Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV: Nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước trong chuyển giao công nghệ

GD&TĐ - Ngày 7/11, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi). Dự án Luật này tập trung vào một số vấn đề: Hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng, đổi mới công nghệ; tăng cường vai trò quản lý Nhà nước đối với hoạt động chuyển giao công nghệ…

Quy định rõ các hành vi bị nghiêm cấm

Tờ trình về dự án Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi) do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh trình bày nêu rõ: Dự thảo quy định rõ về các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động chuyển giao công nghệ, bao gồm: Lợi dụng hoạt động chuyển giao công nghệ làm tổn hại đến lợi ích quốc gia, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; Hủy hoại tài nguyên, môi trường; gây hậu quả xấu đến sức khỏe con người, đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc; Chuyển giao công nghệ thuộc Danh mục công nghệ cấm chuyển giao; chuyển giao trái phép công nghệ thuộc Danh mục công nghệ hạn chế chuyển giao; chuyển giao công nghệ quy định trong hợp đồng chuyển giao công nghệ không được chuyển giao cho bên thứ ba.

Để nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước đối với hoạt động chuyển giao, thương mại hóa, ứng dụng và đổi mới công nghệ, dự luật đã bổ sung một loạt các quy định. Cụ thể, Điều 5 về chính sách của Nhà nước đối với hoạt động chuyển giao công nghệ bổ sung quy định: Ưu tiên phát triển công nghệ phục vụ phát triển sản phẩm chủ lực, sản phẩm trọng điểm, sản phẩm quốc gia; tăng cường quản lý Nhà nước đối với hoạt động chuyển giao, ứng dụng công nghệ để hạn chế, ngăn chặn công nghệ lạc hậu, ảnh hưởng đến môi trường và phát triển bền vững quốc gia.

Điều 26, về đăng ký hợp đồng chuyển giao công nghệ đã sửa đổi cơ chế tự nguyện đăng ký sang cơ chế bắt buộc đăng ký đối với tổ chức, cá nhân chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam, từ Việt Nam ra nước ngoài và chuyển giao công nghệ trong nước có sử dụng vốn Nhà nước.

Khắc phục “lỗ hổng” trong kiểm soát công nghệ

Báo cáo thẩm tra dự án Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi) do Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KH, CN&MT) của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày nêu rõ, Ủy ban KH, CN&MT nhất trí với các sửa đổi, bổ sung các quy định để nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực chuyển giao công nghệ, khắc phục “lỗ hổng” trong kiểm soát công nghệ hiện nay, nhất là đối với việc kiểm tra sau chuyển giao công nghệ.

Về quản lý đăng ký đối với hoạt động chuyển giao công nghệ, Ủy ban KH, CN&MT nhất trí với phương án sửa đổi cơ chế tự nguyện đăng ký sang cơ chế bắt buộc đăng ký đối với tổ chức, cá nhân chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam, từ Việt Nam ra nước ngoài và chuyển giao công nghệ trong nước có sử dụng vốn Nhà nước; bổ sung quy định về vấn đề chuyển giao công nghệ từ công ty mẹ sang công ty con và giữa các bên có quan hệ liên kết để hạn chế hiện tượng chuyển giá qua hoạt động chuyển giao công nghệ gây thất thu ngân sách Nhà nước.

Ủy ban KH, CN&MT cho rằng cần tăng cường trách nhiệm quản lý công nghệ của Bộ KH-CN, các bộ có liên quan trong việc kiểm soát công nghệ tại các dự án đầu tư, đặc biệt là các dự án đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI), dự án sử dụng vốn Nhà nước.

Trong ngày 7/11, sau khi nghe ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh, trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 và dự thảo Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 – Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/thoi-su/ky-hop-thu-2-quoc-hoi-khoa-xiv-nang-cao-hieu-qua-quan-ly-nha-nuoc-trong-chuyen-giao-cong-nghe-2531689-b.html