Kon Tum: Phát huy hiệu quả nguồn vốn khuyến công

Trong 3 năm từ 2018 - 2020, đã có 28 doanh nghiệp, đơn vị trên địa bàn tỉnh Kon Tum được thụ hưởng hỗ trợ từ chương trình khuyến công với tổng kinh phí 5,336 tỷ đồng; giúp các đơn vị này mở rộng sản xuất kinh doanh, gia tăng giá trị sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

Hiệu quả thiết thực

Công ty CP Kora Group (phường Thắng Lợi, TP. Kon Tum, tỉnh Kon Tum) chuyên sản xuất các loại nước uống từ hồng đẳng sâm, nấm linh chi. Ông Bền Chí Thịnh - Chủ tịch HĐQT - cho biết, sản phẩm của công ty đã đến được với nhiều tỉnh thành trong cả nước và đơn vị đang có kế hoạch cho việc xuất khẩu. “Để có được kết quả này, Kora nhận được sự “tiếp sức” lớn và thiết thực từ chương trình hỗ trợ máy móc khuyến công”, ông Thịnh cho hay.

Ông Bền Chí Thịnh bên hệ thống máy chế biến và chiết rót sản phẩm - dự án được hỗ trợ từ kinh phí khuyến công Kon Tum năm 2019

Ông Thịnh cho biết, năm 2018, ngay khi có ý định thành lập công ty chế biến sâu để tăng hàm lượng giá trị gia tăng cho các nông đặc sản của địa phương, đơn vị đã tìm đến sự hỗ trợ của chính sách khuyến công để đầu tư máy móc đạt tiêu chuẩn, đảm bảo an toàn thực phẩm. Đơn vị đã lập đề án và được hỗ trợ kinh phí mua máy móc thiết bị theo diện chương trình khuyến công địa phương năm 2019.

“Chúng tôi được hưởng lợi từ chính sách khuyến công khi đầu tư hệ thống gồm máy chế biến và chiết rót sản phẩm nước nấm linh chi và hồng đẳng sâm. Tổng mức đầu tư của hệ thống máy vào khoảng 450 triệu đồng, trong đó, khuyến công hỗ trợ 150 triệu đồng”, ông Thịnh nói và cho biết thêm, hiện tại hệ thống máy móc đã hoạt động đạt 80% công suất, và sẽ còn tăng lên trong thời gian tơi.

“Kinh doanh luôn phải chú ý đến tối ưu hóa sản phẩm, giảm sức lao động. Từ sự hỗ trợ của chương trình khuyến công, giúp doanh nghiệp giảm áp lực chi phí sản xuất, chuyên sâu vào cải thiện và đảm bảo chất lượng sản phẩm. Nhờ vậy, đến thời điểm hiện tại, Kora đã được người tiêu dùng đón nhận tích cực”, ông Thịnh chia sẻ và cho hay, trong thời gian tới, Kora sẽ đầu tư thêm nhiều trang thiết bị máy móc để tăng sản lượng, đảm bảo cung cấp ra thị trường. “Những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp như chính sách khuyến công vô cùng thiết thực cho các doanh nghiệp. Chúng tôi mong muốn ngày càng có nhiều hơn nữa các đơn vị, cơ sở sản xuất được thụ hưởng hỗ trợ từ chương trình này”, ông Thịnh nói.

Công ty TNHH Apanax (thôn Tân Lập B, xã Đăk Hring, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum) là một trong số những đơn vị được thụ hưởng chính sách khuyến công năm 2020. Điểm đặc biệt, đơn vị đã biết đến chương trình khuyến công qua lời giới thiệu từ Công ty Kora.

“Khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ, cơ sở sản xuất đó là vốn đầu tư máy móc thiết bị. Chúng tôi có sự đồng hành của chương trình khuyến công để mạnh dạn đầu tư hệ thống máy sấy chuối công nghệ cao với tổng vốn đầu tư 900 triệu đồng, trong đó, khuyến công hỗ trợ 200 triệu đồng”, bà Nguyễn Thị Minh Ngọc - Giám đốc Công ty thông tin.

Với dàn máy sấy chất lượng, mỗi ngày Công ty Apanax có thể chế biến tới 2 tấn chuối tươi, giải quyết đầu ra của nông sản chuối cho hàng nghìn nông dân tại huyện Đăk Hà và những huyện lân cận của tỉnh Kon Tum.

Với lò hơi 500kg cùng hệ thống máy sấy trái cây, mỗi ngày Công ty Apanax có thể chế biến tới 2 tấn chuối tươi, giải quyết đầu ra cho nông sản huyện Đăk Hà và một số huyện lân cận

“Bà đỡ” của cơ sở sản xuất, doanh nghiệp nhỏ

Là đơn vị đang lập đề án để thụ hưởng hỗ trợ từ chính sách khuyến công địa phương Kon Tum năm 2021, Công ty TNHH Yến sào Kon Tum (phường Ngô Mây, TP. Kon Tum, tỉnh Kon Tum) kì vọng chương trình khuyến công sẽ “tiếp sức” để doanh nghiệp mạnh dạn ứng dụng khoa học công nghệ, cải tiến máy móc để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. “Chúng tôi đang mong muốn được hỗ trợ hệ thống diệt khuẩn công nghệ cao tự động cho dây chuyền sản xuất nước yến. Khi được phê duyệt, hệ thống sẽ giúp chuẩn hóa qui trình sản xuất, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm yến sào Kon Tum”, ông Đặng Xuân Hùng - Giám đốc Công ty bày tỏ.

Theo Giám đốc Trung tâm Khuyến công & Xúc tiến thương mại tỉnh Kon Tum - ông Võ Văn Mười - hiện phần lớn các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh đang gặp khó khăn về nguồn vốn đầu tư thiết bị, công nghệ hiện đại. Nắm bắt được tình tình hình thực tế đó, Sở Công Thương Kon Tum chỉ đạo và tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh tiếp cận nguồn vốn khuyến công hàng năm. Hoạt động khuyến công của Sở Công Thương Kon Tum đã phát huy vai trò là “bà đỡ” cho các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp công nghiệp nông thôn, từ khâu hỗ trợ đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại hóa sản xuất cho đến xây dựng thương hiệu, tìm kiếm thị trường tiêu thụ.

Trong giai đoạn 2018 - 2020, đối với khuyến công địa phương, UBND tỉnh Kon Tum đã phê duyệt hỗ trợ cho 24 đề án xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật và ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật với tổng kinh phí 3,464 tỷ đồng; đối với khuyến công quốc gia, Bộ Công Thương phê duyệt 4 đề án xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật và ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật với tổng kinh phí 1,872 tỷ đồng.

Ông Mười cho biết, hiện đơn vị đang thẩm định và hoàn thiện hồ sơ hỗ trợ kinh phí đầu tư máy móc cho doanh nghiệp theo chương trình khuyến công địa phương năm 2021 đợt 1 với tổng số tiền 850 triệu đồng cho 6 đơn vị, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, dự kiến, năm nay, sẽ có 1 đơn vị chế biến sản phẩm ván gỗ sẽ được hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật theo chương trình khuyến công quốc gia với tổng kinh phí 1 tỷ đồng.

Công ty Yến sào Kon Tum là một trong những đơn vị sản xuất đang lập đề án để thụ hưởng hỗ trợ khuyến công đầu tư máy móc thiết bị nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm

Các đơn vị được hỗ trợ khuyến công phần lớn là các đơn vị có nguồn vốn mỏng như đơn vị có sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, những đơn vị khởi nghiệp có sản phẩm mới…. “Chương trình khuyến công kỳ vọng tạo điều kiện cho các đơn vị này sản xuất kinh doanh, phát triển sản phẩm mới, đảm bảo cung cấp ra thị trường tiêu thụ; giải quyết hàng trăm lao động nông thôn tại địa phương, tăng thu ngân sách địa phương”, ông Mười nói.

Theo phê duyệt của UBND tỉnh Kon Tum, ngân sách dành cho hoạt động khuyến công địa phương trong giai đoạn 2021 - 2025 là 8,275 tỷ đồng, tập trung chủ yếu vào hỗ trợ xây dựng mô hình thí điểm về áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp cho các cơ sở sản xuất công nghiệp; hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến, chuyển giao công nghệ, tiến bộ khoa học kỹ thuật; phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn; cung cấp thông tin về các chính sách phát triển công nghiệp, khuyến công, phổ biến kinh nghiệm, mô hình sản xuất kinh doanh điển hình, sản xuất sạch hơn trong công nghiệp; tư vấn, hỗ trợ giúp các cơ sở công nghiệp nông thôn; hỗ trợ phát triển các cụm công nghiệp.

Vũ Lê

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/kon-tum-phat-huy-hieu-qua-nguon-von-khuyen-cong-153978.html