Ký kết Quy chế phối hợp trong vấn đề lao động - việc làm trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh

Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội, Mặt trận Tổ quốc và Liên đoàn Lao động TP. Hồ Chí Minh vừa ký quy chế phối hợp giai đoạn 2023 - 2028.

Hoạt động thương mại dịch vụ, công nghiệp chế biến cắt giảm nhiều lao động

Tại lễ ký kết, ông Lê Văn Thinh, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2023, thành phố ghi nhận 91.968 trường hợp nghỉ việc và đề nghị giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Các đơn vị tham gia ký kết Quy chế phối hợp trong vấn đề lao động - việc làm trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh. Nguồn: ITN

Các đơn vị tham gia ký kết Quy chế phối hợp trong vấn đề lao động - việc làm trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh. Nguồn: ITN

Trong đó, lĩnh vực cắt giảm nhiều lao động thuộc hoạt động thương mại dịch vụ (26.454 người); công nghiệp chế biến, chế tạo (23.969 người); xây dựng (1.854 người); hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm (1.266 người).

Trong các doanh nghiệp có người lao động nghỉ việc, thành phố ghi nhận có 29 doanh nghiệp có số lượng giảm lao động trên 500 người (dựa trên số liệu doanh nghiệp báo cáo giảm tham gia BHXH), số lao động giảm là 38.462 người.

Trước tình hình đó, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm thành phố đã tổ chức 59 phiên, sàn giao dịch việc làm trực tuyến, tư vấn việc làm cho gần 70.000 lượt người và có hơn 43.000 người nhận việc.

Giám sát liên ngành để tăng hiệu quả

Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP. Hồ Chí Minh đã đưa ra sáng kiến giám sát liên ngành để tăng hiệu quả. Hoạt động phối hợp giữa các đơn vị, bao gồm: hướng dẫn, giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về lao động, việc làm, tuyên truyền chính sách.

Đặc biệt, phối hợp thanh tra, kiểm tra việc thực hiện Bộ luật Lao động và các Luật: Việc làm, An toàn vệ sinh lao động, Bảo hiểm xã hội, Công đoàn, Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Đồng thời, tăng cường giám sát hỗ trợ cho công nhân là người lao động mất việc, nghỉ việc, bảo đảm quyền lợi của họ.

Định kỳ hàng quý, Bảo hiểm xã hội TP. Hồ Chí Minh cung cấp cho các bên danh sách các đơn vị nợ bảo hiểm xã hội từ 3 tháng trở lên. Từ đó, lập đoàn thanh tra liên ngành, thanh tra chuyên ngành đột xuất đơn vị có dấu hiệu vi phạm pháp luật, có tình hình nợ kéo dài.

Bên cạnh đó, thông tin kịp thời và phối hợp giải quyết các trường hợp doanh nghiệp giảm nhiều lao động do thiếu đơn hàng, các vụ tranh chấp lao động tập thể; giải quyết việc chốt sổ bảo hiểm xã hội, giải quyết trợ cấp thất nghiệp cho người lao động tại các doanh nghiệp có chủ bỏ trốn; doanh nghiệp giải thể, phá sản còn nợ tiền bảo hiểm xã hội.

Ông Phạm Minh Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP. Hồ Chí Minh cho biết, qua tiếp cận doanh nghiệp có tình trạng "doanh nghiệp phải làm việc với hết đoàn này đến đoàn khác". Do đó, cần phối hợp thanh tra liên ngành để giảm phiền hà cho doanh nghiệp, nhất là khi họ trong giai đoạn khó khăn.

Giám đốc Bảo hiểm xã hội TP. Hồ Chí Minh Lò Quân Hiệp cho rằng, việc thực hiện quy chế phối hợp thanh tra liên ngành sẽ hạn chế tình trạng nhiều đoàn đến doanh nghiệp. Cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ khắc phục tình trạng chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo đảm người lao động được hưởng các chế độ về thất nghiệp, thai sản kịp thời.

Theo Linh Cao/Báo Đại biểu nhân dân

Nguồn Mặt Trận: http://tapchimattran.vn/thuc-tien/ky-ket-quy-che-phoi-hop-trong-van-de-lao-dong-viec-lam-tren-dia-ban-tp-ho-chi-minh-54348.html