Kinh tế Mỹ có khuynh hướng đi lên

SGTT.VN - Xây nhà mới trong tháng 12 năm ngoái tăng 12% so tháng 11 được ví như cánh én trở về khi khí hậu nền kinh tế ấm áp hơn.

Kinh tế Mỹ có khuynh hướng đi lên, hàng hóa bán được nhiều hơn.

Các báo cáo tổng hợp đưa ra cuối tuần qua cho thấy, nền kinh tế trì trệ của Mỹ có khuynh hướng đi lên một cách khiêm tốn. Con số công nhân thất nghiệp xin trợ cấp trong tuần trước lần đầu tiên giảm ở mức thấp nhất trong vòng năm năm qua.

Các nhà thầu Mỹ đang bắt đầu xây dựng thêm nhiều nhà ở hơn lúc nào hết kể từ giữa năm 2008. Theo bộ Thương mại Mỹ, việc xây nhà mới vào tháng 12 ở nhịp độ hàng năm là 954.00 căn nhà, đã gia tăng hơn 12% so với tháng 11. Trong toàn năm 2012, ngành xây dựng nhà cửa, một trong những ngành bị ảnh hưởng nặng nhất trong cuộc suy thoái trước đó, đã bắt đầu việc xây dựng 780.000 căn nhà mới. Đành rằng, con số này vẫn chỉ bằng một nửa con số mà các nhà kinh tế xem là một thị trường lành mạnh, nhưng đây là con số cao nhất kể từ năm 2008.

Bộ Lao động Mỹ cho biết có 335.000 công nhân thất nghiệp xin chính phủ trợ cấp, giảm 37.000 người so với một tuần trước đấy. Khuynh hướng thuê mướn công nhân theo mùa có thể đã góp phần làm cho con số thất nghiệp giảm mạnh, như vậy, thị trường lao động Mỹ đã tăng tiến một cách vững chắc tuy còn chậm. Các nhà phân tích nói việc số công nhân đệ đơn xin trợ cấp mới giảm sút có thể là một chỉ dấu cho thấy các chủ nhân đang sa thải ít công nhân hơn.

Chuyên gia cao cấp James Glassman thuộc JPMorgan Chase, một trong những ngân hàng lớn nhất nước Mỹ, nhận định, dù có tất cả những than phiền và lo lắng về nền kinh tế trong năm qua, hai lĩnh vực nhạy cảm nhất về tín dụng tại Hoa Kỳ là ôtô và nhà cửa đã phát triển trở lại. Và có thể nói là phát triển khá lạc quan.

Theo các dự báo, năm nay, GDP của Mỹ sẽ tăng trưởng 2,4%, cao hơn mức 1,9% dự kiến của năm 2012. Một trong những động lực chủ yếu của nền kinh tế Mỹ năm 2013 là thị trường nhà đất đang có nhiều dấu hiệu cải thiện. Năm ngoái, hiệp hội Các doanh nghiệp trên toàn quốc (NABE) dự báo các ngôi nhà mới bắt đầu tăng giá 23% và sau đó sẽ tiếp tục tăng thêm 13% nữa trong năm nay. Tốc độ tăng trưởng kinh tế vừa phải có nghĩa là thị trường việc làm sẽ không thay đổi lớn. Các nhà kinh tế của NABE dự đoán, quý 4/2013, tỷ lệ thất nghiệp sẽ dừng ở mức 7,8%, ngang bằng mức hồi tháng 8.2012.

Nền kinh tế tạo thêm trung bình 132.000 việc làm/tháng trong năm 2012 và theo dự báo, năm 2013 sẽ tăng thêm trung bình 155.000 việc làm/tháng. Đó là một trong những lý do chủ yếu mà các nhà kinh tế dự đoán rằng FED sẽ tiếp tục chính sách tiền tệ như hiện nay và không tăng lãi suất cho đến năm 2015.

Đà hồi phục của kinh tế Mỹ trong bối cảnh châu Âu suy thoái và Trung Quốc tăng trưởng thấp nhất trong 13 năm qua, khiến có dự báo lạc quan cho rằng Mỹ sẽ là động cơ phát triển của kinh tế toàn cầu trong năm nay. Tuy nhiên, trước đó, chủ tịch FED Ben S. Bernanke vẫn thận trọng cho rằng, chưa thể khẳng định chắc chắn thời điểm nào là lúc đủ tự tin để nói kinh tế Mỹ trên đà hồi phục hoàn toàn.

Dân Mỹ chờ thời điểm này nóng lòng chẳng kém đón đợi bài diễn văn ngày mai của Tổng thống Obama (thực chất là hôm nay, nhưng do lệch múi giờ nên mai ta mới có!).

Tuy nhiên, vì lễ chính thức (20.1) rơi vào chủ nhật nên tổng thống sẽ lặp lại lời tuyên thệ trong buổi lễ lớn hơn trước công chúng vào ngày thứ hai, và đọc diễn văn nhậm chức trước sự theo dõi của người dân Mỹ và thế giới bên ngoài tòa nhà Quốc hội trên đồi Capitol. Các trợ lý của ông Obama tiết lộ một số chi tiết trong bài phát biểu ngày mai, cho biết tổng thống sẽ nhấn mạnh đoàn kết dân tộc và hàn gắn những chia rẽ sau cuộc chạy đua vận động tranh cử.

Bài phát biểu của ông cũng được cho là sẽ bao gồm nhiều ý tưởng, có sức hấp dẫn như thi ca, nhưng chưa đưa ra các chính sách cụ thể sẽ được ông trình bày khi ông đọc thông điệp Liên bang vào ngày 12.2. Tuy nhiên, ông Obama sẽ phát đi một số thông điệp đến các đồng minh và kẻ địch để định hình những ưu tiên hàng đầu gồm vấn đề nhập cư, cải tổ lĩnh vực năng lượng và kiểm soát chặt chẽ vũ khí.

Trong lần nhậm chức đầu tiên (năm 2009), ông Obama đã nhắc lại “lý lịch” của mình để ca ngợi sự bình đẳng ở nước Mỹ: “Tại sao một người đàn ông có cha từng bị từ chối phục vụ tại một tiệm ăn địa phương non 60 năm trước đây thì hôm nay, có thể đứng trước quý vị để thực hiện lời tuyên thệ thiêng liêng nhất của một tổng thống?”

Không khí của ba ngày lễ nhậm chức, cùng với các dự báo đầu năm cho thấy, nước Mỹ đang dần dần giành lại vị trí động cơ phát triển của thế giới, vốn đã thuộc về Trung Quốc và các nền kinh tế mới nổi. Mỹ đang tìm cách khẳng định lại vai trò truyền thống của mình trong tiến trình tăng trưởng trở lại của kinh tế của thế giới.

Giang Thủy

Nguồn SGTT: http://sgtt.vn/quoc-te/174472/kinh-te-my-co-khuynh-huong-di-len.html