Kinh tế Mỹ dự đoán tăng trưởng 3,3% quý 4/2023

Theo số liệu dự đoán được Bộ Thương mại Mỹ công bố ngày 25/1, nền kinh tế quốc gia này tăng trưởng với tốc độ 3,3% trong quý 4/2023 với tiêu dùng mạnh mẽ bất chấp lãi suất và lạm phát khiến giá cả gia tăng.

Bộ Thương mại Mỹ ngày 25/1 công bố dự đoán tăng trưởng GDP quý 4 và cả năm 2023. Ảnh: AP

Hãng tin AP trích dẫn báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ cho biết GDP quý 4/2023 được dự đoán sụt giảm so với ngưỡng 4,9% của quý 3 trước đó, tuy nhiên vẫn phản ứng sự bền bỉ của nền kinh tế lớn nhất thế giới. Bất chấp những nhận định cho rằng việc tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) có thể gây ra suy thoái kinh tế, GDP năm 2023 của Mỹ vẫn được kỳ vọng đạt mức tăng trưởng 2,5% và gia tăng so với mức 1,9% của năm 2022.

Dữ liệu của quý 4/2023 đánh dấu quý thứ 6 liên tiếp GDP Mỹ tăng trưởng với tốc độ từ 2% trở lên. Trong đó, tiêu dùng chiếm khoảng 70% toàn bộ nền kinh tế là động lực chính thúc đẩy sự tăng trưởng khi gia tăng với tốc độ 2,8% hàng năm đối với các mặt hàng từ quần áo, đồ nội thất, phương tiện giải trí và các hàng hóa khác cho đến các dịch vụ như khách sạn và nhà hàng.

Ngoài tốc độ tăng trưởng tích cực, báo cáo dự đoán của Bộ Thương mại Mỹ trong quý 4/2023 cũng cho thấy lạm phát đang suy giảm. Cụ thể, giá tiêu dùng tăng với tốc độ 1,7% hàng năm, giảm từ mức 2,6% trong quý 3 trước đó. Nếu loại trừ giá thực phẩm và năng lượng dễ biến động, lạm phát cơ bản trong quý 4 đạt ngưỡng 2% hàng năm, giảm mạnh so với ngưỡng cao nhất trong 4 thập kỷ năm 2022.

Các con số trên góp phần thể hiện rằng Fed đang đi đúng hướng trong việc hạ cánh mềm – viễn cảnh tích cực nhất khi cơ quan này giữ lãi suất vay đủ cao để hạ nhiệt tăng trưởng, tuyển dụng và lạm phát nhưng không đến mức khiến nền kinh tế rơi vào tình trạng suy thoái.

Ngoài ra, chúng cũng có thể trấn an các nhà hoạch định chính sách của cơ quan này với kế hoạch cắt giảm lãi suất cơ bản 3 lần vào năm 2024, đảo ngược chính sách tăng mạnh lãi suất để chống lạm phát giai đoạn 2022-2023. Một số nhà kinh tế cho rằng Fed có thể bắt đầu cắt giảm lãi suất sớm nhất là vào tháng 5.

Trong một tuyên bố sau đó cùng ngày, Tổng thống Joe Biden cũng đánh giá cao tốc độ tăng trưởng kinh tế Mỹ trong quý 4 và cả năm 2023. AP dẫn lời ông cho biết: “Vào thời điểm tôi đắc cử, các chuyên gia đã nhấn mạnh rằng một cuộc suy thoái sắp xảy ra. Tháng nào cũng sẽ xuất hiện cảnh báo suy thoái. Tuy nhiên, chúng ta đã ghi nhận tốc độ tăng trưởng thực sự mạnh mẽ”.

Gần đây nhất vào tháng 4/2023, một mô hình kinh tế do Conference Board công bố đã xác định khả năng xảy ra suy thoái ở Mỹ trong 12 tháng tới là gần 99%. Tuy nhiên, các số liệu thực tế đã chứng minh điều này không xảy ra.

Một trong những lời giải thích tới từ việc thị trường việc làm đã hạ nhiệt, do đó giảm bớt áp lực buộc các công ty phải tăng lương để giữ hoặc thu hút nhân viên, sau đó chuyển chi phí lao động cao hơn sang cho khách hàng thông qua việc tăng giá.

Khi việc tăng lãi suất của Fed bắt đầu thể hiện tác dụng và giúp hạ nhiệt mức lạm phát cao nhất trong 4 thập kỷ hồi tháng 6/2022, những ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế Mỹ không nghiêm trọng như kỳ vọng. Các nhà tuyển dụng đã tạo thêm 225.000 việc làm mỗi tháng trong năm 2023 trong khi tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức dưới 4% trong 23 tháng liên tiếp, chuỗi dài nhất kể từ những năm 1960.

Một lý do khác giải thích sự vững chắc của nền kinh tế Mỹ nằm ở việc người tiêu dùng vượt qua đại dịch với tình hình tài chính tích cực, một phần là do hàng chục triệu hộ gia đình đã nhận được hỗ trợ của chính phủ. Kết quả là nhiều người tiêu dùng vẫn cố gắng tiếp tục chi tiêu ngay cả khi giá cả tăng cao và lãi suất cao.

Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc nền kinh tế Mỹ không đứng trước nguy cơ. Một số nhà kinh tế cho rằng tốc độ tăng trưởng sẽ suy yếu trong những tháng tới khi tiền tiết kiệm trong đại dịch cạn kiệt và lãi suất vay cao hơn làm giảm chi tiêu.

Ngân Hà

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/kinh-te-my-du-doan-tang-truong-33-quy-42023-post31333.html