Kỳ 5 - Vụ sạt bờ kè tiền tỷ ở tỉnh Vĩnh Phúc: Doanh nghiệp không hợp tác, nợ thuế nhiều tỷ đồng

Thực trạng trên đang diễn ra sau khi cơ quan chức năng tỉnh Vĩnh Phúc “đặt bút” ký cấp phép cho 6 doanh nghiệp khai thác khoáng sản trên sông Lô.

Clip: Bờ kè tiền tỷ bị sạt lở nghiêm trọng

“Chạy theo” doanh nghiệp

Khi được cấp giấy phép khai thác khoáng sản (cát, sỏi) trên địa bàn xã Đôn Nhân, (huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc) các doanh nghiệp “mặc sức” cắm gàu cuốc xuống dòng sông nâng lên tàu những hạt cát vàng óng ánh.

Chỉ một thời gian ngắn sau đó, số phận của những bãi bồi ven sông là ruộng canh tác của người dân, những bờ kè tiền tỷ được trích từ tiền ngân sách Nhà nước nhanh chóng bị kéo tụt xuống sông.

Nhiều doanh nghiệp khai thác trên sông Lô, không hợp tác với các cơ quan hức năng và chính quyền địa phương (ảnh ĐT).

Phát hiện ruộng bị sạt lở, kè bị sạt lở người dân ngơ ngác tìm đến các cơ quan chức năng để tìm lời giải mong muốn vớt vát chút tài sản và đề nghị bồi thường thiệt hại. Thế nhưng, khi đem những thắc mắc ấy tới UBND xã Đôn Nhân, UBND huyện Sông Lô, Sở NN&PTNT, Sở Tài Nguyên và Môi Trường tỉnh Vĩnh Phúc thì câu trả lời họ nhận được chỉ gói gọn trong một chữ “chờ”.

Trao đổi với phóng viên, ông Lê Tiến Anh – Chủ tịch UBND huyện Sông Lô thừa nhận, việc khai thác cát sỏi trên địa bàn huyện Sông Lô đang rất “nóng”.

Tuy nhiên, ông Anh cũng khẳng định: “Từ khi làm Chủ tịch UBND huyện Sông Lô đến nay, tôi chưa “biết mặt” một ông giám đốc công ty nào đang khai thác cát sỏi trên địa bàn. Thậm chí có việc cần phối hợp giải quyết, chúng tôi gửi giấy mời, gọi điện năm lần, bảy lượt họ cũng không đến, mà chỉ cử một người đại diện đến".

Đồng quan điểm nêu trên, ông Hoàng Đức Dũng – Trưởng phòng TNMT huyện Sông Lô cũng cho rằng: Một số doanh nghiệp đã có thái độ bất hợp tác với địa phương trong việc giải quyết các nghĩa vụ về thuế, phí môi trường, phí tài nguyên, hay cả việc giải quyết việc gây sạt lở đất nông nghiệp của người dân ven sông. Trong đó, chây ỳ nhất là Công ty CP Đầu tư xây dựng Bắc Ái, Công ty CP Khoáng sản Đông Dương AVA.

Nghịch lý về việc cơ quan chức năng "chạy theo" doanh nghiệp để yêu cầu hợp tác (ảnh ĐT)

Trong 2 năm 2014 và 2015, chúng tôi đã 2 lần có văn bản đề xuất UBND tỉnh thu hồi giấy phép khai thác khoáng sản đối với Công ty CP Đầu tư xây dựng Bắc Ái, bởi đơn vị này khi khai thác đã gây sạt lở nhiều diện tích đất nông nghiệp và chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế, phí môi trường, phí tài nguyên… với Nhà nước. Nhưng tỉnh vẫn không thu hồi và vừa qua, công ty lại tiếp tục đề nghị UBND tỉnh cho phép khai thác trên toàn tuyến. Chúng tôi không đồng ý và yêu cầu thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế với Nhà nước, đền bù cho người dân sau đó mới xem xét đề xuất” – ông Dũng cho hay.

Còn theo ông Nguyễn Văn Khước – Giám đốc Sở TNMT Vĩnh Phúc: “Khi phát hiện các sai phạm của các công ty, chúng tôi đã yêu cầu tạm dừng khai thác như Công ty CP Đầu tư xây dựng Bắc Ái, Công ty CP Khai thác và chế biến lâm khoáng sản Hoàng Phát… để khắc phục các hậu quả”. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có một đơn vị nào chịu đền bù.

Cấp giấy phép khai thác khoáng sản xong, các cơ quan chức năng lại “chạy theo” doanh nghiệp để yêu cầu hợp tác, khắc phục hậu quả. Câu chuyện tưởng đùa nhưng hóa thật ấy lại đang diễn ra tại tỉnh Vĩnh Phúc mà chưa thể tìm ra lời giải sau những tiếng kêu “ai oán” bên bờ sông Lô.

Đang nợ thuế 2,7 tỷ đồng

Liên quan đến thông tin các công ty đang nợ thuế Nhà nước trong đó có doanh nghiệp khai thác cát sỏi trên sông Lô, trao đổi với phóng viên, ông Hoàng Văn Nội – Cục trưởng Cục Thuế Vĩnh Phúc thừa nhận: “Hiện một số doanh nghiệp khai thác cát sỏi trên sông Lô vẫn đang nợ thuế Nhà nước. Riêng Công ty CP Đầu tư xây dựng Bắc Ái đang nợ 2,7 tỷ đồng tiền thuế và các khoản phí môi trường, khoáng sản, phí chậm nộp…” – ông Nội cho biết.

Công ty CP Đầu tư xây dựng Bắc Ái đang nợ 2,7 tỷ đồng tiền thuế (Ảnh ĐT).

Trước đó, ngày 22/9/2016, Chi cục Thuế huyện Sông Lô cũng đã phải gửi Công văn số 337 về việc “Chống thất thoát thuế đối với Công ty CP Khai thác và chế biến lâm khoáng sản Hoàng Phát” tới Chi cục Thuế quận Cầu Giấy (Hà Nội), nơi đơn vị này đăng ký thuế. Theo công văn này, Công ty Hoàng Phát phải có nghĩa vụ kê khai và nộp thuế GTGT vãng lai, thuế tài nguyên và phí bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên, kể từ khi được cấp phép khai thác tới nay, công ty không thực hiện kê khai các nghĩa vụ thuế đối với Chi cục Thuế huyện Sông Lô. Chi cục Thuế Sông Lô đã nhiều lần gửi công văn mời công ty đến làm việc nhưng đơn vị không chấp hành…”.

Cũng tại, Công văn số 5446 ngày 12/8/2016 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc, về việc kiểm tra, xử lý việc thực hiện nghĩa vụ tài chính của Công ty CP Đầu tư Xây dựng Bắc Ái trong khai thác khoáng sản.

Ông Vũ Chí Giang – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã chỉ đạo rõ: “Giao Sở TNMT chủ trì phối hợp với Sở Xây dựng, Công an tỉnh, Cục Thuế tỉnh, UBND huyện Sông Lô, UBND xã Phương Khoan, Đôn Nhân và Đức Bác, các cơ quan liên quan tổ chức kiểm tra, kiên quyết xử lý nghiêm theo quy định, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 25/8/2016”.

Tuy nhiên, đến nay đơn vị này vẫn chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước, song vẫn tiếp tục đề nghị được khai thác tiếp.

Pháp Luật Plus sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.

Đào Tấn

Nguồn Pháp Luật Plus: http://www.phapluatplus.vn/ky-5--vu-sat-bo-ke-tien-ty-o-tinh-vinh-phuc-doanh-nghiep-khong-hop-tac-no-thue-nhieu-ty-dong-d41085.html