Kỳ cuối: Doanh nghiệp 'trải thảm đỏ' đón sinh viên trường nghề

Theo số liệu thống kê của Bộ GD-ĐT cho biết, năm 2023, có hơn 660.000 thí sinh đăng ký xét tuyển đại học, tương đương 66% thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT. Sau kết quả lọc ảo đã có 92,7% thí sinh trúng tuyển đợt 1 trên tổng số thí sinh đăng ký xét tuyển đại học 2023. Tuy nhiên, số liệu từ Trung tâm Hỗ trợ đào tạo và cung ứng nhân lực, Bộ Giáo dục và đào tạo công bố, cho thấy hiện có 9,1% sinh viên tốt nghiệp đại học đang trong tình trạng thất nghiệp.

Có bằng đại học vẫn thất nghiệp như thường

Sau khi tốt nghiệp đại học mà ra trường không có việc làm thì học làm gì cho tốn tiền, tốn thời gian? Thay vào đó thì học lấy cái nghề, mau kiếm được tiền hơn?... Đó là suy nghĩ của rất nhiều phụ huynh, học sinh trong giai đoạn việc làm khó khăn. Thực tế hiện nay, nhiều trường đại học tuyển sinh vô tội vạ, chất lượng đầu ra thấp, dẫn đến số lượng sinh viên ra trường không tìm được việc làm tăng lên do không đáp ứng đủ yêu cầu nhà tuyển dụng.

Đơn cử như một số trường thiên về tự nhiên, nhưng lại ồ ạt mở ra các ngành liên quan đến xã hội để tuyển sinh, làm chất lượng các ngành học chưa đạt hiệu quả. Không ít sinh viên hiện nay nghĩ rằng, vào đại học tốt là sẽ tìm được việc làm tốt mà quên đi rằng, đại học chỉ là môi trường, còn có việc làm hay không là do nổ lực từ bản thân và cố gắng trau dồi rèn luyện của cá nhân mỗi người.

Có những người không tin vào tấm bằng đại học mà lại quyết định chọn con đường khác, không phải là không có nguyên do. Sinh viên mới ra trường không có kinh nghiệm, kỹ năng yếu, ngoại ngữ kém, doanh nghiệp phải đào tạo lại từ đầu, nhưng luôn đòi hỏi lương cao. Tình trạng đáng báo động này đã làm nhiều sinh viên lo ngại rằng: Liệu mình ra trường có việc làm hay không? Học cái này có khả năng kiếm được việc làm?

Nhiều sinh viên dù đã vào đại học, nhưng lại không có đam mê cái mình đang học, dẫn đến tình trạng chán nản, chỉ học qua loa, bỏ học thường xuyên. Việc này một phần do bản thân không có định hướng khi chọn ngành, nghe theo lời khuyên, mong muốn của gia đình, chọn những ngành "hợp thời", hy vọng dễ xin được việc làm "hot" trong tương lai. Hậu quả là việc học chẳng đâu vào đâu, bản thân không có ý chí, có bạn còn học đối phó, chỉ cần ra trường có tấm bằng là được.

Sinh viên trường nghề đang ngày càng dễ tìm việc làm

Chất lượng đào tạo của các trường đại học đang ngày một đổi mới, hoàn thiện, nâng tầm, cập nhật nhanh chóng, thường xuyên các giáo trình mới của cả trong lẫn ngoài nước. Có trong tay tấm bằng đại học, dĩ nhiên sẽ giúp thuận lợi hơn khi xin việc. Tuy nhiên, hiện nay vẫn có rất nhiều ngành nghề, công ty không yêu cầu bằng cấp. Đổi lại, bạn sẽ chỉ có thể nhận được mức lương thấp ban đầu.

Tuyển dụng lao động luôn là bài toán đau đầu với doanh nghiệp. Đơn cử tại Khu công nghiệp Sóng Thần, có doanh nghiệp cần tuyển dụng 300 lao động kỹ thuật, dù đã trưng biển đến cả tháng nay nhưng vẫn không tuyển đủ số lượng nhân sự cần thiết. Tại TPHCM và một số tỉnh miền Đông Nam Bộ như Bình Dương, Đồng Nai, nhiều năm nay tình trạng thiếu lao động kỹ thuật diễn ra liên tục mà chưa tìm được nguồn bù đắp. Ước tính tại TPHCM, mỗi năm cần hơn 10.000 lao động kỹ thuật ở các ngành, nhưng mỗi năm, các trường nghề trên địa bàn không đáp ứng đủ sinh viên ra trường.

Trong 5 năm qua, số lao động kỹ thuật hầu như không tăng. Sự mất cân đối giữa tỷ lệ học đại học và học nghề dẫn tới sinh viên ra trường thất nghiệp nhiều, gây lãng phí. Trong khi các nhà máy mở ra ngày càng nhiều, nhưng sản xuất không phát triển được vì thiếu người làm việc trực tiếp trong các nhà máy. Do khan hiếm lao động có tay nghề đã dẫn tới sự lôi kéo, cạnh tranh không lành mạnh trong tuyển dụng giữa các doanh nghiệp.

Hiện nay, có rất nhiều hướng học tập, phát triển nghề nghiệp và cơ hội việc làm. Thay vì nghĩ rằng con tôi học trường này, khoa này, có vị trí trong giảng đường ở một đại học nào đó là vui, là tốt rồi; hay "đỗ đại học đã rồi tính sau"... thì hãy cùng định hướng với các em ngành nghề nào, lựa chọn nào phù hợp với con em mình trong tương lai. Tránh tình trạng "dùi mài" 4 năm trong trường đại học mà cuối cùng khi tốt nghiệp phải chấp nhận làm việc trái với nghề được đào tạo, thậm chí là đi làm những công việc chẳng cần đến 4 năm ngồi giảng đường.

"Hot" sinh viên trường nghề

Trong khi hàng ngàn cử nhân đại học đang lao đao tìm việc, thì ngược lại, sinh viên các trường nghề khi tốt nghiệp ra trường lại được các doanh nghiệp săn đón, thậm chí nhiều ngành nghề đang mang lại việc làm và mức thu nhập cao. Cụ thể, Trường Cao đẳng Công thương Việt Nam, đang là trường cao đẳng duy nhất đã ký cam kết với sinh viên sẽ hoàn trả 100% học phí nếu không bố trí được việc làm cho sinh viên. Trường xác định, đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho cả nước, giải quyết vấn đề thất nghiệp, làm trái ngành nghề, thừa thầy thiếu thợ.

Theo như cam kết, sau khi hoàn thành chương trình học, 100% sinh viên có việc làm với mức lương 7 - 15 triệu đồng/tháng. Trong thời gian học tập tại trường, sinh viên được thực tập tại các doanh nghiệp Việt Nam, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Đức, Newzeland... và có lương. Năm học 2023, trường cam kết trong thời gian học tập tại trường, sinh viên được đi thực tập, trải nghiệm thực tế tại các doanh nghiệp mà trường đã ký kết và được hỗ trợ mức lương 4 - 7 triệu đồng/tháng (Cả khóa, sinh viên được đi thực tập 10 tháng).

Ngoài ra, sinh viên Trường Cao đẳng Công thương Việt Nam còn được đi thực tập ở nước ngoài từ 6 tháng đến 1 năm, thu nhập từ 15 - 25 triệu đồng/tháng (đã trừ chi phí ăn ở). Kết thúc thực tập, thi tốt nghiệp xong, sinh viên có thể quay lại cơ sở thực tập để làm việc. Sau tốt nghiệp, nhà trường sẽ tổ chức tư vấn và bố trí việc làm tại các doanh nghiệp trong nước hoặc xuất khẩu lao động sang các nước: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Newzealand, CHLB Đức...

Tương tự, Trường Cao đẳng Đại Việt Sài Gòn đã ký kết hợp đồng, đảm bảo có việc làm sau khi tốt nghiệp cho sinh viên. Tất cả sinh viên sau khi nhập học sẽ ký hợp đồng cam kết việc làm với nhà trường. Nếu ra trường không tìm được việc làm, trường sẽ hoàn trả học phí hoặc đào tạo bổ sung để đáp ứng được nhu cầu doanh nghiệp. Ông Lê Lâm - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Đại Việt Sài Gòn cho biết, để giải quyết việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp, trường đã tìm hiểu các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài nước, bao gồm các lĩnh vực mà trường đào tạo.

Ý tưởng tìm kiếm việc làm cho sinh viên của Trường Cao đẳng Đại Việt Sài Gòn xuất phát từ việc ông Lâm vô tình nghe được câu nói của sinh viên trong lễ tốt nghiệp: "tốt nghiệp đồng nghĩa với thất nghiệp". Đau đáu với câu nói đầy chua chát đó, ông Lâm đã quyết định cùng Ban Giám hiệu nhà trường tìm đến từng doanh nghiệp để kết nối và cam kết trong đào tạo - tuyển dụng. Tới thời điểm hiện tại, trường đã ký hợp tác với hơn 200 doanh nghiệp và bệnh viện, lấy ý kiến đánh giá sinh viên, từ đó điều chỉnh nội dung, phương pháp đào tạo cũng như tạo điều kiện cho sinh viên thực tập, học việc tại doanh nghiệp.

Trong khi đó, tại Trường Kỹ thuật Cao Thắng, hiện nay đã không dừng lại ở mức quan tâm tới tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm hay không mà nhà trường còn quan tâm tới sinh viên ra trường làm cái gì, mức lương bao nhiêu, chức vụ như thế nào sau 6 tháng. Để sinh viên có việc làm ngay từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường, trường thường xuyên tổ chức ngày hội kết nối nhà trường - doanh nghiệp để sinh viên có nhiều cơ hội mở rộng hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp về nhu cầu đào tạo, đào tạo theo đơn đặt hàng...

Tại ngày hội kết nối sinh viên - doanh nghiệp, đây là bước tiếp cận trực tiếp giữa nhà tuyển dụng với nguồn lao động. Sinh viên của trường và các trường tiếp nhận cơ hội nghề nghiệp, điều kiện tuyển dụng của các đơn vị, doanh nghiệp để tìm được việc làm phù hợp hoặc có được sự định hướng... Hiện nay, Trường Kỹ thuật Cao Thắng cũng công khai khảo sát sự hài lòng của doanh nghiệp về sinh viên của trường sau khi tốt nghiệp trên website, để các doanh nghiệp tham gia góp ý. Việc đào tạo được gắn chặt chẽ với nhu cầu tuyển dụng, phục vụ hoạt động sản xuất, cải thiện, nâng cao năng suất lao động tại chính doanh nghiệp.

Theo Ban Giám hiệu Trường Kỹ thuật Cao Thắng, sinh viên học tập tại trường mà không chịu khó học hỏi, không tham gia các buổi thực tập thực tế, không rèn luyện các kỹ năng cần thiết như: làm việc nhóm, giao tiếp, ngoại ngữ... sẽ khiến sinh viên thụ động khi đối mặt với nhà tuyển dụng, đánh mất cơ hội việc làm. Thống kê cho thấy: yêu cầu quá cao, không chấp nhận mức lương thấp, thích việc nhẹ nhàng, ngại di chuyển xa, cộng thêm thiếu kỹ năng mềm, giao tiếp bằng tiếng Anh kém... là những nguyên nhân phổ biến nhất khiến nhiều sinh viên ra trường không có việc làm.

Dù biết rằng mỗi người đều có những lý do riêng để quyết định có nên đi học nghề hay không? Vì học nghề vốn dĩ là một lựa chọn tốt bởi tại trường nghề, sinh viên sẽ được làm việc, thực hành nhiều, sau khi ra trường không phải mất thời gian làm quen với nghề. Trong bối cảnh hiện nay, chuyên gia cho rằng có rất nhiều ngành nghề "hot" đang được doanh nghiệp đặt hàng, sinh viên ra trường đi làm ngay, có thu nhập tốt.

Doanh nghiệp cũng chính là "trường nghề"

Do thiếu lao động nghề trầm trọng nên thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đã chủ động dẫn dắt, thúc đẩy quá trình đào tạo nghề để có nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ cho quá phục hồi sản xuất, cũng như chủ động liên kết với các trường để đào tạo lao động kỹ thuật cho doanh nghiệp của mình. Giờ đây, doanh nghiệp lại trở thành một "trường nghề" bất đắc dĩ thứ 2 cho các thợ trẻ.

Không phải tất cả kỹ sư đều được đào tạo nghiệp vụ chuyên môn liên quan đến việc xây dựng các mô hình mô phỏng. Bản chất các công việc liên quan đến kỹ thuật là giải quyết các vấn đề, tìm ra các giải pháp tốt nhất để giải quyết các vấn đề, sự cố; mức độ và phạm vi công việc khá rộng, yêu cầu nhiều kỹ năng khác nhau. Ngoài tấm bằng ngành kỹ thuật, tính chất công việc đòi hỏi một người công nhân lành nghề còn phải trau dồi và phát triển các kỹ năng khác nhau, bao gồm cả kỹ năng cứng và kỹ năng mềm mới có thể đứng vững và gắn bó lâu dài với nghề.

NAM ANH - HỒNG NINH

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/doi-song/ky-cuoi-doanh-nghiep-trai-tham-do-don-sinh-vien-truong-nghe_153906.html