Kỳ công mai vàng khoe sắc

Đầu tháng 10 (âm lịch), nắng hanh hao, trời se lạnh, anh Bùi Phú Nam ở khu 5, xã Thanh Đình, thành phố Việt Trì đã tất bật hơn với các công việc chăm sóc vườn 'Đại lão mai vàng' để có vụ hoa Tết bội thu. Từng gốc mai quý lần lượt được chủ vườn sốc khô, trẩy lá, chăm bón cẩn thận chỉ để canh cho mai đơm hoa, trổ lộc đúng dịp Tết Nguyên đán, biểu tượng cho cái đẹp, sự hưng thịnh, viên mãn ngay đầu năm mới.

Anh Bùi Phú Nam (khu 5, xã Thanh Đình, thành phố Việt Trì) tỉ mẩn tuốt lá mai.

Từ UBND xã Thanh Đình, cách chừng năm phút chạy xe máy là đến vườn mai vàng Yên Tử của anh Bùi Phú Nam - địa chỉ quen thuộc với dân sành chơi mai mỗi dịp Tết đến, Xuân về. Anh Nam sở hữu khu vườn hơn 1.000m2 với khoảng 200 gốc mai có tuổi đời chục năm tuổi và 1.000 cây mai giống từ một đến ba năm tuổi. Tất cả các chậu cây đều được anh sắp xếp, phân khu khoa học để tiện theo dõi, chăm bón, chuẩn bị xuất bán ra thị trường vào dịp Tết Quý Mão 2023.

Là nghề “tay ngang”, anh Nam bén duyên với mai vàng Yên Tử từ khi là thành viên tham gia dự án “Di thực giống mai vàng Yên Tử về Phú Thọ” năm 2013, đến nay anh đã có gần 10 năm kinh nghiệm trong việc nghiên cứu, phát triển giống mai này tại vùng Đất Tổ. Anh chia sẻ: “Cái khó nhất khi trồng mai vàng Yên Tử là việc phải ứng phó với diễn biến thất thường của khí hậu miền Bắc. Chỉ cần nóng lạnh đột ngột là sẽ rất nguy… Vậy nên khi bắt tay vào phát triển loài mai này, người trồng phải am hiểu đặc tính, thời kỳ sinh trưởng của cây, đầu tư cơ sở trang thiết bị hỗ trợ, sát sao trong quy trình chăm sóc, nuôi dưỡng từ khi vào giống cho đến khi cây đơm hoa, trổ lộc”.Theo quy luật của tự nhiên, mai vàng Yên Tử sẽ rụng lá vào cuối Đông, đầu Xuân, sau đó, các mầm hoa sẽ bung lớp vỏ trấu, trồi lộc biếc. Mai vàng Yên Tử nở rộ vào khoảng giữa tháng hai và đầu tháng ba (âm lịch). Tuy nhiên nếu muốn hoa nở theo ý muốn, người trồng ngoài kỹ thuật tốt còn phải có óc phán đoán nhanh nhạy, biết chọn thời điểm để tuốt lá đúng kỳ sinh trưởng. Kinh nghiệm của những bậc “lão làng” trong nghề trồng mai từng bật mí rằng có hai điểm quan trọng cần đặc biệt lưu ý trong công đoạn trảy lá mai: Một là thời tiết nóng mai ra hoa sớm nên cần tuốt lá muộn hoặc ngược lại; Hai là cây mai sinh trưởng, phát triển mạnh, lá cây tươi tốt sẽ ra hoa muộn, cần hái lá sớm. Chỉ cần nắm được những đặc điểm quan trọng này, vụ hoa Tết xem như đã thành công một nửa.

Hạt giống từ cây mai vàng Yên Tử mang lại giá trị kinh tế cao cho gia đình anh Nam sau mỗi vụ hoa Tết.

Những ngày mới vào nghề, vốn ít, quy mô nhỏ nên anh Nam gặp không ít khó khăn. Anh tâm sự: Có năm thời tiết “đỏng đảnh” trời đang oi ả bỗng dưng lạnh đột ngột kéo dài, hoa nở muộn, trắng tay mùa Tết; lắm khi gặp trận mưa lớn, sáng ra vườn cây giống ngập úng, tan hoang… Bởi vậy người trong nghề vẫn thường nói “Trồng mai là một cuộc chơi, một thứ nghệ thuật, phải đam mê, kiên trì và chịu khó mới thành”.

Trải qua nhiều thăng trầm trong nghề, vườn mai vàng Phú Nam giờ đã nức tiếng gần xa. Mỗi thương phẩm mai vàng Yên Tử của anh Nam khi xuất bán ra thị trường đều được khách hàng, bạn chơi tín nhiệm, trân quý. Giá thành mai Yên Tử dao động từ một đến ba triệu đồng/cây lâu năm; từ 50 đến 200 nghìn đồng/cây giống và khoảng 200 nghìn đồng/100g hạt giống. Để có được những thành quả như bây giờ, anh Nam đã đầu tư khá nhiều công sức, trí tuệ, đặc biệt vào mỗi vụ hoa Tết trừ những công đoạn trẩy lá, phủ nilon tránh sương lạnh, thắp đèn ủ ấm cho cây phải cần đến nhân công địa phương, còn lại từ việc tỉa cành nhánh, đến ghép, chiết tạo các “thế” mai, “chi” mai cho từng chậu cây đều một tay anh Nam tự làm. Với anh, một cây mai đẹp phải có cành, nhánh phân chia thứ lớp, uyển chuyển, khỏe khoắn, bông nở đều, nụ bụ bẫm, lá non vừa nhú và phải thể hiện được ý nghĩa “nhụy âm dương, cành tứ quý”. “Nhụy âm dương” là biểu hiện đạo vợ chồng chung thủy, sắt son, đồng lòng bên nhau đến đầu bạc, răng long. “Cành tứ quý” là thể hiện bốn mùa trong năm, đại diện cho quỹ đạo một năm đầy tài lộc, may mắn, thịnh vượng... Thế nên trong quá trình chăm sóc mai, anh Nam luôn cố gắng tỉa tót, phô bày những thế, dáng mai đẹp nhất, không để cho đọt mai bị gãy hay sâu bọ tấn công, bởi người chơi mai quan niệm gãy đọt gắn liền với điềm không hay.

Những chậu mai vàng Yên Tử vươn mình trong nắng sớm.

Trồng mai tuy vất vả nhưng cho thu nhập gấp ba, bốn lần các loại cây màu khác. Ở Phú Thọ, những người theo nghiệp trồng mai không nhiều. Bởi lẽ ngoài việc phải “thuộc lòng” kỹ thuât, quy trình chăm sóc, người theo nghiệp chăm mai cũng cần hội tụ đủ tài, đủ nghệ, có đôi tay khéo léo, con mắt nghệ thuật, tận tường phong thủy, ý nghĩa sâu sắc ẩn chứa trong loài hoa này. Cây mai là tinh anh của đất trời và là biểu tượng cho cốt cách của người Việt Nam. Mai vàng rực sắc Xuân biểu trưng cho sự hưng vượng, khởi phát viên mãn trong năm mới.

Mai vàng Yên Tử - loài hoa mai được mệnh danh là “Đại lão mai vàng” bởi sức sống bền bỉ, kiên cường khi có thể sinh trưởng và phát triển trong điều kiện khắc nghiệt, giá lạnh trên dãy núi thiêng Yên Tử. Loài hoa này thường nở rộ vào dịp trong và sau Tết Nguyên đán. Mai vàng Yên Tử có vẻ đẹp riêng, lộc xanh biếc, bông hoa lớn nở thành từng chùm, sắc vàng đậm, năm cánh xòe rộng. Đặc biệt, khi tiết trời càng lạnh giá, hoa càng tỏa hương thanh khiết.

Mai Bích

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//kinh-te/ky-cong-mai-vang-khoe-sac/189828.htm