Kỳ 3: Câu lạc bộ Poker - Những biểu hiện của 'đánh bạc' và 'gá bạc'

Theo các chuyên gia pháp lý, dựa vào biểu hiện hoạt động thực tế, các CLB Poker tại VN dường như đang có dấu hiệu của hành vi tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc.

“Đánh bạc trá hình”

Đó là khẳng định chắc nịch không phải của một mà nhiều luật sư khác nhau khi được tiếp cận thông tin về hoạt động của các CLB Poker tại Hà Nội gồm Win Bridge & Poker (67 Phó Đức Chính) và Capital Poker (136 Hàng Trống).

Cả 3 đều nêu quan điểm cho rằng, dưới góc độ luật pháp Việt Nam, đánh bạc là một tệ nạn xã hội và bị nghiêm cấm; bởi sau nó có thể là một chuỗi tệ nạn khác phát sinh như trộm cắp, cướp, cướp giật tài sản hoặc giết người… ảnh hưởng lớn đến an ninh, trật tự xã hội.

Người đầu tiên là luật sư Vi Văn Diện - Giám đốc công ty Luật Thiên Minh (Hà Nội) đã viện dẫn các quy định của pháp luật và các khái niệm liên quan, cho biết: “Đánh bạc” được hiểu là hành vi được thua bằng tiền hay một vật có giá trị dựa vào kết quả chưa rõ ràng của một sự kiện với một mục đích có thêm tiền bạc hoặc giá trị vật chất. Do vậy, đánh bạc dựa trên 3 yếu tố: sự tính toán, cơ hội và giải thưởng. Trong khi đó, hành vi khách quan của “Gá bạc” là dùng địa điểm đang do mình quản lý sử dụng để cho người khác đánh bạc thu tiền.

Các “vận động viên” đang “thi đấu” tại CLB Win Bridger & Poker. Ảnh: CLB

Vị luật sư phân tích: “Rõ ràng người chơi Poker phải đóng tiền từ 1 đến 5 triệu đồng - giá trị khá lớn so với đời sống trung bình của người Việt Nam thì mới được tham gia. Và kết quả là gì? Anh ta được cơ hội chiến thắng bằng tiền mặt, vốn chính là tiền góp lại từ những người chơi khác. Còn các CLB Poker thì cho người chơi mượn địa điểm, mượn cơ sở vật chất và qua đó thu phí bằng 20% tổng số tiền người chơi đóng vào. Đấy chính là biểu hiện của gá bạc”.

Tuy nhiên, vị luật sư đoàn Hà Nội lưu ý, dưới góc độ pháp luật thì vậy nhưng dưới nhìn dưới góc độ thương mại hay du lịch thì khác bởi tùy theo loại hình đánh bạc mà Nhà nước tổ chức và cấp phép cho hoạt động tổ chức kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng như các máy giật xèng dành cho khách xuất cảnh, quá cảnh tại khu vực cách ly ga đi sân bay quốc tế.

Các hình thức vui chơi có thưởng hợp pháp gồm xổ số, trò chơi điện tử có thưởng, sòng bài và đặt cược. “Những trường hợp sòng bài, cá cược không được cấp phép, thì là vi phạm pháp luật” - vị luật sư cho biết thêm.

Tương tự, các luật sư am tường về luật hình sự khác là Vũ Thế Hợp - Giám đốc Công ty luật Gia Long và Quách Thành Lực - Giám đốc Công ty luật Hà Nội Tinh hoa trên cơ sở các thông tin tiếp cận được cũng đều chung quan điểm cho rằng hoạt động tại các CLB Poker có biểu hiện của “đánh bạc” và “gá bạc”.

“Bản chất của đánh bạc là tiền từ túi người này chảy sang túi người khác nhưng không phát sinh ra giá trị vật chất. Người chơi Poker đánh với nhau cũng tựu chung lại là góp tiền cho mấy người đạt giải và bất biết ai thắng thua, nhà cái vẫn lợi nhất vì họ luôn có khoản phí cố định 20%”, Luật sư Hợp chia sẻ.

Bên cạnh đó, vị chuyên gia pháp lý cũng cho rằng, do mỗi “giải đấu” Poker thường đông người tham nên tỉ lệ “chọi” cũng rất cao. Nếu chỉ quan sát bề ngoài, khó có thể cảm nhận hết được sự khốc liệt của ván bài cũng như diễn biến thật trong tâm lý người chơi... “Đông người chơi, dẫn đến giải thưởng lớn và tỉ lệ “chọi” cao. Chỉ sảy một li là loại luôn, nhìn người khác ôm trọn đống tiền thưởng. Nói không cay cú thì ai tin?” - luật sư Hợp đặt câu hỏi.

Cũng nêu quan điểm về thú chơi còn rất mới mẻ này, dựa trên những thông tin tiếp cận được từ Báo Lao Động, ông Nguyễn Văn Pha - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội khẳng định, đó là hành vi đánh bạc trá hình.

Ông nhấn mạnh: “Nếu cho đây là sinh hoạt câu lạc bộ thể thao thì theo tôi là không phải, đấy là một dạng núp bóng, trá hình để đánh bạc. Tôi từng tham gia đoàn thực địa sòng bài ở nước ngoài thì hình thức chơi có nhiều điểm tương đồng với các CLB này. Với hiện tượng này, các cơ quan quản lý mà trước hết là cơ quan công an cần sớm vào cuộc làm rõ”.

LS Vi Văn Diện phân tích các khía cạnh pháp lý về trò Poker.

Tiếp nhận và chấn chỉnh

Chiều 9.5, trong công văn phản hồi số 32/2017/VBPA-CV, Hiệp hội Thể thao Bridge & Poker Việt Nam gửi lời cám ơn Báo Lao Động đồng thời đưa lời lý giải cho một số câu hỏi đã được báo nêu trước đó, đặc biệt là vấn đề thu phí thi đấu và tỉ lệ trích lại phần trăm của các CLB.

Công văn có đoạn: “Theo điều 5, thông tư 18/2011 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, thì CLB thể thao cơ sở hoạt động tự nguyện, tự quản. Kinh phí hoạt động do hội viên đóng góp, việc chi cho các hoạt động như giải thưởng (nếu tổ chức thi đấu) và các chi phí khác phải đươc công khai, minh bạch…

Việc các CLB tổ chức thi đấu cho người chơi tự nguyện đóng phí và truất % để chi phí cho mặt bằng, điều hành, trọng tài, giám sát và dụng cụ thi đấu là do các bên CLB và người chơi thỏa thuận, giải thưởng công khai, đóng thuế doanh nghiệp và thu nhập cá nhân theo Luật pháp là việc họ phải thực hiện…”

Bên cạnh đó, Hiệp hội này cũng khẳng định, vì đã có nhiều luồng ý kiến nghi ngại đây là môn đánh bạc, nên Hiệp hội luôn tuân thủ các quy định, điều lệ đã được cơ quan nhà nước phê duyệt. Trong quá trình xây dựng và phát triển, Hiệp hội cũng đã xin các cơ quan nhà nước có thẩm quyền tổ chức giải thể nghiệm trong năm qua và cũng đã rút ra được nhiều kinh nghiệm về phương thức tổ chức, quy trình thi đấu…

Chiều cùng ngày, trả lời PV Báo Lao Động qua điện thoại, ông Đặng Danh Tuấn - Phó Vụ trưởng Vụ TDTT Quần chúng - cho biết, do đây là môn thể thao mới, nên vẫn đang trong quá trình xây dựng Thông tư để quy định về tập luyện và thi đấu. Liên quan đến phản án của Báo Lao Động, ông Tuấn cho biết Tổng cục TDTT đã có ngay văn bản gửi đi các cơ sở để chấn chỉnh, giám sát các CLB. Cấm mọi hình thức đánh bạc. Theo báo cáo từ phía Hiệp hội, thì các CLB Poker đã được yêu cầu tạm dừng hoạt động để kiểm tra.

“Chúng tôi đang tập hợp các ý kiến từ cở sở và các ban ngành liên quan để chấn chỉnh lại cho đúng tinh thần thể thao. Quan điểm là phải rà soát lại. Trong phương án chưa phù hợp thì bắt buộc phải chấn chỉnh lại cho phù hợp. Tuyệt đối cấm cấm mọi hình thức đánh bạc... Thực ra mình phải xem họ đánh như nào, chơi như nào… Có thể người ta đang hiểu lầm về cách tổ chức. Chúng tôi vẫn tập hợp tất cả các ý kiến từ cơ sở…” - ông Tuấn cho biết thêm.

Gây nghiện như ma túy

Theo bác sĩ Nguyễn Mạnh Hùng - Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Mai Hương (Hà Nội) khẳng định, cờ bạc có thể gây nghiện. Ông nêu quan điểm cho rằng, Poker - vì gốc bản chất vẫn là trò bài bạc, nên cảm giác mang lại không khác chơi cờ bạc thông thường. Về chứng nghiện cờ bạc, BS Hùng phân tích: “Người nghiện cờ bạc ban đầu nghĩ rằng nó chỉ là một thói quen, dần dần sẽ thành một cung phản xạ, một nhịp sinh học, khiến cho khi không chơi sẽ tạo cảm giác thèm nhớ mãnh liệt giống như lệ thuộc vào một chất kích thích. Tồi tệ hơn, các nghiên cứu khoa học còn cho thấy, biểu hiện nghiện cờ bạc có nhiều điểm tương đồng với nghiện ma túy xét trên khía cạnh nguồn gốc trên não, sinh lý học và hướng điều trị”. Đặc biệt, người nghiện cờ bạc giống người nghiện ma túy ở chỗ phải tăng liều lượng theo thời gian…

Theo Lao động

Nguồn Khỏe 365: http://khoe365.net.vn/ky-3-cau-lac-bo-poker-nhung-bieu-hien-cua-danh-bac-va-ga-bac-p41395.html