Kinh tế Mỹ tăng trưởng 2,1% trong quý 2/2023

Theo dữ liệu được Bộ Thương mại Mỹ công bố ngày 30/8, nền kinh tế nước này tăng trưởng với tốc độ 2,1% trong quý 2/2023, cho thấy khả năng phục hồi trước chi phí vay cao hơn đối với người tiêu dùng và doanh nghiệp.

Kinh tế Mỹ quý 2/2023 tăng trưởng chậm hơn so với dự đoán đưa ra trước đó bởi Bộ Thương mại. Ảnh: AP

Dù bị chậm lại do các nỗ lực tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) nhằm kiềm chế lạm phát, nền kinh tế Mỹ vẫn ghi nhận sự tăng trưởng tích cực trong quý 2/2023. Cụ thể, với tốc độ này, GDP quý 2 của quốc gia này tăng trưởng thấp hơn mức dự báo 2,4% mà Bộ Thương mại đưa ra trước đó nhưng cao hơn một chút so với tốc độ 2% ghi nhận được trong quý 1 đầu năm.

Về phần nguyên nhân, AP trích dẫn báo cáo hôm 30/8 của Bộ Thương mại Mỹ cho biết tăng trưởng GDP - tổng sản lượng hàng hóa và dịch vụ - được thúc đẩy bởi sự gia tăng chi tiêu của người tiêu dùng, đầu tư kinh doanh và chi tiêu của chính quyền tiểu bang cũng như địa phương. Thước đo giá tiêu dùng trong báo cáo cũng cho thấy lạm phát đang hạ nhiệt, từ đó giúp giảm áp lực buộc Fed phải tăng lãi suất thêm.

Cụ thể, chi tiêu tiêu dùng, yếu tố chiếm khoảng 70% nền kinh tế Mỹ, đã tăng với tốc độ 1,7% hàng năm trong quý 2 - một mức tăng khả quan dù thấp hơn mức 4,2% trong 3 tháng đầu năm 2023. Một thước đo giá cả trong báo cáo GDP của Bộ Thương mại là chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân đã tăng với tỷ lệ 2,5% hàng năm trong quý 2, thấp hơn so với tốc độ 4,1% trong quý 1 và là mức tăng nhỏ nhất kể từ cuối năm 2020.

Kể từ khi đạt đỉnh 9,1% vào tháng 6/2022, lạm phát so với cùng kỳ năm trước đã giảm đều đặn. Tháng 7 trước đó, tỷ lệ này đạt 3,2% - một sự cải thiện đáng kể mặc dù vẫn cao hơn mục tiêu lạm phát 2% của Fed. Loại trừ chi phí năng lượng và thực phẩm dễ biến động, tỷ lệ lạm phát cơ bản trong tháng 7 khớp với mức tăng hàng tháng nhỏ nhất trong gần 2 năm qua.

Trong khi đó, đầu tư kinh doanh không bao gồm nhà ở đã tăng với tốc độ mạnh mẽ 6,1%. Đầu tư vào nhà ở bị ảnh hưởng bởi lãi suất thế chấp cao hơn nên đã giảm trong quý 2. Nhận định về các dấu hiệu tích cực, ông Eugenio Aleman, nhà kinh tế trưởng tại Raymond James, cho biết: “Tăng trưởng thấp hơn và giá cả tăng yếu hơn là tin tốt cho Cục Dự trữ Liên bang”.

Nhìn chung, nền kinh tế lớn nhất thế giới trong năm 2023 đã tỏ ra rất bền bỉ trước việc Fed liên tục tăng lãi suất nhằm ngăn chặn lạm phát đạt mức cao nhất trong 4 thập kỷ vào năm 2022. Kể từ tháng 3 năm ngoái, Fed đã tăng lãi suất cơ bản 11 lần, khiến việc vay mua mọi thứ từ ô tô, nhà cửa đến mở rộng kinh doanh trở nên đắt đỏ hơn nhiều và khiến nhiều người dự đoán về một cuộc suy thoái sắp tới.

Một thị trường việc làm mạnh kể từ khi Fed bắt đầu tăng lãi suất còn khiến lo ngại này lớn hơn nữa. Tuy nhiên, một báo cáo từ chính phủ Mỹ hôm 29/8 cho thấy các nhà tuyển dụng đăng ít cơ hội việc làm hơn trong tháng 7 và số người bỏ việc đã giảm trong tháng thứ hai liên tiếp, cho thấy rằng người lao động bắt đầu cảm thấy không tự tin trong việc tìm kiếm công việc mới.

Sự kết hợp giữa lạm phát sụt giảm, tăng trưởng kinh tế và việc tuyển dụng chậm hơn nhưng ổn định đã làm dấy lên hy vọng về việc Fed có thể khắc phục tình trạng lạm phát cao mà không gây ra một cuộc suy thoái.

Ngân Hà

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/kinh-te-my-tang-truong-21-trong-quy-22023-post26336.html