Kinh tế Trung Quốc quý 1/2024 tăng trưởng vượt kỳ vọng

Dữ liệu công bố ngày 16/4 bởi Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho thấy nền kinh tế số hai thế giới này tăng trưởng 5,3% trong quý 1/2024, vượt kỳ vọng được đưa ra trước đó bởi các chuyên gia kinh tế.

Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 5,3% trong quý đầu năm 2024. Ảnh: China Daily

Với mức tăng trưởng 5,3% trong 3 tháng đầu năm 2024, con số này vượt xa kỳ vọng 4,6% của các nhà phân tích trong một cuộc thăm dò của hãng tin Reuters, đồng thời tăng nhanh hơn mức 5.2% ghi nhận được trong quý 4/2023 trước đó. Trên cơ sở theo quý, GDP Trung Quốc tăng 1,6% trong quý đầu tiên của năm 2024, cao hơn mức dự báo tăng trưởng 1,4%.

Đầu tư tài sản cố định tăng trưởng 4,5% hàng năm trong quý 1/2024, cao hơn so với kỳ vọng tăng 4,1% được đưa ra bởi các chuyên gia kinh tế.

Tuy nhiên, dữ liệu riêng biệt về sản lượng nhà máy và doanh số bán lẻ được công bố cùng với báo cáo GDP vào tháng cuối của quý cho thấy đà tăng trưởng đang thể hiện dấu hiệu chậm lại.

Cụ thể, lạm phát tiêu dùng của Trung Quốc hạ nhiệt hơn dự kiến trong khi giảm phát giá sản xuất vẫn tiếp diễn trong tháng 3 vừa qua, cho thấy nhu cầu trong nước yếu và thị trường kêu gọi kích thích nhiều hơn để thúc đẩy nhu cầu. Sản lượng công nghiệp trong tháng này tăng 4,5% so với một năm trước đó, thấp hơn so với mức tăng dự báo là 6,0% và mức tăng 7,0% trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 2/2024.

Tăng trưởng doanh số bán lẻ, thước đo tiêu dùng, tăng 3,1% so với cùng kỳ trong tháng 3, thấp hơn so với mức tăng dự báo là 4,6% và chậm lại so với mức tăng 5,5% trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 2/2024.

Reuters dẫn lời ông Jeff Ng, người đứng đầu chiến lược vĩ mô châu Á tại SMBC ở Singapore, cho biết: “Các con số cho thấy kết quả tích cực. Đà tăng trưởng hiện tại của nền kinh tế Trung Quốc có vẻ ổn định”. Tuy nhiên, ông dự đoán sẽ “có một số sự đảo chiều, có thể là từ quý cuối cùng của năm 2024”.

Trước đó trong năm 2023, GDP Trung Quốc tăng trưởng với tốc độ 5,2%, vượt qua mục tiêu đề ra ở ngưỡng 5% của chính phủ. Tới năm 2024 này, nước này tiếp tục đặt ra mục tiêu tăng trưởng GDP 5% và cam kết thực hiện hàng loạt biện pháp nhằm đạt được mục tiêu trong bối cảnh quốc gia này tìm cách duy trì đà tăng trưởng tích cực của năm 2023 trước đó.

Các nhà kinh tế đang đặt ra câu hỏi về khả năng Trung Quốc đạt được mục tiêu tăng trưởng của năm 2023 – một mục tiêu được đánh giá là tham vọng - vì điều này sẽ phụ thuộc nhiều vào chính sách hỗ trợ từ chính phủ. Trong báo cáo mới nhất hồi tháng 2/2024, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đưa ra dự báo Trung Quốc sẽ tăng trưởng 4,6% trong năm nay do nhu cầu xuất khẩu yếu và sự trì trệ trong lĩnh vực bất động sản.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường khi công bố báo cáo chính phủ trong phiên họp thứ 2 của Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc (NPC) lần thứ 14 diễn ra ngày 5/3 tại thủ đô Bắc Kinh cũng nhận định việc đạt được các mục tiêu của năm 2023 “sẽ không dễ dàng”.

Hãng tin Tân Hoa Xã dẫn lời ông cho biết: “Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 kéo dài 3 năm, nhiều khó khăn trong quá trình phục hồi và phát triển kinh tế của đất nước vẫn chưa được giải quyết”. Những vấn đề này bao gồm sự sụt giảm đang diễn ra trên thị trường bất động sản, nhu cầu toàn cầu suy yếu và nợ chính quyền địa phương cao.

Ngoài ra, nền kinh tế Trung Quốc cũng đang “phải đối mặt với cả áp lực về tạo việc làm nói chung và các vấn đề về cơ cấu việc làm” trong khi “một số chính quyền cấp cơ sở đang gặp khó khăn về tài chính”.

Tuy nhiên, ông khẳng định chính phủ sẽ thực hiện nhiều biện pháp để hỗ trợ tăng trưởng. Cụ thể, báo cáo của chính phủ Trung Quốc cho biết chính sách tài khóa chủ động và chính sách tiền tệ thận trọng sẽ được tiếp tục vào năm 2024. Một loạt biện pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng trong năm nay cũng đã được công bố, bao gồm 541,7 tỷ USD trái phiếu chuyên dùng cho chính quyền địa phương và phát hành trái phiếu kho bạc đặc biệt siêu dài hạn.

Báo cáo cũng cam kết giải quyết cả triệu chứng và nguyên nhân cốt lõi để giảm thiểu rủi ro trong bất động sản, nợ chính quyền địa phương và các tổ chức tài chính vừa và nhỏ nhằm bảo vệ sự ổn định kinh tế và tài chính tổng thể.

Đặc biệt, Trung Quốc sẽ triển khai chương trình kéo dài một năm nhằm kích thích tiêu dùng và đưa ra các chính sách thúc đẩy tiêu dùng kỹ thuật số và thân thiện với môi trường. Nước này cũng sẽ tăng cường đầu tư hiệu quả thông qua việc dành 97,2 tỷ USD để đầu tư trong ngân sách trung ương.

Một loạt nhiệm vụ nhằm hiện đại hóa hệ thống công nghiệp và phát triển lực lượng sản xuất mới có chất lượng với tốc độ nhanh hơn được nêu trong báo cáo, trong đó bao gồm cải tiến và nâng cấp chuỗi cung ứng và công nghiệp cũng như phát triển các ngành công nghiệp mới nổi và các ngành công nghiệp định hướng tương lai như năng lượng hydro, vật liệu mới, sản xuất sinh học, các chuyến bay thương mại vào vũ trụ, công nghệ lượng tử và khoa học đời sống.

Ngân Hà

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/kinh-te-trung-quoc-quy-12024-tang-truong-vuot-ky-vong-post33743.html