Kỳ 3: Bên trong 'vùng cấm'

PTĐT - Bệnh viện dã chiến - cụm từ nghe thấy trong thời chiến thì nay xuất hiện trong thời bình. Được đặt tại Trung đoàn 753- Bộ CHQS tỉnh (xã Trưng Vương, thành phố Việt Trì), Bệnh viện dã chiến là nơi duy nhất trên địa bàn tỉnh Phú Thọ tiếp nhận và chữa trị cho bệnh nhân mắc COVID-19.

>>> Kỳ 1: "Thần tốc, thần tốc hơn nữa">>> Kỳ 2: Những "đường băng lửa"

Ngay lập tức, tỉnh Phú Thọ kích hoạt chuyển trạng thái chống dịch lên mức cảnh giác cao nhất. Bệnh viện dã chiến được thiết lập trong vòng 6 tiếng. Tuy “dã chiến” về cơ sở hạ tầng nhưng “chuyên nghiệp” về chuyên môn, nghiệp vụ bởi 100% đội ngũ y bác sĩ ở đây được lựa chọn, biệt phái từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Tiến sĩ, Thầy thuốc ưu tú Hoàng Công Lâm - Giám đốc Bệnh viện dã chiến nhắc nhở đội ngũ nhân viên y tế khi nhận nhiệm vụ tại Bệnh viện dã chiến: “Chúng ta - những chiến sĩ tuyến đầu chống dịch càng cần phải đảm bảo an toàn bởi lỡ sai sót, lây nhiễm chéo thì ai điều trị cho bệnh nhân”.

Là một trong 38 y, bác sĩ tình nguyện vào tâm dịch Quảng Nam để chia lửa cho các đồng nghiệp năm 2020, Bác sĩ Bùi Xuân Khánh là một đảng viên trẻ đã tình nguyện tăng cường cho Bệnh viện dã chiến ngay từ những ngày đầu.

Anh Khánh chia sẻ: Cuộc chiến này chúng tôi không cô đơn vì có sự động viên, khích lệ của gia đình, đồng nghiệp. Chúng tôi tự hào vì đang được góp sức vào công tác phòng chống đẩy lùi dịch COVID-19.

Điều dưỡng Phùng Công Đạt cho biết: Bước vào cuộc chiến với COVID-19, tinh thần của tôi cũng khá căng thẳng vì nghĩ đến vợ và con nhỏ chỉ mới chỉ 18 tháng tuổi. Cũng là lần đầu tiên tiếp xúc và điều trị cho bệnh nhân COVID-19.

Tuy nhiên sau khi có sự cân bằng về tâm lý cũng như được anh Khánh - người có kinh nghiệm hướng dẫn, bản thân tôi cũng yên tâm hơn rất nhiều. Anh Đạt cũng cho biết môi trường điều trị bệnh nhân COVID-19 không được bật điều hòa, thời tiết lại nóng bức khiến nhiều y bác sĩ nhanh mất sức.

Sau những phút giây căng thẳng của công việc, các bác sĩ, điều dưỡng ở đây lại tranh thủ gọi điện về hỏi thăm gia đình, hỏi thăm sức khỏe người thân và dành thời gian rèn luyện sức khỏe để nâng cao thể trạng nhằm phục vụ cho công tác điều trị đạt hiệu quả cao nhất.

Nguy hiểm là vậy, gian khó là vậy nhưng những chiến sĩ ở tuyến đầu của trận chiến chống đại dịch vẫn luôn nêu cao ý chí, bản lĩnh vững vàng với niềm tin Phú Thọ sẽ nhanh chóng đẩy lùi dịch bệnh!
Kỳ 4: Vững một niềm tin

Nhóm PV Điện tử

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/phong-su-ghi-chep/202105/ky-3-ben-trong-vung-cam-177161