Kinh tế Qatar đủ mạnh để đối mặt khó khăn

Theo các chuyên gia phân tích, mặc dù bị trừng phạt bởi các nước láng giềng Ả Rập, nhưng nền kinh tế của Qatar vẫn đủ mạnh để tiếp tục tồn tại.

Thủ đô Doha của Qatar

Kể từ ngày 5.6, Ả Rập Xê Út cùng các đồng minh là Bahrain, Ai Cập và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) đã đóng cửa đường hàng không, đường biển đồng thời áp đặt lệnh trừng phạt kinh tế lên Qatar vì cho rằng quốc gia vùng Vịnh đã hỗ trợ khủng bố. Tuy nhiên, cho đến nay các trung tâm mua sắm tại thủ đô Doha vẫn bận rộn và đông đúc hơn bao giờ hết.

Theo Channel News Asia, Qatar còn nhận được sự giúp sức của Thổ Nhĩ Kỳ và Iran về nguồn cung lương thực nhằm chống lại các biện pháp chế tài và những động thái kiềm chế thương mại từ các nước láng giềng.

“Trong trung và dài hạn, có lẽ người sống ở đây sẽ cảm thấy các ảnh hưởng. Nhưng hiện tại chúng tôi không thấy có sự khác biệt lớn nào”, Mohamed Ammar, người đứng đầu Hiệp hội Doanh nhân Qatar, nói.

Theo ông Rashidbin Ali al-Mansoori, Giám đốc điều hành Sở Giao dịch chứng khoán Qatar, điều tồi tệ nhất đã qua đi, sau khi sàn chứng khoán có vốn hóa lớn nhất Trung Đông sụt giảm 7% vào ngày 5.6 và mất trung bình gần 10% trong ba ngày đầu của cuộc khủng khoảng ngoại giao.

“Chúng tôi rất ngạc nhiên và thị trường cũng rất ngạc nhiên vì Qatar đã phản ứng không quá nghiêm trọng theo chiều hướng tiêu cực với những tin tức không hay. Kinh tế Qatar rất mạnh, có thể nói là một trong những nền kinh tế mạnh nhất khu vực. Sự tin tưởng của các nhà đầu tư và sự tự tin của thị trường Qatar vẫn còn đó”, ông Mansoori cho hay.

Gần đây, có một số đánh giá cho rằng nền kinh tế Qatar bắt đầu cho thấy “sự căng thẳng” khi khoản tiền gửi ngoại tệ tại các ngân hàng của nước này đã giảm nhiều, gây áp lực thanh khoản cho doanh nghiệp và chính phủ.

“Sự không chắc chắn sẽ khiến các ngân hàng và quỹ đầu tư rút tiền ra khỏi Qatar”, Amy McAlister, chuyên gia của công ty tư vấn Oxford Economics nói. Đồng thời cho biết dự trữ tài chính của Qatar đang ở mức thấp nhất kể từ tháng 5.2012.

Tuy nhiên, các nhà phân tích vẫn tin tưởng rằng sau Nga và Iran, Qatar, chủ sở hữu trữ lượng khí đốt tự nhiên lớn thứ ba thế giới, sẽ là nước có khả năng chịu đựng bền bỉ với một cuộc đối đầu lâu dài.

“Không giống như các nước khác, Qatar là nước có sức cạnh tranh mạnh mẽ ở Trung Đông. Họ có nền kinh tế và hệ thống tài chính được xếp vào loại ổn định nhất. Thậm chí nếu phải thanh lý một số khoản đầu tư ở nước ngoài, họ vẫn có thể làm được, nhưng tại thời điểm này, điều đó không nằm trong danh sách hành động của họ”, Andreas Krieg, nhà phân tích rủi ro chiến lược kiêm trợ lý giáo sư tại Đại học King’s College London, nói.

Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), quốc gia vùng Vịnh nhỏ bé với dân số vào khoảng 2,6 triệu người, trong đó đến 80% là người nước ngoài, được xếp hạng là nước giàu nhất thế giới tính theo thu nhập bình quân đầu người.

Phương Anh

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/kinh-doanh/kinh-te-qatar-du-manh-de-doi-mat-kho-khan-866815.html