Kinh tế thế giới nổi bật (27/1-2/2): Ngoại thương Nga 'không hề hấn' giữa trừng phạt; Mỹ-Trung lại 'có biến'; Hàn Quốc hái 'trái ngọt' từ RCEP

Tăng trưởng toàn cầu năm 2023 sẽ tươi sáng hơn 2022, Nga kiên cường đáng ngạc nhiên giữa vòng vây trừng phạt, Trung Quốc phản đối Mỹ vì cản trở Huawei, Hàn Quốc hưởng lợi nhờ RCEP… là những tin kinh tế thế giới nổi bật tuần qua.

Báo NYT nhận định, nền kinh tế Nga nói chung đã chứng tỏ khả năng phục hồi tốt hơn kỳ vọng của phương Tây. (Nguồn: Getty)

Kinh tế thế giới IMF nâng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023

Ngày 31/1, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) điều chỉnh theo hướng tăng nhẹ dự báo triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 do nhu cầu "phục hồi đáng ngạc nhiên" tại Mỹ và châu Âu, chi phí năng lượng giảm và nền kinh tế Trung Quốc mở cửa trở lại sau khi dỡ bỏ các hạn chế về dịch Covid-19.

Theo báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới của IMF, tăng trưởng toàn cầu vẫn sẽ chậm lại từ mức 3,4% năm 2022 xuống còn 2,9% năm 2023. Tuy nhiên, mức dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu mới nhất này đã cao hơn so với dự báo đưa ra hồi tháng 10/2022 là 2,7% với cảnh báo kinh tế thế giới có nguy cơ dễ rơi vào suy thoái.

IMF cho biết thêm, kinh tế thế giới năm 2024 có thể sẽ tăng tốc nhẹ lên 3,1% nhưng vẫn thấp hơn so với dự báo đưa ra hồi tháng 10/2022 do tác động toàn diện của việc các ngân hàng trung ương tăng lãi suất mạnh hơn làm chậm nhu cầu.

Trong dự báo Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2023, quỹ trên cho rằng, mức tăng trưởng GDP của Mỹ có thể đạt 1,4%, tăng từ mức dự báo 1,0% được đưa ra hồi tháng 10/2022. Năm ngoái, tăng trưởng GDP của Mỹ đạt 2,0%.

Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) cũng đạt tăng trưởng tương tự, với mức tăng trưởng năm 2023 được dự báo là 0,7%, so với mức dự báo 0,5% hồi tháng 10/2022. Năm 2022, kinh tế Eurozone tăng trưởng 3,5%.

Đối với Trung Quốc, IMF điều chỉnh mạnh triển vọng tăng trưởng kinh tế nước này trong năm 2023. Theo đó, GDP của Trung Quốc sẽ tăng từ mức dự báo 4,4% hồi tháng 10/2022 lên 5,2%. Tuy nhiên, trong năm 2024, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc sẽ chậm lại còn 4,5% trước khi ổn định ở mức dưới 4% trong trung hạn trong bối cảnh hoạt động kinh doanh suy giảm và quá trình cải cách cơ cấu chậm lại.

Triển vọng kinh tế Ấn Độ vẫn mạnh mẽ, với các dự báo không thay đổi về mức tăng trưởng năm 2023 giảm xuống 6,1%. Dù vậy, tăng trưởng kinh tế Ấn Độ sẽ phục hồi lên mức 6,8% vào năm 2024, tương tự năm 2022. (Reuters)

Kinh tế Mỹ

* Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ngày 1/2 quyết định nâng lãi suất cơ bản thêm 0,25 điểm phần trăm lên biên độ 4,5-4,75%, mức cao nhất kể từ tháng 10/2007, nhưng có rất ít dấu hiệu cho thấy Fed sắp chấm dứt chu kỳ tăng lãi suất.

Đây là lần tăng liên tiếp thứ 8 và là đợt tăng lãi suất với mức tăng nhỏ nhất của Fed kể từ khi chu trình thắt chặt chính sách tiền tệ này bắt đầu hồi tháng 3/2022 khi ngân hàng trung ương Mỹ cố gắng kiềm chế lạm phát mà không làm ảnh hưởng đến khả năng phục hồi của nền kinh tế. (Reuters)

Kinh tế Trung Quốc

* Ngày 31/1, Trung Quốc lên tiếng phản đối việc Mỹ có kế hoạch áp đặt lệnh cấm hoàn toàn hoạt động xuất khẩu công nghệ của Mỹ cho Tập đoàn công nghệ viễn thông Huawei của quốc gia châu Á.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh tuyên bố, Washington đã cản trở Huawei bằng cách mở rộng khái niệm an ninh quốc gia và kế hoạch trên là hành động độc quyền về công nghệ.

Trước đó, hôm 30/1, tờ Financial Times đưa tin, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ngừng cấp phép cho các công ty của nước này xuất khẩu một số mặt hàng cho Huawei và tiến tới áp đặt lệnh cấm hoàn toàn việc bán công nghệ Mỹ cho tập đoàn này. (THX)

* Dữ liệu chính thức từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố ngày 31/1 cho thấy, hoạt động sản xuất của nước này đã tăng trưởng vào tháng 1/2023, sau 4 tháng suy giảm liên tiếp.

Theo NBS, chỉ số nhà quản lý mua hàng (PMI) - thước đo chính về sản lượng của các nhà máy Trung Quốc - đã tăng lên 50,1 trong tháng này, từ mức 47 ghi nhận trong tháng 12. (AFP)

Kinh tế châu Âu

* Báo cáo ngày 1/2 của Cơ quan Thống kê Liên minh châu Âu (Eurostat) cho thấy, tỷ lệ lạm phát của Eurozone đã giảm trong tháng thứ ba liên tiếp vào tháng 1/2023, xuống còn 8,5%.

Kết quả trên thấp hơn tỷ lệ lạm phát 9,2% của tháng 12/2022 và thấp hơn mức dự báo 9% của công ty dữ liệu tài chính FactSet, chủ yếu nhờ tốc độ tăng giá năng lượng tiếp tục chậm lại.

Lạm phát của Eurozone đang giảm nhanh sau khi ghi nhận mức cao kỷ lục 10,6% trong tháng 10/2022, gấp 5 lần so với lạm phát mục tiêu mà Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đề ra. (AFP)

* Liên minh châu Âu (EU) ngày 27/1 đã quyết định gia hạn các lệnh trừng phạt về kinh tế đối với Nga thêm 6 tháng (tới ngày 31/7/2023).

EU đưa ra lệnh trừng phạt đối với Nga lần đầu tiên vào năm 2014 sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea. Các lệnh trừng phạt này được gia hạn thường xuyên trong 8 năm qua và được mở rộng đáng kể vào tháng 2/2022, liên quan chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine. Tính đến nay, EU đã áp đặt 9 vòng trừng phạt đối với Moscow. (TTXVN)

* Tờ NYT ngày 31/1 đưa tin, hoạt động ngoại thương của Nga phần lớn đã quay trở lại mức trước khi nước này tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào tháng 2/2022. Tờ báo nhận định, nền kinh tế này nói chung đã chứng tỏ khả năng phục hồi tốt hơn kỳ vọng của phương Tây.

Theo một nghiên cứu của Đại học St. Gallen ở Thụy Sỹ được NYT trích dẫn, chưa đến 9% các công ty thuộc EU và các nước Nhóm bảy quốc gia công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) đã chấm dứt quan hệ với đối tác Nga. Nền kinh tế Nga đã chứng tỏ "sự kiên cường một cách đáng ngạc nhiên, đặt ra câu hỏi về tính hiệu quả các biện pháp trừng phạt của phương Tây”.

NYT cũng dẫn số liệu của IMF cho thấy khả năng phục hồi của nền kinh tế Nga. Theo đó, IMF dự báo tăng trưởng của nền kinh tế này năm 2023 sẽ là 0,3%, trong khi dự báo trước đó là suy giảm 2,3%. (TTXVN)

* Theo các nguồn tin thị trường và số liệu của Eikon, các tàu chở dầu của phương Tây đã tăng khối lượng vận chuyển dầu thô của Nga khi giá dầu Urals của nước này dưới mức trần giá mà quốc tế áp đặt (60 USD/thùng).

Hầu hết các loại dầu của Nga vẫn giao dịch dưới mức trần, với giá dầu Urals được vận chuyển bằng đường biển ở mức 49,5 USD/thùng tại cảng Primorsk vào ngày 31/1 và 47,83 USD/thùng tại cảng Novorossiisk.

Lượng dầu thô được xuất đi từ các cảng Primorsk, Ust-Luga và Novorossiisk trong tháng này có thể đạt mức cao kỷ lục nhiều tháng là trên 9,5 triệu tấn, khi nhu cầu của châu Á mạnh, giá dầu phục hồi và lượng tàu lớn hơn.

Các tàu của EU, chủ yếu là của Hy Lạp, vận chuyển trên 2 triệu tấn dầu Urals từ các cảng trên biển Baltic và Biển Đen trong tháng 1, chiếm trên 25% lượng dầu xuất khẩu của Nga từ các cảng này.

Theo tính toán của Reuters dựa trên số liệu của Eikon và thông tin từ các nhà giao dịch, khối lượng dầu các tàu của EU vận chuyển gần gấp đôi so với tháng 12/2022. (TTXVN)

Thủ tướng Đức Olaf Scholz (giữa) dự lễ khai trương cơ sở tiếp nhận khí đốt hóa lỏng đầu tiên của nước này tại cảng Wilhelmshaven, bang Niedersachsen, ngày 17/12. (Nguồn: Getty)

* Đức tỏ ra tự tin về nguồn cung các sản phẩm lọc dầu sau khi EU ngừng nhập khẩu các sản phẩm từ Nga như dầu diesel, xăng hay dầu nhờn từ ngày 5/2 tới.

Phát biểu trước truyền thông, người phát ngôn của Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế và Bảo vệ khí hậu Đức Robert Habeck cho biết, an ninh nguồn cung cấp chung cũng như an ninh nguồn cung nhiên liệu của Đức được đảm bảo, kể cả khi EU ngừng hoàn toàn việc nhập khẩu các sản phẩm lọc dầu từ Nga.

Hiệp hội nhiên liệu và năng lượng Đức cũng khẳng định nguồn cung không bị thiếu hụt, đặc biệt là dầu diesel. Bất chấp xung đột tại Ukraine, trong năm 2022, nước Đức nhập khẩu khoảng 12,5% nhu cầu các sản phẩm lọc dầu từ Nga.

Sau khi ngừng nhập khẩu từ Nga, Đức sẽ chuyển sang các nhà cung cấp thay thế khác từ Mỹ, Tây Âu và Trung Đông. Trong trường hợp khẩn cấp, lượng nhiên liệu dự trữ có thể đáp ứng trong 90 ngày. (TTXVN)

* Ngày 1/2, Giám đốc điều hành tập đoàn cơ sở hạ tầng năng lượng quốc doanh SNAM của Italy Stefano Venier cho biết, nước này cần khẩn trương mở rộng công suất mạng lưới khí đốt của mình và tập đoàn sẽ tìm kiếm các quỹ của EU để hỗ trợ sự phát triển.

SNAM sẽ tiếp tục việc đầu tư theo kế hoạch, trị giá 2,5 tỷ Euro (2,7 tỷ USD) để hoàn thành một đường ống bổ sung có tên là Tuyến Adriatic.

Kế hoạch RePowerEU, chiến lược của EU nhằm cắt giảm sự phụ thuộc năng lượng vào Nga, đã xếp Tuyến Adriatic vào số các dự án đủ điều kiện, khi tuyên bố tuyến đường này sẽ cho phép vận chuyển khí đốt bổ sung từ Azerbaijan, châu Phi và khu vực Đông Địa Trung Hải đến Bắc Âu.

Italy giờ đây cần phải có được sự chấp thuận cuối cùng tại EU. Ông Venier nói: “Vì cơ sở hạ tầng cũng sẽ sẵn sàng cho vận chuyển hydro nên tôi tin tưởng rằng khoản đầu tư sẽ được EU tài trợ”, tuy nhiên không cho biết con số cụ thể. (TTXVN)

Kinh tế Nhật Bản và Hàn Quốc

* Các số liệu thống kê mới nhất của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) cho thấy, trong tháng 1/2023, BoJ đã mua vào hơn 23.690 tỷ Yen trái phiếu chính phủ (JGB) - khoảng 182 tỷ USD nhằm bảo vệ trần lãi suất JGB kỳ hạn 10 năm. Đây là khối lượng trái phiếu lớn nhất từ trước tới nay mà ngân hàng trung ương này từng mua vào trong vòng 1 tháng.

Trước đó, khối lượng trái phiếu cao nhất mà BoJ từng mua vào trong 1 tháng là 16.200 tỷ Yen được ghi nhận vào tháng 6/2022 - thời điểm ngân hàng trung ương này nỗ lực khống chế lãi suất giao dịch JGB kỳ hạn 10 năm ở dưới ngưỡng 0,25%. (TTXVN)

* Số lượng việc làm trung bình của Nhật Bản trong năm 2022 được cải thiện lần đầu tiên sau 4 năm khi các hoạt động kinh tế và xã hội phục hồi sau khi các biện pháp hạn chế dịch Covid-19 được nới lỏng.

Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi cho biết tỷ lệ việc làm trên số người nộp đơn tăng 0,15 điểm so với năm 2021 lên 1,28 nhờ lĩnh vực khách sạn phát triển mạnh hơn.

Con số này vẫn chưa đạt đến mức trước đại dịch là 1,6 trong năm 2019, cho thấy sự phục hồi hoàn toàn sẽ cần thêm thời gian. (Kyodo)

* Cơ quan Hải quan Hàn Quốc (KCS) ngày 1/2 công bố số liệu cho thấy, giá trị xuất khẩu của nước này trong năm 2022 đã đạt 3,3 tỷ USD nhờ tận dụng Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).

Theo KCS, kết quả trên đạt được sau khi RCEP có hiệu lực vào tháng 2/2022. Tổng giá trị nhập khẩu theo thỏa thuận mới lên tới 5,6 tỷ USD.

Xuất khẩu của Hàn Quốc sang Nhật Bản đạt 2,2 tỷ USD, chiếm 67,3% trong tổng giá trị, tiếp theo là Trung Quốc với 27,7% và Thái Lan với 2,4%. (Yonhap)

Kinh tế ASEAN và các nền kinh tế mới nổi

* Ngày 31/1, nhà kinh tế trưởng của IMF Pierre-Olivier Gourinchas cho biết, IMF hạ dự báo tăng trưởng của Singapore và các nền kinh tế Đông Nam Á khác trong năm 2023, do tốc độ tăng trưởng toàn cầu chậm lại sẽ lấn át tác động tích cực từ việc Trung Quốc mở cửa trở lại nền kinh tế.

Chuyên gia Gourinchas cho rằng, yếu tố trên đã khiến IMF hạ dự báo tăng trưởng GDP của Singapore trong năm 2023 từ mức 2,3% được đưa ra hồi tháng 10/2022 xuống 1,5%.

Đối với nhóm 5 nước ASEAN gồm Singapore, Malaysia, Việt Nam, Indonesia và Philippines, IMF cũng hạ dự báo tăng trưởng kinh tế năm nay từ mức 4,5% đưa ra hồi tháng 10 năm ngoái xuống 4,3%. Theo IMF, tăng trưởng kinh tế của nhóm này năm 2024 dự kiến ở mức 4,7%, giảm 0,2 điểm phần trăm so với dự báo trước đó. (TTXVN)

* Bộ Công nghiệp Thái Lan cho biết, sản lượng của các nhà máy trong tháng 12/2022 giảm nhiều hơn dự kiến do suy thoái toàn cầu ảnh hưởng đến nhu cầu đối với hàng xuất khẩu của nước này.

Theo đó, chỉ số sản xuất công nghiệp (MPI) trong tháng 12/2022 đã giảm 8,19% so với cùng kỳ năm 2021, chủ yếu do sản lượng ổ đĩa cứng và hạt nhựa giảm.

Trong một tuyên bố, bộ này lưu ý thêm rằng, sản lượng của các nhà máy có thể giảm tiếp tục giảm trong tháng 1/2023 do nhu cầu toàn cầu chậm lại bất chấp một số hỗ trợ từ hoạt động trong nước gia tăng.

Tuy nhiên, Bộ trên vẫn dự báo sản lượng các mặt hàng công nghiệp sẽ tăng từ 2,5-3,5% trong năm 2023, sau khi tăng nhẹ 0,62% vào năm 2022.

Hàng hóa công nghiệp chiếm khoảng 80% tổng kim ngạch xuất khẩu của Thái Lan. (TTXVN)

* Tổng thống Indonesia Joko Widodo nhấn mạnh, nước này sẽ sớm công bố chính thức chính sách ngừng xuất khẩu đồng dạng thô, giống như các bước tương tự đối với nickel và bauxite.

Tại Diễn đàn Đầu tư Mandiri 2023, Tổng thống Jokowi khẳng định: “Bauxite sẽ dừng xuất khẩu vào tháng Sáu. Tiếp sau đó, tôi sẽ sớm công bố việc dừng khai thác đồng thô trong năm nay”.

Tổng thống cho biết, quyết định ngừng xuất khẩu đồng dựa trên kết quả đánh giá tiến độ xây dựng các nhà máy luyện kim thuộc Tổng công ty Freeport Indonesia tại Đông Java và Tây Nusa Tenggara. Các cơ sở luyện kim này đều đã đạt trên 50% mục tiêu dự kiến. (TTXVN)

(tổng hợp)

Hải An

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/kinh-te-the-gioi-noi-bat-271-22-ngoai-thuong-nga-khong-he-han-giua-trung-phat-my-trung-lai-co-bien-han-quoc-hai-trai-ngot-tu-rcep-215145.html