Kỳ 1: Đồng USD ra đời từ quyết định có ý nghĩa lịch sử

Trong hơn 100 năm qua, để đưa đồng USD chiếm lĩnh vị thế thống trị hệ thống tài chính - kinh tế toàn cầu và trở thành nền tảng cơ bản của hệ thống kinh tế của chủ nghĩa tư bản thế giới trong kỷ nguyên toàn cầu hóa, các tập đoàn tài phiệt Mỹ không từ bất cứ thủ đoạn cạnh tranh nào, kể cả phát động 2 cuộc chiến tranh thế giới và nhiều cuộc chiến tranh khác. Tuy nhiên, thế giới không chấp nhận điều đó và Trung Quốc, Nga, Iran, Ấn Độ,... cùng nhiều nước khác đang đi đầu trong cuộc đấu tranh nhằm chấm dứt hành trình đẫm máu và tội ác này của đồng USD.

Trụ sở Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tại Thủ đô Washington (Mỹ)_Ảnh: THX

Nhiều chuyên gia phân tích và nghiên cứu kinh tế - chính trị thế giới nhận thấy có nhiều điểm tương đồng giữa tình hình thế giới hôm nay và vào thời điểm cách đây hơn 100 năm, trước khi bùng nổ Chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Theo kết quả nghiên cứu của chuyên gia kinh tế người Italia Giovanni Arrighi và người Pháp Fernand Braudel - tác giả của luận thuyết về quy luật phát triển theo chu kỳ tích lũy hệ thống tư bản (gọi tắt là chu kỳ) - nền kinh tế của chủ nghĩa tư bản thế giới đã từng phát triển theo 3 chu kỳ. Đó là chu kỳ Hà Lan thế kỷ XVIII trong điều kiện cuộc cách mạng công nghiệp 1.0, chu kỳ Anh thế kỷ XIX trong cuộc cách mạng công nghiệp 2.0 và chu kỳ Mỹ bắt đầu từ đầu thế kỷ XX. Đầu thế kỷ XX, thế giới chứng kiến sự chuyển dịch từ chu kỳ tư bản Anh sang chu kỳ Mỹ. Hiện nay, chu kỳ châu Á đang hình thành cùng với sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore... Xu hướng của chu kỳ châu Á đã được nhà đầu tư nổi tiếng Jim Rogers mô tả trong tuyên bố để đời của ông: “những người thông minh vào năm 1807 sẽ đến đầu tư và làm ăn ở Anh. Những người thông minh vào năm 1907 sẽ đến đầu tư và làm ăn ở Mỹ. Còn những người thông minh vào năm 2007, họ sẽ quyết định đầu tư vào châu Á”.

Trong thời điểm chuyển tiếp giữa chu kỳ Anh và chu kỳ Mỹ, thế giới chứng kiến một quyết định có ý nghĩa lịch sử. Đó là, ngày 23-12-1913, Quốc hội Mỹ thông qua Đạo luật Dự trữ để thành lập Cục Dự trữ Liên bang (FED). Tuy là một tổ chức tư nhân, FED không chỉ nắm quyền quản lý 12 ngân hàng tư nhân của Mỹ mà còn đóng vai trò là Ngân hàng Trung ương Mỹ. Thúc đẩy Chính phủ Mỹ thành lập FED, các tập đoàn tài phiệt Mỹ theo đuổi tham vọng xây dựng một kiểu “nhà nước toàn cầu” sử dụng một đồng tiền duy nhất là USD.

Chiến tranh thế giới thứ nhất mở đầu “cuộc thập tự chinh”của đồng USD

Chiến tranh thế giới thứ nhất là cơ hội có một không hai để các tập đoàn tài phiệt Mỹ hiện thực hóa tham vọng này. Trên thực tế, tập đoàn tài phiệt châu Âu Rothschild do tư bản Anh kiểm soát là kẻ chủ mưu gây ra Chiến tranh thế giới thứ nhất nhằm mục tiêu làm kiệt quệ tất cả các cường quốc hàng đầu là Đức, Nga, Áo - Hungary, Thổ Nhĩ Kỳ và các chính phủ theo chế độ quân chủ. Vụ ám sát đầy bí ẩn nhằm vào thái tử nước Áo Franz Ferdinand đã châm ngòi cho cuộc chiến này vào ngày 28-7-1914 và kéo dài đến ngày 11-11-1918. Chiến trường của cuộc chiến bao trùm khắp châu Âu và lan tỏa ra tới nhiều khu vực trên thế giới, khiến 19 triệu người thiệt mạng. Khi chiến tranh bùng nổ, Mỹ giữ vị thế trung lập và chỉ nhảy vào tham chiến từ ngày 6-4-1917 cùng với Pháp chống lại Đức. Phần lớn thời gian đứng ngoài cuộc chiến ở bên kia Đại Tây Dương, Mỹ trở thành nhà buôn vũ khí và các mặt hàng thiết yếu cho các nước tham chiến. Kết quả là, trước Chiến tranh thế giới thứ nhất, Mỹ nợ các nước châu Âu 6 tỷ USD, thì vào cuối cuộc chiến, các nước châu Âu nợ Mỹ 10 tỷ USD, tương đương 1.000 tỷ USD tính theo giá trị đồng tiền vào năm 1999. Còn nước Anh, trước khi xảy ra Chiến tranh thế giới lần thứ nhất đã từng là nhà xuất khẩu tư bản chủ yếu của thế giới, thì sau cuộc chiến lại trở thành con nợ lớn nhất của nước Mỹ.

Tình trạng nợ nần của Vương quốc Anh đã làm lung lay bản vị vàng của đồng bảng Anh, hay còn được gọi là “tiêu chuẩn vàng” - nền tảng của sức mạnh tài chính của đế chế Anh và tập đoàn tài phiệt Rothschild của châu Âu. Trước Chiến tranh thế giới thứ nhất, London là trung tâm thương mại của thế giới, kiểm soát phần lớn các giao dịch tiền tệ được thực hiện bằng đồng bảng Anh được bảo đảm bằng vàng. Cũng tại thời điểm đó, hầu hết các quốc gia phát triển đã áp dụng bản vị vàng cho đồng tiền của họ để bảo đảm sự ổn định trong giao dịch thương mại và trao đổi tiền tệ. Trong chiến tranh, nhiều quốc gia buộc phải từ bỏ tiêu chuẩn vàng để chuyển sang sử dụng tiền giấy trong giao dịch quân sự và dân sự. Ba năm sau chiến tranh, mặc dù kiên quyết bảo vệ bản vị vàng của đồng bảng Anh để duy trì vị thế tiền tệ hàng đầu thế giới, Vương quốc Anh lần đầu tiên trong lịch sử đã phải đi vay. Mỹ khi đó trở thành quốc gia cho vay được nhiều quốc gia lựa chọn và họ sẵn sàng sử dụng USD để mua trái phiếu Mỹ. Đến năm 1919, nước Anh buộc phải từ bỏ “tiêu chuẩn vàng” và vô hiệu hóa hàng loạt tài khoản ngân hàng của các nhà đầu tư chứng khoản quốc tế giao dịch bằng đồng bảng. Vào thời điểm đó, USD đã thay thế vị trí đồng bảng và trở thành đồng tiền dự trữ đứng đầu thế giới.

Chiến tranh thế giới thứ hai đưa USD lên vị thế bá chủ thế giới

Tuy nhiên, Chiến tranh thế giới thứ nhất vẫn chưa thể đưa USD trở thành đồng tiền sử dụng chung trên phạm vi toàn cầu. Vì thế, các tập đoàn tài phiệt Mỹ ráo riết chuẩn bị phát động Chiến tranh thế giới thứ hai. Để thực thi kế hoạch chiến lược này, Mỹ ủng hộ toàn diện cho Đức quốc xã thực thi kế hoạch “rửa nhục” do bị đại bại trong Chiến tranh thế giới thứ nhất để phát động Chiến tranh thế giới thứ hai. Cũng như trong Chiến tranh thế giới thứ nhất, Mỹ trở thành nhà cung cấp chủ yếu vũ khí trang bị, xăng dầu, vật tư và các hàng hóa thiết yếu khác cho cả hai bên tham chiến, gồm các quốc gia đồng minh cũng như phe trục gồm Đức, Italia và Nhật Bản. Do phần lớn các hoạt động giao dịch này đều được thực hiện bằng vàng nên vào cuối Chiến tranh thế giới thứ hai, Mỹ trở thành quốc gia sở hữu phần lớn số vàng dự trữ trên thế giới. Còn các quốc gia khác buộc phải từ bỏ bản vị vàng của đồng tiền quốc gia.

Ngày 15-8-1971, Tổng thống Mỹ Richard Nixon thông qua quyết định Mỹ chính thức bãi bỏ khả năng chuyển đổi USD thành vàng trên phạm vi toàn toàn cầu_Ảnh: AP

Trong bối cảnh đó, ngày 1-7-1944, một hội nghị quốc tế được tổ chức tại khách sạn Bretton Woods trong vùng núi New Hampshire, Mỹ để bàn về chủ đề trao đổi tiền tệ trên phạm vi toàn cầu nhằm mục đích khôi phục hệ thống kinh tế thế giới bị Chiến tranh thế giới lần thứ hai tàn phá. Tham dự sự kiện lịch sử này có 730 đại biểu đến từ 44 quốc gia trong liên minh chống phát xít. Hội nghị kéo dài 3 tuần và thông qua quyết định thành lập Ngân hàng quốc tế Tái thiết và Phát triển (tiền thân của Ngân hàng Thế giới), Quỹ Tiền tệ quốc tế và ký Hiệp định quốc tế về thuế quan và thương mại (tiền thân của Tổ chức Thương mại quốc tế). Đặc biệt, các nước tham dự hội nghị ký Hiệp định thành lập hệ thống tiền tệ quốc tế dựa trên cơ sở USD, gọi là Hệ thống Bretton Woods. Do tại thời điểm đó Mỹ chiếm hơn 50% tiềm năng sản xuất của toàn cầu và sở hữu gần như toàn bộ số lượng vàng dự trữ của thế giới nên các đại biểu tham dự hội nghị quyết định gắn đồng tiền của các quốc gia trên thế giới với đồng USD. Theo đó, 35 USD có giá trị tương đương 1 ounce vàng (31,1g vàng). Cũng theo Hiệp định Bretton Woods, ngân hàng trung ương của tất cả các nước trên thế giới, trừ Mỹ, phải có trách nhiệm vụ duy trì tỷ giá hối đoái cố định giữa đồng tiền của họ với USD bằng cách can thiệp vào các thị trường ngoại hối. Nếu giá trị đồng tiền của một quốc gia nào đó quá cao so với USD thì ngân hàng trung ương của nước đó phải bán tiền của mình để mua USD, đẩy giá trị của đồng tiền đó xuống. Kể từ Hội nghị này, USD, Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ quốc tế và Tổ chức Thương mại quốc tế là 4 trụ cột của hệ thống tài chính - kinh tế thế giới và “trật tự thế giới dựa trên luật lệ” do Mỹ kiểm soát. Như vậy, từ năm 1944, USD chính thức trở thành đồng tiền dự trữ quốc tế và được bảo đảm mệnh giá bằng vàng. Thay vì dự trữ vàng, các quốc gia khác bắt đầu tích lũy dự trữ bằng USD. Vì cần một nơi để dự trữ USD của mình, các quốc gia bắt đầu mua trái phiếu của kho bạc Mỹ là nơi họ coi là một kho chứa tiền an toàn. USD chính thức chiếm lĩnh ngôi vị bá chủ trong nền kinh tế thế giới.

Khủng hoảng tiêu chuẩn vàng của USD

Nắm giữ ưu thế in và phát hành USD cho cả thế giới, Mỹ phát huy ảnh hưởng trên toàn thế giới và tập hợp phương Tây trong cuộc Chiến tranh lạnh chống Liên Xô và hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa. Đặc biệt, Mỹ đã chi ngân sách khổng lồ cho cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Tới đầu những năm 70 của thế kỷ XX, Mỹ lâm vào cuộc khủng hoảng do lạm phát tăng đến mức kỷ lục 2 con số, khiến FED phải tăng lãi suất lên 20%, USD mất giá, nền kinh tế chìm đắm trong nợ nần đã không còn tương xứng với vị thế của quốc gia dẫn đầu kinh tế thế giới. Anh, Pháp và Đức cùng với nhiều nước khác yêu cầu chuyển đổi khối lượng tiền dự trữ của họ bằng USD thành vàng và chuyển về nước. Để ngăn chặn nguy cơ sẽ có hàng loạt quốc gia yêu cầu được chuyển đổi USD dự trữ quốc gia thành vàng, ngày15-8-1971,

Tổng thống Mỹ Richard Nixon thông qua một quyết định gây chấn động toàn bộ nền kinh tế thế giới: kể từ thời điểm này, Mỹ chính thức bãi bỏ khả năng chuyển đổi USD thành vàng trên phạm vi toàn toàn cầu. Với quyết định này, Mỹ chính thức chấm dứt hiệu lực Hệ thống Bretton Woods.

Theo Chuyên trang Hồ sơ sự kiện - Tạp chí Cộng sản

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/ky-1-dong-usd-ra-doi-tu-quyet-dinh-co-y-nghia-lich-su-692497.html