Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV: Xử lý nợ xấu, phòng ngừa rủi ro đối với các tổ chức tín dụng

Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 5, chiều 10-6, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV vào ngày 10-6. Ảnh: QUOCHOI.VN

Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV vào ngày 10-6. Ảnh: QUOCHOI.VN

Tại phiên thảo luận, các ý kiến của đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cơ bản tán thành với sự cần thiết sửa đổi luật để thể chế hóa chủ trương của Đảng, khắc phục những bất cập, hạn chế của luật hiện hành, tạo cơ sở pháp lý để tiếp tục xử lý nợ xấu, tăng cường phòng ngừa rủi ro, nâng cao năng lực kiểm tra, kiểm soát, nâng cao năng lực của các tổ chức tín dụng, đảm bảo an toàn, lành mạnh ổn định hệ thống các tổ chức tín dụng.

* Phòng, chống các vi phạm, tội phạm lĩnh vực ngân hàng

Các đại biểu cũng quan tâm đóng góp nhiều ý kiến, trong đó nhấn mạnh đến việc tăng cường phòng ngừa rủi ro, nâng cao năng lực kiểm tra, kiểm soát, nâng cao trách nhiệm của các tổ chức tín dụng, đảm bảo an toàn, lành mạnh, ổn định hệ thống các tổ chức tín dụng.

Đại biểu Trịnh Xuân An (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai) cho biết, từ sự kiện của các ngân hàng ở Việt Nam hay trên thế giới vừa qua, cần thiết kế thêm các quy định đề phòng rủi ro mang tính chất hệ thống, để khi xảy ra sự cố thì hệ thống có thể chống đỡ hiệu quả.

Bên cạnh đó, đại biểu cũng quan tâm đến việc xử lý sở hữu chéo liên quan đến các tổ chức tín dụng. Đại biểu cho rằng, vấn đề đặt ra không phải là hạn chế, mà cần chấm dứt tình trạng sở hữu chéo trong hệ thống tín dụng. Đây là vấn đề rất khó khăn, những quy định trong Điều 55, Điều 127 trong dự thảo chưa đủ mạnh để chấm dứt tình trạng sở hữu chéo.

Một số đại biểu đề nghị, dự thảo luật cần có những quy định cụ thể nhằm tăng cường các biện pháp thanh tra, kiểm tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan về quản lý, kiểm soát hoạt động tín dụng, chống thao túng lợi ích nhóm, sở hữu chéo nhưng vẫn đảm bảo lợi ích chính đáng của các nhà đầu tư; công tác phòng, chống các vi phạm, tội phạm trong lĩnh vực tín dụng, ngân hàng; xử lý tình huống người gửi, tiền rút tiền hàng loạt đối với từng nhóm chính sách và các điều khoản cụ thể khác trong dự thảo luật.

* Tích hợp thông tin cần quy định rõ quyền truy xuất, khai thác

Trước đó, sáng 10-6, Quốc hội thảo luận ở tổ về 2 dự án: Luật Căn cước công dân (sửa đổi) và Luật Viễn thông (sửa đổi).

Thảo luận về Luật Căn cước, các đại biểu tán thành, việc xây dựng dự án Luật Căn cước là cần thiết để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thi hành Luật Căn cước công dân năm 2014 và đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra hiện nay, tạo cơ sở pháp lý triển khai thực hiện, tạo bước đột phá về chuyển đổi số ở Việt Nam.

Theo nhiều đại biểu, cơ sở chính trị để xây dựng luật là các Nghị quyết Trung ương về chuyển đổi số quốc gia, Chính phủ số, cải cách hành chính…

Đại biểu Trịnh Xuân An, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai tham gia ý kiến tại phiên thảo luận vào chiều 10-6. Ảnh: QUOCHOI.VN

Đại biểu Trịnh Xuân An, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai tham gia ý kiến tại phiên thảo luận vào chiều 10-6. Ảnh: QUOCHOI.VN

Về cơ sở pháp lý, Hiến pháp cũng quy định rất rõ về quyền con người, quyền công dân. Bên cạnh đó, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cũng là tài sản quốc gia được Nhà nước bảo vệ theo quy định của pháp luật, liên quan đến an ninh quốc gia. Cơ sở dữ liệu quốc gia được xây dựng để đáp ứng cấp độ 4 về bảo đảm an toàn thông tin.

Đối với việc tích hợp thông tin vào thẻ căn cước, các đại biểu đề nghị phải làm rõ giải pháp công nghệ để khai thác hiệu quả thông tin, không làm lộ, lọt bí mật thông tin, không vi phạm quyền công dân, quyền con người; cần quy định cụ thể việc cấp quyền khai thác, quyền truy xuất.

Về dự án Luật Viễn thông, các đại biểu cho rằng luật đã sửa đổi một số bất cập lớn như: quy định hình thức cấp phép và các điều kiện cấp phép theo hướng đơn giản hóa thủ tục, khuyến khích gia nhập thị trường đối với một số dịch vụ viễn thông không có hạ tầng mạng… Hoàn thiện quy định sử dụng tài khoản SIM thuê bao di động để thanh toán cho dịch vụ viễn thông và dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động hợp pháp.

Để giải quyết khó khăn trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng viễn thông, dự thảo luật bổ sung quy định trách nhiệm của UBND các cấp giải quyết, xử lý các hành vi cản trở việc xây dựng hợp pháp cơ sở hạ tầng viễn thông…

Từ ngày 11 đến 18-6, Quốc hội nghỉ để các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan hữu quan có thời gian tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật, dự thảo nghị quyết. Ngày 19-6, Quốc hội sẽ làm việc trở lại.

Thanh Hải (tổng hợp)

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/tintuc/202306/ky-hop-thu-5-quoc-hoi-khoa-xv-xu-ly-no-xau-phong-ngua-rui-ro-doi-voi-cac-to-chuc-tin-dung-3168558/