Kinh tế toàn cầu được dự báo khởi sắc trong năm 2021

Ngày 11-5, Liên hợp quốc tuyên bố, nền kinh tế thế giới sẽ khởi sắc hơn trong năm 2021 so với những dự báo được đưa ra trước đó. Tuy nhiên, sự chậm trễ trong triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin Covid-19 sẽ gây cản trở quá trình phục hồi kinh tế của những quốc gia đang phát triển.

Ảnh minh họa: Reuters

Ảnh minh họa: Reuters

Theo báo cáo triển vọng và tình hình kinh tế thế giới (WESP) mới nhất, tăng trưởng kinh tế toàn cầu dự kiến sẽ đạt 5,4% trong năm 2021, đồng nghĩa với việc tăng trưởng trở lại so với mức giảm 3,6% được ghi nhận vào năm 2020 và cao hơn so với dự báo hồi tháng 1.

Tuy nhiên, triển vọng tăng trưởng ở một số quốc gia ở Nam Á, châu Phi cận Sahara cũng như Mỹ Latinh vẫn “mong manh và không chắc chắn”. Nguyên nhân do những chậm trễ trong quá trình tiêm chủng vắc xin phòng, ngừa Covid-19 tại những quốc gia thuộc các khu vực này.

Chuyên gia kinh tế cao cấp của Liên hợp quốc Elliott Harris nhận định, tình trạng bất bình đẳng về vắc xin giữa các quốc gia và khu vực đang gây ra nguy cơ đáng kể đối với khả năng phục hồi của nền kinh tế toàn cầu vốn đã không đồng đều.

Do đó, việc tiếp cận kịp thời và phổ cập vắc xin Covid-19 sẽ đồng nghĩa với sự khác biệt giữa việc chấm dứt đại dịch hoặc mất thêm nhiều năm tăng trưởng, phát triển và cơ hội.

Trung Quốc và Mỹ là những quốc gia đã đạt được những tiến triển tích cực trong triển khai chiến dịch tiêm một cách nhanh chóng. Hai nền kinh tế hàng đầu thế giới được dự báo sẽ tăng trưởng lần lượt là 8,2% và 6,2% trong năm 2021. Trái lại, nền kinh tế Nigeria dự kiến chỉ tăng trưởng 1,8% trong cùng giai đoạn, trong bối cảnh quốc gia Tây Phi mới thực hiện tiêm chủng cho ít hơn 1% tổng dân số.

Theo Reuters, Liên hợp quốc từ lâu đã đề nghị cung cấp vắc xin cho tất cả quốc gia và kêu gọi thêm các khoản tài trợ dành cho cơ chế tiếp cận vắc xin toàn cầu COVAX của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), nhằm mục đích mua 1,8 tỷ liều vắc xin vào năm 2021 để bảo đảm khả năng tiếp cận công bằng trên toàn cầu.

Trong một báo cáo hồi tháng 3, Liên hợp quốc đã kêu gọi đóng góp ước tính 20 tỷ USD hỗ trợ các quốc gia nghèo tiêm chủng trong năm nay, đồng thời, đề nghị các quốc gia giàu có giảm nợ và đầu tư vào những quốc gia đang phát triển.

Cũng liên quan đến vấn đề vắc xin, hồi đầu tháng 5, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thể hiện sự ủng hộ đối với việc từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ vắc xin Covid-19. Động thái này được đánh giá sẽ mở đường cho các quốc gia khác tự sản xuất vắc xin, qua đó góp phần gia tăng đáng kể nguồn cung toàn cầu.

Thương Nguyệt

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/the-gioi/999099/kinh-te-toan-cau-duoc-du-bao-khoi-sac-trong-nam-2021