Kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn - xu hướng phát triển tất yếu

Để khai thác hợp lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, Phú Yên xác định kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là xu hướng phát triển tất yếu trong bối cảnh hiện nay.

TX Sông Cầu ra quân thu gom, xử lý rác thải khu vực vịnh Xuân Đài. Ảnh: ANH NGỌC

TX Sông Cầu ra quân thu gom, xử lý rác thải khu vực vịnh Xuân Đài. Ảnh: ANH NGỌC

Trao đổi với phóng viên Báo Phú Yên xung quanh vấn đề nói trên, Phó Giám đốc Sở TN&MT Nguyễn Thái Hòa cho biết:

- Phú Yên với chiều dài bờ biển hơn 189km, có nhiều đầm, vịnh, cửa sông, khu vực đất ngập nước nên rất đa dạng về hệ sinh thái biển. Với vai trò và tầm quan trọng trong khai thác hợp lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, Phú Yên xác định kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là xu hướng phát triển tất yếu trong bối cảnh nguồn tài nguyên ngày càng khan hiếm, tình trạng ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng biến đổi khí hậu khó lường hiện nay.

* Thời gian qua, Phú Yên đẩy mạnh công tác khai thác hợp lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, xin ông cho biết những kết quả nổi bật đã đạt được?

- Những năm qua, Sở TN&MT đã tham mưu cho Tỉnh ủy và UBND tỉnh ban hành nhiều chương trình, kế hoạch về chuyển đổi xanh; các cấp chính quyền và địa phương đã triển khai nhiều giải pháp, bước đầu mang lại những kết quả quan trọng. Cụ thể, tỉnh tập trung xây dựng và nhân rộng mô hình phân loại, tuần hoàn tái sử dụng rác thải với giải pháp rác hữu cơ và sản xuất nước tẩy rửa sinh học, giảm thiểu sử dụng đồ nhựa khó phân hủy dùng một lần. Phú Yên chủ động kêu gọi sự hỗ trợ từ các tổ chức như Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới và Trung tâm Hỗ trợ phát triển xanh triển khai các hoạt động về thu gom, phân loại rác, giảm đồ nhựa dùng một lần nhằm từng bước tăng cường năng lực quản lý rác thải, phân loại rác theo lộ trình; Quỹ Môi trường toàn cầu thuộc Chương trình phát triển LHQ triển khai tăng cường năng lực cộng đồng trong bảo tồn quần thể rạn san hô Hòn Yến; Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản triển khai dự án xử lý bùn đáy vịnh Xuân Đài; Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga về chương trình điều tra đa dạng sinh học…

Tỉnh cũng rất quan tâm đến việc phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, hướng đến nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo sớm nhằm chủ động trong ứng phó giảm nhẹ rủi ro do tác động của biến đổi khí hậu. Theo đó, Phú Yên đã tăng cường quan trắc môi trường, giám sát chất lượng nguồn thải khí, nước thải, đặc biệt là giám sát nguồn thải từ đất liền, từ hoạt động nuôi trồng thủy sản, rác thải nhựa… Đề án trồng mới 15 triệu cây xanh tỉnh Phú Yên giai đoạn 2021-2025 thu hút nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương tham gia, đến nay đã trồng khoảng 9,4 triệu cây. Tính đến cuối năm 2022, tỉ lệ che phủ rừng toàn tỉnh là 46,5%, phấn đấu đến năm 2025 đạt 48%...

Thiết bị cung cấp ôxy cho nước và xử lý làm sạch đáy bùn bị ô nhiễm ở vịnh Xuân Đài (TX Sông Cầu). Ảnh: ANH NGỌC

Thiết bị cung cấp ôxy cho nước và xử lý làm sạch đáy bùn bị ô nhiễm ở vịnh Xuân Đài (TX Sông Cầu). Ảnh: ANH NGỌC

* Mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội gắn với các nguồn lực hỗ trợ nâng cao nhận thức cộng đồng, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu thời gian qua trên địa bàn tỉnh như thế nào, thưa ông?

- Phú Yên xác định mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh phải bền vững (kinh tế xanh, sản xuất xanh), dựa trên tiềm năng, lợi thế, qua đó xác định hướng đi để đầu tư phát triển các ngành kinh tế trọng tâm, trọng điểm. Nhằm góp phần thực hiện thành công mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 và chuyển đổi năng lượng, tỉnh đang tập trung thu hút đầu tư, phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, thân thiện với môi trường, nhất là thu hút đầu tư các dự án điện gió, điện mặt trời và các dạng năng lượng tái tạo khác.

Tỉnh khuyến khích, hỗ trợ tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển các loại hình dịch vụ, phương tiện giao thông sử dụng điện, năng lượng, phát thải ròng bằng 0 để phục vụ các hoạt động dịch vụ trên địa bàn. Phú Yên cũng đang cơ cấu lại ngành kinh tế nông nghiệp gắn với sản xuất xanh, hướng tới xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, bền vững dựa trên nền tảng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp sạch. Hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn tại khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tạo ra sản phẩm nông sản có năng suất, chất lượng, giá trị, sức cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng trong tỉnh, trong nước và hướng tới xuất khẩu (tiêu dùng xanh). Phú Yên cũng đang đổi mới hình thức tổ chức sản xuất trên cơ sở phát triển các doanh nghiệp, HTX nông nghiệp có sự hợp tác, liên kết sản xuất chặt chẽ theo chuỗi giá trị, tạo ra các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc trưng của địa phương có giá trị kinh tế cao theo tiêu chuẩn VietGAP, đăng ký sản phẩm OCOP.

* Để khai thác hợp lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, xin ông cho biết những giải pháp mà tỉnh triển khai trong thời gian tới?

- Phú Yên tiếp tục hoàn thiện về thể chế chính sách, cụ thể hóa từng chương trình, kế hoạch, hướng dẫn, phân công cụ thể cho từng đơn vị, địa phương, sở, ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục và phổ biến thường xuyên về chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, khuyến khích mở rộng mô hình sản xuất xanh, kinh tế tuần hoàn. Tỉnh tiếp tục đào tạo, nâng cao năng lực giám sát, quan trắc, cảnh báo ô nhiễm môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu, giảm thiểu thiên tai, sự cố môi trường. Bên cạnh đó, tỉnh chú trọng hoạt động trồng cây xanh theo đề án 15 triệu cây xanh, bảo vệ các hệ sinh thái rừng đặc dụng, rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng ngập mặn, rừng phòng hộ ven biển, bảo vệ các hệ sinh thái biển trên vùng biển của tỉnh…

Tỉnh cũng chủ động huy động nguồn lực trong và ngoài nước để tăng cường kiểm soát nguồn thải, bảo vệ nguồn nước, tiết kiệm năng lượng, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên; quán triệt và thực hiện khai thác đi đôi với phục hồi và tái tạo; nâng cao chất lượng công tác dự báo, chủ động phòng ngừa, hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai, biến đổi khí hậu; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với việc khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học. Tỉnh tích hợp chiến lược tăng trưởng xanh vào quy hoạch tỉnh để tạo sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi xanh, hướng tới thu hút các dự án đầu tư năng lượng tái tạo, các dự án sản xuất xanh, dự án có công nghệ thân thiện môi trường đảm bảo phát triển bền vững giải quyết các vấn đề suy thoái hệ sinh thái, môi trường, nhằm đạt mục tiêu phát thải bằng 0, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và từng bước cải thiện môi trường sống của người dân. Đồng thời đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số nhằm giúp các tổ chức, cá nhân tiếp cận thông tin, quảng bá sản phẩm…, nhất là sản phẩm nông nghiệp, nông thôn; từng bước tiếp cận, ứng dụng tiến bộ khoa học, trí tuệ nhân tạo trong cảnh báo, giám sát động đất, sóng thần, bão lũ…

* Xin cảm ơn ông!

Mục tiêu của tỉnh là nâng cao ý thức, trách nhiệm của cộng đồng đối với công tác bảo vệ môi trường; tập trung kiểm soát, ngăn chặn, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, từng bước tăng tỉ lệ tái sử dụng và tái tạo tài nguyên theo một vòng khép kín, hạn chế thấp nhất việc tạo ra chất thải; gắn kết hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo vệ môi trường; phấn đấu xây dựng tỉnh Phú Yên đến năm 2025 trở thành điểm đến xanh - sạch - đẹp, thân thiện với môi trường.

Phó Giám đốc Sở TN&MT Nguyễn Thái Hòa

ANH NGỌC (thực hiện)

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/82/298400/kinh-te-xanh-kinh-te-tuan-hoan-xu-huong-phat-trien-tat-yeu.html