Kinh tế Hồ tích nước 'vượt ngưỡng', dân thiệt hại

TTH - Hàng trăm ha đất trồng rừng, đất sản xuất của người dân ở Nam Đông bị ngập úng, thiệt hại do hồ Tả Trạch nằm ở thượng nguồn sông Hương, tích nước trên cao trình mực nước dâng bình thường (+45m). Ngành chức năng tiến hành thống kê diện tích bị ngập lụt trong lòng hồ chứa nước Tả Trạch nhằm đề xuất Bộ NN&PTNT tiến hành đền bù, hỗ trợ cho người dân.

Hồ Tả Trạch tích nước “vượt ngưỡng” gây chết cây trồng của người dân Hương Phú (Nam Đông)

Cây trồng bị chết

Từ khi hồ chứa Tả Trạch đi vào hoạt động đến nay, quá trình vận hành, tích nước giảm lũ đã phát sinh nhiều bất cập đối với diện tích vùng đất trồng rừng bán ngập trong lòng hồ ở địa bàn huyện Nam Đông. Đặc biệt, trận mưa lũ đầu năm 2021, Ban quản lý Đầu tư và Xây dựng thủy lợi 5 (Bộ NN&PTNT) tiến hành tích nước trên cao trình mực nước dâng bình thường (+45m), khiến hàng trăm ha diện tích đất trồng rừng, vườn tược của người dân ở các xã Hương Phú, Hương Sơn, Hương Xuân bị ngập, cây trồng bị chết.

Ông Nguyễn Văn Thành (thôn Thành An, xã Hương Phú) cho biết, đợt lũ cuối năm vừa qua, hồ Tả Trạch tích nước hơn mức dâng bình thường gần 1m khiến khoảng 3.000 cây cao su, keo tràm của gia đình trồng đã nhiều năm bị ngập sâu, kéo dài nhiều ngày khiến cây chết la liệt. Toàn bộ diện tích đất rừng sản xuất của gia đình khoảng 4,5ha, khi hồ Tả Trạch tích nước từ cao trình +45m đến +53m thì gần như diện tích thuộc vùng bán ngập bị ảnh hưởng. Từ năm 2017 đến nay đã diễn ra nhiều lần, nhưng chưa có sự đền bù hỗ trợ cho người dân.

Ông Trần Bảo Thắng, Chủ tịch UBND xã Hương Phú cho biết, vấn đề hồ Tả Trạch tích nước cao hơn mức nước dâng bình thường gây thiệt hại cho người dân trên địa bàn đã được phản ánh, kiến nghị qua nhiều lần tiếp xúc cử tri nhưng vẫn chưa được giải quyết thấu đáo. Nguyên nhân quá trình tích nước hồ Tả Trạch vào thời điểm có mưa lũ lớn thường trên mực nước dâng bình thường, trong khi thời điểm đền bù, giải phóng mặt bằng trước đây chỉ ở mức + 45m.

Mới đây, chính quyền địa phương đã phối hợp với UBND huyện, Ban quản lý Đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 5 tiến hành kiểm tra, rà soát và đo đạc lại, dựa trên số liệu diện tích người dân tự khai báo để thống nhất về số diện tích đề xuất các ban, ngành hỗ trợ, đền bù. Theo thống kê, hiện trên địa bàn xã có hơn 27,4ha đất nhà ở và đất vườn liền kề đất ở của 139 hộ dân; gần 15ha đất nông nghiệp, đất trồng cây lâu năm, đất rừng sản xuất ảnh hưởng bởi việc tích nước cao hơn mức bình thường của hồ Tả Trạch. Một số tuyến đường lâm sinh trên địa bàn thường bị ngập sâu khi hồ Tả Trạch tích nước khiến việc đi lại, chăm sóc cây rừng người dân gặp khó khăn.

“Hiện nay trên thực địa không có các mốc ranh giới bị ảnh hưởng của hành lang bảo vệ lòng hồ Tả Trạch, nên người dân rất khó để xác định được phạm vi bị ảnh hưởng của lòng hồ, để thực hiện công tác kê khai. Đồng thời, công tác kiểm đếm đền bù thu hồi đất trước đây không rõ ràng, không thực hiện công tác chỉnh lý thu hồi đất. Việc xác định vị trí loại đất mà người dân đã được thu hồi trước đây là rất khó khăn”, ông Thắng nói.

Sớm đền bù cho người dân

Theo Ban quản lý Đầu tư và Xây dựng thủy lợi 5, những năm qua, đơn vị này đã vận hành điều tiết nước theo quy trình để cắt giảm lũ cho vùng hạ du sông Hương, vào thời điểm cuối mùa mưa lũ hồ Tả Trạch đã tích nước đến mực nước dâng bình thường ở cao trình +45m. Tuy nhiên, trong tháng 1 năm 2021, do ảnh hưởng liên tiếp của các đợt không khí lạnh tăng cường, trên địa bàn tỉnh đã có mưa to kéo dài nhiều ngày, lưu lượng về hồ tăng cao trở lại.

Nhằm hạn chế lưu lượng nước về hạ lưu để đảm bảo cho việc tiêu úng phục vụ gieo cấy vụ đông xuân, hồ Tả Trạch đã tích nước trên cao trình mực nước dâng bình thường +45 (cao trình tích nước cao nhất trong đợt +45,83m vào ngày 17/1/2021) đã làm ngập úng trong lòng hồ từ cao trình +45m đến +45,83m, gây ảnh hưởng đến đời sống sản xuất của các hộ dân ở các xã Hương Phú, Hương Sơn, Hương Xuân thuộc huyện Nam Đông.

Trước tình hình trên, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, các cơ quan chức năng triển khai công tác kiểm tra, rà soát, kê khai diện tích bị ngập lụt trong lòng hồ chứa nước Tả Trạch từ cao trình +45 đến +53 để tiến hành đo đạc, lập phương án đền bù, hỗ trợ cho người dân.

Ông Trần Quốc Phụng, Chủ tịch UBND huyện Nam Đông thông tin, chính quyền đã phối hợp với các đơn vị liên quan đo đạc nhiều lần, khảo sát, lập phương án kinh phí đền bù từ cao trình + 45m đến cao trình mực nước lũ thiết kế. Đề xuất, phối hợp Ban quản lý Đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 5 lập phương án khai thác tổng hợp, sử dụng đất vành đai lòng hồ từ cao trình +45m đến + 53m để đảm bảo hoạt động an toàn công trình khi vận hành điều tiết lũ khẩn cấp và hành lang bảo vệ nguồn nước, làm cơ sở điều chỉnh bổ sung quy trình vận hành phù hợp cũng như theo năng lực thiết kế công trình.

Đến nay, Ban quản lý Đầu tư và Xây dựng thủy lợi 5 phối hợp với các địa phương và người dân huyện Nam Đông tự kê khai diện tích đất, cây trồng, nhà ở, nông trại nằm trong phạm vi hàng lang bảo vệ lòng hồ Tả Trạch từ cao trình +45m đến +53 và đang niêm yết công khai tại các địa phương với số diện tích bị ảnh hưởng là 267,54ha của 294 hộ dân.

Sau thời gian thông báo niêm yết công khai, Ban quản lý Đầu tư và Xây dựng thủy lợi 5 sẽ chốt số liệu, tiến hành thuê đơn vị chuyên môn đối chiếu, đo đạc lập bản đồ và phương án đền bù để báo cáo Bộ NN&PTNT, UBND tỉnh xem xét, áp giá đền bù, hỗ trợ cho người dân khu vực ảnh hưởng trên địa bàn huyện Nam Đông theo đúng quy định.

Tả Trạch là công trình thủy lợi - thủy điện đa mục tiêu được xây dựng trên dòng chính sông Tả Trạch (một phụ lưu chính của sông Hương), đưa vào vận hành từ năm 2016. Công trình có các chức năng, nhiệm vụ chống lũ tiểu mãn và lũ sớm, giảm lũ chính vụ cho hệ thống sông Hương, hạn chế độ sâu úng ngập cho TP. Huế; cấp nước cho sinh hoạt và nguồn nước tưới ổn định cho gần 35 nghìn ha đất canh tác thuộc vùng đồng bằng sông Hương.

Bài, ảnh: HÀ NGUYÊN

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/ho-tich-nuoc-vuot-nguong-dan-thiet-hai-a115753.html