Kỳ cục lớp tàu chiến 'nửa nạc – nửa mỡ' của Hải quân Liên Xô

Lớp tàu tuần dương – sân bay mang tên lửa dẫn đường lớp Kiev của Hải quân Liên Xô với kho vũ khí khổng lồ, nhưng khả năng chiến đấu hạn chế.

Tàu tuần dương hạm – sân bay lớp Kiev, được Hải quân Liên Xô đưa vào biên chế từ năm 1975; đây là lớp tàu nối tiếp lớp tàu sân bay trực thăng tác chiến chống ngầm Moskva, được đưa vào hoạt động từ năm 1967. Lúc này Hải quân Liên Xô mới đưa vào biên chế lớp tàu sân bay đầu tiên, có khả năng triển khai máy bay cánh cố định.

Các tàu chiến lớp Kiev là là sự pha trộn thiết kế của nhiều loại tàu chiến; nhưng có lẽ giống nhiều nhất là thiết kế lai giữa tuần dương hạm và tàu sân bay. Khi nửa phía trước giống tuần dương hạm mang tên lửa dẫn đường và nửa sau giống thiết kế tàu sân bay.

Liên Xô định danh lớp Kiev là "tàu tuần dương hạng nặng mang theo máy bay chiến đấu tiêm kích". Tàu có lượng giãn nước 45.000 tấn và chiều dài 271 m, bằng 85% chiều dài siêu tàu sân bay lớp Nimitz của Mỹ. Tuy nhiên tàu được trang bị nhiều tên lửa dẫn đường hơn bất kỳ thiết kế tàu sân bay nào hiện có.

Mặc dù được gọi là tàu sân bay, nhưng lớp Kiev thiết kế không có đường băng cất hạ cánh như các tàu sân bay thông thường, thay vào đó dựa vào các máy bay phản lực có khả năng cất và hạ cánh thẳng đứng (VTOL); cụ thể là máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư Yak-41 đầy tham vọng của Hải quân Liên Xô.

Tuy nhiên khi đó, máy bay Yak-41 chưa hoàn thiện thiết kế, nên các tàu lớp Kiev được trang bị tạm loại máy bay VTOL kém khả năng hơn là Yak-38. Nhưng trên thực tế, khả năng của Yak-38 không đáng kể, trong bất kỳ hoạt động nào khác, ngoài vai trò tấn công hạng nhẹ.

Trong khi lực lượng không quân trên tàu sân bay lớp Kiev, chưa có cơ hội thể hiện được khả năng chiến đấu thì Liên Xô sụp đổ, dẫn đến chương trình máy bay VTOL Yak-41 đầy tham vọng phải dừng lại; do vậy lớp tàu này chỉ còn ý nghĩa là tàu tuần dương mang tên lửa.

Thiết kế của lớp tàu Kiev nhấn mạnh sự kết hợp của khả năng phòng không và chống hạm tầm xa, với mục đích tiêu diệt các tàu sân bay, tàu khu trục và tuần dương hạm của đối phương trong phạm vi và bảo vệ bản thân khỏi các cuộc tấn công từ tiêm kích hạm và tên lửa của biên đội tàu sân bay của đối phương.

Chính vì lý do đó, lớp tàu Kiev được trang bị tên lửa hành trình chống hạm mạnh nhất vào thời điểm đó là P-500, có khả năng tấn công mục tiêu cách xa 550 km với tốc độ Mach 2,5; khiến chúng trở thành vũ khí cực kỳ khó đánh chặn đối với các hệ thống phòng không thời bấy giờ.

Những tên lửa chống hạm P-500 sử dụng phương pháp dẫn đường bằng radar bán chủ động, trước khi chuyển sang chế độ dẫn đường bằng radar chủ động ở giai đoạn cuối và trang bị đầu đạn nặng 1.000kg hoặc đầu đạn hạt nhân.

Các tên lửa chống hạm P-500 có kích thước lớn gần bằng chiếc máy bay MiG-21 và trọng lượng nặng gần gấp 4 lần kích thước của tên lửa hành trình trên tàu tiêu chuẩn, nên mặc dù kích thước của tàu lớp Kiev rất lớn, nhưng 3 chiếc tàu đầu tiên, mỗi tàu chỉ mang theo 8 quả tên lửa.

Chiếc tàu mang tên Baku, chiếc cuối cùng và tiên tiến nhất trong số các tàu lớp Kiev, có thể mang 12 tên lửa P-500. Nhiệm vụ chính của các tàu tuần dương tên lửa –sân bay lớp Kiev là tiêu diệt các tàu nổi của Mỹ, bao gồm cả các tàu sân bay; trước khi các biên đội tàu sân bay có thể đánh trả.

Với khả năng tiến công cực mạnh như vậy, cho phép tàu chiến lớp Kiev thoải mái vượt qua các cuộc tấn công trả đũa từ các tên lửa hành trình chống hạm trang bị trên tàu chiến của phương Tây như Harpoon của Mỹ hay Exocet của Pháp.

Được thiết kế để đối đầu trực tiếp với biên đội tàu sân bay Mỹ, nên lớp Kiev được trang bị lưới phòng không dày đặc. Ba chiếc đầu tiên được tích hợp hai bệ phóng tên lửa phòng không M-11 Shtorm với 72 quả tên lửa dự trữ, trong khi chiếc Baku mang tới 192 tên lửa phòng không loại 3K95 Kinzhal. Mỗi tàu cũng mang theo 40 tên lửa thuộc tổ hợp 9K33 Osa.

Một lần nữa, chiếc Baku cho đến nay vẫn được trang bị vũ khí tốt nhất, ngoài số tên lửa nhiều hơn, hiện đại hơn, nhưng quan trọng là tên lửa được phóng từ những ống phóng thẳng đứng nhỏ gọn và tiết kiệm không gian; thiết kế này đem lại cho tàu khả năng phòng không vô song, đặc biệt là chống lại tên lửa hành trình.

Mặc dù các loại tên lửa phòng không trang bị trên lớp tàu Kiev đều là tầm ngắn, nhưng hệ thống điều khiển hỏa lực của nó có khả năng quan sát và phóng tên lửa 360 độ, có độ tin cậy cao; đặc biết là khả năng chống lại các cuộc tấn công bằng tên lửa chống hạm của đối phương.

Ngoài khả năng chống hạm, phòng không và cho máy bay cất, hạ cánh; thì tất cả các tàu lớp Kiev còn có khả năng cao trong vai trò tác chiến chống tàu ngầm. Làm cho lớp tàu này có lẽ là loại tàu chiến “đa năng” nhất từng được thiết kế, với khả năng “công-thủ” toàn diện.

Trong 15 năm, lần lượt bốn tàu chiến thuộc lớp Kiev được đưa vào hoạt động vào các năm 1972, 1978, 1982 và 1987; lần lượt là Kiev, Misk, Novorossiysk và Baku. Nhưng chỉ chiếc cuối cùng là chiếc Baku, cũng là tàu hiện đại và trong tình trạng tốt nhất được đổi tên thành tàu Đô đốc Gorshkov, thuộc Hải quân Nga.

Sau này Nga đã tặng chiếc Đô đốc Gorshkov cho Hải quân Ấn Độ và trước khi bàn giao, Nga đã sửa chữa, hoán cải để trở thành tàu sân bay thực thụ. Khi được bàn giao cho hải quân Ấn Độ, nó được đổi tên thành INS Vikramaditya và đóng vai trò soái hạm.

Khách quan đánh giá, tàu sân bay lớp Kiev là dự án tham vọng của Liên Xô, nhằm tạo ra chiến hạm đủ sức đối đầu với tàu sân bay Mỹ và săn tìm tàu ngầm chiến lược của đối phương. Tuy nhiên, do thiết kế "nửa nạc nửa mỡ", không chuyên biệt cho một nhiệm vụ cụ thể, nên khả năng chiến đấu thực tế của lớp Kiev là rất hạn chế. Nguồn ảnh: Warhistory.

Tiến Minh

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/quan-su/ky-cuc-lop-tau-chien-nua-nac-nua-mo-cua-hai-quan-lien-xo-1629473.html