Kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh Bình Phước khóa X: Nóng vấn đề quản lý quy hoạch và an toàn hồ đập

Sáng nay 12-7, kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 tiếp tục ngày làm việc thứ 2.

Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Huỳnh Thị Hằng; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó chủ tịch HĐND tỉnh Lê Hoàng Lâm và Tỉnh ủy viên, Phó chủ tịch HĐND tỉnh Huỳnh Hữu Thiết điều hành kỳ họp.

Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Huỳnh Thị Hằng; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó chủ tịch HĐND tỉnh Lê Hoàng Lâm và Tỉnh ủy viên, Phó chủ tịch HĐND tỉnh Huỳnh Hữu Thiết điều hành kỳ họp

Công tác quy hoạch phải mang tính chiến lược, linh hoạt và hiệu quả

Tại phiên chất vấn, kỳ họp đã thực hiện chất vấn trực tiếp đối với Giám đốc Sở Xây dựng Võ Tất Dũng về: Thực trạng công tác lập, quản lý quy hoạch xây dựng; quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua; công tác hướng dẫn các địa phương trong việc thực hiện quản lý nhà nước thuộc lĩnh vực ngành quản lý, những tồn tại, hạn chế; nguyên nhân và trách nhiệm của đơn vị; giải pháp thực hiện trong thời gian tới.

Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Huỳnh Thị Hằng đề nghị lãnh đạo các sở, ngành nắm cụ thể tình hình, thực trạng và trả lời thẳng thắn, giải trình rõ những vấn đề, nội dung liên quan đến trách nhiệm do ngành mình phụ trách

Trả lời chất vấn tại kỳ họp, Giám đốc Sở Xây dựng Võ Tất Dũng cho biết: Thời gian qua ngành xây dựng đã tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch xây dựng, đẩy nhanh tốc độ phủ kín quy hoạch, nâng cao vai trò quản lý nhà nước theo lĩnh vực ngành, đẩy mạnh quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết để thống nhất trong việc quản lý quy hoạch xây dựng, quản lý đầu tư xây dựng, cấp phép xây dựng, cải tạo.

Đến nay, tất cả các trung tâm huyện lỵ, tỉnh lỵ đã có quy hoạch chung đô thị được phê duyệt. Một số đô thị trước đây chỉ lập quy hoạch đối với diện tích trung tâm hành chính huyện, hiện nay đang rà soát để điều chỉnh đảm bảo phủ kín toàn bộ diện tích tự nhiên của đô thị như: thị trấn Đức Phong, huyện Bù Đăng; thị trấn Thanh Bình, huyện Bù Đốp; thị trấn Tân Phú, huyện Đồng Phú...

Công tác quy hoạch nông thôn mới cũng được triển khai thực hiện theo kế hoạch. Đến nay, có 90/90 xã đã được UBND các huyện, thị xã, thành phố lập và phê duyệt quy hoạch chung xây dựng. Hiện nay, đang triển khai rà soát, điều chỉnh đảm bảo phù hợp với các quy định đã được điều chỉnh, thay đổi; đồng thời đáp ứng yêu cầu chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Nhìn chung công tác quản lý quy hoạch trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã đóng góp quan trọng trong việc tạo tiền đề phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó chủ tịch HĐND tỉnh Lê Hoàng Lâm điều hành phiên chất vấn

Bên cạnh đó, ngành vẫn còn những tồn tại, hạn chế: Tỷ lệ phủ kín quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết trên diện tích quy hoạch chung còn thấp, tỷ lệ đô thị hóa còn thấp (35,12%) so với trung bình cả nước, một số quy hoạch chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Sự phối hợp giữa các sở, ngành, đơn vị còn bất cập trong việc lập quy hoạch và thực hiện quy hoạch giữa quy hoạch xây dựng với các quy hoạch chuyên ngành. Các quy hoạch phát triển đô thị, khu dân cư, hạ tầng xã hội thiếu đồng bộ, triển khai chậm, chưa theo kịp tốc độ đô thị hóa. Công tác quản lý quy hoạch, trật tự xây dựng còn hạn chế, công tác phối hợp giữa các cơ quan liên quan có lúc chưa chặt chẽ, kịp thời. Việc đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị chưa được đầu tư hoàn chỉnh, trong khi nhu cầu phục vụ phát triển hạ tầng kỹ thuật, chỉnh trang đô thị lại rất lớn…

Các đại biểu tham dự kỳ họp

Đưa ra những giải pháp trong thời gian tới, Giám đốc Sở Xây dựng Võ Tất Dũng cho biết: Sẽ tập trung triển khai, thực hiện tốt các kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chương trình phát triển đô thị. Tham mưu UBND tỉnh ưu tiên bố trí nguồn vốn hỗ trợ UBND thành phố Đồng Xoài, thị xã Bình Long và Phước Long đẩy nhanh tiến độ lập và trình phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết; UBND các huyện lập và trình phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý để thực hiện việc lập hồ sơ đề xuất khu vực phát triển đô thị. Đối với quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết tại các đô thị có thể kêu gọi bằng hình thức xã hội hóa để đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch và triển khai các dự án. Tham mưu UBND tỉnh ưu tiên tập trung vốn đầu tư công cho các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị. Nâng cao chất lượng công tác quy hoạch để thích ứng tốt hơn với thực tế phát triển kinh tế - xã hội và ngăn chặn đô thị hóa tự phát, phấn đấu để công tác quy hoạch mang tính chiến lược, linh hoạt và hiệu quả hơn. Tăng cường kiểm tra công tác quản lý chất lượng và an toàn, vệ sinh lao động, môi trường trong thi công xây dựng.

Sẽ tăng cường quản lý dự án, đặc biệt trong công tác thẩm định dự án đầu tư xây dựng nhằm đảm bảo tuân thủ quy hoạch, an toàn bền vững công trình, rút ngắn thời gian thẩm định, tiết kiệm chi phí đầu tư, hiệu quả đầu tư, tránh thất thoát, lãng phí. Tăng cường cải cách thủ tục hành chính, kiểm soát hồ sơ tiếp nhận tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh để đảm bảo thực hiện công tác thẩm định không bị trễ hạn. Ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng và quản lý quy hoạch, quản lý xây dựng; cập nhật kịp thời thông tin quy hoạch, các quy định quản lý... lên mạng thông tin để tuyên truyền, phổ biến cho nhân dân, tổ chức biết và thực hiện.

Giám đốc Sở Xây dựng VÕ TẤT DŨNG trả lời chất vấn tại kỳ họp

Nhiều công trình nước sạch nông thôn không hiệu quả

Chất vấn đối với Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Thanh Bình, đại biểu Hà Anh Dũng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Đồng Xoài đặt câu hỏi: Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có bao gồm hành lang an toàn sông, suối, ao hồ hay không? Đề nghị cách quản lý của sở phải chi tiết cụ thể hơn. Đối với suối Rạt ở thành phố Đồng Xoài, đơn vị đã bố trí 6 tỷ đồng để nạo vét, khơi thông dòng chảy. Tuy nhiên dự án đến nay vẫn chưa triển khai được. Vậy tới bao giờ dự án mới được triển khai?

Đại biểu Hà Anh Dũng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Đồng Xoài chất vấn Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Thanh Bình liên quan đến việc quản lý hành lang sông, suối, ao, hồ, đất trong hành lang an toàn…

Các đại biểu HĐND tỉnh cũng đặt câu hỏi liên quan đến các vấn đề: Thực trạng công tác quản lý, khai thác, duy tu, bảo trì, nâng cấp các công trình thủy lợi, công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn trên địa bàn tỉnh thời gian qua. Thực trạng công tác xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh; các giải pháp để hoàn thành nông thôn mới nâng cao đối với 9 xã và 2 huyện đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2022. Việc tham mưu đấu thầu, ký hợp đồng và phân bổ xi măng phục vụ xây dựng đường giao thông nông thôn thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới chậm triển khai thực hiện, ảnh hưởng tới tiến độ xây dựng đường của các địa phương, nguyên nhân và giải pháp trong thời gian tới.

Trả lời chất vấn tại kỳ họp, Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Thanh Bình cho biết: Đối với công tác quản lý, khai thác, duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa nâng cấp các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh, hằng năm, sở phối hợp với các đơn vị quản lý công trình kiểm tra các hồ, đập, công trình thủy lợi trước, trong và sau mùa mưa lũ. Định kỳ tiến hành kiểm tra, thanh tra tại công trình để quy định cụ thể định mức chi phí bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi trên địa bàn tỉnh. Sở cũng đã tham mưu UBND tỉnh ban hành quyết định quy định mức chi này. Hiện sở đã kiến nghị UBND tỉnh xem xét sửa chữa, nâng cấp 17 công trình thủy lợi bị hư hỏng, xuống cấp nhằm đảm bảo an toàn cấp nước cho nhân dân với tổng mức đầu tư 146 tỷ đồng; thực hiện kiên cố hóa khoảng 5km kênh mương nội đồng với tổng mức đầu tư 22,49 tỷ đồng.

Ngoài ra, hằng năm Sở NN&PTNT phối hợp với các bên liên quan kiểm tra các công trình thủy lợi trước, trong và sau mùa mưa lũ. Từ đó có văn bản tham mưu UBND tỉnh xem xét, sửa chữa nâng cấp các công trình có nguy cơ mất an toàn cao. Kết quả, giai đoạn 2016-2021, tổng nguồn vốn thực hiện sửa chữa, nâng cấp các công trình đảm bảo an toàn hồ đập là 85 tỷ đồng.

Về hiệu quả sử dụng các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 41 công trình. Trong số các công trình đã bàn giao, đưa vào sử dụng, có 8 công trình hoạt động bền vững, 4 công trình hoạt động tương đối bền vững, 20 công trình kém bền vững, 8 công trình không hoạt động.

Từ năm 2019 đến nay, Sở NN&PTNT đã kiến nghị Sở Tài chính hằng năm xem xét, bố trí vốn ngân sách tỉnh để thực hiện sửa chữa thường xuyên và nâng cấp, đảm bảo an toàn các công trình đang bị hư hỏng, xuống cấp. Kết quả, tính đến hết năm 2021, nguồn kinh phí bố trí từ ngân sách tỉnh là 15,132 tỷ đồng. Hiện nay, nguồn vốn ngân sách bố trí cho công tác duy tu, sửa chữa, nâng cấp các công trình thủy lợi và cấp nước sinh hoạt tập trung trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn.

Đại biểu Trịnh Thị Hòa, Phó trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh chất vấn trách nhiệm của ngành nông nghiệp khi để nhiều công trình cấp nước sạch nông thôn hoạt động kém hiệu quả

Chất vấn Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Thanh Bình, đại biểu Trịnh Thị Hòa, Phó trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh nêu rõ: Qua nghiên cứu báo cáo và theo dõi công tác quản lý các công trình thủy lợi cho thấy, còn rất nhiều vi phạm trong công tác này. Tuy nhiên, việc phát hiện và xử lý các vi phạm chưa kịp thời. Vậy trách nhiệm của sở trong xử lý các vi phạm này thế nào?

Đối với các công trình cấp nước sạch nông thôn cho thấy, công tác thanh tra, kiểm tra chưa thực hiện tốt, dẫn đến có 20 công trình hoạt động kém hiệu quả, 8 công trình không hoạt động. Theo sở cho biết là do thiếu nhân sự quản lý. Vậy trách nhiệm của Giám đốc sở để khắc phục các lý do trên thế nào?

Ngọc Bích

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/1/134908/ky-hop-thu-6-hdnd-tinh-khoa-x-nhiem-ky-2021-2026-nong-van-de-quan-ly-quy-hoach-va-an-toan-ho-dap