Kỳ lạ ngôi nhà bom

Nói đến bom đạn là nói đến chiến tranh, tang thương, chết chóc. Vậy nhưng ở vùng đất Quảng Trị, có một người lấy bom, đạn để... làm nhà. Mới nghe người ta cứ tưởng là đùa. Nhưng đây là sự thật 100%. Cách Nghĩa trang Trường Sơn chưa đầy 1 km, có một ngôi nhà mang tên Ký ức Trường Sơn với hệ thống trụ được làm từ những quả bom, mái lợp từ lá cọ, xung quanh ngôi nhà có rất nhiều bom, đạn và những kỷ vật chiến tranh.

Ngôi nhà bom mang tên Ký ức Trường Sơn

Ngôi nhà mà chúng tôi nói đến nằm ở xã Linh Trường, huyện Do Linh, tỉnh Quảng Trị. Những năm gần đây, khi du khách đến dâng hương tại Nghĩa trang Trường Sơn xong thì đây sẽ là địa điểm dừng chân không thể bỏ qua nơi vùng đất Quảng Trị anh hùng. Sở hữu ngôi nhà này là ông Trần Công Chức, thôn Nam Sơn, xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị.

Tháng Chín, cái nắng rát mặt còn dùng dằng chưa chịu rời xa mảnh đất Quảng Trị. Chúng tôi ghé lại ngôi nhà mang tên Ký ức Trường Sơn để tìm hiểu thực hư của ngôi nhà bom mà nhiều du khách bàn tán trong thời gian qua. Gần đến nơi, xe giảm tốc độ, tôi bắt gặp một đoàn xe khác từ các tỉnh phía Bắc cũng chọn nơi này để dừng chân. Trong số nhiều hành khách đến tham quan ngôi nhà bom này, tôi gặp ông Huỳnh Văn Bổn đến từ Hà Tĩnh - là một cựu chiến binh từng tham gia chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị. Hôm nay, ông Bổn cùng các cựu binh trở lại Quảng Trị thăm lại chiến trường xưa và có dịp đến ngôi nhà Ký ức Trường Sơn. “Tôi đến đây bởi sự tò mò và có phần thích thú. Những quả bom, đạn ngày xưa chúng tôi đã sử dụng thì nay lại được đưa ra làm nhà, trưng bày. Khi nhìn thấy những hiện vật này, tự nhiên ký ức trong tôi lại ùa về. Một thời khốc liệt, đau thương nhưng rất hào hùng, chỉ biết chiến đấu mà không ngại gì khó khăn, gian khổ. Tất cả là vì lý tưởng, mục tiêu là giành độc lập cho Tổ quốc”, ông Bổn không dấu được cảm xúc của mình khi đến ngôi nhà Ký ức Trường Sơn.

Không riêng gì ông Bổn, bản thân tôi và nhiều du khách khác đều ngạc nhiên, thích thú khi đứng trong ngôi nhà bom. Theo người quản lý ngôi nhà cho biết, ngôi nhà Ký ức Trường Sơn có diện tích khoảng 300 m2, được xây dựng từ 300 vỏ bom, đạn trong đó 70 vỏ bom được dùng để làm trụ. Nếu như ngôi nhà bình thường, trụ được làm bằng xi măng hoặc gỗ thì tại ngôi nhà Ký ức Trường Sơn, toàn bộ các trụ được làm từ vỏ bom. Dưới thấp là bom tấn, kế đến là bom tạ, càng lên cao trọng lượng bom nhỏ dần. Những quả bom được hàn với nhau tạo thành ngôi nhà 3 gian kiên cố và vững chắc. Cổng vào ngôi nhà bom cũng được chủ nhân thiết kế ấn tượng, tạo sự thu hút cho du khách nhìn từ bên ngoài. Trụ cổng là những quả bom tấn chồng lên nhau, phía trên là lá cờ Tổ quốc tung bay rất ấn tượng.

Bom, đạn là những vật chủ đạo trong ngôi nhà bom. Không chỉ cổng nhà được làm bằng bom mà hành lang, cửa chính cũng được chủ nhân lấy bom, đạn làm vật trang trí. Khuôn viên sân của ngôi nhà là các dãy bom được xếp ngay ngắn, đồng loại, đồng kích thước, tạo điểm nhấn lạ mắt. Hai bên lối vào cửa chính là những quả bom lớn để làm nơi chụp hình, “sống ảo” cho du khách.

Ngôi nhà Ký ức Trường Sơn là một điểm đến rất thú vị. Mỗi một hiện vật, một vật dụng đều gợi cho khách tham quan những câu chuyện nhiều cảm xúc. Ngoài bom, đạn, trong ngôi nhà bom còn có rất nhiều vật dụng từ thời chiến tranh, thời xa xưa. Những chiếc bình đông, đèn bão, radio, bát ăn cơm thời chiến, những chiếc ba lô của bộ đội đã sờn vai, đứt chỉ, được ông Chức đặt trong tủ kính rất bài bản.

Hành trình đưa bom, đạn về xây nhà, làm vật trang trí của ông Chức không phải là vấn đề đơn giản. 20 năm tìm kiếm, sưu tầm với không biết bao nhiêu mồ hôi công sức để tạo ra ngôi nhà bom hôm nay. Khi mới manh nha ý tưởng, có nhiều người cho rằng đây là ý tưởng điên rồ và “dở người” nhưng khi hoàn thành thì Ký ức Trường Sơn là một công trình rất giàu ý nghĩa và độc đáo. Chỉ cần vào bên trong ngôi nhà bom là bao ký ức của một thời oanh liệt lại hiện về. Phía trên cửa ra vào của lối đi chính, ông Chức treo câu nói của Bác Hồ: “Dù đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành lại cho được độc lập” hay bên trong nhà là câu thơ của cố nhà thơ Tố Hữu: “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai”. Trong ngôi nhà bom, những bức ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên gắn với đường Trường Sơn huyền thoại hay Tổng Bí thư Lê Duẩn trò chuyện với các đại biểu dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV, năm 1976... được treo trang trọng để khách tham quan có dịp hồi tưởng lại những giai đoạn lịch sử của dân tộc.

Quảng Trị là mảnh đất anh hùng trong chiến tranh. Trải qua cuộc chiến tranh chống giặc ngoại xâm, đất Quảng Trị là túi bom của kẻ thù. Những địa chỉ như Vĩnh Linh, Do Linh, Thành cổ Quảng Trị, sông Bến Hải... trở thành vùng đất lửa. Việc xây dựng ngôi nhà bom, tái hiện không gian kỷ vật chiến tranh là việc làm rất ý nghĩa. Không gian ngôi nhà bom - Ký ức Trường Sơn là nơi để các cựu chiến binh của tỉnh Quảng Trị nói riêng và cựu chiến binh đã từng tham gia chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị có nơi để ghé thăm, ôn lại truyền thống đấu tranh hào hùng bất khuất trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Bên cạnh đó, nơi đây cũng là địa điểm giáo dục tinh thần yêu nước cho thế hệ trẻ mỗi khi có dịp ghé thăm.

Đến Quảng Trị, vào thăm Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn để thắp nén nhang tưởng nhớ những người đã không tiếc máu xương, hy sinh cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc; ghé nhà bom - Ký ức Trường Sơn để làm giàu thêm ký ức nơi vùng đất thép dù nghèo khó mà rất anh hùng. Mỗi nơi đi qua đều để lại những dấu tích đậm nét, những ấn tượng khó phai mờ và ngôi nhà Ký ức Trường Sơn của ông Chức là một nơi đặc biệt như thế.

https://petrotimes.vn/

Thành Nam/Báo Lâm Đồng

Nguồn PetroTimes: https://dulich.petrotimes.vn/ky-la-ngoi-nha-bom-701836.html