Kỳ họp tiếp tục thảo luận tại hội trường

Trực tiếp - Chiều 6-12, tiếp tục chương trình làm việc, kỳ họp thứ bảy HĐND tỉnh khóa XIX tiếp tục thảo luận tại hội trường. Các đồng chí: Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Phạm Thị Minh Xuân, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Lê Thị Thanh Trà, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh chủ tọa điều hành thảo luận.

Toàn cảnh phiên họp.

Dự họp có các đồng chí: Chẩu Văn Lâm, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Vũ Hồng Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Địa phương I, Văn phòng Trung ương Đảng; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh; các đại biểu Quốc hội tỉnh, lãnh đạo Ủy ban MTTQ, các sở, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh; lãnh đạo các huyện, thành phố, các xã phường, thị trấn.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Chẩu Văn Lâm và các đại biểu tham dự kỳ họp.

14h00: Thảo luận

Các đồng chí Thường trực HĐND chủ trì phiên thảo luận.

Đại biểu Mai Quang Thắng, Tổ đại biểu huyện Hàm Yên: Trong thời gian qua, công tác xét xử các vụ án liên quan đến đất đai, công tác thi hành án dân sự các việc liên quan đến đất đai đã được tòa án nhân dân hai cấp, ngành thi hành án dân sự quan tâm, triển khai thực hiện hiệu quả. Tuy nhiên bên cạnh kết quả đạt được vẫn còn một số hạn chế. Để nâng cao chất lượng công tác xét xử, thi hành án dân sự liên quan đến đất đai, đại biểu đề nghị ngành Tòa án tiếp tục chỉ đạo xét xử dứt điểm các vụ việc liên quan đến đất đai; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ trực tiếp làm công tác xét xử, thi hành án…

Đại biểu Mai Quang Thắng, Tổ đại biểu huyện Hàm Yên phát biểu thảo luận.

Đại biểu Văn phòng Trung ương Đảng dự phiên họp.

Đại biểu Hứa Thị Hà, Tổ đại biểu huyện Sơn Dương: Để thực hiện tốt các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh, đại biểu đề nghị Trung ương cần có văn bản hướng dẫn thực hiện kịp thời; tỉnh cần giao vốn sớm cho các địa phương để việc triển khai thực hiện được bảo đảm đúng tiến độ. Trong đó, UBND tỉnh xem xét phân cấp cho UBND huyện quyết định một số danh mục của các chương trình MTQG để tiến độ thực hiện được đẩy nhanh…

Đại biểu Hứa Thị Hà, Tổ đại biểu huyện Sơn Dương phát biểu thảo luận.

Đại biểu Ma Thị Thu Loan, Tổ đại biểu huyện Sơn Dương: Tình trạng thiếu giáo viên tại các trường học; việc tính phụ cấp, hỗ trợ dạy thêm giờ cho giáo viên cũng chưa có sự thống nhất… Vì vậy, đề nghị sớm phê duyệt đề án vị trí việc làm cho các trường. Đồng thời thống nhất đơn giá tính các tiết dạy, dạy thêm giờ để bảo đảm công bằng giữa các đơn vị giáo dục ở các địa phương trong tỉnh.

Đại biểu Ma Thị Thu Loan, Tổ đại biểu huyện Sơn Dương phát biểu thảo luận.

Đại biểu tham dự kỳ họp.

Đại biểu Hoàng Thị Thu Hiền, Tổ đại biểu huyện Hàm Yên: Để giảm tỷ lệ tảo hôn và mang thai ngoài ý muốn trong trẻ vị thành niên, ngoài sự nỗ lực của ngành Dân số, các cấp, các ngành cần phối hợp tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho thanh niên trong việc kết hôn; mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức tiền hôn nhân cho thanh thiếu niên; giáo dục sức khỏe sinh sản cho thanh niên, đối tượng chuẩn bị kết hôn… Qua đó nâng cao chất lượng dân số trên địa bàn.

Đại biểu Hoàng Thị Thu Hiền, Tổ đại biểu huyện Hàm Yên phát biểu thảo luận.

Đại biểu Ngụy Thu Thủy, Tổ đại biểu thành phố Tuyên Quang: Đề nghị các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt việc giải quyết các thủ tục hành chính… Việc thực hiện nghị quyết của HĐND tỉnh về hỗ trợ bệnh nhân chạy thận nhân tạo cần được triển khai cụ thể, kịp thời hơn nữa, giúp người bệnh có thêm động lực chiến thắng bệnh tật, phần nào giảm áp lực kinh tế cho gia đình người bệnh.

Đại biểu Ngụy Thu Thủy, Tổ đại biểu thành phố Tuyên Quang phát biểu thảo luận.

Đại biểu Trần Giang Nam, Tổ đại biểu huyện Sơn Dương: Cần có các giải pháp cụ thể để khắc phục những hạn chế, tồn tại trong việc thực hiện phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2023. Từ đó, tạo tiền đề thực hiện tốt các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. Trong thực hiện chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, tiến độ xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu còn chậm. Việc duy trì, giữ vững và nâng cao các tiêu chí đã đạt còn hạn chế… Đại biểu đề xuất các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo khắc phục khó khăn, vướng mắc tại cơ sở; bố trí nguồn vốn cho các xã về đích xây dựng nông thôn mới.

Đại biểu Trần Giang Nam, Tổ đại biểu huyện Sơn Dương phát biểu thảo luận.

Đại biểu Trần Thị Hà, Tổ đại biểu huyện Sơn Dương: Tội phạm trên không gian mạng ngày càng gia tăng, đòi hỏi người dân cần nâng cao cảnh giác, tự nghiên cứu để có những kiến thức tự bảo vệ mình. Trên địa bàn tỉnh có hiện tượng làm giả con dấu để thực hiện các hành vi phạm tội, làm ảnh hưởng đến quản lý của cơ quan nhà nước.

Đề nghị Công an tỉnh phối hợp tăng cường phát hiện, xử lý các loại tội phạm, đặc biệt là tội phạm sử dụng những chiêu thức mới, gây mất an ninh trật tự trên địa bàn. Bên cạnh đó, phát huy vai trò của người đứng đầu trong công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng… Từ đó, hạn chế việc gia tăng các loại tội phạm trong thời gian tới.

Đại biểu Trần Thị Hà, Tổ đại biểu huyện Sơn Dương phát biểu thảo luận.

Đại biểu Đàng Thị Hiền, Tổ đại biểu Na Hang – Lâm Bình: Một số văn bản hướng dẫn của Trung ương trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia khó thực hiện, chưa thực sự phù hợp với thực tế, nhất là đối với các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Khả năng cân đối ngân sách cấp huyện, xã, sự tham gia đóng góp của người dân ở nhiều xã gặp khó khăn, dẫn đến không bảo đảm tiến độ. Nội dung hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị khó thực hiện vì rất ít doanh nghiệp, hợp tác xã có đủ điều kiện được đưa ra…

Đại biểu tham dự kỳ họp.

Để thuận lợi cho công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện hiệu quả chương trình MTQG vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đại biểu đề nghị UBND tỉnh giải quyết dứt điểm về đất ở, nhà ở… cho đồng bào dân tộc thiểu số; có quy định thống nhất đối tượng thực hiện các chương trình MTQG để bảo đảm thống nhất, thuận lợi trong quá trình triển khai.

15h05: Lãnh đạo các sở, ngành báo cáo, trao đổi

Đại biểu Âu Thị Mai, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Thực hiện phát triển du lịch thành ngành kinh tế quan trọng, tỉnh đã quan tâm đầu tư các khu, điểm du lịch, phát triển các sản phẩm du lịch, thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm. Tuy nhiên, cơ sở vất chật, nguồn nhân lực phục vụ phát triển du lịch còn hạn chế.

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Âu Thị Mai trao đổi tại hội trường.

Với chức năng của mình, ngành đã tích cực tham mưu UBND chỉ đạo các hoạt động, lĩnh vực của ngành; đồng thời tổ chức triển khai thực hiện các đề án, chương trình, nghị quyết về phát triển văn hóa, du lịch. Bên cạnh đó, cùng với sự quan tâm đầu tư của tỉnh, ngành cũng mong các địa phương tiếp tục quan tâm, thu hút đầu tư lĩnh vực văn hóa, du lịch.

Ngành cũng sẽ phối hợp với các địa phương trong công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn. Trong đó, đã lập danh mục di sản của 16 dân tộc có dân số đông trên địa bàn, với 425 di sản. Trên cơ sở đó đề nghị công nhận di sản văn hóa cấp quốc gia đối với 17 di sản trên địa bàn. Đồng thời quan tâm đến các nghệ nhân có công trong việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa phi vật thể; xây dựng làng văn hóa dan tộc Cao Lan thôn Động Sơn, xã Chân Sơn (Yên Sơn)…

Đại biểu tham dự kỳ họp.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, công tác bảo tồn di sản văn hóa còn niều hạn chế. Do vậy, để tiếp tục thực hiện bảo tồn văn hóa dân tộc thiểu số. ngành đề xuất các giải pháp: Phối hợp với Sở GD và ĐT xây dựng chương trình bảo tồn di sản văn hóa; nghiên cứu, bảo tồn phát huy bản sắc văn hóa dân tộc phù hợp với thực tế; phát huy vai trò chủ thể của đồng bào trong việc phát huy, bảo tồn văn hóa dân tộc; huy động các nguồn lực cho công tác này…

Về số lượng các vụ ly hôn tăng, với vai trò quản lý của ngành trong lĩnh vực gia đình, ngành sẽ tiếp tục phối hợp duy trì hoạt động của các câu lạc bộ gia đình, mô hình truyền thống cộng đồng phòng, chống bạo lực gia đình; tổ chức các liên hoan văn hóa, văn nghệ ở cơ sở để tăng cường truyền thông về công tác gia đình; giáo dục đạo đức lối sống cho giới trẻ, để hạn chế tình trạng ly hôn trên địa bàn.

Đại biểu tham dự kỳ họp.

Đồng chí Nguyễn Thế Yên, Phó Giám đốc Sở Y tế: Việc thiếu vắc xin tiêm chủng là do Bộ Y tế mới cấp cho tỉnh 70% vắc xin so với nhu cầu của tỉnh.

Đồng chí Nguyễn Văn Hiền, Phó GĐ Sở Giáo dục và Đào tạo: Để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, Sở GD và ĐT sẽ tham mưu cho UBND tỉnh phân bổ lại giáo viên; sắp xếp trường, lớp và cân đối giáo viên bảo đảm phù hợp. Về tiến độ mua đồ dung thiết bị học tập lớp 4, 8 cho năm học mới còn chậm là do tiến độ thẩm định giá còn chậm. Biên soạn tài liệu giáo dục địa phương còn chậm do công tác biên soạn, thẩm định qua nhiều khâu, Sở không chủ động được. Đầu năm học vừa qua, tỉnh đã được phê duyệt tài liệu giáo dục địa phương, các trường sẽ chủ động xây dựng kế hoạch học tập phù hợp.

Phó GĐ Sở Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Hiền trao đổi tại hội trường.

Việc chi trả dạy thêm giờ cho giáo viên ở một số địa phương còn chậm, đến ngày 20/11 tổng số tiền thẩm định chi trả là trên 56 tỷ đồng, đã chi trả 54 tỷ đồng, đạt trên 96% số tiền đã thẩm định. Trong thời gian tới, các địa phương sẽ tiếp tục chi trả số tiền đã thẩm định, bảo đảm chế độ cho cán bộ, giáo viên.

Đồng chí Phạm Mạnh Duyệt, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường: Tiếp thu các ý kiến đại biểu HĐND tỉnh nêu. Sở cũng đang chỉ đạo đơn vị chuyên môn thực hiện liên thông kết quả đo đạc đất để tạo thuận lợi cho công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đối với công tác đo đạc địa chính đã thực hiện từ lâu, nên thực tế có sự biến đổi, Sở sẽ chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ đo đạc.

Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường Phạm Mạnh Duyệt trao đổi tại hội trường.

Đầu năm 2024, Sở sẽ mở lại 2 chi nhánh cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại 2 huyện để đáp ứng nhu cầu của người dân. Việc xác định giá đất, Sở cũng đã xây dựng quy định tối đa không quá 90 ngày, sẽ sớm ban hành để triển khai thực hiện… Về giá thu gom xử lý rác thải, Sở cũng đã xây dựng, bảo đảm lộ trình, phù hợp với các quy định, phù hợp với đời sống người dân.

Đồng chí Phạm Kim Đĩnh, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh: Tình hình tội phạm trên địa bàn tỉnh, lực lượng công an đã đánh giá, phân tích cơ cấu tội phạm để có giải pháp đấu tranh, phòng chống hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm. Nguyên nhân dẫn đến phạm tội chủ yếu là do nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật hạn chế. Việc quản lý các ngành nghề kinh doanh có điều kiện cũng còn lỏng lẻo, dẫn đến tội phạm ở lĩnh vực này…

Giám đốc Công an tỉnh Phạm Kim Đĩnh trao đổi tại hội trường.

Việc triển khai các biện pháp phòng ngừa tội phạm trên không gian mạng cũng còn rất hạn chế. Chiêu thức lừa đảo chiếm đoạt tài sản gia tăng, đối tượng chủ yếu là người cao tuổi, bị các đối tượng giả danh cơ quan chức năng, thao túng tâm lý người bị hại, dẫn đến không chia sẻ với người thân, khi sự việc đã diễn ra thì việc thu hồi tài sản bị chiếm đoạt rất khó khăn. Vì vậy, cần tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, để phòng ngừa từ sớm, từ xa đối với loại tội phạm này… Ngành cũng tập trung đấu tranh với các tổ chức làm giả con dấu, các loại bằng cấp… Tuy nhiên, diễn ra trên không gian mạng nên việc kiểm soát rất khó khăn.

Ngành cũng đánh giá cao vai trò tham gia tố giác tội phạm, phối hợp của quần chúng nhân dân trong quá trình đấu tranh phòng chống tội phạm.

Đồng chí Vân Đình Thảo, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư: Trong năm 2023, Tỉnh Tuyên Quang nằm trong BCĐ các dự án trọng điểm quốc gia; tham gia thành viên BCĐ vùng trung du miền núi Bắc Bộ… là thành viên quan trọng trong hành lang phát triển kinh tế - xã hội của vùng trung du miền núi phía Bắc. Vì vậy, một số công trình trọng điểm được xây dựng theo quy hoạch vùng, sẽ góp phần thiết thực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Qua đó, tạo đà tăng trưởng kinh tế trên địa bàn tỉnh...

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Vân Đình Thảo phát biểu tại hội trường.

Đồng chí Hoàng Việt Phương, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Trân trọng tiếp thu ý kiến của các đại biểu HĐND tỉnh. Hiện nay, số giáo viên thiếu chủ yếu ở môn Tiếng Anh, Toán và một số môn khác. Qua đi kiểm tra thực tế, mặc dù thiếu giáo viên, nhưng các cơ sở giáo dục đã hết sức nỗ lực, cố gắng đạt được những kết quả đáng ghi nhận trong dạy và học. Việc sắp xếp các điểm trường đã vượt so với kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, có những điểm trường trong kế hoạch lại chưa thực hiện do tình hình thực tế chưa đáp ứng được…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Việt Phương phát biểu tại hội trường.

Trước năm 2023, vắc xin là do Trung ương cấp theo nhu cầu; đến năm 2023 có thay đổi, Trung ương cấp vắc xin cho tỉnh chưa đáp ứng đủ nhu cầu, vì vậy dẫn đến thiếu vắc xin tiêm cho trẻ….

16h40: Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Thị Kim Dung kết luận phần thảo luận

Chủ trì phiên họp kết luận phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội.

Các cấp, các ngành, địa phương quyết tâm mục tiêu tăng trưởng 9%. Trong đó, tập trung triển khai, hoàn thành các chương trình dự án theo kế hoạch; sớm hoàn thành thủ tục đầu tư để hoàn thành giải ngân vốn đầu tư công. Ngành Thông tin và Truyền thông cần nghiêm túc đánh giá việc triển khai thực hiện chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh.

Việc thu gom xử lý chất thải: Cần quy hoạch điểm tập kết rác thải bảo đảm mỹ quan đô thị. Các huyện, thành phố hoàn chỉnh định mức đơn giá, số lượng thu gom rác thải để thực hiện.

Đồng chí Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Thị Kim Dung kết luận phần thảo luận.

Lĩnh vực giáo dục và đào tạo, y tế: Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo bố trí trường lớp phù hợp, giảm tình trạng thiếu giáo viên; việc điều động, bố trí giáo viên phải bảo đảm nguyên tắc, thống nhất, phù hợp; chi trả tiền thừa giờ cho giáo viên kịp thời… Các đại biểu HĐND tỉnh giám sát nguồn thu tài chính tại các trường học bảo đảm công khai, minh bạch. Ngành Giáo dục chỉ đạo thanh tra các cơ sở giáo dục về việc thu các dịch vụ hỗ trợ học tập, tránh tình trạng bao che việc thu sai mục đích… UBND tỉnh chỉ đạo mua sắm trang thiết bị dạy học, đáp ứng nhu cầu dạy học. Ngành Y tế cần làm rõ nguyên nhân dẫn đến thiếu vắc xin tiêm chủng để có giải pháp khắc phục.

Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tiếp tục tham mưu UBND tỉnh làm tốt công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực của ngành. Cán bộ, công chức địa phương tiếp thu ý kiến của người dân cần có sự nghiên cứu, trả lời thấu đáo; nâng cao năng lực thực thi công vụ. Đồng thời, mong nhân dân tiếp tục phản ánh những vướng mắc ở cơ sở đến đại biểu HĐND tỉnh, để HĐND tỉnh có những kiến nghị, đề xuất ngành chức năng giải quyết kịp thời.

Cùng với đó, nâng cao năng lực sản xuất giống cây lâm nghiệp; tăng cường công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm hiệu quả… Số lượng vụ án thụ lý và giải quyết nhanh, đạt chỉ tiêu đề ra, tuy nhiên có những vụ án còn kéo dài, vụ án ly hôn tăng nhanh, cần có giải pháp cụ thể để khắc phục.

17h05: Kết thúc phiên thảo luận tại hội trường, ngày mai kỳ họp tiếp tục làm việc. Báo Tuyên Quang cập nhật các nội dung chương trình của kỳ họp.

Phạm Huyền - Ngọc Hưng - Thanh Thủy

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/chinh-tri/trong-tinh/ky-hop-tiep-tuc-thao-luan-tai-hoi-truong-184371.html