Kinh tế TP HCM khởi sắc trở lại

Những đầu việc quan trọng mà TP HCM sẽ thực hiện trong 6 tháng cuối năm gồm: thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù đạt hiệu quả cao nhất; tiếp tục tập trung thúc đẩy các trụ cột tăng trưởng...

Ngày 29-6, UBND TP HCM họp về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm; nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023, dưới sự chủ trì của Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi.

Nhiều điểm sáng

Báo cáo tại hội nghị, bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) TP HCM, cho hay 6 tháng đầu năm, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 3,55%. Riêng 9 ngành dịch vụ chủ yếu của thành phố tăng trưởng 4,9%; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 1,9% và 4 ngành công nghiệp trọng điểm tăng trưởng 4,5% so với cùng kỳ.

Tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt hơn 227.000 tỉ đồng, bằng 48,5% dự toán năm và bằng 93,2% so với cùng kỳ. Tính đến hết ngày 23-6, tổng vốn kế hoạch đầu tư công năm 2023 của thành phố đã giải ngân là 10.244 tỉ đồng, đạt 15% tổng vốn giao. TP HCM đã thực hiện tốt mục tiêu ngăn chặn đà suy thoái, các lĩnh vực kinh tế có mức tăng trưởng khá.

Dù vậy, lãnh đạo Sở KH-ĐT TP HCM đánh giá kinh tế thành phố vẫn còn chịu tác động bởi nhiều yếu tố bên trong và bên ngoài khiến đơn hàng sản xuất giảm, tồn kho tăng, kim ngạch xuất nhập khẩu giảm. Ngoài ra, giải ngân vốn đầu tư công thấp, lãi suất cho vay vẫn ở mức cao, việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng của doanh nghiệp (DN) thực tế vẫn khó khăn.

Ông Nguyễn Phước Hưng, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội DN TP HCM, phản ánh bên cạnh việc thiếu vốn, DN còn gặp khó do nhiều thủ tục hành chính chưa được cải thiện cộng với sự thiếu rõ ràng của một số quy định cùng tâm lý sợ sai của cơ quan quản lý và một bộ phận cán bộ, công chức.

Chủ động tháo gỡ khó khăn

Nêu giải pháp cho những tháng cuối năm, Giám đốc Sở KH-ĐT thông tin TP HCM sẽ tập trung hoàn thiện, triển khai kế hoạch thực hiện Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM vừa được Quốc hội thông qua (nghị quyết mới), từ đó góp phần khơi thông, huy động mọi nguồn lực để phát triển. Bên cạnh đó, tập trung rà soát, giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong thẩm quyền trên các lĩnh vực gồm: cải cách hành chính, bất động sản, hoàn thuế, kế hoạch sử dụng đất hằng năm, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất gắn với tài sản trên đất... Đồng thời, triển khai chương trình kích cầu đầu tư, đề án hỗ trợ DN nhỏ và vừa và các giải pháp thúc đẩy bán lẻ, tiêu dùng...

Động lực mới từ Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù TP HCM vừa được Quốc hội thông qua được kỳ vọng sẽ tạo sức bật, giúp thành phố lấy lại đà tăng trưởng trong giai đoạn tiếp theo Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Ông Lê Duy Minh, Giám đốc Sở Tài chính TP HCM, cho rằng phải khơi thông được thị trường bất động sản để tăng nguồn thu trong điều kiện nghị quyết mới đã mở ra một số cơ chế để thành phố tự chủ hơn trong vấn đề ngân sách. Đến ngày 1-8 khi nghị quyết mới có hiệu lực, Sở Tài chính sẽ trình HĐND TP HCM một số nội dung linh động hơn, đồng thời tham mưu UBND thành phố bố trí ngay các nguồn lực phục vụ chính cho sự phát triển của thành phố; giúp khối quận - huyện có thêm nguồn lực phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Phát biểu kết luận phiên họp, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi cho rằng dù đã có nhiều nỗ lực nhưng tăng trưởng kinh tế của thành phố trong 6 tháng đầu năm vẫn thấp hơn chỉ tiêu. "Nếu TP HCM nỗ lực hết sức cũng chỉ tiệm cận chỉ tiêu tăng trưởng cả năm khoảng 7,5%-8%. Kịch bản khả quan nhất là tăng trưởng GRDP cả năm đạt 7% nhưng cũng rất khó. Tuy nhiên, càng khó khăn càng phải nỗ lực, cùng hiệp sức, quyết tâm, chuyển hóa khó khăn thành những giải pháp cụ thể" - Chủ tịch Phan Văn Mãi nhấn mạnh.

Chủ tịch UBND TP HCM yêu cầu trong 6 tháng cuối năm cần tiếp tục tập trung thực hiện những biện pháp thúc đẩy các trụ cột tăng trưởng gồm đầu tư công, tiêu dùng và xuất khẩu.

Chủ tịch Phan Văn Mãi lưu ý các sở, ban, ngành, quận, huyện và TP Thủ Đức tập trung phối hợp nhịp nhàng, chủ động giải quyết công việc, tháo gỡ các vướng mắc nội tại của thành phố. "Khi chưa thực hiện nghị quyết mới, chỉ với khối lượng công việc hiện tại đã rất khó, rất nhiều việc. Nếu bắt tay thực hiện nghị quyết mới, với tiến độ, tinh thần này là không ổn. Phải thay đổi thì mới có thể tải được công việc thường xuyên và công việc mới" - người đứng đầu chính quyền thành phố nhấn mạnh.

Chủ tịch UBND TP HCM cũng yêu cầu cả đội ngũ phải chuẩn bị tâm thế sẵn sàng để thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách được mở ra ở nghị quyết mới; hoàn tất công tác chuẩn bị thực hiện nghị quyết mới trong năm nay.

Nâng cao chất lượng lao động

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động về giải pháp tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng kinh tế TP HCM trong những tháng cuối năm, ông Nguyễn Khắc Hoàng, Cục trưởng Cục Thống kê TP HCM, cho rằng cần tập trung đẩy mạnh hơn nữa tiến độ giải ngân vốn đầu tư công để sớm đưa các công trình, dự án vào hoạt động. Đặc biệt, chú trọng giải ngân các dự án trọng điểm mang tính kết nối vùng, có tác động lan tỏa cao như dự án metro số 1, metro số 2, đường Vành đai 3, nhà ga T3, đường cao tốc TP HCM - Mộc Bài... Bên cạnh đó, cần thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp kích cầu tiêu dùng nội địa, qua đó góp phần thúc đẩy sản xuất trong nước; tăng cường kết nối giao thương giữa các địa phương, các quốc gia để tìm kiếm thị trường mới.

"Cần tiếp tục triển khai hiệu quả các gói hỗ trợ của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; đồng hành, tháo gỡ khó khăn về nguồn lực vốn cho DN; phát triển công nghiệp hỗ trợ và thúc đẩy những ngành công nghiệp mũi nhọn phù hợp với tình hình mới. Đặc biệt, đẩy nhanh việc hình thành Trung tâm tài chính quốc tế Việt Nam đặt tại TP HCM" - ông Hoàng góp ý thêm.

Cũng theo ông Nguyễn Khắc Hoàng, cần nâng cao hiệu quả kết nối cung - cầu lao động, việc làm; tăng chất lượng đào tạo nghề nhằm cải thiện năng suất lao động; chú trọng thu hút, đãi ngộ nguồn nhân lực ngành y tế, giáo dục, du lịch. Khuyến khích thành lập DN mới ở các lĩnh vực điện tử, công nghệ thông tin, tài chính, giáo dục, y tế... Bên cạnh đó, chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong tất cả hoạt động hành chính của cơ quan nhà nước. Tranh thủ thời cơ để đẩy nhanh số hóa dữ liệu ở các cơ quan, nhất là dữ liệu dân cư, dữ liệu DN.

Theo chuyên gia kinh tế - TS Đinh Thế Hiển, thời gian qua, kinh tế TP HCM gặp bất lợi khi ảnh hưởng nặng từ đại dịch COVID-19. Trong bối cảnh nhiều DN phải ngừng hoạt động, giải thể, nguồn nhân lực đã sụt giảm đáng kể và đến nay vẫn chưa quay lại thành phố.

Trong quý II/2023, kinh tế TP HCM đã có những tín hiệu tích cực hơn khi thành phố phát huy tốt thế mạnh về du lịch, thương mại dịch vụ, đầu tư.

"Kinh tế châu Âu và Mỹ cải thiện sẽ góp phần cải thiện nhu cầu tiêu dùng, từ đó gia tăng đơn hàng xuất khẩu của Việt Nam cũng như TP HCM, giúp thành phố thu hút nguồn nhân lực trở lại. Để tận dụng cơ hội này, các DN trên địa bàn cần tập trung đầu tư để khôi phục sản xuất - kinh doanh. Bên cạnh đó, chúng ta còn có động lực từ đầu tư công với các tuyến đường Vành đai 3 và cao tốc Bến Lức - Long Thành đi qua TP HCM" - TS Đinh Thế Hiển bình luận.

Tập trung giải quyết điểm nghẽn

TS Cấn Văn Lực - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia - nhận định TP HCM đã có nhiều tiến triển tích cực ở các lĩnh vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ, đầu tư công, bất động sản... Dù vậy, mức tăng trưởng GRDP trong 6 tháng đầu năm vẫn thấp hơn tăng trưởng chung của cả nước. Do đó, TP HCM cần quyết liệt hơn nữa trong thực hiện các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng. Trong đó, cần sớm triển khai nghị quyết mới, tập trung vào những điểm nghẽn chính như thực thi công vụ, tiên phong cải cách hành chính, đột phá phát triển kết cấu hạ tầng và nguồn nhân lực, khoa học - công nghệ, tài chính... Đồng thời, cần quyết liệt giải quyết các vướng mắc cho đầu tư công, bất động sản, ứng dụng khoa học - công nghệ và những vấn đề tồn đọng khác.

PHAN ANH - THÁI PHƯƠNG

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su/kinh-te-tp-hcm-khoi-sac-tro-lai-20230629223930467.htm