Kinh tế quý I: Sẵn sàng tâm thế phục hồi tăng trưởng

Những số liệu tích cực về tình hình tế quý I năm 2024 với tăng trưởng GDP đạt 5,66% cao nhất cùng quý kể từ năm 2020 đến nay, chỉ số giá tiêu dùng trong tầm kiểm soát tăng 3,77%, kinh tế vĩ mô ổn định cho thấy nền kinh tế tiếp tục xu hướng phục hồi, phát triển, khẳng định sự thành công trong điều hành của hệ thống chính trị.

Kết quả này cũng khẳng định mục tiêu ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đứng trước giữ vững ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn như Nghị quyết 01/NQ-CP về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 đề ra. Điều này cũng khẳng định quyết tâm cao của toàn hệ thống chính trị trong thực hiện mục tiêu tăng trưởng từ 6 - 6,5% trong năm nay nhằm bứt phá chặng đường thực hiện kế hoạch 5 năm 2021 – 2025.

Dự án cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo đã cơ bản hoàn thành các hạng mục cầu đường. Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN

Tháo gỡ kịp thời

Với một quyết tâm cao, ngay từ đầu năm, người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì nhiều hội nghị quan trọng liên quan đến nguồn vốn, tín dụng, thúc đẩy công trình trọng điểm, nhà ở xã hội cũng như làm việc trực tiếp tại các tỉnh, thành phố để lắng nghe, chỉ đạo, tháo gỡ những bất cập tạo mọi điều kiện tốt nhất cho địa phương, người dân và doanh nghiệp.

Trên tinh thần cầu thị, dứt khoát, nhiều quyết sách đã được Chính phủ đề ra ngay tại các hội nghị quy mô toàn quốc, các công điện ngay sau đó hay các buổi làm việc trực tuyến, trực tiếp trên công trường, tại các địa phương đã kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, địa phương...

Xác định năm 2024 là năm tăng tốc của các công trình trọng điểm, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, cả nước sẽ dành 657.000 tỷ đồng cho đầu tư công; trong đó, chủ yếu là đầu tư hạ tầng giao thông và phấn đấu đạt tỉ lệ giải ngân ít nhất 95%.

Ngay trong hai ngày mùng 3 và mùng 4 Tết Nguyên đán Giáp Thìn, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã kiểm tra, chúc Tết tại 5 dự án trọng điểm ngành giao thông vận tải khu vực Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Đồng Nai và tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu để kịp thời chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn vướng mắc, động viên khích lệ người lao động.

Ngay sau đó, sáng 16/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải cũng chủ trì họp Phiên thứ 9 của Ban Chỉ đạo với đầu cầu 46 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đang có các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải. Tại đây, Thủ tướng chỉ đạo các đơn vị liên quan phải chủ động, phối hợp giải quyết các vướng mắc phát sinh trên thực tế theo thẩm quyền, có trọng tâm, trọng điểm, không né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, trên tinh thần “vướng mắc, khó khăn ở đâu tháo gỡ ở đó; vướng mắc, khó khăn ở cấp nào thì cấp đó giải quyết; thuộc trách nhiệm của bộ, ngành nào thì bộ, ngành đó phải giải quyết”.

Tại phiên họp thứ 10, diễn ra ngày 29/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo các doanh nghiệp dự án, nhà thầu tập trung hoàn thiện các thủ tục, thi công “3 ca, 4 kíp”, “vượt nắng, thắng mưa”, “bàn làm, không bàn lùi”, bảo đảm hoàn thành 2 dự án thành phần đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt, Cam Lâm - Vĩnh Hảo theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/4/2024. Mặt khác, đôn đốc các nhà thầu hoàn thành các công việc để khai thác các mỏ vật liệu xây dựng, tranh thủ điều kiện thời tiết thuận lợi, đẩy mạnh thi công các dự án thành phần thuộc cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025, các dự án đường bộ trục Đông Tây như Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột và Biên Hòa - Vũng Tàu.

Mới đây nhất, tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024 tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu ngành ngân hàng phải đặt mình vào địa vị doanh nghiệp và doanh nghiệp phải đặt mình vào địa vị của ngân hàng để giải quyết những khúc mắc và sự chia sẻ trong giải ngân vốn tín dụng. Người đứng đầu Chính phủ cũng lưu ý ngành ngân hàng phải bám sát tình hình và yêu cầu thực tiễn, phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả đồng thời phải kiên trì, kiên định, kiên quyết thực hiện được các mục tiêu chiến lược đề ra; không điều hành "giật cục".

Điện là yếu tố quan trọng trong ổn định quá trình sản xuất, vì vậy, khắc phục tình trạng thiếu điện xẩy ra trong năm 2023, ngay từ đầu năm, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các đơn vị trực thuộc… có kế hoạch điều tiết đảm bảo nguồn điện cho sản xuất, đồng thời phát triển nguồn điện mới. Trực tiếp Thủ tướng Phạm Minh Chính đôn đốc các địa phương giải quyết các vướng mắc trong triển khai dự án đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch (Quảng Bình) đến Phố Nối (Hưng Yên) đảm bảo mục tiêu hoàn thành trước ngày 30/6/2024. Đây là dự án trọng điểm quốc gia, cấp bách, có vai trò quan trọng đối với an ninh năng lượng quốc gia, nhất là đối với khu vực miền Bắc.

Nhờ những quyết sách kịp thời, kinh tế quý I/2024 đạt kết quả tích cực trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn, khẳng định chính sách quản lý và điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương từng bước phát huy hiệu quả.

Theo đó, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2024 ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, cao nhất của quý I trong 4 năm trở lại đây. Cụ thể, khu vực công nghiệp và xây dựng khởi sắc với tốc độ tăng giá trị tăng thêm đạt 6,28%; trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,98% (trong khi cùng kỳ ngoái giảm 0,37% so với cùng kỳ năm trước), ngành xây dựng tăng 6,83% đã lấy lại vai trò là động lực tăng trưởng của nền kinh tế. Khu vực dịch vụ vẫn giữ được vai trò dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế với tốc độ tăng đạt 6,12%.

Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục vẫn đóng vai trò trụ cột, bệ đỡ của nền kinh tế với mức tăng 2,98%, đóng góp 6,09% vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Trong khu vực dịch vụ, các hoạt động thương mại diễn ra sôi động, du lịch phục hồi mạnh mẽ nhờ hiệu quả của chính sách thị thực thuận lợi và chương trình kích cầu du lịch.

Thu hút đầu tư nước ngoài tiếp tục là điểm sáng với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt hơn 6,17 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, vốn đăng ký mới đạt trên 4,77 tỷ USD, tăng gần 58% so với cùng kỳ năm ngoái. Đã có 62 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại 42 tỉnh, thành phố trên cả nước trong quý I.

Trong quý I, đánh dấu sự bứt phá về xuất nhập khẩu so với cùng năm trước khi năm 2023 tăng trưởng âm thì quý này đạt mức tăng trưởng 15,5%. Cụ thể, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa quý I đạt 178,04 tỷ USD; trong đó xuất khẩu hàng hóa ước đạt 93,06 tỷ USD, tăng 17%, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 84,98 tỷ USD, tăng 13,9%.

Đáng chú ý, về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu, nhóm hàng công nghiệp chế biến ước đạt 82,02 tỷ USD, chiếm 88,1%. Về nhóm hàng nhập khẩu, nhóm hàng tư liệu sản xuất ước đạt 79,9 tỷ USD, chiếm 94%. Nhập khẩu tư liệu sản xuất đã tăng cao trở lại đạt mức 14,5%, phản ánh sản xuất của nền kinh tế đã có dấu hiệu phục hồi.

Trong quý I/2024, ghi nhận sự gia nhập và quay trở lại hoạt động của 60 nghìn doanh nghiệp; bình quân một tháng có gần 20 nghìn doanh nghiệp gia nhập thị trường, tăng gần 1.000 doanh nghiệp trở lại hoạt động/tháng so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy vậy, trong quý này có 74 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, hoàn tất thủ tục giải thể; bình quân một tháng có gần 24,7 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Điều này cho thấy khu vực doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn trong thời gian tới.

Khơi thông sức mạnh các động lực

Hoạt động xuất khẩu hàng hóa trên cụm cảng Cái Mép - Thị Vải, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN

Theo TS Nguyễn Bích Lâm, xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ vẫn là động lực quan trọng, vì vậy, chuyên gia này đề nghị Chính phủ cần khẩn trương nắm bắt các ngành, lĩnh vực nào sẽ trở thành xu hướng phát triển của kinh tế thế giới trong thời gian tới, kịp thời sửa đổi và bổ sung Chiến lược tăng trưởng dựa vào xuất khẩu để đưa kinh tế Việt Nam hòa vào dòng chảy, thuộc nhóm đi tiên phong trên một số lĩnh vực của kinh tế thế giới.

Ngoài ra, Chính phủ cần khẩn trương xây dựng chiến lược, với các giải pháp toàn diện, đồng bộ, kế hoạch và lộ trình thực hiện chi tiết, cụ thể để tạo dựng và phát triển một số ngành, lĩnh vực sẽ đóng vai trò là động lực tăng trưởng mới của nền kinh tế như: lĩnh vực công nghệ cao, chíp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo; kinh tế tuần hoàn; năng lượng tái tạo.

Đề cập tới vai trò quan trọng của đầu tư công, PGS-TS Phan Thế Công, Trưởng Khoa Kinh tế - Trường Đại học Thương mại kiến nghị Chính phủ và các địa phương cần đổi mới công tác lập, phân bổ kế hoạch và thẩm định dự án đầu tư công để mỗi dự án trở thành công trình hiệu quả. Đặc biệt, Chính phủ xây dựng chiến lược, kế hoạch và chương trình đầu tư công phù hợp, đáp ứng đúng và trúng nhu cầu đầu tư của từng ngành, lĩnh vực, địa phương.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần chủ động đảm bảo cung ứng điện phục vụ nhu cầu điện tiêu dùng và sản xuất đặc biệt trong những tháng cao điểm trong quý II, quý III. Đồng thời thực hiện các phương án ổn định giá cả nguyên vật liệu đầu vào, nguyên vật liệu xây dựng bảo đảm cân đối cung cầu. Cùng với đó, phát triển mạnh và nâng cao chất lượng dịch vụ logistics, đó là cầu nối hiệu quả trong việc lưu thông hàng hóa trong nước và quốc tế, thúc đẩy mạnh mẽ xuất, nhập khẩu.

Đối với khu vực doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Hương đề nghị các doanh nghiệp tăng cường gắn kết lưu thông với sản xuất, đẩy mạnh liên kết chuỗi nhằm kết nối cung cầu; đảm bảo phân phối sản phẩm hàng hóa gắn với quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm; thúc đẩy mạnh mẽ mô hình chuỗi liên kết phát triển nông nghiệp gắn với công nghiệp và xuất khẩu. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng chủ động tìm kiếm và tích cực mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, chủ động áp dụng khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và tính cạnh tranh.

Về đảm bảo nguồn vốn tín dụng cho sản xuất, kinh doanh, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Thanh Hà cho rằng, tín dụng đầu năm tăng thấp chủ yếu do yếu tố mùa vụ của dịp Tết Nguyên đán và khả năng hấp thụ vốn chưa cao, tuy nhiên đã phục hồi trong tháng 3. Thanh khoản dồi dào và dư địa tăng trưởng tín dụng còn nhiều để các tổ chức tín dụng cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế trong thời gian tới.

Về các động lực tăng trưởng mới, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết, nhiều địa phương đã sẵn sàng các điều kiện cần thiết để thu hút các nhà đầu tư lớn thế giới trong ngành điện tử bán dẫn. Đó là hạ tầng đất đai với mặt bằng sạch; hạ tầng giao thông chiến lược kết nối các trung tâm kinh tế, cảng biển, sân bay cũng đang được tăng cường. Ngoài ra, các địa phương cũng chuẩn bị sẵn sàng các vấn đề về công nghệ thông tin, điện, nước, hạ tầng xã hội cho công nhân trong ngành bán dẫn.

Quốc hội cũng đã thông qua Nghị quyết giao Chính phủ xây dựng Nghị định về Quỹ hỗ trợ đầu tư; trong đó dự kiến sẽ có những hỗ trợ thích đáng đối với lĩnh vực công nghệ cao, điện tử, bán dẫn. Hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang khẩn trương dự thảo Nghị định này và sẽ trình Chính phủ ban hành trong thời gian sắp tới.

Với những biến động khó đoán định của tình hình thế giới; trong nước tiếp tục khó khăn về nguồn vốn, đơn hàng, thủ tục hành chính chưa hoàn toàn thuận lợi, 3/4 chặng đường của năm đòi sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị và sự nhiệt tình, tâm huyết, trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm 2024.

Thu Hạnh (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/kinh-te-quy-i-san-sang-tam-the-phuc-hoi-tang-truong-20240330065202946.htm