo bài bản và bắt buộc

Sau khi liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, mới đây Cục Đường bộ Việt Nam đã yêu cầu các Sở GTVT chỉ đạo các cơ sở đào tạo lái xe chú trọng giảng dạy kỹ năng lái xe trên cao tốc, đặc biệt là cao tốc phân kỳ đầu tư.

Thực tế, việc đào tạo lái xe trên cao tốc gần như chưa được thực hiện do không nằm trong nội dung sát hạch, chỉ người học tự bổ túc sau khi lấy bằng.

Do vậy, nếu dạy lái xe trên cao tốc thì những vấn đề nào phát sinh, và nên quy định hướng nào để vừa an toàn tập lái, nhưng cũng vừa đáp ứng yêu cầu kỹ năng thực tế?

Lái xe phải đạt kỹ năng lái xe trên cao tốc phân kỳ trước khi cấp bằng. Ảnh: Công lý

Học lái xe được gần 3 tháng, song anh Vũ Thanh Tùng chưa từng được học thực hành lái xe trên cao tốc. Trong khi hệ thống đường cao tốc ngày càng mở rộng, việc lái xe trên cao tốc là tất yếu, nên anh Tùng rất mong muốn việc thực hành lái xe trên cao tốc để trang bị kỹ năng cần thiết sau khi có bằng lái: "Lái xe trên cao tốc mới biết được, thứ nhất là các biển báo, tốc độ, phải có trải nghiệm để lái xe. Phải có tất cả những bài thực hành như thế mới nắm bắt và xử lý được những tình huống sau này".

Là giáo viên dạy lái xe lâu năm, anh Nguyễn Văn Mạnh, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và sát hạch lái xe Hà Thành (Hà Nội) cũng cho hay, dù giáo trình hiện nay không quy định cụ thể phải đào tạo thực hành lái xe trên cao tốc, mà chỉ quy định số kilomet thực hành, nhưng một số trường hợp giáo viên vẫn dạy, để học viên có kỹ năng, kinh nghiệm lái xe trên cao tốc.

Dù vậy, anh Mạnh cũng mong muốn điều này được quy định rõ: "Không uốn nắn, không dạy thì học viên không có kỹ năng lái xe trên cao tốc. Chạy trên các tuyến đường quy định giới hạn tốc độ tối đa, tốc độ tối thiểu, chứ không dạy mà chỉ bò bò thì không thể nào học viên ra trường mà học biết lái cả, họ sẽ không có kinh nghiệm đi trên cao tốc".

Tuy vậy, ông Nguyễn Đức Hải, Giám đốc Trung tâm Sát hạch và cấp giấy phép lái xe ô tô Đức Thịnh (Hà Nội) cho hay, do chưa quy định bắt buộc sát hạch trên cao tốc, nên việc thực hành lái xe trên cao tốc chủ yếu vẫn do nhà trường, giáo viên và học viên chọn lựa, chưa trở thành yêu cầu bắt buộc. Với trung tâm Đức Thịnh, hiện việc đào tạo lái xe của đơn vị vẫn đang thực hiện với các tuyến đường đồng bằng, trung du, đồi núi, cả cao tốc, trong đó có cao tốc Hà Nội- Thái Nguyên, nhưng chưa bắt buộc:

"Thứ nhất là mật độ giao thông thấp, thứ hai là có đầy đủ các làn, cả làn dừng xe khẩn cấp thì nó cũng không có gì nguy hiểm. Cái đấy phải tùy từng khu vực và căn cứ tình hình thực tế mà Sở GTVT các địa phương sẽ cấp giấy phép tập lái cho từng tuyến đường", ông Hải cho biết.

Cần nâng cao ý thức lái xe trên cao tốc. Ảnh: Dân Việt

Trước đó, Cục Đường bộ Việt Nam đã yêu cầu Sở GTVT các tỉnh, thành phố, chỉ đạo các cơ sở đào tạo lái xe xây dựng giáo trình kỹ thuật lái xe trên đường cao tốc đặc biệt là kỹ thuật lái xe trên đường cao tốc phân kỳ đầu tư; đảm bảo tính trực quan, giúp học viên dễ dàng tiếp thu và thực hành đầy đủ các thao tác khi lái xe trên cao tốc.

Về vấn đề này, đại diện lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho hay, thông thường, chương trình đào tạo lái xe do Cục Đường bộ Việt Nam quy định, các Sở GTVT các địa phương tổ chức và giám sát thực hiện tại các trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe: "Để đảm bảo ATGT thì Sở chỉ cấp cho một số tuyến đường nhất định thôi, ví dụ như hiện tại Sở GTVT Hà Nội đang cấp cho mỗi đơn vị là 5 tuyến đăng ký và các cơ sở học thực hành trên các tuyến đường được phép đó. Trên các tuyến đường đó có thể có cả tỉnh lộ, quốc lộ, cao tốc".

Ông Nguyễn Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở GTVT Hải Dương cho biết, trên địa bàn có nhiều tuyến đường tương đương cao tốc phân kỳ đầu tư, cho phép chạy tốc độ tối đa đến 90km/h. Còn trên cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, tốc độ giới hạn từ 80-120km/h thì không cấp giấy phép cho xe tập lái. Dù mới nhận được yêu cầu của Cục Đường bộ VN về việc thiết kế nội dung đào tạo lái xe trên cao tốc, ông Hạnh cho biết đã giao cho phòng chuyên môn nghiên cứu.

Ông Nguyễn Đức Hạnh cũng băn khoăn, việc đào tạo lái xe trên cao tốc như yêu cầu của Cục Đường bộ Việt Nam là cần thiết, song cũng cần đánh giá kỹ việc học viên lái xe với tốc độ từ 60km/h trở lên có đảm bảo an toàn hay không. Bởi vậy, nên chăng cần có quy định bằng lái tạm thời, hoặc sau khi cấp bằng, học viên phải được đào tạo kỹ năng lái xe trên cao tốc:

"Thật ra kỹ năng của người lái xe cần phải có thời gian, mình có đào tạo, có đi vào chăng nữa thì người ta phải quen với cái xe, quen đường thì người ta mới đi vào, thì mới ổn. Bản thân người lái xe dù được đào tạo rất tốt rồi, nhưng tâm lý xử thì cũng phải sau 1 năm đào tạo, người ta mới đi được. Nó còn yếu tố liên quan đến tâm lý, đến kinh nghiệm nữa".

Nhiều ý kiến cũng đồng tình việc đưa nội dung thực hành lái xe trên cao tốc vào chương trình đào tạo, sát hạch lái xe. Tuy vậy, với học viên học lái xe, việc điều khiển phương tiện với tốc độ từ 60km/h trở lên cũng tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông khi tâm lý và kinh nghiệm chưa có hoặc chưa vững vàng.

Bởi vậy, cần nghiên cứu quy định thời gian sử dụng bằng lái tạm thời, học viên cần được học, được thực hành lái xe trên cao tốc, trước khi được cấp bằng lái chính thức, tham gia giao thông; xử lý tình huống khẩn cấp xảy ra trên đường cao tốc, trong đó có những cao tốc phân kỳ đầu tư.

Quách Đồng/VOV Giao thông

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/ky-nang-lai-xe-tren-cao-toc-can-dao-tao-bai-ban-va-bat-buoc-post1083504.vov