Kinh tế thế giới tuần qua

FED cảnh báo nguy cơ tăng rủi ro trong hệ thống tài chính Hoa Kỳ, Moody’s cảnh báo rủi ro từ việc Trung Quốc tăng trưởng chậm lại, các ngân hàng Bulgaria phải nhận ứng cứu từ EU… là những tin đáng chú ý tuần qua.

Tại châu Mỹ, Chủ tịch FED Janet Yellen cảnh báo hệ thống tài chính Hoa Kỳ ngày càng tiềm ẩn nhiều rủi ro, chủ yếu do chính sách duy trì lãi suất thấp kỷ lục từ 0-0,25% trong 5 năm đầu sau khủng hoảng, cộng thêm những biến động trên thị trường.

Đồng thời bà Yellen dự báo nền kinh tế số một thế giới sẽ tăng trưởng vừa phải, động lực tăng trưởng giảm mạnh trong khi tỷ lệ cho vay giảm. Tuy nhiên, Chủ tịch FED cho rằng các nhà hoạch định chưa cần thay đổi các chính sách hiện hành như chính sách tiền tệ, kiểm soát giá cả, tạo việc làm... để đối phó với những rủi ro trong hệ thống tài chính. Theo bà, trong bối cảnh hiện nay, việc thắt chặt chính sách tiền tệ cũng như tăng lãi suất là quyết định "kém khôn ngoan".

Giới chuyên môn dự đoán từ nay tới giữa năm 2015, FED sẽ không tăng mức lãi suất cơ bản ngắn hạn chừng nào nhận thấy kinh tế Hoa Kỳ còn chưa tăng trưởng đủ mạnh. Trong khi đó, chính phủ Puerto Rico đã khiến các nhà đầu tư trái phiếu mất bình tĩnh khi thông qua một luật cho phép các công ty tiện ích công cộng nặng nợ được đàm phán với các trái chủ để tái cấu trúc nợ. Trước động thái này, hãng xếp hạng tín nhiệm Moody's đã hạ bậc tín nhiệm của đảo quốc, cảnh báo luật mới là một dấu hiệu “chuyển đổi áp lực tài chính cho chủ nợ”, có thể dẫn đến vỡ nợ.

Tại châu Âu, EU tuần trước đã phải cung cấp hỗ trợ tín dụng trị giá 2,3 tỷ USD cho các ngân hàng ở Bulgaria, sau khi bùng phát một chiến dịch trên mạng kêu gọi các nhà đầu tư rút tiền vì những nguy cơ hệ thống. Nhiều người gửi tiền hoang mang đã rút tới 550 triệu USD ra khỏi ngân hàng lớn nhất nước Corporate Commercial Bank chỉ trong vòng vài giờ. Ngân hàng Trung ương Bulgaria cho biết có một nỗ lực hệ thống nhằm gây bất ổn cho đất nước thông qua các cuộc tấn công vào hệ thống ngân hàng.

Tại châu Á, hãng Moody’s nhận định điều kiện kinh tế vĩ mô ở các nước ASEAN sẽ đứng trước rủi ro không nhỏ, nếu tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc suy giảm đáng kể xuống mức thấp hơn so với dự báo là 6,5% và 7,5% trong năm nay và năm tiếp theo. Moody's giải thích rằng ASEAN dễ bị tổn thương trước sự suy giảm tăng trưởng rõ rệt ở Trung Quốc bởi thương mại của khu vực với Trung Quốc tăng lên nhanh chóng trong những năm gần đây.

Theo Moody's, nhu cầu của Trung Quốc sắp tới có thể giảm khi nền kinh tế trải qua một quá trình tái cân bằng - đặc trưng của chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cải cách chính sách, tự do hóa thị trường, và thắt chặt tín dụng - và quá trình này có thể làm gia tăng bất ổn cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này.

Châu Á-Thái Bình Dương qua mặt châu Âu trở thành khu vực
có thương mại điện tử lớn nhất thế giới.

Trong khi đó, McKinsey Global Institute (MGI) dự báo châu Á sẽ là trung tâm tài chính mới của thế giới. Hãng cho biết dòng vốn đang chảy mạnh vào các thị trường đang phát triển ở châu Á. Trong năm 2012, châu Á đón khoảng 32% dòng vốn toàn cầu, tăng 55% so với năm 2002. MGI dự báo khoảng 1,8 tỷ người sẽ gia nhập tầng lớp tiêu dùng vào năm 2025, hầu hết là trong các thị trường mới nổi. Và đến năm 2025, thị trường tiêu dùng của các nước này sẽ chi 30.000 tỷ USD mỗi năm - tăng từ mức 12.000 tỷ USD trong năm 2014.

Ở khu vực doanh nghiệp, hãng General Motors tuần trước tuyên bố thu hồi thêm 8,2 triệu xe vì lỗi thiết bị chuyển mạch đánh lửa. Những model thu hồi trong đợt này có thể liên quan đến những vụ tai nạn khiến 3 người chết, nâng tổng số người chết được GM thừa nhận liên quan đến lỗi này lên 16 người. Điều tra cho biết công ty đã biết về lỗi này từ năm 2001.

Nguồn SGGP: http://www.saigondautu.com.vn/pages/20140705/kinh-te-the-gioi-tuan-qua.aspx