Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV: Tập trung ứng dụng khoa học công nghệ vào nông nghiệp

Ngày 3/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017. Tái cơ cấu nông nghiệp để tạo động lực cho nông nghiệp phát triển tương xứng với tiềm năng là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm, cho ý kiến.

Cần đổi mới tư duy nông nghiệp

Đại biểu Nguyễn Thị Thanh (Ninh Bình) đề nghị, để phát triển nông nghiệp xanh và bền vững, cần đổi mới tư duy phát triển nông nghiệp theo hướng tăng giá trị, giảm đầu vào, quan tâm đến bảo quản sau thu hoạch, chế biến, thương hiệu, coi trọng giá trị dinh dưỡng và yếu tố thực phẩm chức năng từ các sản phẩm nông nghiệp. Ở những địa phương vùng sâu, vùng xa, cần áp dụng cơ chế thuế phí ở mức thấp nhất hoặc miễn, đặc biệt là các chính sách về đất đai. Đây là điểm nghẽn trong phát triển kinh tế nông nghiệp.

Đại biểu Thanh cũng đề nghị Đảng, Nhà nước cần đổi mới tư duy trong chương trình hành động về nông nghiệp, nông thôn, trong đó, Nhà nước đóng vai trò dẫn dắt, doanh nghiệp là trung tâm, khoa học là đồng hành, nông dân là chủ thể, phát triển và hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.

Đại biểu Trần Đình Giao (Hà Tĩnh) cho rằng yêu cầu tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp là bức xúc nhất, vừa tăng trưởng vừa hạn chế biến đổi khí hậu. Đề nghị Chính phủ tăng cường đầu tư các công trình nông nghiệp như đê ngăn mặn, các công trình thủy lợi, thủy điện. Cần xây dựng các cơ chế chính sách thu hút vào nông nghiệp. Đa số hiện nay là doanh nghiệp bán sản phẩm nông dân như giống, phân bón… chứ ít doanh nghiệp mua sản phẩm cho nông dân nên cần khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.

Có cơ chế chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư

Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng cần tiếp tục đẩy mạnh phát triển nông nghiệp; trong đó, cần tập trung ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ sinh học vào lĩnh vực nông nghiệp; có cơ chế chính sách thu hút các doanh nghiệp đầu tư; đẩy mạnh phát triển các mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác nông nghiệp kiểu mới để tiêu thụ sản phẩm cho nông dân; kiểm soát chặt chẽ các chất hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật để tạo nên nền nông nghiệp sạch...

Theo đại biểu Đoàn Văn Việt (Lâm Đồng), bên cạnh sự chủ động của các doanh nghiệp, hợp tác xã, chính quyền các địa phương, Chính phủ cần xây dựng các cơ chế, chính sách, lộ trình cụ thể để hỗ trợ, xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản tại thị trường trong nước và quốc tế; nghiên cứu các chính sách để khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức tín dụng cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp; xây dựng liên kết, gắn kết giữa nhà nông, nhà khoa học, doanh nghiệp trong việc cung cấp kịp thời và hiệu quả, đặc biệt là về giống.

Đồng thời, do điều kiện hạn hán thường xuyên xảy ra do biến đổi khí hậu, cần quan tâm đầu tư hạ tầng thủy lợi; tăng nguồn vốn cho đầu tư nâng cấp các hồ đập, cần có chính sách hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp trong việc làm hồ, đập thủy lợi nhỏ và có chính sách tín dụng cho vay vốn để thay đổi công nghệ tưới tiết kiệm như tưới nhỏ giọt, tưới phun. Đây là giải pháp quan trọng trong tình hình khô hạn trong thời gian vừa qua.

Ý kiến nhiều đại biểu cho rằng với sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương, ngành Nông nghiệp của đất nước đã có sự chuyển biến đáng kể, cơ cấu sản xuất nông nghiệp chuyển dịch theo hướng gia tăng những sản phẩm có giá trị, mở rộng quy mô sản xuất hàng hóa, nhiều mô hình liên kết sản xuất trong nông nghiệp đã được hình thành và phát huy hiệu quả.

Sau hơn 2 năm thực hiện, Đề án tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp đã đạt được hiệu quả bước đầu. Tuy vậy, đời sống của gần 70% cư dân nông thôn còn rất nhiều khó khăn, dư địa của ngành Nông nghiệp rất lớn nhưng chưa thấy động lực cho phát triển nông nghiệp.

Theo

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/thoi-su/ky-hop-thu-2-quoc-hoi-khoa-xiv-tap-trung-ung-dung-khoa-hoc-cong-nghe-vao-nong-nghiep-2515703-b.html