Kịp thời triển khai đồng bộ các giải pháp để giảm áp lực lạm phát

Mặc dù giá xăng dầu đã giảm mạnh trong tháng 7 nhưng giá các mặt hàng tiêu dùng vẫn ở mức cao, 8/11 nhóm hàng hóa trên địa bàn tỉnh có giá tăng cao hơn so với cùng kỳ năm trước. Điều này dẫn đến CPI (chỉ số giá tiêu dùng) tháng 7 có mức tăng cao nhất từ đầu năm đến nay. Trao đổi với phóng viên Báo Ninh Bình, ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh cho rằng nếu không có những biện pháp đồng bộ và kịp thời thì áp lực lạm phát những tháng cuối năm là rất lớn.

Người dân đắn đo khi lựa chọn thực phẩm trước áp lực tăng giá của các mặt hàng thiết yếu. Ảnh: Hồng Nhung

Người dân đắn đo khi lựa chọn thực phẩm trước áp lực tăng giá của các mặt hàng thiết yếu. Ảnh: Hồng Nhung

Phóng viên (PV): Thưa đồng chí, mặc dù 8/11 nhóm hàng hóa có giá tăng cao hơn so với cùng kỳ nhưng CPI 7 tháng năm nay chỉ tăng 2,46%. Theo đồng chí đâu là nguyên nhân chúng ta kiểm soát tốt mức lạm phát trong điều kiện hiện nay?

Đ/c Lê Thanh Tùng: Chỉ số CPI bình quân 7 tháng năm 2022 là 102,46%, tăng 2,46% so với cùng kỳ năm trước. Điều này khẳng định Ninh Bình đã cùng với cả nước thực hiện các chính sách phục hồi kinh tế- xã hội một cách hợp lý, từ đó tạo nên thành công trong việc kiềm chế lạm phát trong bối cảnh thế giới đang phải đối mặt với tình trạng lạm phát gia tăng ở hầu khắp các quốc gia.

Theo thống kê, có 8/11 nhóm hàng hóa trên địa bàn tỉnh có giá tăng cao hơn so với cùng kỳ năm trước là: nhóm giao thông tăng 16,49%; nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 5,46%; nhóm giáo dục tăng 2,19%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 1,32%; nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,96%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,68%; nhóm may mặc, mũ nón và giày dép tăng 0,42%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,47%.

Những nhóm hàng này tăng cao hơn so với cùng kỳ năm trước là do dịch CODID-19 đã dần được kiểm soát, các hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng.

Bên cạnh đó, là chi phí của các yếu tố đầu vào phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh trong đó đáng chú ý là xăng dầu tăng cao nhất từ trước đến nay. Ngoài ra, những tháng đầu năm, Trung Quốc (nền kinh tế đứng thứ 2 thế giới) tiếp tục thực hiện chiến lược Zezo COVID, cộng với cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine dẫn đến chuỗi cung ứng quốc tế chưa được phục hồi hoàn toàn, giá cả hàng hóa tăng cao ở một số thời điểm.

Mặc dù có đến 8/11 nhóm hàng hóa có chỉ số giá bình quân tăng, tuy nhiên, chỉ số CPI của 7 tháng đầu năm chỉ tăng 2,46%.

Nguyên nhân, chúng ta có 3 nhóm hàng có chỉ số giá bình quân 7 tháng năm 2022 giảm so với cùng kỳ năm trước là: nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,01%; nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,25%; nhóm văn hóa giải trí và du lịch giảm 1,07%.

Trong đó đáng chú ý là những mặt hàng thuộc nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống lại giảm 0,01% so với cùng kỳ năm trước. Đây là nhóm hàng có tỷ trọng chiếm 34,68% trong giỏ hàng hóa tính chỉ số giá.

Trong 7 tháng đầu năm tuy ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố không thuận lợi, nhưng kết quả hoạt động sản xuất nông lâm thủy sản trên địa bàn tỉnh đã đạt được kết quả tích cực, đây chính là nguồn cung những mặt hàng thiết yếu phục vụ kịp thời nhu cầu của người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh.

Mặt khác, dịch vụ du lịch sau đại dịch COVID-19 đang phục hồi nên giá cả của nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống biến động không nhiều.

Điều này đẫn đến nhiều mặt hàng thuộc nhóm này có chỉ số giá bình quân từ đầu năm đến nay giảm như: Ở mặt hàng lượng thực (giá gạo giảm 4,03%); mặt hàng thực phẩm (giá thịt lợn giảm 21,99%, thịt chế biến giảm 9,69%, cá tươi tăng 4,26%, rau tươi và chế biến tăng 22,85%, quả tươi và chế biến giảm 0,93%, ăn uống ngoài gia đình tăng 0,58%).

PV: Trong tháng 7, mặc dù giá xăng đã "hạ nhiệt" nhưng giá hàng hóa tiêu dùng vẫn ở mức cao. Điều này gây áp lực như thế nào về nguy cơ lạm phát thưa đồng chí?

Đ/c Lê Thanh Tùng: Trong tháng 7, giá xăng dầu trong nước giảm mạnh do tác động giảm thuế bảo vệ môi trường và biến động giảm từ giá xăng dầu thế giới. Tuy nhiên ở chiều ngược lại giá nhiều mặt hàng tiêu dùng thiết yếu có biến động tăng.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trên thị trường toàn tỉnh trong tháng 7 năm nay tăng 1,95% so với tháng trước, So với tháng 12/2021, CPI tháng này tăng 5,51% và tăng 4,58% so với tháng 7/2021. Đây là mức tăng cao nhất từ đầu năm 2022 và tăng cao hơn so với bình quân chung cả nước.

Trong đó nhiều nhóm hàng chiếm tỷ trọng lớn trong đánh giá CPI có mức tăng mạnh như: nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng mạnh nhất với mức tăng 4,61%, trong đó: nhóm lương thực tăng 1,28% do nhóm lương thực chế biến tăng 3,85% trước tác động của giá nguyên vật liệu đầu vào và cước vận chuyển tăng dẫn đến giá các mặt hàng thuộc nhóm này đồng loạt tăng.

Nhóm thực phẩm tăng 5,49% chủ yếu do giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, chỉ trong 7 tháng đầu năm 2022 các doanh nghiệp kinh doanh thức ăn chăn nuôi đã 6 lần điều chỉnh tăng giá bán do giá nguyên vật liệu sản xuất đầu vào tăng cao, tạo áp lực buộc các hộ chăn nuôi phải tăng giá bán sản phẩm để bù đắp chi phí, vì thế giá các mặt hàng thực phẩm và sản phẩm liên quan đều tăng so với tháng trước.

Nhóm ăn uống ngoài gia đình tăng 3,63%, một mặt do giá lương thực, thực phẩm tăng, mặt khác do du lịch của tỉnh đang từng bước phục hồi trở lại mạnh mẽ, số lượng khách du lịch tăng nhanh nên nhu cầu về ăn uống cũng tăng theo.

Khách hàng mua sắm tại siêu thị Go. Ảnh: Anh Tuấn

Tiếp theo nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 2,24% do nhu cầu sử dụng các loại đồ uống của người dân tăng cao khi thời tiết nắng nóng nên giá các loại đồ uống cũng tăng theo.

Duy nhất 1 nhóm có chỉ số giá giảm là nhóm giao thông giảm 1,36% do sau 3 lần điều chỉnh giảm liên tiếp theo đà giảm của thế giới, giá xăng đã giảm 6,18%, giá dầu diezel giảm 4,02% kéo theo giá nhóm nhiên liệu giảm 6,02%.

Hai nhóm còn lại giữ chỉ số ổn định gồm nhóm may mặc, mũ nón và giày dép và nhóm bưu chính viễn thông. Có thể lý giải về việc giá xăng dầu giảm mạnh nhưng giá tiêu dùng vẫn ở mức cao như sau: Mặc dù trong tháng 7/2022, giá xăng có điều chỉnh giảm xong vẫn ở mức cao.

Bên cạnh đó, dù được điều chỉnh giảm nhưng vẫn có độ trễ nhất định để giá xăng tác động đến biến động giảm giá của các mặt hàng khác, và giá dịch vụ, vì vậy chưa tác động được nhiều đến chỉ số giá của tháng 7.

Giá xăng giảm tuy như tôi đã phân tích ở trên do tác động của cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine dẫn đến chuỗi cung ứng quốc tế chưa được phục hồi hoàn toàn dẫn đến giá cả một số nguyên liệu đầu vào cho sản xuất tăng cao. Cộng với việc nền kinh tế đang trong giai đoạn phục hồi, các dịch vụ thương mại cũng dần trở về trạng thái "bình thường mới" nên nhu cầu của người dân tăng cao so với những tháng đầu năm và so với cùng kỳ năm trước.

Áp lực về lạm phát có thể được nhìn thấy từ tháng 3 cho đến tháng 7 khi chỉ số CPI so với cùng kỳ luôn ở mức cao, cụ thể là: tháng 3 tăng 2,62%; tháng 4 tăng 2,32%; tháng 5 tăng 2,15%; tháng 6 tăng 3,14% và tháng 7 tăng 4,58%. Nguyên nhân chủ yếu là do nhu cầu tiêu dùng tăng (cầu kéo) khi sản xuất, kinh doanh phục hồi, các hoạt động kinh tế - xã hội trở lại trạng thái bình thường mới; chi phí đầu vào của sản xuất, kinh doanh tăng (chi phí đẩy) do ảnh hưởng của các vấn đề về chuỗi cung ứng; xung đột Nga Ukraine; bên cạnh đó, lạm phát ở các nền kinh tế lớn, nền kinh tế mà Việt Nam đang nhập siêu cũng góp phần gia tăng lạm phát trong nước nói chung và tỉnh Ninh Bình nói riêng (nhập khẩu lạm phát); ...

P.V: Với những áp lực như vừa nêu, theo đồng chí đâu sẽ là giải pháp để kiểm soát lạm phát trong năm nay?

Đ/c Lê Thanh Tùng: Theo nhận định của các cơ quan chuyên môn, những bất ổn về địa chính trị trên thế giới và khu vực vẫn chưa biết khi nào kết thúc, một số nền kinh tế lớn trên thế giới vẫn tiếp tục đối mặt với nguy cơ suy thoái.

Do vậy, chúng ta không chủ quan và phải luôn sẵn sàng chủ động để giữ vững thành quả đã đạt được trong thời gian vừa qua, tiếp tục duy trì đà phục hồi và tăng trưởng kinh tế trong những tháng cuối năm, trong đó việc giữ được mức lạm phát như mục tiêu chung của cả nước (4%) là nhiệm vụ hết sức quan trọng.

Song với sự điều hành quyết liệt của Chính phủ để kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô ta thấy đã có những dấu hiệu tích cực để hạ nhiệt đà tăng giá trong thời gian tới so với giai đoạn tháng 3 đến tháng 7 vừa qua.

Đặc biệt, đến ngày 1/8/2022 giá xăng tiếp tục được điều chỉnh giảm và mức giá này sẽ được thống kê trong kỳ tháng 8, cộng với độ trễ của các đợt giảm giá xăng tháng 7 đến việc giảm giá các mặt hàng khác cùng với giá xăng tiếp tục có xu hướng giảm trong thời gian tới, kỳ vọng sẽ là điều kiện tốt để giảm giá các mặt hàng khác, góp phần giảm mức tăng của chỉ số CPI trong tháng 8 và các tháng tiếp theo, từ đó giảm áp lực về nguy cơ lạm phát những tháng cuối năm.

Để giảm nguy cơ lạm phát những tháng cuối năm, tỉnh Ninh Bình cần tập trung vào một số giải pháp để thực hiện nhiệm vụ kiểm soát lạm phát là: Các cấp, các ngành tập trung thực hiện hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế theo Nghị quyết số 43/2022 ngày 11/1/2022 của Quốc hội. Tập trung cao để thực hiện các giải pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2022.

Theo dõi bám sát diễn biến cung cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu để có biện pháp điều tiết kịp thời, nhất là các nhóm hàng có giá tăng cao trong 7 tháng đầu năm; tiếp tục kiểm soát tốt giá cả các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu... phục vụ đời sống dân cư.

Cùng với đó, các cơ quan Nhà nước theo chức năng, nhiệm vụ cần tăng cường sự phối hợp để làm tốt công tác kiểm soát giá cả trên thị trường, không để xảy ra tình trạng đầu cơ găm hàng chờ tăng giá, thao túng giá.

Đồng thời, hỗ trợ phát triển sản xuất để nâng cao năng lực nội tại của nền kinh tế: giảm thuế, ra hạn thuế để giảm chi phí đầu vào, giúp doanh nghiệp có cơ hội hạ giá thành, từ đó giảm áp lực tăng giá bán của doanh nghiệp khi đã có phi phí sản xuất hợp lý.

Kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương cần có sự điều hành linh hoạt theo từng thời điểm đối với một số mặt hàng chiến lược như: xăng dầu, than đá, phân bón... vì đây là những yếu tố đầu vào cơ bản, chi phối đến nhiều hoạt động kinh tế, có tác động lan tỏa trong chuỗi sản xuất dịch vụ và tiêu dùng.

Về phía các doanh nghiệp cần nâng cao năng lực quản trị để tăng hiệu quả của sản xuất, kinh doanh, từ đó có cơ cấu giá thành hợp lý, bảo đảm mức lợi nhuận của chủ doanh nghiệp, hạn chế việc tăng giá bán sản phẩm góp phần kiềm chế lạm phát.

Tiếp tục thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh và thực hiện tốt công tác tuyên truyền để người dân tin tưởng, yên tâm với sự điều hành, quản lý của Chính phủ và các cơ quan Nhà nước.

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

Nguyễn Thơm (thực hiện)

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/kip-thoi-trien-khai-dong-bo-cac-giai-phap-de-giam-ap-luc-lam/d20220815083017794.htm