Kinh tế thế giới nổi bật (21-27/7): Nga 'cấm cửa' thủy sản từ các nước không thân thiện, Czech lo khí đốt cho mùa Đông, Mỹ tăng lãi suất

IMF nâng dự báo tăng trưởng toàn cầu, Mỹ tăng lãi suất lần thứ 11, Nga ra tay với thủy sản từ các quốc gia không thân thiện, EU hỗ trợ Ukraine xuất khẩu nông sản Trung Quốc thúc đẩy đầu tư tư nhân vào lĩnh vực quan trọng… là những tin kinh tế thế giới nổi bật tuần qua.

Các đoàn tàu chở hàng hóa nhập khẩu vào Nga tại Kaliningrad. (Nguồn: Reuters)

Kinh tế thế giới

IMF nâng nhẹ dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2023

Ngày 25/7, trong báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới mới nhất, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nâng nhẹ dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2023 nhờ lĩnh vực dịch vụ ổn định trong quý I.

Quỹ này cho biết, lạm phát đang chậm lại và căng thẳng trong lĩnh vực ngân hàng đã giảm bớt, song nền kinh tế toàn cầu vẫn phải đối mặt với nguy cơ suy giảm và tín dụng thắt chặt.

IMF dự báo, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế toàn cầu là 3% cho năm 2023, tăng 0,2 điểm phần trăm so với dự báo hồi tháng 4/2023, nhưng vẫn giữ nguyên triển vọng cho năm 2024 ở mức 3%.

Mức tăng trưởng nói trên vẫn yếu hơn so với các tiêu chuẩn lịch sử và thấp hơn nhiều so với mức trung bình hằng năm 3,8% đạt được trong giai đoạn 2000-2019, phần lớn là do hoạt động sản xuất suy giảm ở các nền kinh tế tiên tiến và có thể duy trì ở mức này trong nhiều năm tới.

Nhà kinh tế trưởng Pierre-Olivier Gourinchas của IMF cho rằng, tăng trưởng của kinh tế toàn cầu 5 năm tới là gần 3%, có thể cao hơn. Đây là một sự suy giảm đáng kể so với tốc độ trước đại dịch Covid-19.

Ông nói thêm, điều này có liên quan đến tình trạng già hóa dân số toàn cầu, đặc biệt là ở các quốc gia như Trung Quốc, Đức và Nhật Bản. Các công nghệ mới có thể tăng năng suất trong những năm tới, nhưng ngược lại, điều đó có thể gây xáo trộn thị trường lao động.

Trong báo cáo, IMF nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ năm 2023 lên 1,8%, tăng 0,2 điểm phần trăm so với mức dự kiến đưa ra vào tháng 4/2023, nhờ lĩnh vực tiêu dùng tăng trưởng tốt trong quý I năm nay.

Các nền kinh tế phát triển được dự báo tăng 1,5% vào năm 2023, tăng 0,2 điểm phần trăm so với mức dự báo hồi tháng 4/2023 và tăng 1,4% vào năm 2024.

Kinh tế Mỹ

* Ngày 26/7, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã tăng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm, nâng lãi suất chính sách lên mức cao nhất trong vòng 22 năm và để ngỏ khả năng sẽ tiếp tục có một đợt tăng lãi suất khác.

Đây là lần tăng lãi suất thứ 11 trong 12 cuộc họp gần nhất của Fed, nâng lãi suất chuẩn của ngân hàng trung ương Mỹ lên khoảng 5,25% - 5,50%, mức cao nhất kể từ năm 2001. (Reuters)

Kinh tế Trung Quốc

* Quỹ đầu tư quốc gia Singapore GIC, một trong những nhà đầu tư lớn nhất thế giới, có kế hoạch đầu tư vào các công ty Trung Quốc làm ăn trong nước và không xuất khẩu sang Mỹ.

GIC nhấn mạnh, việc khai thác thị trường Trung Quốc rất quan trọng đối với việc đa dạng danh mục đầu tư. Cam kết tiếp tục đầu tư vào Trung Quốc của GIC được đưa ra trong bối cảnh chính phủ nước này đang nỗ lực "tiếp sức" cho sự phục hồi sau đại dịch.

Theo công ty Singapore, Trung Quốc hiện có nhiều quy định rõ ràng hơn và niềm tin kinh doanh đang quay trở lại. (Reuters)

* Trung Quốc ngày 24/7 đã công bố các biện pháp tìm cách thúc đẩy, khuyến khích và đẩy mạnh đầu tư tư nhân vào một số lĩnh vực cơ sở hạ tầng, đồng thời khẳng định sẽ tăng cường hỗ trợ tài chính cho các dự án tư nhân.

Trong một tuyên bố, Ủy ban Cải cách và phát triển quốc gia (NDRC) Trung Quốc cho biết, nước này muốn thu hút thêm vốn tư nhân để tham gia xây dựng các công trình trọng điểm quốc gia. Theo NDRC, sẽ có một danh sách các lĩnh vực từ vận tải, nước, năng lượng sạch, cơ sở hạ tầng mới đến sản xuất tiên tiến và nông nghiệp hiện đại để các nhà đầu tư tư nhân lựa chọn tham gia. (THX)

Kinh tế châu Âu

* Ngày 25/7, Bộ trưởng Nông nghiệp các nước EU đã nhóm họp tại Brussels (Bỉ) để thảo luận về vấn đề ngũ cốc của Ukraine, sau khi Nga rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen. Một trong những nội dung chính của hội nghị là kế hoạch hỗ trợ xuất khẩu ngũ cốc Ukraine bằng đường bộ.

Ủy viên Nông nghiệp EU Janusz Wojciechowski khẳng định, liên minh sẵn sàng xuất khẩu gần như toàn bộ nông sản Ukraine qua các tuyến đường trên bộ và có thể hỗ trợ về chi phí. (Reuters)

* Ủy ban châu Âu (EC) mới đây đã thông qua chương trình trị giá khoảng 47 triệu Euro của Ba Lan nhằm hỗ trợ sản xuất nông nghiệp. Chương trình sẽ giúp các nhà sản xuất nông nghiệp đang phải vật lộn với tình trạng thiếu thanh khoản do giá giống tăng.

Khoản hỗ trợ được cung cấp sẽ không vượt quá 250.000 Euro cho mỗi đối tượng được thụ hưởng và sẽ được cấp muộn nhất vào ngày 31/12/2023. (AFP)

* Tập đoàn năng lượng Czech (CEZ) đang tập trung nỗ lực nhằm đảm bảo khí đốt chuẩn bị cho mùa Đông sắp tới.

Theo CEZ, trong nửa đầu năm 2023, Czech đã nhập khẩu hơn 1 tỷ m3 khí đốt thông qua cơ sở LNG Eemshaven của Hà Lan. Lượng khí đốt này được 12 tàu vận chuyển từ Mỹ và tương đương 15% nhu cầu cả năm của quốc gia Đông Âu.

CEZ cho biết thêm, khí đốt nhập khẩu từ Na Uy đáp ứng phần còn lại trong tổng lượng tiêu thụ của CH Czech. (TTXVN)

* Trong cuộc họp với chính phủ về các vấn đề kinh tế ngày 25/7, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhận định, lạm phát ở Nga hiện ở mức vừa phải, nhưng có nguy cơ tăng tốc. Theo Tổng thống Nga, mặc dù có một số chỉ số tích cực trong nền kinh tế, các cơ quan chức năng nhận thấy những rủi ro chính đối với phát triển kinh tế - xã hội, mà một trong số đó là lạm phát gia tăng.

Về tốc độ tăng trưởng GDP, ông Putin tin tưởng chỉ số này trong năm 2023 sẽ tăng trưởng đủ để bù đắp hoàn toàn cho sự sụt giảm của năm 2022, kỳ vọng GDP của cả năm 2023 sẽ tăng trưởng hơn 2%. (TTXVN)

* Ngày 25/7, Cơ quan báo chí của Bộ Phát triển Kinh tế Liên bang Nga cho hay, chính phủ nước này đã áp đặt lệnh cấm nhập khẩu thủy sản thành phẩm từ các quốc gia không thân thiện, và khoảng trống thị trường sẽ được đảm bảo bởi các nhà sản xuất trong nước, là những công ty có năng lực có thể đáp ứng đầy đủ nhu cầu thị trường nội địa.

Cũng theo bộ trên, các công ty Nga sẽ có cơ hội tăng khối lượng sản xuất, mở rộng phạm vi hoạt động và tăng số lượng việc làm. (TASS)

* Nội các Đức ngày 26/7 thông qua chiến lược hydro cập nhật, bao gồm các hướng dẫn cho quá trình sản xuất hydro và kế hoạch cơ sở hạ tầng giao thông, trong bối cảnh nền kinh tế lớn nhất châu Âu đặt mục tiêu trung hòa khí thải carbon vào năm 2045.

Trong chiến lược mới, Berlin đã nâng mục tiêu tổng công suất điện phân vào năm 2030 lên ít nhất 10 gigawatt (GW) so với mức 5 GW trước đây. Chiến lược cập nhật cho thấy nhu cầu hydro của Đức ở mức 95 đến 130 terawatt giờ (TWH) vào năm 2030, trong đó khoảng 50-70% sẽ là nguồn nhập khẩu. (TTXVN)

* Không chỉ đối mặt với vụ kiện tập thể ở Anh, tập đoàn công nghệ Apple của Mỹ cũng đang gặp rắc rối ở Pháp khi Cơ quan Giám sát chống độc quyền của Pháp ngày 25/7 lo ngại tập đoàn này có thể đã áp dụng “các điều kiện phân biệt đối xử và không minh bạch” để sử dụng dữ liệu của người dùng cho mục đích quảng cáo trên iPhone.

Theo cơ quan trên, tuyên bố này mở đầu cho một tiến trình chống độc quyền phù hợp, trong đó Apple sẽ có thể bày tỏ quan điểm của mình. (AFP)

Kinh tế Nhật Bản và Hàn Quốc

* Thứ trưởng Tài chính phụ trách các vấn đề quốc tế của Nhật Bản Masato Kanda ngày 24/7 cho biết, lạm phát và tăng trưởng tiền lương gần đây đang vượt quá kỳ vọng, cho thấy các công ty đang thay đổi các hoạt động dựa trên những giả định về việc giá cả sẽ không tăng nhiều.

Theo ông Kanda, Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) có thể điều chỉnh lại dự báo lạm phát tại cuộc họp chính sách hai ngày, kết thúc vào 28/7. Ông nói thêm rằng nếu theo dõi những dữ liệu hiện có cho đến nay, chúng ta có thể nhận thấy các dự báo lạm phát của BoJ đã được nâng lên. (Reuters)

Lạm phát và tăng trưởng tiền lương gần đây tại Nhật Bản đang vượt quá kỳ vọng. (Nguồn: AFP/TTXVN)

* IMF ngày 25/7 hạ triển vọng tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc năm 2023 xuống 1,4%, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu tiếp tục đối mặt nhiều “thách thức dai dẳng”.

Dự báo này đánh dấu mức giảm 0,1 điểm phần trăm so với ước tính 1,5% của IMF hồi tháng 4/2023 về tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ 4 châu Á. Tuy nhiên, số liệu mới cập nhật của IMF phù hợp với dự báo mới nhất của chính phủ và Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BoK) đưa ra hồi đầu tháng này.

Tuần trước, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng hạ triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế Hàn Quốc 0,2 điểm phần trăm xuống 1,3% trong năm nay.

Trong báo cáo mới nhất, IMF giữ nguyên dự báo triển vọng tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc trong năm 2024 là 2,4%. (Reuters)

* Khảo sát của BoK cho thấy, kỳ vọng lạm phát tại Hàn Quốc trong tháng 7/2023 giảm xuống mức thấp nhất trong hơn một năm, theo xu hướng giảm giá tiêu dùng.

Người tiêu dùng Hàn Quốc trong khảo sát tháng 7/2023 nhận định, giá tiêu dùng tăng 3,3% trong năm tới, giảm 0,2 điểm phần trăm so với khảo sát một tháng trước.

Dự báo trên bằng với mức tăng 3,3% của tháng 5/2022. (Yonhap)

Kinh tế ASEAN và các nền kinh tế mới nổi

* Ngày 25/7, chính phủ Indonesia cho biết, nước này sắp khởi công xây dựng nhà máy sản xuất tấm pin năng lượng Mặt trời tích hợp có quy mô lớn nhất khu vực Đông Nam Á, mặc dù tên của nhà đầu tư vào dự án này vẫn chưa được công bố.

Dự án trên sẽ được Tổng thống Joko Widodo (Jokowi) khởi công vào cuối tháng 7 hoặc đầu tháng 8 tới. Nhà máy này sẽ giúp cả Indonesia và ASEAN đạt tỷ trọng 23% năng lượng tái tạo vào năm 2025 và mục tiêu cuối cùng là phát thải ròng bằng 0. (TTXVN)

* Bộ Tài chính Thái Lan đã hạ triển vọng tăng trưởng kinh tế năm 2023 từ mức 3,6% được dự đoán trước đó xuống còn 3,5%, do nhu cầu toàn cầu ảm đạm đã cản trở hoạt động xuất khẩu, dù lĩnh vực du lịch phục hồi mạnh mẽ.

Xuất khẩu, động lực chính của nền kinh tế Thái Lan, được dự báo sẽ giảm 0,8% trong năm nay, so với dự báo trước đó là giảm 0,5%.

Bộ Tài chính dự đoán lạm phát trung bình ở mức 1,7% trong năm nay, thấp hơn mức 2,6% được dự báo trước đó và giảm mạnh so với mức 6,08% trong năm ngoái. (TTXVN)

* Cục Thống kê Malaysia (DOSM) cho biết, tốc độ tăng của Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của nước này ở mức 2,4% trong tháng 6/2023, mức thấp nhất được ghi nhận kể từ đầu năm 2023.

Mức tăng của lạm phát chậm hơn trong tháng 6/2023 là do một số ngành có mức tăng yếu như nhà hàng và khách sạn 5,4%, thực phẩm và đồ uống không cồn 4,7%...

Trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, tỷ lệ lạm phát ở Malaysia thấp hơn so với Hàn Quốc, Indonesia và Philippines. (TTXVN)

Hải An

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/kinh-te-the-gioi-noi-bat-21-277-nga-cam-cua-thuy-san-tu-cac-nuoc-khong-than-thien-czech-lo-khi-dot-cho-mua-dong-my-tang-lai-suat-236097.html