Kinh tế Mỹ ngăn thảm họa ngoạn mục, phần khó đã qua nhưng cạm bẫy vẫn còn?

Nền kinh tế Mỹ đã ngăn chặn được thảm họa vào năm 2023, đạt được tiến bộ đáng kể trong công cuộc giảm lạm phát và tránh được suy thoái.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế Mỹ tăng vọt. Ảnh minh họa. (Nguồn: Flipbound)

Khi bước sang năm 2023, các dự đoán của các chuyên gia đều nhất trí: một cuộc suy thoái đang đến. May mắn thay, năm 2023 sắp kết thúc, suy thoái kinh tế chưa đến.

Theo ABC News, năm qua, các nhà hoạch định chính sách tại nền kinh tế lớn nhất thế giới đã vượt qua những trở ngại khó khăn đưa nền kinh tế tiến tới "hạ cánh mềm". Một loạt tín hiệu tích cực đã đánh dấu sự khởi sắc của nền kinh tế trong những tháng gần đây.

Cụ thể, lạm phát tiếp tục giảm từ mức đỉnh khoảng 9% vào mùa Hè năm 2022. Giá cả hàng hóa trong tháng 11 đã giảm lần đầu tiên trong hơn ba năm rưỡi qua và đẩy tỷ lệ lạm phát hằng năm xuống dưới 3%.

Mặc dù thị trường lao động vẫn gặp khó nhưng tiền lương đã tăng 0,6% trong tháng 11. Việc này giúp bù đắp cho sự sụt giảm thu nhập cá nhân do chính phủ giảm viện trợ. Nhìn chung, sau khi đã tính tới lạm phát và thuế, thu nhập cá nhân của các hộ gia đình tăng 0,4%.

Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng vọt. Nền kinh tế tăng trưởng với tốc độ 4,9% trong quý III/2023, tăng hơn gấp đôi so với quý trước.

Tiến bộ về lạm phát nói trên đã dẫn tới việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thông báo mang tính bước ngoặt từ vào đầu tháng này: Các đợt tăng lãi suất sẽ giảm dần vào năm tới.

Việc cắt giảm lãi suất sẽ giảm bớt gánh nặng cho người đi vay và các doanh nghiệp đầu tư vào các dự án với chi phí thấp hơn. Về lý thuyết, một chính sách như vậy có thể giải phóng sự bùng nổ chi tiêu để thúc đẩy nền kinh tế.

Jean Hatzius, nhà kinh tế trưởng tại Ngân hàng đầu tư đa quốc gia Goldman Sachs mô tả khả năng cắt giảm lãi suất tại các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới, bao gồm cả Mỹ như một "chính sách bảo hiểm quan trọng chống lại suy thoái kinh tế".

Tháng trước, một báo cáo của Goldman Sachs về nền kinh tế lớn nhất thế giới nhấn mạnh: "Phần khó đã qua rồi!".

Bước sang năm mới, triển vọng lạc quan vẫn chiếm ưu thế trong giới kinh tế học. Nhiều chuyên gia dự đoán, nền kinh tế Mỹ sẽ chậm lại nhưng không suy giảm trong năm tới. Kết quả đó cho phép lạm phát có thể trở về gần mức bình thường, trong khi đất nước vẫn duy trì tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, có rất nhiều cạm bẫy tiềm ẩn. Fed dự báo việc cắt giảm lãi suất vào năm tới có thể làm bớt gánh nặng chi phí lãi suất và tăng chi tiêu, nhưng những động thái như vậy có nguy cơ làm cho lạm phát phục hồi và cả những rủi ro khác.

Ngân hàng đầu tư Morgan Stanley mô tả việc cắt giảm lãi suất là "tình thế tiến thoái lưỡng nan" đối với các ngân hàng trung ương. "Suy cho cùng, khả năng bùng nổ chi tiêu có thể làm tăng nhu cầu và tăng giá một lần nữa", ngân hàng này nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, nhiều quốc gia lớn trên thế giới sẽ tổ chức bầu cử vào năm tới, bao gồm cả Mỹ. Sự thay đổi trong chính sách kinh tế ở một hoặc nhiều quốc gia quan trọng có thể gây ra sự bất ổn và làm rung chuyển thị trường toàn cầu.

Ngoài ra, suy thoái vẫn là vấn đề được bàn luận tại Mỹ. Theo khảo sát tháng 12 của Hiệp hội Các nhà kinh tế học kinh doanh quốc gia (NABE), hơn 3/4 các nhà kinh tế (chiếm 76%) tin rằng, khả năng xảy ra suy thoái trong 12 tháng tới là 50% hoặc ít hơn.

Bà Larry Adam, Giám đốc đầu tư tại Raymond James nhận định: "Về cơ bản, chúng ta đang có một cuộc suy thoái nhẹ".

Công ty này cho rằng, đợt suy thoái tiếp theo có thể "nhẹ nhàng nhất trong lịch sử" và khả năng bắt đầu vào quý II/2024.

Trong số các nhà kinh tế của NABE đưa ra dự báo về kinh tế Mỹ năm tới, khoảng 40% ý kiến cho rằng, nền kinh tế lớn nhất thế giới bắt đầu cải thiện trong quý đầu tiên trong khi 34% gợi ý phải đến quý II/2024.

Đặc biệt, với những người dân Mỹ đang phải vật lộn với giá cả cao trong bối cảnh lạm phát gia tăng, họ đều cảm thấy suy thoái đã đến gần.

(theo ABC News, CNBC)

Linh Chi

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/kinh-te-my-ngan-tham-hoa-ngoan-muc-phan-kho-da-qua-nhung-cam-bay-van-con-255554.html