Kỷ luật nghiêm cán bộ huyện Quỳ Châu tổ chức phá rừng trái pháp luật

Vì có liên quan đến vụ việc chặt phá gần 2 ha rừng, bà Trần Thị Hải Vân - cán bộ Văn phòng đăng ký QSD đất đã bị UBND huyện Quỳ Châu xử phạt vi phạm hành chính 21 triệu đồng. Không chỉ vậy, tới đây bà này còn bị tổ chức xem xét kỷ luật.Tiếp tay phá rừngKỷ luật nghiêm để làm gươngHà Giang

(Baonghean) - Vì có liên quan đến vụ việc chặt phá gần 2 ha rừng, bà Trần Thị Hải Vân - cán bộ Văn phòng đăng ký QSD đất đã bị UBND huyện Quỳ Châu xử phạt vi phạm hành chính 21 triệu đồng. Không chỉ vậy, tới đây bà này còn bị tổ chức xem xét kỷ luật.

Một thời gian khá dài, ở huyện Quỳ Châu đã xảy ra tình trạng đầu nậu thuê dân khai thác làm nghèo tài nguyên rừng (ảnh chụp năm 2014 tại địa bàn bản Kẻ Nính, xã Châu Hạnh).

Tiếp tay phá rừng

Vụ chặt, phá rừng mà bà Trần Thị Hải Vân có liên quan xảy ra từ đầu tháng 4/2016. Khu vực rừng này có trạng thái 1C thuộc thửa 35, lô 1, khoảnh 5, tiểu khu 197 Na Pha Văng Đoọng, khu vực Nặm Bông, xã Châu Hạnh (Quỳ Châu). Cụ thể, vào năm 2014, UBND xã Châu Hạnh tổ chức khảo sát giao hiện trường rừng cho một số gia đình trên địa bàn.

Trong số các hộ dân, có bà Vũ Thị Bằng, trú tại bản Kẻ Bọn được xã dự kiến giao khoảnh rừng diện tích trên 8,3 ha, trạng thái 1C, thửa 35, lô 1, khoảnh 5, tiểu khu 197 Na Pha Văng Đoọng. Tuy nhiên, việc giao đất rừng mới chỉ trên cơ sở bắt thăm giao hiện trường rừng, chưa được cấp thẩm quyền có quyết định giao đất.

Đến tháng 2/2016, bà Vũ Thị Bằng làm đơn xin được chặt phát rừng trồng keo gửi UBND xã Châu Hạnh, tuy nhiên chưa được chính quyền xã đồng ý. Ngày 22/2/2016, bà Vũ Thị Bằng đã gọi bà Trần Thị Hải Vân đến nhà mình và bàn cùng nhau chung vốn để phát rừng, trồng keo trên diện tích 5 ha đất rừng mà bà dự kiến được giao.

Cụ thể, bà Vân chi tiền mua giống, phân bón còn bà Bằng chịu trách nhiệm phát dọn cây rừng, đến kỳ thu hoạch sẽ chia theo hình thức 50/50. Nội dung hai bên thống nhất được lập thành văn bản, tuy nhiên hai người đều chưa ký vì để hỏi ý kiến người trong gia đình. Do chồng bà Vân là ông Lương Văn Tuấn không đồng ý nên tờ hợp đồng sau đó bị tiêu hủy. Vì trước đây bà Bằng có nhờ bà Vân cất giữ hộ 6.000.000 đồng, vậy nên bà Bằng đã nhờ, ủy nhiệm bà Vân đứng ra thuê người chặt, phát rừng. Do có mối quan hệ láng giềng, hơn nữa bà Bằng là người có hoàn cảnh, kém hiểu biết nên bà Vân đã đồng ý đứng ra giao dịch hộ.

Ngày 28/3/2016, bà Vân đã đến nhà Vi Văn Doanh (trú tại bản Na Xén, xã Châu Hạnh) đặt vấn đề việc chặt phát rừng. Vi Văn Doanh đồng ý và tự gọi người cùng tham gia. Đầu tháng 4/2016, Vi Văn Doanh cùng Lương Văn Mẹo, Lộc Văn Châu (cùng trú tại bản Na Xén) đã đến nhà của bà Vân bàn bạc và đi đến thống nhất công để chặt, phát rừng là 2,2 triệu đồng/ha; diện tích chặt phát rừng là 5ha. Sau khi thống nhất, bà Vân cho Doanh ứng trước 1 triệu đồng.

Ngay sau khi nhận được tiền ứng, Vi Văn Doanh đã cùng Lương Thị Nhung, Lương Văn Mẹo, Vi Thị Khuyên, Lộc Văn Châu, Vi Thị Ngọ, Lộc Văn Chung, Hà Thị Hằng, Hà Văn Sơn, Lang Thị Tuyết (cùng trú tại bản Na Xén) tiến hành chặt phát địa điểm rừng bà Bằng dự kiến được giao. Chặt phát được 2 ngày, bà Vân đã đến nhà Doanh để tiếp tục đưa cho nhóm này ứng thêm 2 triệu đồng.

Ngày 5/4/2016, khi cả nhóm đang thực hiện hành vi chặt phát rừng thì bị lực lượng chức năng phát hiện, lập biên bản đình chỉ. Tại thời điểm này, đã có trên 1,9 ha rừng bị chặt phát hoàn toàn. Sau khi bị đình chỉ 10 ngày, Lương Thị Nhung, Vi Thị Ngọ, Hà Thị Hằng đã đến nhà bà Vân nhận thêm 2 triệu đồng. Tổng cộng, bà Vân đã chi 5 triệu đồng cho nhóm người đã thuê chặt phát rừng. trong đó, 4,4 triệu đồng là chi tiền công như đã thỏa thuận, còn 600.000 đồng là để cho nhóm liên hoan (theo chủ ý của bà Bằng).

Sau quá trình thực hiện điều tra xác minh, Đoàn điều tra 3861 xác định các ông, bà Vi Văn Doanh, Lương Thị Nhung, Lương Văn Mẹo, Vi Thị Khuyên, Lộc Văn Châu, Vi Thị Ngọ, Lộc Văn Chung, Hà Thị Hằng, Hà Văn Sơn, Lang Thị Tuyết được xác định là người làm thuê kiếm sống, không biết về việc rừng có được phát hay không nên đề nghị không truy cứu trách nhiệm. Ông Lương Anh Tuấn (chồng bà Trần Thị Hải Vân), được xác định là không có hành vi cụ thể liên quan đến vụ việc.

Với bà Vũ Thị Bằng, đoàn điều tra cho rằng, trong thời điểm chưa được nhận quyết định giao đất nhưng bà này đã tự ý và chủ động nhờ thuê người chặt phá rừng với diện tích trên 1,9 ha, làm ảnh hưởng đến sự phát triển tái sinh của khu vực rừng khoanh nuôi.

Dù hành vi của bà Bằng chưa cấu thành tội phạm hình sự, tuy nhiên đã vi phạm Nghị định 157/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về quản lý rừng, phát triển rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản. Với bà Trần Thị Hải Vân, là cán bộ công chức, có hiểu biết pháp luật nhưng đã giúp bà Bằng thuê người phát rừng, đồng thời trực tiếp thỏa thuận giá cả, trực tiếp chi trả cho người làm thuê dẫn đến gây thiệt hại cho rừng, vì vậy Đoàn điều tra 3861 xác định là đồng vi phạm.

Kỷ luật nghiêm để làm gương

Những cây gỗ sữa to thuộc rừng Khe Quến địa phận Kẻ Tằn 2, xã Châu Hội. Đây thuộc rừng giao cho bà con khoanh nuôi bảo vệ cũng bị đốn hạ. (Ảnh tư liệu)

Địa bàn huyện Quỳ Châu thời gian dài trước đây là điểm nóng của tình trạng mua bán, chuyển nhượng trái phép đất rừng; chặt phá rừng bừa bãi. Đến nay, các lực lượng chức năng đã điều tra xác định địa bàn Quỳ Châu có 11/12 xã có tình trạng vi phạm chuyển nhượng trái phép đất rừng với 486 hộ/3.433 ha (có giấy chứng nhận QSD đất và kể cả đất rừng tạm giao).

Nhằm chấn chỉnh tình trạng chuyển nhượng trái phép đất rừng và ngăn chặn tình trạng phá rừng, từ đầu năm 2016 đến nay, huyện Quỳ Châu đã xử lý 116 vụ việc xâm hại đến rừng; trong đó, có 3 vụ Công an huyện đang tiếp nhận hồ sơ để điều tra; 1 vụ đã đưa ra xét xử lưu động (2 đối tượng liên quan bị tuyên phạt bồi thường cho ngân sách nhà nước 150 triệu đồng và thụ án 15 năm tù).

Về vụ việc phá hại hơn 1,9 ha rừng trạng thái 1c, thửa 35, lô 1, khoảnh 5, tiểu khu 197 Na Pha Văng Đoọng, là cấp quản lý trực tiếp nên ban đầu UBND xã Châu Hạnh được giao trực tiếp việc thực hiện điều tra xác minh. Tuy nhiên, việc điều tra của xã này không đảm bảo, từng bị UBND huyện trả lại để tiếp tục điều tra làm rõ vì có những dấu hiệu cho thấy liên quan đến cán bộ đương nhiệm đứng đằng sau.

Một thời gian sau, nhận thấy chính quyền xã Châu Hạnh không thể đảm đương nhiệm vụ, UBND huyện Quỳ Châu đã thành lập Đoàn điều tra tại Quyết định số 3861 để xác minh lại vụ việc. Trên cơ sở kết quả điều tra của Đoàn điều tra, ngày 19/10/2016, UBND huyện Quỳ Châu ban hành các Quyết định số 3986 và 3897/QĐ-XPVPHC xử phạt bà Vũ Thị Bằng và bà Trần Thị Hải Vân với tổng số tiền là 41 triệu đồng (bà Vân bị xử phạt 21 triệu đồng) vì đã có hành vi vi phạm hành chính: Phá rừng trái pháp luật.

Đặt ra vấn đề bà Trần Thị Hải Vân là cán bộ công chức nhưng có những hành vi tiếp tay cho việc phá rừng trái pháp luật, huyện Quỳ Châu có hình thức xử lý như thế nào? Theo người có trách nhiệm, bà Vân ngoài bị xử phạt vi phạm hành chính thì sẽ bị xử lý kỷ luật. Do bà Trần Thị Hải Vân là cán bộ thuộc diện Huyện ủy quản lý, vậy nên UBND huyện Quỳ Châu đang đề nghị Ban Thường vụ Huyện ủy xem xét, cho ý kiến chỉ đạo.

Từng điều tra về tình trạng mua, bán chuyển nhượng trái phép đất rừng, chúng tôi xác định trên địa bàn huyện Quỳ Châu và một số huyện, thị trong tỉnh, trong số các đối tượng có hành vi gom mua, chuyển nhượng trái phép đất rừng có cán bộ, đảng viên. Tình trạng mua, bán chuyển nhượng trái phép đất rừng, phá rừng đang trở thành một vấn nạn.

Lâu nay, việc cơ quan chức năng khởi tố hay xử phạt hành chính thì hầu hết đối tượng bị xử lý đều là người dân, và họ hầu hết là vật “thế thân” cho những đối tượng đầu nậu, trong đó có cán bộ, đảng viên. Vì vậy, để chấn chỉnh, cần phát hiện, xử lý nghiêm các cán bộ có hành vi mua bán, chuyển nhượng “chui”, sử dụng trái mục đích sử dụng đất rừng. Qua đó, làm gương cho cán bộ, đảng viên, đảm bảo được tính nghiêm minh của pháp luật, tạo được niềm tin trong nhân dân.

Hà Giang

TIN LIÊN QUAN

Nguồn Nghệ An: http://baonghean.vn/doi-song-phap-luat/201611/ky-luat-nghiem-can-bo-huyen-quy-chau-to-chuc-pha-rung-trai-phap-luat-2757367/