Kon Tum: Phát triển sinh kế phòng chống xâm phạm đa dạng sinh học

Là địa phương có diện tích rừng lớn với sinh cảnh đa dạng, Kon Tum đã có nhiều giải pháp nỗ lực ngăn chặn tình trạng khai thác lâm sản trái phép.

Rừng Kon Plong (Kon Tum) với khu du lịch Măng Đen được mệnh danh là Đà Lạt thứ hai. Nơi đây cũng là địa bàn cư trú của nhiều động vật quý hiếm như Chà vá chân xám, vượn má vàng Trung Bộ, cầy vằn, gấu ngựa, cu li nhỏ, rái cá cùng nhiều loài động vật quý hiếm khác.

Tuy nhiên, sinh cảnh tại rừng Kon Plong ngày càng suy giảm, phân mảnh. Đây cũng trở thành một nơi xảy ra nạn săn bắt động vật hoang dã nóng của tỉnh và khu vực Tây Nguyên. Trước đó, theo báo cáo của Chi cục Kiểm lâm vùng IV, tình trạng phá rừng, khai thác lâm sản và sắn bắt động vật tại đây diễn ra phức tạp đe dọa tới bảo tồn đa dạng sinh học. Trong khảo sát thực tế của Tổ chức Bảo tồn động thực vật hoang dã quốc tế (viết tắt FFI) tại rừng Kon Plong phát hiện nhiều xác động vật bị bẫy dẫn tới chết, thậm chí có cả Chà vá chân xám đặc biệt quý hiếm và đang trước nguy cơ tuyệt chủng.

Ngoài ra, tại Kon Tum, khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh có hệ sinh học đa dạng với tổng số 1.091 loài thực vật bậc cao có mạch thuộc 173 họ, 600 chi, trong đó có 40 loài trong Sách đỏ Việt Nam; 25 loài trong IUCN, đặc biệt là Sâm Ngọc Linh,lan kim tuyến, trầm hương, thông Đà Lạt, đỉnh tùng, vù hương, vằng đắng...

Kon Tum gắn bảo vệ đa dạng sinh học với phát triển du lịch và giao khoán rừng. Ảnh: Hà My.

Về động vật có 91 loài, trong đó có 25 loài trong Sách đỏ Việt Nam, 20 loài trong Sách đỏ thế giới và 24 loài nằm trong Nghị định 32. Các loài thú quý hiếm như: mang Trường Sơn, mang lớn, chà vá chân xám, chà vá chân đen, gấu chó, gấu ngựa, cu li lớn, khỉ mặt đỏ…

Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh cũng không tránh khỏi nạn khai thác gỗ trái phép, bẫy bắt động vật hoang dã, còn người dân phá rừng trồng mì, cà phê…

Để ngăn chặn nạn xâm hại rừng, tỉnh Kon Tum đã có nhiều chính sách tạo sinh kế cho người dân quanh khu vực rừng để họ có điều kiện phát triển kinh tế như trồng sâm, khai thác du lịch bền vững gắn với bảo vệ rừng. Thực hiện giao khoán rừng, người dân có thể sản xuất trên lâm phần được giao khoán và tham gia tích cực vào phòng chống các hành vi liên quan tới tộ phạm đa dạng sinh học.

Ngoài ra, UBND tỉnh Kon Tum ra nhiều văn bản, chỉ thị các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền và chấp hành nghiêm các quy định pháp luật về bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ. Nghiêm cấm hoạt động mua bán động vật hoang dã và bộ phận từ động vật. Các địa phương vận động tuyên truyền cán bộ, người dân không mua, bán, sử dụng, tặng hay nhận quà biếu là các loài động vật hoang dã nguy cấp và các sản phẩm của chúng, không mua, bán, phóng sinh các loài ngoại lai xâm hại.

Ngày 27/10/2023, UBND tỉnh Kon Tum tiếp tục ban hành Kế hoạch triển khai đề án: Tăng cường phòng, chống tội phạm về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Kế hoạch được triển khai thực hiện trên phạm vi toàn tỉnh nhằm bảo vệ các hệ sinh thái, động vật hoang dã, thực vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ, loài bị đe dọa, loài đặc hữu và nguồn gen.

Xử lý nghiêm các hoạt động mua bán tàng trữ, nuôi nhốt động vật hoang dã. Ngoài ra, Công an tỉnh Kon Tum phối hợp với các lực lượng liên quan mở các đợt ra quân về đấu tranh, trấn áp tội phạm, vi phạm pháp luật về bảo vệ đa dạng sinh học, đặc biệt là các đường dây, tổ chức tội phạm liên tỉnh, xuyên quốc gia và các hành vi gây tác động nghiêm trọng tới đa dạng sinh học.

Phối hợp với các cơ quan tố tụng tổ chức điều tra, truy tố, xét xử nghiêm các đối tượng vi phạm theo quy định của pháp luật nhằm răn đe, giáo dục chung. UBND tỉnh Kon Tum tập trung đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác điều tra, xử lý các vụ việc liên quan tới tội phạm đa dạng sinh học.

Hà My

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/kon-tum-phat-trien-sinh-ke-phong-chong-xam-pham-da-dang-sinh-hoc-2222780.html