Kinh tế toàn cầu kiếm tìm bước ngoặt mới

Trọng tâm của quan điểm cho rằng nền kinh tế toàn cầu đang ổn định và cải thiện là việc Trung Quốc 'thoát' khỏi những trói buộc do chính sách 'Zero COVID' (Không COVID) gây ra.

Container hàng hóa được bốc dỡ tại cảng ở Trung Quốc. Ảnh: THX/ TTXVN

Trong bài viết đăng tải trên tờ Sydney Morning Herald, chuyên gia Stephen Bartholomeusz nhận định một loạt dữ liệu kinh tế vừa được phát hành và việc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) - lạc quan một cách thận trọng, nâng cấp triển vọng kinh tế toàn cầu - đã góp phần củng cố cho lập luận rằng năm 2023 sẽ chứng kiến sự “chạm đáy” của nền kinh tế toàn cầu.

Nhưng tác giả nhấn mạnh điều đó không có nghĩa là sẽ không tiếp tục có rủi ro và sự không chắc chắn – IMF đã nói rằng: “Cán cân rủi ro vẫn nghiêng về phía giảm, nhưng sự ảm đạm bao trùm trong phần lớn năm 2022 giờ đây đã mang một chút lạc quan thận trọng”.

Trọng tâm của quan điểm cho rằng nền kinh tế toàn cầu đang ổn định và cải thiện là việc Trung Quốc “thoát” khỏi những trói buộc do chính sách “Zero COVID” (Không COVID) gây ra, với một số dấu hiệu ban đầu về sự phục hồi mạnh mẽ trong hoạt động kinh tế - động lực để thúc đẩy tăng trưởng ở khu vực châu Á rộng lớn hơn - đang ngày càng rõ nét.

Một bất ngờ thú vị là Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) đã tránh được suy thoái gần như chắc chắn vào năm ngoái. Sau khi cuộc xung đột Nga-Ukraine bùng nổ tạo ra cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng ở châu Âu, kết hợp với lạm phát dữ dội khiến Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) phải liên tục tăng lãi suất, hầu hết các dự báo đều cho rằng EU sẽ bước vào giai đoạn kinh tế “tăm tối” trong cả năm 2022 và thậm chí là các năm sau đó.

Mặc dù, IMF dự báo tăng trưởng toàn cầu sẽ giảm từ 3,4% của năm 2022 xuống còn 2,9% vào năm 2023, nhưng con số này vẫn cao hơn 0,2 điểm phần trăm so với dự báo mà chính cơ quan này đã đưa ra trong bản cập nhật hàng quý vào tháng 10/2022. Sau đợt sụt giảm tương đối khiêm tốn của năm nay, IMF dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ hồi phục và tăng lên mức 3,1% vào năm tới.

Kịch bản đó, cùng với tỷ lệ lạm phát đạt đỉnh, là lý do tại sao IMF mô tả năm nay là một “bước ngoặt” đối với nền kinh tế toàn cầu. Lạm phát toàn cầu được dự báo sẽ giảm từ 8,8% của năm ngoái, xuống 6,6% trong năm nay và 4,3% vào năm 2024.

Nhưng cần phải lưu ý rằng vẫn có những rủi ro rõ ràng đối với “triển vọng lành tính hợp lý” được IMF mô tả.

Thứ nhất, Trung Quốc, nơi dịch COVID-19 đang hoành hành, có thể sẽ bị đình trệ hoạt động sản xuất, nếu hệ thống y tế của nước này không thể đối phó kịp với số ca nhiễm virus gia tăng theo cấp số nhân mỗi ngày. Điều đó sẽ tạo ra tác động lan tỏa đến phần còn lại của thế giới, do tầm quan trọng của cơ sở công nghiệp và vai trò của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Hơn nữa, cuộc khủng hoảng bất động sản của Trung Quốc hiện chưa được giải quyết triệt để. Đây vẫn là một “quả bom hẹn giờ” đối với nền kinh tế và hệ thống tài chính của Trung Quốc.

Người tiêu dùng, lực lượng giúp các tổ chức kinh tế, doanh nghiệp của Trung Quốc dựa vào để thúc đẩy sự phục hồi kinh tế, có thể vẫn ở trong trạng thái lo ngại dịch bệnh. Xu hướng lựa chọn tiết kiệm thay vì chi tiêu vẫn có khả năng lớn hơn nhiều so với giai đoạn trước đại dịch.

Thứ hai, cuộc xung đột ở Ukraine đang tiếp diễn và thậm chí có thể gia tăng. Mặc dù EU đã cho thấy khả năng đối phó với cuộc khủng hoảng năng lượng tốt hơn nhiều so với bất kỳ nơi nào khác trên thế giới, nhưng vẫn sẽ là quá sớm để tuyên bố rằng mối đe dọa đối với các doanh nghiệp và hộ gia đình tại EU, do bị hạn chế tiếp cận dầu khí của Nga, đã kết thúc.

Cuối cùng, các yếu tố toàn cầu chưa hoàn toàn ổn định. Tỷ lệ lạm phát có thể đã đạt “đỉnh” nhưng chúng vẫn ở mức cao khó chịu tại các nền kinh tế tiên tiến. Điều đó có nghĩa là lãi suất cũng sẽ tiếp tục ở mức cao khó chịu, gây kìm hãm tăng trưởng.

Tại hầu hết các nền kinh tế (kể cả ở các nước đang phát triển), lãi suất, trong khi gần đạt mức cao nhất, đang tăng và gây thiệt hại cho người tiêu dùng, cũng như doanh nghiệp, đặc biệt là các hộ gia đình và doanh nghiệp mắc nợ cao.

Thanh khoản tại các thị trường tài chính quan trọng còn khá thấp, trong khi các điều kiện tài chính không ổn định, dễ vỡ và dễ bị tổn thương. Cuộc đối đầu mới nhất về trần nợ công trong Quốc hội Mỹ cho thấy việc chỉ cần một yếu tố đơn lẻ cũng có thể dễ dàng châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu khác như thế nào.

Căng thẳng địa chính trị, ngoài cuộc xung đột ở châu Âu, vẫn đang tiếp diễn, đặc biệt là cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc tiếp tục gia tăng.

Do đó, có rất nhiều cảnh báo đối với quan điểm của IMF và một số tổ chức toàn cầu khác rằng, bước vào năm 2023, nền kinh tế thế giới sẽ trở nên “sáng sủa” hơn. Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng các số liệu kinh tế mới phát hành gần đây cho thấy những điều hứa hẹn.

Tuần trước, số liệu thống kê của Mỹ chỉ ra rằng nền kinh tế nước này đã tăng trưởng khiêm tốn, nhưng vững chắc, đạt 2,1% trong năm 2022. IMF dự báo tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ trong năm nay sẽ yếu hơn ở mức 1,4%, nhưng không phải là suy thoái như nhiều người vẫn dự đoán.

Trong khi đó, ngày 30/1, cơ quan thống kê kinh tế của EU đã thông báo rằng nền kinh tế Eurozone đã tăng trưởng 0,1% trong quý IV/2022. Trong nội bộ khối, một số nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với suy thoái, như nền kinh tế Đức đang bị thu hẹp, nhưng nhìn chung kinh tế của Eurozone cho đến nay vẫn tăng trưởng (nhờ đóng góp mạnh mẽ từ Ireland) và đã vượt qua giai đoạn tồi tệ nhất của cuộc xung đột ở Ukraine và việc ECB thắt chặt chính sách tiền tệ.

IMF dự báo kinh tế Eurozone sẽ tăng trưởng 0,7% trong năm nay và 1,6% vào năm 2024. Điều này có nghĩa là sẽ xuất hiện sự trì trệ thay vì suy thoái như mọi dự báo trước đó đã đưa ra.

Cũng trong tuần này, các nhà chức trách Trung Quốc đã công bố chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của tháng 1/2023, cho thấy sức mạnh đáng ngạc nhiên của sự phục hồi sản xuất, sau khi chính sách "Không COVID” chính thức được xóa bỏ.

Chỉ số PMI của ngành dịch vụ đã tăng từ 39,4 (dưới 50 báo hiệu hoạt động bị thu hẹp) lên 54. Đây là lần đầu tiên chỉ số này nằm trong vùng tích cực trong gần sáu tháng qua. Chỉ số PMI sản xuất tăng từ 47 trong tháng 12/2022 lên 50,1 vào tháng 1/2023. Chúng là minh chứng rõ hơn về sự phục hồi đang diễn ra tại nền kinh tế lớn nhất châu Á.

Năm 2022, nền kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng chậm chạp hơn rất nhiều so với tốc độ thường có, chỉ đạt 3% theo các con số thống kê chính thức. IMF dự đoán mức tăng trưởng là 5,2% trong năm nay và 4,5% vào năm 2024, nhờ sự tăng trưởng mạnh mẽ trong khu vực tư nhân và sẽ giúp tạo điều kiện cho sự tăng trưởng mạnh mẽ ở những nơi khác của châu Á.

Nhìn chung, triển vọng mà IMF đưa ra là tăng trưởng kinh tế thế giới trong năm 2023 tương đối khiêm tốn nhưng tích cực, ngoại trừ Vương quốc Anh vẫn đang bị ảnh hưởng bởi Brexit. (IMF dự báo nền kinh tế Anh sẽ chứng kiến mức giảm 0,6% trong năm nay và chỉ tăng trưởng GDP 0,9% vào năm 2024).

Ngày 2/2, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ngày 2/2 đã quyết định nâng lãi suất cơ bản thêm 0,25 điểm phần trăm lên biên độ 4,5-4,75%, mức cao nhất kể từ tháng 10/2007, nhưng có rất ít dấu hiệu cho thấy Fed sắp chấm dứt chu kỳ tăng lãi suất. Đây là lần tăng liên tiếp thứ tám và là đợt tăng lãi suất với mức tăng nhỏ nhất của Fed kể từ khi chu trình thắt chặt chính sách tiền tệ này bắt đầu hồi tháng 3/2022 khi ngân hàng trung ương Mỹ cố gắng kiềm chế lạm phát mà không làm ảnh hưởng đến khả năng phục hồi của nền kinh tế.

Tuyên bố đưa ra sau cuộc họp của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) - cơ quan hoạch định chính sách của Fed - lưu ý rằng lạm phát đã dịu bớt phần nào, nhưng vẫn ở mức cao. Mặc dù các thị trường kỳ vọng cuộc họp trong tuần này sẽ phát đi các dấu hiệu cho thấy Fed sẽ sớm chấm dứt việc tăng lãi suất, nhưng tuyên bố không đưa ra dấu hiệu nào về khả năng này.

Các nhà đầu tư đang kỳ vọng lãi suất của Mỹ sẽ có xu hướng giảm trong nửa cuối năm nay. Việc Fed tiếp tục duy trì lập trường tăng lãi suất sẽ gây áp lực lên các ngân hàng trung ương khác, buộc họ phải tăng lãi suất cao hơn, trong thời gian dài hơn, so với những gì họ có thể làm.

Hành động của các ngân hàng trung ương ở Mỹ, châu Âu, Trung Quốc và cả các nơi khác sẽ có ảnh hưởng đáng kể trong việc xác định kết quả của từng nền kinh tế và nền kinh tế toàn cầu trong năm nay. Nếu không có “bước ngoặt” trong chính sách tiền tệ tại các nền kinh tế trọng điểm, đặc biệt là Mỹ, thì rất khó có thể nhìn thấy được “bước ngoặt” tích cực cho các nền kinh tế nói riêng và kinh tế thế giới nói chung./.

Diệu Linh (P/v TTXVN tại Sydney)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/kinh-te-toan-cau-kiem-tim-buoc-ngoat-moi/280112.html