Kỳ II: Giải pháp đồng bộ để phát triển bền vững

Để công nghiệp nông thôn (CNNT) phát triển bền vững, việc thực hiện đồng bộ các giải pháp về nâng cao năng lực quản lý, đầu tư máy móc thiệt bị...

Sản xuất gỗ bóc tại Công ty TNHH MTV Hùng Luân, xã Thục Luyện, huyện Thanh Sơn.

Sản xuất gỗ bóc tại Công ty TNHH MTV Hùng Luân, xã Thục Luyện, huyện Thanh Sơn.

>>> Kỳ I: Phát triển chưa xứng tiềm năng

(baophutho.vn)

- Để công nghiệp nông thôn (CNNT) phát triển bền vững, việc thực hiện đồng bộ các giải pháp về nâng cao năng lực quản lý, đầu tư máy móc thiệt bị, chuyển giao công nghệ, năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, nâng cao tay nghề cho lao động... là việc cần thiết. Đó là động lực quan trọng để CNNT phát triển, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội nói chung.
Tạo cơ hội phát triển

Thời gian qua, tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ CNNT. Hoạt động khuyến công đã hỗ trợ, tiếp sức, khuyến khích nhiều doanh nghiệp, làng nghề sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp mạnh dạn đầu tư, đổi mới dây chuyền thiết bị, mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, liên kết, mở rộng thị trường, tạo việc làm, nâng cao hiệu suất lao động; khuyến khích các tổ chức, cá nhân thành lập mới doanh nghiệp, chuyển đổi mô hình sản xuất. Trong giai đoạn 2016-2020, từ nguồn vốn khuyến công đã hỗ trợ xây dựng và đăng ký nhãn hiệu cho 23 sản phẩm CNNT thuộc nhóm ngành nông lâm sản, thực phẩm, cơ khí và vật liệu xây dựng không nung; đào tạo nghề, truyền nghề, nâng cao tay nghề và phát triển nghề gắn với giải quyết việc làm cho 2.100 lao động. Hỗ trợ xây dựng 13 mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới, sản xuất sản phẩm ứng dụng công nghệ mới, nhân rộng 30 mô hình về sản xuất chế biến nông lâm sản, sản phẩm phụ trợ và vật liệu xây dựng không nung. Hỗ trợ 79 cơ sở CNNT đầu tư mới, đầu tư mở rộng sản xuất và ứng dụng máy móc thiết bị vào sản xuất sản phẩm.
Nhằm tôn vinh các sản phẩm CNNT có chất lượng, có giá trị sử dụng cao, có tiềm năng phát triển sản xuất, mở rộng thị trường, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng trong và ngoài nước, việc bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp tỉnh được quan tâm. Tỉnh cũng đã hỗ trợ 13 sản phẩm đăng ký tham gia bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp khu vực năm 2018, 2020. Việc bình chọn là cơ hội tốt để các doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh giới thiệu, quảng bá sản phẩm của mình. HTX Mì gạo Hùng Lô, xã Hùng Lô, thành phố Việt Trì có sản phẩm mì gạo được công nhận là sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp Quốc gia năm 2019. Ông Cao Đăng Duy - Giám đốc HTX cho biết: Hiện nay, trung bình mỗi tháng HTX sản xuất và tiêu thụ khoảng 40-50 tấn sản phẩm. Chương trình bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu đã khuyến khích các cơ sở sản xuất như chúng tôi tận dụng tối đa thế mạnh nghề truyền thống kết hợp với công nghệ sản xuất tiên tiến để đầu tư sản xuất các sản phẩm có sức cạnh tranh cao, tiêu thụ tốt. Đó cũng là động lực để HTX chú trọng đồng bộ các khâu sản xuất, quan tâm tới thị trường, cải tiến mẫu mã, bao bì đóng gói và đăng ký sở hữu trí tuệ sản phẩm… tạo cơ hội phát triển sản xuất với khối lượng hàng hóa lớn, tăng năng lực cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại trên thị trường.Để sản phẩm CNNT thực sự có chỗ đứng trên thị trường, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất cần hoạch định cho mình một chiến lược dài hơi, tìm hiểu nhu cầu thị trường để cho ra đời những sản phẩm phù hợp và nhất thiết xây dựng được thương hiệu sản phẩm. Chủ thể các sản phẩm CNNT cần tích cực tham gia cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; xây dựng thương hiệu, quan tâm mẫu mã hàng hóa sản phẩm, bảo đảm độ tin cậy với người tiêu dùng. Ông Nguyễn Ngọc Anh - Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết: Với mục tiêu huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực, tạo động lực thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, góp phần xây dựng nông thôn mới và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa, thời gian tới, Sở tiếp tục khuyến khích, hỗ trợ, tăng cường phối hợp để chuyển giao, giúp các cơ sở CNNT ứng dụng khoa học công nghệ, sản xuất sạch hơn. Tập trung phát triển CNNT có trọng điểm, chú trọng thu hút và phát triển các ngành có thế mạnh, sản phẩm mới có hàm lượng khoa học, giá trị gia tăng cao, công nghệ thân thiện môi trường vào các khu, cụm công nghiệp; tạo điều kiện để các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp phát triển hiệu quả. Cùng với đó, Sở Công thương tiếp tục thúc đẩy hoạt động kết nối giao thương các sản phẩm CNNT; hình thành các sản phẩm, nhóm sản phẩm có sức cạnh tranh cao đáp ứng nhu cầu thị trường, đặc biệt là thị trường xuất khẩu. Tăng tỷ trọng chế biến sâu, chế biến tinh trong các sản phẩm công nghiệp chế biến nông lâm sản; gia tăng giá trị và nâng hàm lượng công nghệ cao trong các sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Từ đó, tạo điều kiện cho các cơ sở CNNT thuận lợi trong tiếp cận các cơ hội phát triển kinh tế số, nâng cao năng suất chất lượng, năng lực cạnh tranh và thực hiện có hiệu quả lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Từ chính sách khuyến công hỗ trợ vốn đầu tư máy móc, đổi mới công nghệ, HTX Chè Cẩm Mỹ, xã Tất Thắng, huyện Thanh Sơn trang bị thêm máy sao chè, đầu tư nhà xưởng đáp ứng yêu cầu sản xuất.

Từ chính sách khuyến công hỗ trợ vốn đầu tư máy móc, đổi mới công nghệ, HTX Chè Cẩm Mỹ, xã Tất Thắng, huyện Thanh Sơn trang bị thêm máy sao chè, đầu tư nhà xưởng đáp ứng yêu cầu sản xuất.

Tăng sức cạnh tranh trên thị trường

Để tạo lợi thế cạnh tranh cho các sản phẩm CNNT, các địa phương cần chú trọng hơn trong việc xác định sản phẩm công nghiệp mũi nhọn, quan tâm tới việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, không ngừng cải tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm và khả năng cạnh tranh trên thị trường. Đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các cụm công nghiệp đã được quy hoạch, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp thuê đất đầu tư các cơ sở sản xuất.
Trên địa bàn huyện Thanh Sơn có trên 1.200 cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Trong đó có 74 doanh nghiệp, 11 hợp tác xã, 7 làng nghề, trên 1.100 hộ cá thể, thu hút và tạo việc làm cho khoảng 5.700 lao động thường xuyên. Ông Vũ Trọng Đức - Trưởng phòng Kinh tế Hạ tầng huyện chia sẻ: Dựa trên tiềm năng, lợi thế của địa phương, thời gian qua, huyện khuyến khích phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm sản gắn với đầu tư phát triển vùng sản xuất nguyên liệu; phát triển công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng; khai thác, chế biến các loại khoáng sản; huy động nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng các cụm công nghiệp... Giai đoạn 2021-2025, để phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn, huyện chú trọng thực hiện giải pháp đồng bộ. Khuyến khích các doanh nghiệp hiện có thu hút thêm vốn, đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh; chú trọng công nghệ phù hợp với điều kiện phát triển của huyện nhằm nâng cao dần chất lượng, khả năng cạnh tranh của các sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, bảo vệ môi trường sinh thái và phát triển công nghiệp bền vững. Đẩy mạnh các hoạt động khuyến công; tăng cường công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn…Phát triển các quan hệ liên kết là yêu cầu tất yếu trong phát triển của mỗi cơ sở công nghiệp vì vậy, cần đẩy mạnh hỗ trợ phát triển sản xuất hàng hóa có quy mô, tập trung theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất nguyên liệu với chế biến và tiêu thụ trên cơ sở phát huy lợi thế sản phẩm và lợi thế vùng, miền phù hợp với nhu cầu thị trường. Trên cơ sở đó giúp các cơ sở CNNT mở rộng sản xuất kinh doanh, gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước. Đồng thời phát huy những tiềm năng, thế mạnh trên địa bàn về nguồn nguyên liệu, lao động để xây dựng, phát triển các cơ sở CNNT với nhiều ngành nghề đa dạng.Về phía các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất CNNT cần chủ động cập nhật thông tin, tìm kiếm thị trường, đổi mới công nghệ, học hỏi kỹ năng và kiến thức quản lý nhằm nâng cao năng suất lao động và bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần đầu tư thích đáng cho thiết kế mẫu mã sản phẩm. Khâu thiết kế phải được dựa trên những nghiên cứu nghiêm túc về xu hướng thị trường, kết hợp với các nguyên - phụ liệu mới, thân thiện môi trường. Dạy nghề cho lao động nông thôn cần tiếp tục đẩy mạnh gắn kết với doanh nghiệp, cơ sở sản xuất để chuyển từ đào tạo lao động theo năng lực sẵn có sang đào tạo theo nhu cầu học nghề của lao động nông thôn và yêu cầu của thị trường lao động; chú trọng đào tạo các ngành nghề mà doanh nghiệp cam kết nhận lao động sau tốt nghiệp vào làm việc.Để khuyến khích CNNT phát triển, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện các nội dung hoạt động khuyến công theo Nghị định số 45/2012/NĐ-CP của Chính phủ và Chương trình khuyến công tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2021 - 2025 đã được UBND tỉnh phê duyệt. Theo đó, đẩy mạnh nội dung xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến; xây dựng các mô hình thí điểm về áp dụng sản xuất sạch hơn; xây dựng hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường cho cơ sở công nghiệp nông thôn; hỗ trợ phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm OCOP; hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực có chất lượng, nâng cao năng lực quản lý doanh nghiệp...Giai đoạn 2021 - 2025, đối với CNNT, mặc dù dự báo còn gặp khó khăn do ảnh hưởng của kinh tế thế giới nhưng cũng mở ra những cơ hội thuận lợi để phát triển, như việc đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ, sự chuyển đổi nhanh của mô hình tăng trưởng theo hướng năng suất chất lượng và hiệu quả cùng với thực hiện đồng bộ các giải pháp sẽ góp phần đưa sản xuất CNNT phát triển xứng với tiềm năng.

Ngọc Lam - Nguyễn Huế

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/kinh-te/202105/ky-ii-giai-phap-dong-bo-de-phat-trien-ben-vung-177323