Kỳ 1: Tham gia 'Mạng lưới Thành phố sáng tạo' giúp Hà Nội có điều kiện quảng bá hình ảnh, tăng cường giao thương

Năm 2019, Hà Nội là địa phương đầu tiên của Việt Nam được UNESCO công nhận là thành viên của 'Mạng lưới thành phố sáng tạo' với lĩnh vực đăng ký tham gia là 'Thiết kế sáng tạo'. Đây chính là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt, tạo điều kiện thuận lợi để Hà Nội quảng bá hình ảnh, cũng như gia tăng cơ hội hợp tác trên mọi lĩnh vực sáng tạo, phát huy sức mạnh tổng hợp của các nguồn lực kinh tế, chính trị, trong đó trọng tâm là nguồn lực văn hóa và giáo dục vì mục tiêu phát triển Thủ đô bền vững.

15 năm mở rộng địa giới hành chính: Hà Nội phấn đấu trở thành TP sáng tạo tiêu biểu của khu vực Đông Nam Á, điểm đến của tri thức và sáng tạo trên thế giới:

Trình diễn văn hóa truyền thống tại phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm. Ảnh: Khánh Huy

Hà Nội từng bước triển khai các giải pháp, đổi mới, dẫn đầu cả nước về số lượng không gian sáng tạo

Hà Nội tham gia Mạng lưới Thành phố sáng tạo (TPST) cũng là cơ hội, điều kiện thuận lợi để Thủ đô triển khai đẩy mạnh khởi nghiệp sáng tạo, phát triển công nghiệp văn hóa, định vị thương hiệu, quảng bá hình ảnh và hướng tới trở thành một TPST tiêu biểu của khu vực Đông Nam Á, điểm đến của tri thức và sáng tạo trên thế giới.

TS Nguyễn Văn Hoạt - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội cho biết, tham gia "Mạng lưới các TPST" của UNESCO, Hà Nội từng bước triển khai các giải pháp, đổi mới. Thành ủy Hà Nội, xem xét, thông qua Nghị quyết về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021- 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, trong đó đề ra 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, 42 nhiệm vụ, giải pháp cụ thể.

Mặc dù tác động của đại dịch COVID-19 làm ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội, Hà Nội vẫn tích cực thực hiện cam kết qua nhiều hoạt động phong phú nhằm gắn kết cộng đồng, từng bước xây dựng hình ảnh Hà Nội - TPST. Để phát huy, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh trong lĩnh vực thiết kế sáng tạo, Hà Nội đẩy mạnh triển khai xây dựng nhiều công trình, dự án đổi mới, sáng tạo, góp phần hình thành kết cấu hạ tầng hiện đại, phát triển các không gian sáng tạo.

Hà Nội đang dẫn đầu cả nước về số lượng không gian sáng tạo, tiêu biểu như không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm, phố đi bộ Trịnh Công Sơn; không gian bích họa Phùng Hưng, hợp tác xã Vụn Art (tranh ghép vải), dự án Tinh hoa làng nghề Việt Nam, không gian kiến trúc văn hóa Bảo tàng Hà Nội...

Trong thời gian qua, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, hàng loạt các tổ chức, cá nhân đã thực hiện số hóa dữ liệu, chương trình, các hoạt động văn hóa thông qua internet thu hút được nhiều sự quan tâm, tương tác của công chúng. Hà Nội đang tích cực khai thác, chuyển hóa các nguồn lực văn hóa thành sức mạnh, động lực phát triển Thủ đô.

Lấy nguồn lực văn hóa và sáng tạo văn hóa làm nền tảng cho quá trình phát triển đô thị

Về tiềm năng sáng tạo từ nguồn lực văn hóa, con người Thủ đô - cơ hội phát triển thương hiệu TPST, ThS. Lê Thị Trang (Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng, Hà Nội là nơi giao thoa giữa truyền thống và hiện đại, hội tụ đầy đủ những yếu tố để có thể tiên phong trở thành trung tâm sáng tạo của Việt Nam trên cơ sở lấy nguồn lực văn hóa và sáng tạo văn hóa làm nền tảng cho quá trình phát triển đô thị.

Văn hóa Hà Nội được tạo dựng, bồi đắp, giữ gìn, phát triển bởi một hệ thống di sản văn hóa đồ sộ, chắt lọc và hội tụ tinh hoa văn hóa vùng miền tạo nên những giá trị kết tinh trong chiều sâu tâm thức cộng đồng, trở thành bản sắc văn hóa Thủ đô.

Với 5.922 di tích lịch sử văn hóa, 1.793 di sản văn hóa phi vật thể, 169 bảo vật quốc gia, 1.350 làng nghề thủ công, Hà Nội trở thành nơi nuôi dưỡng, hội tụ và thúc đẩy cảm hứng sáng tạo lan tỏa trong xã hội. Đó là nguồn lực nội sinh, sức mạnh mềm quan trọng để Hà Nội kiến tạo và phát triển văn hóa, tiếp thêm sức sống, sức sáng tạo mới cho cộng đồng.

Với lợi thế về vốn văn hóa phong phú, đa dạng, Thủ đô Hà Nội đang từng bước phát triển mạnh mẽ các ngành công nghiệp văn hóa. Năm 2018, ngành công nghiệp văn hóa đóng góp khoảng 1,49 tỷ USD vào tổng sản phẩm trên địa bàn TP Hà Nội (chiếm tỷ trọng 3,7% GRDP của TP), trong đó giá trị gia tăng của ngành nghệ thuật, vui chơi và giải trí của Hà Nội đạt khoảng 196,5 triệu USD, chiếm tỷ trọng 0,49% GRDP của TP.

Bên cạnh Nghị quyết về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Hà Nội còn ra Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22/02/2022 của Thành ủy về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn tới năm 2045”, đặt ra mục tiêu tạo bước phát triển toàn diện ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô cả về quy mô, chất lượng sản phẩm, dịch vụ và thị trường, bảo đảm phát triển bền vững, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có tốc độ, tỷ trọng, giá trị gia tăng cao; hoạt động có tính chuyên nghiệp với kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại.

Cùng với đó là dịch vụ, sản phẩm văn hóa đa dạng, có chất lượng, có thương hiệu, đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ của người dân trong nước, thúc đẩy phát triển du lịch và xuất khẩu. Trong tổng số 10.020 doanh nghiệp hiện tại đang hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp thiết kế sáng tạo trên địa bàn TP Hà Nội, có tới 2.764 doanh nghiệp thiết kế, 270 doanh nghiệp nghệ thuật, 380 doanh nghiệp văn hóa và 1.436 doanh nghiệp thời trang.

Ngoài việc tạo ra công ăn việc làm cho một bộ phận không nhỏ người dân, ngành công nghiệp sáng tạo còn tạo ra những giá trị gia tăng cho các sản phẩm kinh tế và văn hóa, giúp văn hóa Thủ đô trở thành động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Đây thực sự là tiền đề mở ra nhiều triển vọng trong thu hút đầu tư khi Hà Nội tham gia Mạng lưới các TPST toàn cầu.

(Còn nữa)

An Nhiên

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/ky-1-tham-gia-mang-luoi-thanh-pho-sang-tao-giup-ha-noi-co-dieu-kien-thuan-loi-de-quang-ba-hinh-anh-gia-tang-co-hoi-hop-tac-tren-moi-linh-vuc-363040.html