Kỳ 2 - 13 năm người dân 'ăn nhờ ở đậu', chính quyền có làm ngơ?

Nhiều hộ dân phản ánh; Dự án chậm tiến độ, bồi thường không thỏa đáng, mong muốn của người dân chưa được cấp chính quyền quan tâm đúng mực...”.

Rất đông người dân tập trung tại tổ 68 phường Tương Mai phản đối về dự án Thịnh Liệt.

Chính quyền thử thách sự kiên nhẫn của người dân?

Theo đơn phản ánh của hàng trăm hộ dân ở Tổ 68 phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Phóng viên Pháp luật Plus đã về tìm về theo địa chỉ trên, nhằm mục sở thị cuộc sống của người dân nơi đây.

Trước mắt chúng tôi là cảnh đường đi ngổn ngang phế liệu, bụi mù mịt mỗi khi có xe chạy qua. Đi sâu vào phía trong một chút, bên tay trái chúng tôi có khu đất bỏ hoang, rộng chừng vài nghìn mét vuông, cỏ mọc um tùm và được bao quanh là hàng rào tôn, bên cạnh khu đất rộng này có khoảng hơn 100 ngôi mộ.

Những ô đất như này bị bỏ hoang nhiều năm nay, đồng nghĩa với việc người dân không có chỗ ở và phải đi thuê nhà.

Tiếp xúc với phóng viên, bà Lê Thị Nam, (người dân tổ 68 phường Tương Mai, Hoàng Mai, Hà Nội) vừa bức xúc, vừa chỉ tay vào khu đất được bao hàng rào tôn và nói: "Các anh chị nhìn xem, đấy dự án tòa nhà CT5 đấy, cỏ mọc tới hàng mét. Thế nhưng, đã hơn 10 năm này ông chủ đầu tư LICOGI có thực hiện đâu.

Không những thế, phía chính quyền còn gây khó khăn cho người dân chúng tôi trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Cụ thể, Ban tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường và giải phóng mặt bằng yêu cầu chúng tôi phải cung cấp sổ đỏ (Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) thì mới được nhận tiền bồi thường.

Trong khi chính quyền không cấp giấy CNQSDĐ cho chúng tôi. Đây là việc chính quyền đánh đố người dân. Tôi xin đơn cử gia đình ông Nguyễn Mạnh Chí; ông mua đất từ 1984, có giấy tờ chứng thực, có giấy tờ nộp thuế hàng năm. Nhiều lần ông làm đơn lên quận xin cấp giấy CNQSDĐ, nhưng cơ quan chức năng không làm thủ tục cấp giấy CNQSDĐ cho ông Chí...”.

”Không chỉ có ông Chí và tôi, còn hàng trăm gia đình khác hiện chưa có hộ khẩu, dù sinh sống ở dây đã mấy chục năm. Tôi không hiểu nổi, cách trung tâm thủ đô Hà Nội có 3km đường chim bay, nhưng hàng trăm hộ dân sống không có hộ khẩu, không điện, không nước (đường nước và điện hiện nay do người dân tự làm). Trẻ em đi học phải học trái tuyến, vì không có hộ khẩu gây tốn kém khó khăn trăm bề. Đó là điều cực kỳ vô lý, khiến nhiều người dân phẫn nộ”- bà Nam nói.

Nhiều băng rôn được người dân tổ 68 phường Tương Mai treo khắp nơi, nhằm phản đối dự án Thịnh Liệt mà LICOGI là chủ đầu tư đang vi phạm luật định.

"Cha chung không ai khóc?"

Rời nhà bà Nam, phóng viên Pháp luật Plus đến gặp ông bà Trần Thị Nga 82 tuổi, người đang phải đi ăn nhờ ở đậu đã nhiều năm nay, ông, bà cho biết: "Có một số hộ dân đã nhận được tiền bồi thường, nhưng giá bồi thường là 252.000 đồng/mét vuông. Thử hỏi Ban bồi thường giải phóng mặt bằng bồi thường cho chúng tôi như vậy đã thỏa đáng hay chưa?

Mặt khác, một số hộ ở đây đã lâu, họ xây dựng nhà cửa kiên cố, toàn 4 - 5 tầng, thử hỏi với giá bồi thường như vậy có thấu tình đạt lý hay không?".

Một số ngôi nhà được xây dựng kiên cố trước khi dự án Thịnh Liệt triển khai, nhưng vẫn có nguy cơ bị "xóa sổ" vì nằm trong phạm vi dự án.

"Chính quyền thì ngó lơ, chủ đầu tư vô tư không thực hiện dự án, người dân chúng tôi sống ngập trong bụi bẩn ngày nắng, lầy lội trong ngày mưa. Đúng là cha chung không ai khóc", bà Nga nói.

Để hiểu rõ hơn những nội dung mà người dân phản ánh, ngày 17/5/2017 phóng viên Pháp luật Plus đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đức Hải - Phó chủ tịch UBND quận Hoàng Mai, được ông cho biết: "Chúng tôi sẽ bố trí một buổi làm việc có đại diện chủ đầu tư, đại diện phường Tương Mai và mời báo chí cùng tham dự. Có như vậy thông tin mới đầy đủ, chính xác".

"Về việc người dân tố cáo chủ đầu tư chi trả tiền bồi thường (để giải phóng mặt bằng) giá thấp và bán lại đất cho người dân với giá cao. Nếu đúng sự thật và có căn cứ kèm theo, tôi đề nghị người dân chuyển hồ sơ đó tới cơ quan Công an, để điều tra làm rõ" - Ông Hải cho biết.

Nói về cuộc sống của người dân bị đảo lộn từ khi dự án Thịnh Liệt triển khai, như đường điện, nước... bị cắt, không có dùng trong nhiều năm nay.

Ông Giang Chí Trung - Trưởng ban GPMB quận Hoàng Mai cho biết: "Việc đường điện, đường nước bị cắt tôi nghĩ không có đâu, trừ khi họ 'nhảy dù' và làm trên đất nông nghiệp, như vậy là xây dựng trái phép, đương nhiên những hộ như vậy (nếu có) sẽ không được cấp điện, cấp nước".

"Trong số những người dân phản ánh, có hộ cũng rất tốt, chấp hành pháp luật, nhưng cũng có hộ cố tình không chấp hành. Nói về luật thì họ hiểu và nắm rõ đấy, ngoài ra chúng tôi cũng đã giải thích, vận động nhưng họ không nghe.

Việc triển khai dự án là công việc chung, chứ không riêng gì chúng tôi, việc GPMB cũng vậy, có nhiều ban ngành cùng làm", ông Trung cho biết.

Clip người dân phản ánh về sự việc.

Câu hỏi được đặt ra là những vướng mắc của người dân đến khi nào mới được tháo gỡ? Dự án đã “đắp chiếu” 13 năm không được gia hạn nhưng vì sao không bị thu hồi? Cũng như việc thông báo gửi người dân mới đây của chính quyền đề nghị giao đất cho chủ đầu tư nhưng chủ đầu tư là một pháp nhân mới không phải là pháp nhân được thành phố giao đất trước đây?

Pháp luật Plus tiếp tục thông tin bạn đọc.

Huy Trung - Lương Liễu

Nguồn Pháp Luật Plus: http://www.phapluatplus.vn/ky-2--13-nam-nguoi-dan-an-nho-o-dau-chinh-quyen-co-lam-ngo-d43432.html